Để lĩnh vực giao thông vận tải không tụt hậu

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Trong 9 tháng qua, lĩnh vực giao thông vận tải đã có những chuyển biến tích cực nhưng cũng còn những hạn chế và đứng trước những thách thức không nhỏ, cần có giải pháp để đi trước một bước.

Để lĩnh vực giao thông vận tải không tụt hậu
Trong 9 tháng qua, lĩnh vực giao thông vận tải đã có những chuyển biến tích cực nhưng cũng còn những hạn chế và đứng trước những thách thức không nhỏ. Nguồn: internet

Giao thông là mạch máu của nền kinh tế. Vận tải là ngành dịch vụ quan trọng của kinh tế và tiêu dùng. Lĩnh vực này 9 tháng đã đạt được những kết quả tích cực.

Theo Tổng cục Thống kê, GDP do ngành vận tải, kho bãi tạo ra trong 9 tháng (tính theo giá thực tế) ước đạt trên 76,4 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 3,2% tổng GDP của cả nước (đứng thứ 11/22 ngành của cả nước). Tính theo giá so sánh 2010 ước đạt trên 53,7 nghìn tỷ đồng, tăng gần 5,7% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng GDP của toàn bộ nền kinh tế. Đây cũng là xu hướng chung của nền kinh tế trong 9 tháng qua là dịch vụ tăng cao hơn sản xuất, tăng cao hơn tốc độ chung.

Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước do Bộ Giao thông vận tải quản lý 9 tháng ước thực hiện 5.277 tỷ đồng, chiếm 17,6% tổng lượng vốn thực hiện thuộc nguồn nhân sách nhà nước do Trung ương quản lý. So với kế hoạch năm, thực hiện 9 tháng đạt 84,1%. Đó là tỷ lệ khá cao, cao nhất so với các Bộ/ngành, cao hơn tỷ lệ thực hiện phần do Trung ương quản lý (74,8%) và cao hơn nữa so với tỷ lệ thực hiện của tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (72,3%). So với cùng kỳ năm trước, lượng vốn thực hiện 9 tháng 2013 của Bộ Giao thông vận tải giảm 6,5%, cũng là tốc độ giảm thấp nhất so với tốc độ giảm của phần vốn do Trung ương quản lý (giảm 16,2%).

Nhiều cầu vượt được hoàn thành tương đối nhanh ở Hà Nội và TP. HCM đã góp phần giảm ách tắc giao thông ở một số khu vực, nhất là các đoạn đường hướng tâm, một số đoạn đường vành đai… Với sự hỗ trợ của Nhà nước và sự cố gắng của các cấp, các ngành và bà con nông thôn, nhiều đường làng, ngõ xóm ở các địa phương đã được mở rộng, nâng cấp bê tông hóa, vừa góp phần vào việc thay đổi bộ mặt nông thôn, vừa góp phần tăng tiêu thụ vật liệu xây dựng…

Tai nạn giao thông trong tháng 9 trên địa bàn cả nước so với cùng kỳ năm trước tăng 10,2%, số người chết giảm 7,5%, số người bị thương tăng 5,9%. Tính chung 9 tháng so với cùng kỳ năm trước, vụ tai nạn giao thông tăng 4,1%, số vụ va chạm giao thông giảm 10,7%, số người chết tăng 2,1%, số người bị thương giảm 11,9%, số người bị thương nhẹ giảm 10,9%.

Vận tải hành khách ước 9 tháng tăng 5,3% và tăng trưởng đạt được cả ở khu vực trong nước (5,3%) và ở khu vực ngoài nước (5,8%) so với cùng kỳ; ở tất cả các ngành vận tải (đường hàng không tăng cao nhất 8,4%, tiếp đến là đường bộ tăng 5,4%, đường biển tăng 4,4%, đường sông tăng 1,9%, đường sắt tăng thấp nhất chỉ có 0,8%)…

Vận tải hàng hóa ước 9 tháng đạt 742,8 triệu tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng đạt được ở khu vực vận tải trong nước (tăng 4,2%), nhưng khu vực vận tải ngoài nước lại bị giảm tương đối sâu (giảm 7,2%). Nhưng nếu tính theo hàng hóa luân chuyển, thì đạt gần 150 triệu tấn/km và giảm 2,4%, trong đó khu vực vận tải trong nước tăng 3,4%, còn khu vực vận tải ngoài nước chiếm tỷ trọng lớn hơn (chiếm 55,7%) lại giảm khá sâu (giảm 6,6%).

Đây là vấn đề cần chú ý, vì khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu tăng ở mức 2 chữ số, nhưng thị phần vận tải ở ngoài nước thì khu vực vận tải của Việt Nam bị giảm.

Điều đó giải thích nguyên nhân cán cân xuất nhập khẩu dịch vụ vận tải bị thâm hụt lớn (năm 2012, dịch vụ vận tải xuất khẩu chỉ đạt 2,07 tỷ USD, trong khi nhập khẩu lên tới 8,715 tỷ USD, nhập siêu lên tới 6,645 tỷ USD, cao gấp gần 2,3 lần tổng nhập siêu của khu vực dịch vụ).

Nếu phân theo ngành vận tải, luân chuyển hàng hóa của ngành vận tải biển chiếm tỷ trọng lớn nhất (56,5%) lại giảm sâu nhất (giảm 6,4%); luân chuyển hàng hóa của ngành vận tải đường sắt còn chiếm tỷ trọng rất thấp (1,9%) và giảm tương đối sâu (5,2%). Luân chuyển hàng hóa của ngành vận tải đường bộ chiếm tỷ trọng lớn thứ hai (22,3%) tăng khá (4%); của ngành vận tải đường sông chiếm tỷ trọng lớn thứ 3 (chiếm 19,2%) cũng tăng lên (4,2%).

Vấn đề đặt ra đối với vận tải biển là cần vượt lên để giảm việc lấn thị phần của các hãng vận tải nước ngoài, đồng thời vận tải đường sắt cần được quan tâm lĩnh vực cơ sở hạ tầng để tránh tụt hậu.