Cú hích từ bất ổn kinh tế hậu gia nhập WTO

TS. Nguyễn Thị Hải Hà - Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực, Vietinbank

(Tài chính) Chính thức là thành viên WTO tháng 11/2006, Việt Nam tiếp nhận các cơ hội mới, nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức lớn và đã không tránh khỏi bất ổn kinh tế. Với việc tuân thủ các cam kết WTO, Việt Nam không chỉ mở cửa đối với thị trường bên ngoài mà cũng tạo dựng một môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch hơn đối với thị trường nội địa, theo hướng khuyến khích quyền tự do kinh doanh của các chủ thể kinh tế, nhất là đối với khu vực kinh tế tư nhân... Nguồn vốn đầu tư đã bứt phá mạnh mẽ, đặc biệt là đầu tư nước ngoài.

 Gia tăng rủi ro hệ thống ngân hàng gắn với bất ổn kinh tế hậu gia nhập WTO

Tổng đầu tư xã hội năm 2007 cao kỷ lục, lên tới 46,5% GDP, trong đó đầu tư nguồn vốn FDI tăng tới 93,4%. Do nền kinh tế chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng, hệ thống ngân hàng cũng có bước nhảy vọt trong hoạt động. Tín dụng năm 2007 tăng tới 54%, gấp trên 2 lần so với mức tăng năm 2006.

Cú hích từ bất ổn kinh tế hậu gia nhập WTO - Ảnh 1

Nguồn vốn đầu tư tăng quá mạnh không chỉ tạo các áp lực tăng giá lớn, mà cán cân thương mại của Việt nam cũng nhanh chóng xấu đi. Thâm hụt tài khoản vãng lai từ 0,3% GDP năm 2006 leo lên 9,8% GDP năm 2007, thâm hụt thương mại từ 4,6% GDP lên 14,6% GDP cùng kỳ. Tiền đồng, do đó, đã chịu các áp lực giảm giá lớn.

Cú hích từ bất ổn kinh tế hậu gia nhập WTO - Ảnh 2

Có thể nói, ngay năm đầu gia nhập WTO, nền kinh tế đã đối mặt với các vấn đề bất ổn và tình trạng đã bộc lộ rõ rệt vào năm tiếp theo, khi cán cân vãng lai tiếp tục xấu đi, vượt ngưỡng an toàn theo thông lệ, CPI lên tới 23% và tỷ giá VND trên thị trường tự do leo cao hơn trần tỷ giá chính thức tới 16% vào tháng 6 năm 2008...

Trước thực trạng đó, các chính sách thắt chặt đã được áp dụng vào năm 2008. Cộng với tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, kinh tế nước ta bắt đầu rơi vào chu kỳ suy giảm, GDP rơi từ 8,46% năm 2007 xuống 6,3% năm 2008 và tiếp tục ở các mức rất thấp so với trước khi gia nhập WTO mặc cho việc điều chỉnh liên tục các chính sách tài chính – tiền tệ nhằm ổn định vĩ mô, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh. 

Cú hích từ bất ổn kinh tế hậu gia nhập WTO - Ảnh 3

Trong bối cảnh kinh tế suy giảm mạnh, các chính sách vĩ mô liên tục thay đổi, rủi ro và mức độ tổn thương của hệ thống ngân hàng đã lan rộng ở mọi góc độ:

Thứ nhất, rủi ro đối với hoạt động tín dụng – hoạt động chính của các ngân hàng thương mại

Ngay sau khi tăng mạnh vào năm 2007, tín dụng ngân hàng đã giảm tốc vào năm 2008 do (1) triển khai chính sách thắt chặt và (2) kinh tế đã bắt đầu hạ nhiệt. Chỉ từ tháng 2 năm 2008 đến giữa tháng 6 năm 2008, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 3 lần điều chỉnh, tăng lãi suất tái chiết khấu tổng cộng 700 điểm %, từ 6% lên 13% và lãi suất tái cấp vốn cấp vốn 750 điểm %, từ 7,5% lên 15,5%. Sau đó lãi suất có hạ, nhưng vẫn ở mức cao cho tới cuối tháng 11/2008. Với việc triển khai gói kích cầu năm 2009-2010, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã tăng trở lại trong 2 năm 2009, 2010, trước khi rơi xuống các mức rất thấp trong nhiều năm trở lại đây. Kinh tế suy giảm, nhu cầu đầu tư giảm, kéo theo tín dụng giảm là logic tất yếu. Vấn đề là, đầu ra tắc nghẽn, nên không chỉ nhu cầu vay mới giảm, mà khả năng trả nợ cũ cũng giảm theo. Nợ xấu bắt đầu gia tăng, đặc biệt là nợ nhóm 4, nhóm 5, do tình trạng phá sản, giải thể của các doanh nghiệp bùng phát và giá trị tài sản bảo đảm - phần lớn là bất động sản - cũng bốc hơi nhanh chóng.

Nợ xấu tăng nhanh trong thời gian qua cũng gắn liên với việc cho vay phi sản xuất, trong đó đến 80% là cho vay bất động sản đã gia tăng quá nhanh và chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục cho vay của các ngân hàng thương mại (NHTM), có những NHTM tỷ trọng cho vay phi sản xuất lên tới trên 50% tổng dư nợ.

Tín dụng ngoại tệ tăng tốc cũng tiềm ẩn rủi ro đáng kể đối với các NHTM. Do chênh lệch lãi suất tín dụng nội ngoại tệ lớn, cung cầu tín dụng ngoại tệ được đẩy lên rất cao, năm 2010, tín dụng ngoại tệ tăng tới 50%, trong khi tín dụng nội tệ chỉ tăng trên 10%. Tín dụng ngoại tệ tăng cao cũng cộng hưởng tăng nhu cầu ngoại tệ, áp lực tỷ giá trong nền kinh tế. Việc điều chỉnh tỷ giá, do đó, là vấn đề khó tránh khỏi và làm tăng đáng kể gánh nặng nợ ngoài tầm kiểm soát của cả khách hàng và ngân hàng.

Thứ hai, rủi ro đối với hoạt động huy động

Gia nhập WTO với môi trường kinh tế đầy biến động tiêu cực, áp lực giảm giá VND lớn, cộng với sự leo thang chưa từng có trong lịch sử của giá vàng đã cho thấy việc huy động vốn của các NHTM rất gian nan. Cạnh tranh trong huy động vốn gay gắt đến mức, các NHTM đã trao toàn quyền chủ động về giá, về kỳ hạn gửi tiền cho khách hàng gửi tiền. Các sản phẩm huy động bị bóp méo, thời hạn huy động vốn đã khá khiêm tốn so với kỳ hạn cho vay, nay lại ngắn hơn nhiều. Đặc biệt các NHTM hoàn toàn rơi vào thế bị động, khi cho phép khách hàng gửi tiền rút tiền bất kỳ lúc nào, với lãi suất theo kỳ thực gửi.

Rủi ro huy động vốn còn gắn với các xu hướng huy động ngoại tệ, huy động vàng trong nền kinh tế. Để đáp ứng các nhu cầu nguồn vốn rất lớn, kể cả cho các nhu cầu tín dụng và nhu cầu thanh khoản, các NHTM đã tận dụng mọi biện pháp để huy động nguồn. Cho dù giá vàng đã bắt đầu gia tăng, tỷ giá cũng luôn trong trạng thái căng thẳng, các NHTM vẫn thực hiện huy động vàng và ngoại tệ. Các nhu cầu huy động vàng và ngoại tệ tiếp tục gây áp lực tăng giá vàng và ngoại tệ, tiềm ẩn việc gia tăng gánh nặng nghĩa vụ nợ đối với bản thân ngân hàng, nhất là trong điều kiện giá vàng thế giới leo thang và tình trạng đô la hóa – vàng hóa nền kinh tế đi liền với các xu thế tăng giá vàng, giá ngoại tệ trong nước nhanh hơn các biến động nền tảng về kinh tế, về biến động giá thế giới.

Thứ ba, rủi ro đối với vấn đề quản lý thanh khoản

Rủi ro thanh khoản là rủi ro rất nghiêm trọng đối với hoạt động NHTM và vấn đề này cũng đã gia tăng nhanh chóng thời hậu gia nhập WTO của nước ta. Sự nhảy vọt của lãi suất liên ngân hàng vào những tháng đầu năm 2008 và năm 2011 cho thấy nhiều NHTM đã thực sự trong tình trạng khó khăn về thanh khoản.

Rủi ro thanh khoản đối với hệ thống NHTM nảy sinh từ nhiều kênh. Một là, do các NHTM đã mở rộng tín dụng quá nhanh, theo đuổi tương quan tín dụng/huy động vốn ở mức cao hơn nhiều so với thông lệ. Đối với nhiều NHTM, kể cả các NHTM lớn nhất như BIDV, VietinBank, thì tỷ lệ tín dụng/huy động tiền gửi khách hàng cũng thường trên 100%. Hai là, nợ xấu tăng nhanh và nhiều khoản cho vay không trở lại ngân hàng theo kế hoạch đã định. Ba là, cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động huy động vốn, gắn với việc rút ngắn thời gian huy động và cho phép khách hàng rút tiền bất kỳ lúc nào, trong khi dư nợ trung dài hạn vẫn duy trì ở mức xung quanh 40% tổng dư nợ. Bốn là, các bất ổn kinh tế cộng với yếu kém trong hoạt động ngân hàng, đặc biệt là các NHTM nhỏ, đã ngăn cản luồng vốn vào các ngân hàng này...

Thứ tư, rủi ro về nguồn thu nhập của các NHTM

Cho tới nay nguồn thu nhập chính của hệ thống NHTM vẫn là từ nguồn thu lãi, thu phí dịch vụ của các NHTM không thể hiện xu thế cải thiện rõ ràng, thậm chí còn giảm đối với VCB và MB. Việc phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thu tín dụng trong bối cảnh kinh tế suy thoái, tín dụng suy giảm đe dọa tới khả năng duy trì lợi nhuận của các NHTM. Thêm vào đó, các áp lực về lợi nhuận từ các chủ sở hữu ngân hàng cũng sẽ ngăn cản việc giảm lãi suất cho vay của các NHTM ở mức phù hợp với các điều kiện của khu vực sản xuất, gây tác động không tốt tới môi trường kinh doanh của chính ngành ngân hàng.

Cú hích từ bất ổn kinh tế hậu gia nhập WTO - Ảnh 4

Thứ năm, rủi ro từ vấn đề sở hữu chéo và các hoạt động trá hình trong hệ thống ngân hàng

Sở hữu chéo đã lan rộng thời gian qua nhằm phản ứng trước các chính sách quản lý chặt chẽ hơn hoạt động ngân hàng của các cơ quan nhà nước, trong đó có vần đề hạn chế cho vay bất động sản; hạn chế vay mượn trên thị trường 2. Bên cạnh đó, sở hữu chéo còn gắn với các lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, khi các CEO của ngân hàng thực hiện các hoạt động huy động, cho vay thông qua các công ty thuộc quyền sở hữu… nhằm thâu tóm thị trường. Hệ quả không chỉ là rủi ro đối với hoạt động ngân hàng, mà đối với toàn bộ nền kinh tế, do cung cầu bị bóp méo, giá cả bị đẩy lên vượt quá khả năng của nền kinh tế.

Phát triển bền vững NHTM – những bước đi ban đầu

Trước thực trạng xấu đi nhanh chóng của nền kinh tế và hệ thống ngân hàng, hàng loạt các biện pháp đã được áp dụng, trong đó việc phát triển bền vững hệ thống NHTM đã và đang là vấn đề ưu tiên của nền kinh tế.

Các điều tiết trước mắt

Nhằm hạn chế rủi ro gia tăng đối với hệ thống ngân hàng, NHNN đã xiết chặt quản lý hoạt động ngân hàng, đặt trọng tâm vào các kênh gây rủi ro chủ yếu đang diễn ra, cụ thể:

- Kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo năng lực của các nhóm ngân hàng.

- Tăng cường các tỷ lệ an toàn trong hoạt động kinh doanh ngân hàng, chú trọng vấn đề thanh khoản của từng NHTM; 

- Điều chỉnh giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, với việc áp các trần tỷ trọng tín dụng phi sản xuất là 22% vào 30/6/2011, và vào 31/12/2011, tỷ trọng này tối đa là 16%, đi kèm với chế tài là áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc gấp hai (02) lần so với tỷ lệ dự trữ bắt buộc chung đối với tổ chức tín dụng và biện pháp hạn chế phạm vi hoạt động kinh doanh trong 06 tháng cuối năm 2011 và năm 2012 nếu các NHTM vi phạm.

- Hạn chế cho vay nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục các mặt hàng nhập khẩu không thiết yếu, hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu do Bộ Công thương ban hành.

- Tăng cường quản lý hoạt động huy động và cho vay bằng vàng; từng bước giảm mạnh và chấm dứt huy động và cho vay bằng vàng.

- Áp trần lãi suất huy động vốn bằng VND và USD theo quy định của NHNN; trong đó hạ thấp lãi suất huy động kỳ hạn dưới 1 tháng.

- Qui định tổ chức tín dụng (TCTD) không được nhận ủy thác từ cá nhân; Dư nợ cho vay từ vốn ủy thác của tổ chức tính vào dư nợ tín dụng (2/5/2012);

- Xiết chặt cho vay ngoại tệ (18/3); thu hẹp trạng thái ngoại tệ từ +/- 30% xuống +/- 20% (2/5/2012);

- Yêu cầu cung cấp thông tin vay, gửi, đầu tư trái phiếu của TCTD khác (6/2);

- Xử lý vấn đề sở hữu chéo trong ngành ngân hàng.

Mặc dù còn nhiều ý kiến xung quanh các biện pháp hành chính trên đây, song có thể thấy rằng, việc áp dụng các biện pháp này đã nhanh chóng hạn chế các NHTM tiếp tục chấp nhận rủi ro trong hoạt động, hỗ trợ bình ổn nền kinh tế. Thực tế, các chỉ số vĩ mô đều đã được cải thiện rõ rệt.

Vấn đề phát triển bền vững hệ thống NHTM trong trung dài hạn

Bên cạnh việc hạn chế các rủi ro gia tăng trong hệ thống ngân hàng, các biện pháp trung dài hạn cũng đã được thực hiện nhằm chuyển đổi, tái cơ cấu, hướng tới phát triển bền vững hệ thống TCTD. Đó là việc cho ra đời luật TCTD năm 2010 và việc thông qua thực hiện đề án tái cơ cấu hệ thống TCTD.

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng

Trong khuôn khổ lộ trình của đề án, năm 2011- 2012, quá trình tái cơ cấu tập trung vào đánh giá cụ thể mức độ rủi ro của mỗi tổ chức để có các biện pháp tái cơ cấu phù hợp, trong đó ưu tiên các vấn đề về tăng vốn (để đối phó với các tổn thất đang giá tăng trong hoạt động ngân hàng), xử lý nợ xấu (đang ở mức rất cao) và vấn đề cốt lõi là quản trị ngân hàng, cụ thể là:

- Đánh giá, xác định thực trạng hoạt động, chất lượng tài sản và nợ xấu của các tổ chức tín dụng;

- Tiến hành đánh giá và phân loại tổ chức tín dụng;

- Xây dựng và triển khai phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém và tổ chức tín dụng khác;

- Tập trung hỗ trợ thanh khoản để bảo đảm khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng;

- Hoàn thành căn bản phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của các NHTM nhà nước (trừ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam);

- Triển khai sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng;

- Tăng vốn điều lệ và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng;

- Cơ cấu lại hoạt động và hệ thống quản trị.

Kết quả dự kiến là khả năng chi trả của toàn hệ thống các TCTD về cơ bản được bảo đảm, đồng thời xác định, kiểm soát được tình hình của TCTD yếu kém để làm cơ sở cho việc áp dụng các biện pháp cơ cấu lại ở giai đoạn sau.

Thực tế, NHNN đã tiến hành phân loại TCTD và đưa 9 TCTD yếu kém thuộc sự kiểm soát của NHNN) (6/3); hướng dẫn Áp giới hạn tín dụng 17%, 15%, 8% và 0% đối với 4 nhóm TCTD (13/2); hướng dẫn các TCTD thực hiện cơ cấu lại nợ; Sáp nhập & hợp nhất; Xử lý một phần nợ xấu....

Thực thi Luật NHNN và luật các TCTD

Năm 2010 là năm đầu thực thi Luật NHNN và luận các TCTD sửa đổi. Với các qui định của hai luật mới, thì các yâu cầu hoạt động thận trọng đối với hệ thống ngân hàng được tăng cường. Cụ thể:

- Phân biệt ngân hàng và TCTD phi ngân hàng, qui định các tỷ lệ an toàn chặt chẽ hơn đối với các NHTM, các tỷ lệ an toàn thấp hơn đối với các TCTD phi ngân hàng, cho phép các tổ chức TCTD phi ngân hàng mở rộng quyền hạn và phạm vi hoạt động;

- Luật mới yêu cầu TCTD phải xây dựng và ban hành các quy định nội bộ đối với mọi hoạt động nghiệp vụ của tổ chức tín dụng (bao gồm: Quy định về cấp tín dụng, quản lý tiền vay; Quy định về phân loại tài sản có, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro; Quy định về đánh giá chất lượng tài sản có và tuân thủ tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu; Quy định về quản lý thanh khoản; Quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ và cơ chế kiểm toán nội bộ; Quy định về hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ; Quy định về quản trị rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng; Quy định về quy trình, thủ tục để ngăn ngừa hành vi rửa tiền, tài trợ khủng bố và tội phạm khác; Quy định về phương án xử lý các trường hợp khẩn cấp) nhằm bảo đảm TCTD hoạt động an toàn, liên tục. Các quy định nội bộ của TCTD sau khi ban hành phải được gửi cho NHNN.

- Mở rộng các tỷ lệ an toàn gồm: (các tỷ lệ cũ) tỷ lệ khả năng chi trả, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (8% hoặc cao hơn, theo Thông tư 13 là 9%), tỷ lệ tối đa của vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn; (các tỷ lệ mới) trạng thái ngoại tệ, vàng tối đa so với vốn tự có; tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi và các tỷ lệ tiền gửi trung, dài hạn so với tổng dư nợ cho vay trung, dài hạn.

- Mở rộng các dịch vụ ngân hàng như kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối, sản phẩm phái sinh của NHTM (phái sinh về tỷ giá, lãi suất, ngoại hối, tiền tệ và tài sản tài chính khác theo quy định của pháp luật về ngoại hối); dịch vụ quản lý tiền mặt, tư vấn tài chính, quản lý, bảo quản tài sản, cho thuê tủ, két an toàn, tư vấn TCDN, tư vấn mua, bán, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp, tư vấn đầu tư, mua, bán trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, môi giới tiền tệ; dịch vụ lưu ký chứng khoán, kinh doanh vàng và các hoạt động kinh doanh khác (với sự phê chuẩn của NHNN). Việc mở rộng các hoạt động dịch vụ vừa tạo các công cụ để phòng ngừa rủi ro, vừa giảm dần sự lệ thuộc của các NHTM vào nguồn thu tín dụng.

- Yêu cầu về kiểm toán chặt chẽ hơn, trong đó việc lựa chọn kiểm toán độc lập phải được thực hiện trước khi năm tài chính được kiểm toán bắt đầu... để nắm bắt tình hình kinh doanh của TCTD suốt năm tài chính; báo cáo kiểm toán không được có ý kiến ngoại trừ (qualified opinion), nếu có, TCTD phải thực hiện kiểm toán lại.

Với các biện pháp trên đây, có thể nói, theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững của hệ thống NHTM sẽ tập trung vào việc thiết lập một hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả, đa dạng hóa các hoạt động dịch vụ, tăng cường quản trị hiệu quả của mỗi TCTD và tăng cường công tác kiểm toán độc lập nhằm duy trì liên tục hoạt động của các TCTD nói chung, NHTM nói riêng trong phạm vi các giới hạn an toàn một cách trung thực, khách quan, phù hợp với các điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ phát triển.