Đại sứ EU góp ý chính sách thương mại Việt Nam

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Bên lề Hội thảo công bố kết quả phiên rà soát chính sách thương mại lần thứ nhất của Việt Nam tại Tổ chức WTO diễn ra tại Hà Nội, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Franz Jessen đã trả lời báo chí về những vấn đề của Việt Nam cần quan tâm thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Phóng viên: Thưa ông, trong bài phát biểu của mình, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng mức độ cam kết của Việt Nam mờ nhạt dần theo các ngành theo các vùng. Ông đánh giá vấn đề này như thế nào?

Franz Jessen: Điều dễ hiểu, Bộ Công Thương là Bộ đầu mối trong ngoại thương, kinh tế đối ngoại, cũng là đầu mối thực hiện các cam kết kinh tế đối ngoại trong khuôn khổ hệ thống thương mại quốc tế. 

Tuy nhiên càng đi sâu vào những ngành, địa phương cụ thể thì mức độ đó yếu dần đi. Vì thế tôi nghĩ Việt Nam không nên chỉ lấy Bộ Công Thương làm đầu mối mà phải có các bộ, ngành khác liên quan đến cải cách kinh tế tham gia. Bởi hội nhập kinh tế quốc tế còn liên quan đến cả cải cách kinh tế trong nước.

Nếu chúng ta chỉ tập chung vào hội nhập kinh tế quốc tế mà quên đi cải cách kinh tế trong nước thì rõ ràng mức độ cam kết giữa các địa phương và trong các ngành sẽ mờ đi, bởi nó sẽ không có sự kết nối chặt chẽ giữa hội nhập kinh tế quốc tế và cải cách kinh tế trong nước.

Theo ông, những chính sách cải cách của Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu khi gia nhập WTO chưa?

Đây là những vấn đề khó trả lời, về ngân hàng còn nhiều việc phải làm, các doanh nghiệp Nhà nước cũng liên quan đến ngân hàng, liên quan đến hệ thống luật pháp. Ở châu Âu cũng như các nước khác trên thế giới cũng có doanh nghiệp Nhà nước, nhưng họ hoạt động độc lập, họ không phải là một phần của bộ máy thiết kế chính sách hay thiết kế luật pháp.

Nhưng ngược lại ở Việt Nam, có một số công ty Nhà nước tiền thân do một số bộ, ngành thành lập nên có lợi ích rất hẹp trong đó. Do vậy, việc Việt Nam cần làm là tách ra thành hai nhóm riêng biệt, đó là nhóm hoạch định chính sách xây dựng luật pháp và nhóm doanh nghiệp không tham gia hoạch định chính sách và không tham gia làm pháp luật.

Thứ hai, về luật pháp, đây là vấn đề đang kìm hãm đầu tư nước ngoài. Bởi khi một nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam, họ muốn đảm bảo hợp đồng của họ được triển khai, muốn đảm bảo quyền được bảo vệ lợi ích, chứ không phải họ muốn nhận được những bất ngờ hôm nay chính sách thế này, mai thế kia. Điều đó sẽ rất khó tiên đoán và họ khó theo đuổi các ngành kinh doanh mong muốn.

Việt Nam là nước có dân số trẻ còn rất nhiều năng lượng, năm nay là năm rất quan trọng với Việt Nam để triển khai những công việc cần thiết nhằm thu hút đầu tư và mở rộng hơn nữa phát triển kinh tế.

Tôi cho rằng, Việt Nam cần có những chính sách kịp thời để những người trẻ ra trường có công ăn việc làm tốt ngay. Họ không thể đợi chúng ta 10 năm nữa, khi chính sách đến lúc đó mới hoàn thiện cũng như kinh tế phát triển đến mức độ nào đó, thì họ mới tìm được công ăn việc làm thoả đáng với những gì họ đã học.

Điểm hạn chế mà ông vừa nói trên ảnh hưởng như thế nào đến tiến trình đàm phán của Việt Nam với EU?

Tất nhiên có ảnh hưởng, bởi ngoài những điều khoản về thương mại thì trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU cũng có một chương đầu tư. Chúng tôi đang tìm cách đàm phán để làm thế nào đưa ra các điều khoản thúc đẩy tốt nhất luồng đầu tư hai chiều. Trước hết là đầu tư EU vào Việt Nam và theo thời gian sẽ có đầu tư của Việt Nam sang EU.

Một trong những vấn đề khác mà chúng tôi quan tâm, như tôi đã nói, là cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cũng như thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp và một số vấn đề về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là những vấn đề chúng ta cần giải quyết.

Xin cảm ơn ông!