Đặt lợi ích quốc gia lên trên hết

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Nhiều chuyên gia kinh tế và cả Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đều ủng hộ đề xuất tăng bội chi ngân sách từ 4,8% GDP lên 5,3% GDP, nhưng vẫn nằm trong mức trần nợ công 65% GDP mà Quốc hội đã thông qua. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng cần phải lường trước và hết sức cẩn trọng những rủi ro của vấn đề này.

Đặt lợi ích quốc gia lên trên hết
Đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh Trung Lương - Dự án đầu tư công có tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Nguồn: internet
Thực tế, mức tăng bội chi ngân sách theo đề xuất của Chính phủ được đưa ra trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, không là mức tăng cao, so với thực tế bội chi của kinh tế Việt Nam những năm qua.

Cái khó bó nhiều đường...

Năm 2010, bội chi ngân sách là 5,8% GDP, thấp hơn chỉ tiêu được giao là 6,2% GDP. Năm 2011, bội chi ngân sách nhà nước không bao gồm phần kết dư ngân sách địa phương 40.772 tỷ đồng là 4,4% GDP, thấp hơn chỉ tiêu được giao 5,3%.

Năm 2012, với rất nhiều nỗ lực, quyết tâm và quyết liệt cắt giảm nhiều khoản mục đầu tư, chi tiêu, bội chi ngân sách về đúng mức đặt ra theo chỉ tiêu là 4,8% GDP. Những nỗ lực cắt giảm bội chi ngân sách thấp hơn chỉ tiêu cho phép, song song với nỗ lực cắt giảm đầu tư công, bố trí vốn ngân sách hiệu quả, và nền tảng cho bước ngoặt lớn trong đầu tư công là đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020 với 3 mục tiêu chính cho tái đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công.

Cùng với đó thực thi Chỉ thị 1792/2011 của Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ nhằm khắc phục được căn bệnh đầu tư dàn trải, kém hiệu quả kéo dài hơn một thập kỷ qua, đang được hi vọng sẽ góp phần đưa nền kinh tế bước sang một giai đoạn mới.

Nhìn nhận trước hết về khó khăn, theo nhiều chuyên gia, là khó khăn của bối cảnh vĩ mô toàn cầu, cũng là khó khăn của một nền kinh tế đang trong giai đoạn tái cấu trúc. Nhưng không thể không thừa nhận khó khăn là tất yếu bởi đây đang là giai đoạn chuyển đổi để đạt mục tiêu kềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Nền kinh tế sau một giai đoạn tăng trưởng nóng, chững lại như con ngựa bất kham bị siết cương bất thần, khó tránh sốc hoặc cú khứng đựng “cháy móng ngựa” khi “vốn tháo”, “đà hãm”. GDP sụt giảm, tăng trưởng tín dụng, tổng cầu trong nền kinh tế suy yếu, doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn và số lượng DN phá sản, đình trệ, đóng cửa tăng lên với con số bằng cả số lượng các DN đã phá sản trong nhiều năm.

Cho đến nay, dù kinh tế đã bớt khó khăn nhưng phần lớn vẫn đều cho rằng để có thể lấy lại được đà tăng trưởng 7%, mốc mà TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng tiềm năng kinh tế Việt Nam dư đủ để đạt tới và đạt hơn trong nhiều năm, nhiều ý kiến vẫn trông đợi đòn bẩy từ những gói kích cầu.

Nhưng, động thái kích cầu, nói theo TS. Trần Du Lịch - Ủy viên Ban Kinh tế Quốc hội, là không thể có một gói cụ thể (trừ gói tín dụng hỗ trợ cho vay mua nhà ở 30.000 tỷ đồng) với lãi suất “cho không” tương tự như năm 2009. Bài học lạm phát tăng sau gói kích cầu rộng rãi ngay trước đây nay đã rất thấm thía.

Vì vậy, kích cầu chỉ trông đợi qua hoạt động đẩy mạnh đầu tư công, tăng tổng cầu chung trong nền kinh tế mà không qua gói kích cầu trợ vốn. Đầu tư công được đẩy mạnh, tức Chính phủ đẩy mạnh giải ngân các hạng mục đầu tư cơ bản còn dang dở, nhanh chóng đưa các dự án trọng điểm, ưu tiên, sắp hoàn thành đến đích và đi vào thời gian vận hành, qua đó tạo công ăn việc làm cho người lao động, tăng sức mua, tăng chi tiêu…

“Kích cầu căn cơ” như vậy vào lúc này, nếu là dòng nước chảy vào nơi đáng chảy, sẽ trở thành nước mát cho cây kinh tế nảy mầm, kết quả, nhưng nếu chảy những nơi ao tù, nước đọng, sẽ gây lãng phí nguồn lực, tài nguyên.

Để kích cầu như vậy, rõ ràng với một hiện trạng thu ngân sách không mấy khả quan mà vẫn nói như TS. Trần Du Lịch là trong nhiều năm qua, “thu không đủ bù chi”, thì nay càng không thể chỉ trông vào nội lực thu ngân sách còn đang yếu, và mặt khác lại phải các hỗ trợ “kỹ thuật” như giảm thuế cho DN, thuế giá trị gia tăng cho người mua nhà trên thị trường bất động sản, chi tăng lương cơ bản thêm…

Nước lã khó gột nên hồ. Không khó hiểu khi đề xuất tăng trần bội chi, cho Chính phủ mạnh dạn phát hành thêm trái phiếu, mạnh tay hơn chút nữa với vay nợ tương lai trong ngưỡng cho phép, đã nhận được sự ủng hộ.

Cẩn trọng

Nói về mức độ rủi ro của việc tăng bội chi, mạnh tay hơn với nợ công trong ngưỡng đã được Quốc hội cho phép, TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lí Kinh tế Trung ương nói  một cách ngắn gọn: “Có thể hình dung một cách dân gian như thế này: Một anh chàng được vợ phát cho 5 đồng để dành chi tiêu trong 1 tuần. Anh ta có thể chi tiêu 2-3 đồng. Không sao. Vợ có thể không ý kiến và điều đó cũng chẳng làm khó được cái ví của anh ta. Nhưng nếu anh ta có 5 đồng, đều chi cả trong một ngày và không còn đồng nào trong ví nữa; ngày sau, nếu anh ta ốm, nếu vợ hết tiền, nếu nhà không còn lấy một đồng xu, thậm chí là chủ nợ tới đòi… thì đó sẽ là một vấn đề rất đáng quan ngại…”.

Cũng liên quan đến vấn đề này, theo ông Thành, có lẽ trước mắt chưa cần bàn hay mổ xẻ vội đến chuyện nợ công của Việt Nam hiện nay đang bao gồm những gì, đã hợp lý hay chưa, nên tỉ lệ nợ công/GDP hiện nay là như thế nào, chỉ riêng chuyện “tiêu trước, thôi tiêu sau” những đồng tiền dự định được cho tiêu đã cho thấy tiềm ẩn những rủi ro.

“Việc rủi ro tới mức độ nào và có nguy cơ vỡ nợ Chính phủ như nước Mỹ hay không, thì còn liên quan đến chuyện anh sử dụng đồng tiền được cho vào đâu, có hiệu quả, sinh lợi và tạo tiếp nguồn lực cho nền kinh tế hay không” - TS. Võ Trí Thành nói.

Theo GS., TS. Nguyễn Ngọc Trân - nguyên Đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI, “nền tài chính và ngân sách quốc gia đã trượt cho tới tình trạng hiện nay mà báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã thừa nhận.

Đáng quan tâm nhất là tình trạng phải vay để đảo nợ 70.000 tỷ đồng trong năm 2014, nợ công lên đến 59,8% và ngưỡng an toàn được nâng lên 65%. Nguyên nhân được chỉ ra không chỉ do khách quan mà do nguyên nhân chủ quan và có quá nhiều khoản chi tiêu không hiệu quả làm kiệt quệ ngân sách quốc gia, phải vay để đáo nợ, đẩy đất nước đến nguy cơ vỡ nợ”.

Tuy Việt Nam chưa thực sự đứng trước những thách thức vỡ nợ Chính phủ như nước Mỹ mới đây, nhưng rõ ràng thực trạng của hoạt động đầu tư phát triển, cụ thể là đầu tư công, cũng cho những số liệu đáng suy nghĩ: Trong giai đoạn 10 năm từ 2001-2010, tổng đầu tư toàn xã hội của Việt Nam trung bình đạt 40% GDP, thuộc vào diện cao nhất thế giới và có tốc độ tăng trên 18%/năm.

Trong đó, tỉ trọng đầu tư công chiếm khoảng 40% tổng đầu tư toàn xã hội. Đáng lưu ý là nguồn vốn đầu tư công ở Việt Nam còn bao gồm các dự án cho mục đích kinh doanh thuần túy của DN nhà nước nên sự kém hiệu quả của khu vực này là một trong những nguyên nhân kéo hiệu quả đầu tư toàn xã hội xuống thấp (và đáng ngạc nhiên là nợ của nhóm DN nhà nước này vẫn chưa được tính vào nợ công quốc gia).

Báo cáo của Ủy bán Kinh tế Quốc hội chỉ mặc dù chiếm khoảng 40% tổng đầu tư cả nước nhưng khu vực DN nhà nước chỉ tạo ra khoảng 10% việc làm trong khi khu vực kinh tế ngoài nhà nước chỉ chiếm 35% tổng đầu tư nhưng lại tạo ra 87% việc làm cho nền kinh tế. 

Thêm một vấn đề khác, cũng liên quan đến vấn đề hiệu quả của đẩy mạnh đầu tư phát triển, nếu đề xuất tăng bội chi được thông qua, thì để niềm tin có thể đứng vững, rất cần một Luật đầu tư công nghiêm túc “đắp đê, chắn lũ” đầu tư dàn trải lãng phí như hiện trạng đã nêu.

Nền kinh tế đã và đang đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, một Luật đầu tư công được thảo luận và đạt được sự đồng thuận đặt lợi ích quốc gia trên mọi tư duy lợi ích nhóm ngay trong kỳ họp này, sẽ rất ý nghĩa trong việc giảm thiểu rủi ro từ các khoản nợ vay tương lai của đất nước.