Để phát huy vai trò của các tổ chức trong doanh nghiệp

Luật sư Hà Thị Thanh - Đoàn Luật sư tỉnh Hưng Yên

(Tài chính) Khi người quản lý doanh nghiệp nhận thức được tác động tích cực của tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên… đối với việc xây dựng, phát triển bền vững doanh nghiệp thì chính người quản lý sẽ chủ động thực hiện các quy định, khuyến khích, tạo điều kiện, để thành lập, phát triển hoạt động của các tổ chức này tại doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Chính phủ đang Dự thảo Nghị định quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Dự thảo đang được đăng tải, lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Thêm quy định đảm bảo quyền lợi cho người lao động

Theo số liệu thống kê tại các địa phương, tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức Đảng, công đoàn, đoàn thanh niên… còn rất thấp (khoảng dưới 10% tổng số doanh nghiệp) và phần lớn chỉ hình thành ở khối doanh nghiệp Nhà nước hoặc có vốn sở hữu Nhà nước, còn đa số các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân, việc thành lập và hoạt động của tổ chức còn rất hạn chế.

Một trong những nguyên nhân là do chưa có quy định cụ thể, chi tiết và thiếu chế tài thực hiện việc thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể tại doanh nghiệp. Chẳng hạn như trong Luật Doanh nghiệp năm 2005, Luật Hợp tác xã, cũng đã có quy định về tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp, nhưng các quy định mới chỉ dừng lại ở điều luật chung chung, mang tính chất định hướng. 

Thực tế này dẫn đến không ít trường hợp doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập, người lao động có mong muốn, nhưng không có cơ sở pháp lý để đề nghị chủ doanh nghiệp, cấp ủy cấp trên hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn thực hiện.

Do vậy, việc ban hành Nghị định quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế là hết sức cần thiết để cụ thể hóa các quy định của Luật, tạo cơ sở pháp lý quan trọng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, để hướng dẫn doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế thành lập tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị – xã hội, nhằm thực hiện và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Dự thảo Nghị định quy định rõ ràng và tương đối đầy đủ việc thành lập tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị – xã hội tại doanh nghiệp; trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, của tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội cấp trên và trách nhiệm của doanh nghiệp.

Để các nội dung quy định trong Nghị định áp dụng có hiệu quả trong thực tế, từ góc độ người viết đề xuất một số giải pháp.

Bắt đầu từ thay đổi nhận thức

Chủ doanh nghiệp và người lao động là đối tượng giữ vai trò then chốt, quan trọng trong việc xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể tại doanh nghiệp.

Nguyên nhân hàng đầu của việc chưa thành lập, phát triển được tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp 100% vốn tư nhân là do chủ doanh nghiệp còn hiểu sai, chưa nhận thức đúng đắn về lợi ích của tổ chức Đảng, đoàn thể trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đồng thời, bản thân người lao động còn thờ ơ, chưa quan tâm đến việc tham gia thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể.

Vì vậy, giải pháp đầu tiên là thay đổi nhận thức của hai đối tượng nòng cốt này. Cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp ủy Đảng cần tích cực tuyên truyền, vận động để chủ doanh nghiệp nhận thức rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tác dụng của việc thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp.

Ngoài ra, giáo dục, động viên người lao động thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, chấp hành nội quy, quy chế của doanh nghiệp, tích cực tham gia xây dựng Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp.

Khi người quản lý doanh nghiệp nhận thức được tác động tích cực của tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên… đối với việc xây dựng, phát triển bền vững doanh nghiệp thì chính người quản lý sẽ chủ động thực hiện các quy định, khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí cho việc thành lập, phát triển hoạt động của tổ chức Đảng, đoàn thể tại doanh nghiệp...

Một trong những biện pháp có hiệu quả nhất là bồi dưỡng, kết nạp, phát triển Đảng viên là đối tượng đã hoặc sẽ trở thành nhân sự lãnh đạo của doanh nghiệp, đặc biệt là chủ doanh nghiệp.

Xây dựng tổ chức thành cầu nối trong doanh nghiệp

Cùng với đó là đổi mới nhận thức về vai trò, phương thức lãnh đạo của Cấp ủy Đảng cấp trên trực tiếp, cần xóa bỏ tư tưởng cấp ủy Đảng cấp trên thực hiện vai trò chỉ đạo theo phương thức “mệnh lệnh hành chính” như trong cơ quan Nhà nước.

Đối với khối doanh nghiệp thì cấp ủy Đảng cấp trên trực tiếp nên thực hiện và tăng cường vai trò hướng dẫn, khuyến khích để thành lập cấp ủy Đảng cơ sở tại doanh nghiệp cũng như chỉ thực hiện vai trò giám sát, kiểm tra, hỗ trợ hoạt động của cấp ủy Đảng, đoàn thể cơ sở tại doanh nghiệp.

Cấp ủy Đảng và đoàn thể giữ vai trò tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Đảng, Nhà nước, nâng cao ý thức pháp luật cho người lao động, là cầu nối giữa chủ doanh nghiệp và người lao động thông qua việc nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, kiến nghị của đảng viên và người lao động để đề nghị chủ doanh nghiệp xem xét, giải quyết, hạn chế các vụ tranh chấp giữa chủ doanh nghiệp với người lao động; tránh việc chi phối tất cả các hoạt động trong doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong công tác cán bộ, cấp ủy chỉ tham gia ý kiến, vì các chức danh quản lý đều do Ðại hội cổ đông, Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc quyết định, trong khi tiêu chí lựa chọn không nhất thiết phải là đảng viên, như khối hành chính –sự nghiệp.

Nâng vai trò của các Ban quản lý, hiệp hội nghề

Để quy định đi vào thực tế, một vấn đề cần quan tâm nữa, đó là tập trung nhấn mạnh vai trò của Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất và Hiệp hội các ngành nghề, các doanh nghiệp trong việc tuyên truyền, hướng dẫn thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể tại doanh nghiệp.

Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất… và các Hiệp hội ngành nghề là cơ quan gần với doanh nghiệp nhất, hiểu rõ về hoạt động sản xuất kinh doanh đồng thời có vai trò, tiếng nói nhất định đối với chủ doanh nghiệp.

Nhận thức được vai trò quan trọng của Ban quản lý, Hiệp hội… đối với doanh nghiệp, một số địa phương đã tổ chức mô hình tổ chức Đảng bộ Ban quản lý khu; Đảng bộ Hiệp hội và giao cho nhiệm vụ quản lý, giữ vai trò Đảng bộ cấp trên của chi bộ Đảng tại doanh nghiệp. Mô hình này đã mang lại những kết quả nhất định trong việc thành lập, phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể tại doanh nghiệp.