“Cuộc chiến” chống hàng giả, hàng lậu còn lắm gian nan

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Vướng mắc lớn nhất hiện nay trong việc chống hàng giả, hàng lậu là nhận thức về vấn đề chống hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại còn thiếu đồng nhất về phương pháp thực thi giữa các cơ quan và trong cùng một lực lượng.

 “Cuộc chiến” chống hàng giả, hàng lậu còn lắm gian nan
Vấn đề chống hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại còn thiếu đồng nhất về phương pháp thực thi giữa các cơ quan và trong cùng một lực lượng. Nguồn: internet
Buôn lậu, hàng giả không trừ ngành nào

Số liệu của Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2012, lực lượng quản lý thị trường tiến hành kiểm tra 181.000 trường hợp, chiếm một nửa trong số đó (90.000 trường hợp) bị phát hiện thực hiện các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu.

Còn trong 10 tháng năm 2013, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra và xử lý trên 67.000 vụ vi phạm về vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu trên toàn quốc với tổng số thu nộp ngân sách gần 250 tỷ đồng. Như vậy, tính trung bình mỗi tháng, lực lượng quản lý thị trường phải xử lý trên 6.000 vụ vi phạm. Con số này cho thấy vấn nạn hàng giả hàng nhái, hàng nhập lậu ngày càng có xu hướng gia tăng và nếu như không có biện pháp nào ngăn chặn nhằm giảm thiểu, sẽ rất nguy hiểm cho nền kinh tế.

Hàng giả không chỉ có xuất xứ từ nước ngoài, mà còn được sản xuất trong nước. Các đối tượng làm hàng giả đã hết sức tinh vi khi thuê nhà, chọn mặt bằng ở nơi hẻo lánh, hẻm cụt, khu vực nông thôn mới lên thành thị vừa để ở, vừa làm hàng giả, thời gian thuê ngắn rồi đổi địa điểm khác để tránh bị phát hiện.

“Hiện tại các mặt hàng may mặc, hàng dùng bằng da hoặc giả da như giày dép, va ly, đồng hồ, kính mắt, mỹ phẩm… là các mặt hàng giả chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các loại hàng giả đã được cơ quan chức năng phát hiện”, ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh cho biết trong một cuộc hội thảo mới đây về chống buôn lậu, hàng giả do Bộ Công Thương tổ chức.

Theo ông Kiếm, nơi buôn bán hàng giả thường là cửa hàng kinh doanh cố định có đăng ký kinh doanh, vừa bán hàng thật, vừa bán cả hàng giả. Một số doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh cũng sản xuất và buôn bán hàng giả. Nhiều năm trước, hàng giả được làm chủ yếu trong nước, nhưng những năm gần đây thì hàng giả được sản xuất từ các nước xung quanh Việt Nam, giả đủ loại từ các nhãn hiệu phổ biến được ưa chuộng của Việt Nam cho đến các nhãn hiệu nổi tiếng của nước ngoài. Đặc biệt, hàng giả phần nhiều được sản xuất từ Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam dưới dạng nguyên chiếc hoặc linh kiện, bao bì rời.

Về các mặt hàng nhập lậu, theo Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, những năm gần đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước không thuận lợi do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Lợi dụng khó khăn trong nước, các đối tượng làm ăn phi pháp đã bất chấp quy định pháp luật, sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để đẩy mạnh hoạt động sản xuất hàng lậu, gian lận thương mại, vận chuyển buôn bán hàng cấm, hàng giả không đảm bảo an toàn thực phẩm tung ra thị trường.

Trong thời gian qua, hầu hết các tỉnh biên giới và vùng duyên hải điều xảy ra tình trạng buôn lậu, buôn bán hàng nhập khẩu lậu. Sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng có mức độ và quy mô lớn hơn trước. Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2013, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã xử lý hơn 57.000 vụ vi phạm, tổng số tiền thu nạp cho ngân sách nhà nước là 220 tỷ đồng.

Bên cạnh việc hàng giả, nhập lậu tràn lan, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh gần đây cũng có nhiều diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn tinh vi và đa dạng. Với kỹ thuật công nghệ hiện nay, hình thức bao bì, tem giả nhãn giống hàng thật hơn, tem chống hàng giả phản quang có đặc điểm riêng cũng bị làm giả. Đối tượng sản xuất hàng giả phần lớn là các cá nhân hoạt động riêng lẻ, kín đáo.

Cần nâng cao ý thức tiêu dùng của người dân

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc nhận thức về vấn đề chống hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại còn thiếu đồng nhất về phương pháp thực thi giữa các cơ quan và trong cùng một lực lượng. Bên cạnh đó việc xử lý các vi phạm và trình tự thủ tục còn rườm rà và mất nhiều thời gian, hay xảy ra kiện cáo.

Bên cạnh đó, cần nhận thức rõ nguyên nhân một phần của việc nhập lậu là do công tác phòng ngừa, đấu tranh của các lực lượng chức năng chưa thực hiện thường xuyên và chưa phối hợp đồng bộ, tập trung vào trọng tâm, điểm nóng. Vai trò của chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc quyết liệt”.

Để ngăn chặn hàng lậu xâm nhập thị trường, hàng giả tràn lan trên thị trường như hiện nay, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng, doanh nghiệp, người kinh doanh và cả người tiêu dùng trên cả lĩnh vực chính sách pháp luật, thanh kiểm tra xử lý vi phạm và đạo đức kinh doanh, thói quen tiêu dùng.

Bởi hàng hóa phải có nơi tiêu thụ, khi người dân chưa nâng cao ý thức về việc tiêu thụ hàng nhái, hàng giả thì việc chống buôn lậu hàng giả và gian lận thương mại vẫn còn gặp khó khăn. Và muốn làm được điều này thì cần phải nâng cao chất lượng hàng hóa sản xuất trong nước và có những phong trào đẩy mạnh “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.