Để phát triển dịch vụ phi tín dụng tại các ngân hàng thương mại

ThS. Phan Thị Linh và Nguyễn Thị Phương Lan

(Tài chính) Trong bối cảnh thị trường tài chính còn diễn biến phức tạp, hoạt động tín dụng có quá nhiều rủi ro, nguồn thu từ tín dụng còn rất bấp bênh, thì các ngân hàng thương mại (NHTM) phải đẩy nhanh mảng dịch vụ phi tín dụng để gia tăng nguồn thu của mình. Tuy nhiên, thực tế, để phát triển dịch vụ phi tín dụng tại các ngân hàng cũng không đơn giản!

Vai trò của dịch vụ phi tín dụng

Một trong các nội dung cơ cấu lại hoạt động tài chính các tổ chức tín dụng trong Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 254/QĐ-TTg, ngày 01/03/2012 là: “Từng bước chuyển dịch mô hình kinh doanh của các NHTM theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng và tăng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng”. Điều này cho thấy, Việt Nam đã nhận thức được vai trò của dịch vụ phi tín dụng trong việc mang lại nguồn thu ổn định, an toàn hơn cho các NHTM.

Có thể thấy, phát triển dịch vụ phi tín dụng có vai trò rất quan trọng, quyết định sự tồn tại của một ngân hàng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, cụ thể là:

(i) Góp phần đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, từ đó thu hút và mở rộng đến nhiều đối tượng khách hàng;

(ii) Đáp ứng tối ưu nhu cầu của nền kinh tế, góp phần củng cố sự lớn mạnh và nâng cao uy tín, vị thế của NHTM trong nền kinh tế;

(iii) Phân tán rủi ro cho ngân hàng, mang lại nguồn thu ổn định cho ngân hàng, làm tăng lợi nhuận của NHTM;

(iv) Thúc đẩy quan hệ hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng.

Với vai trò quan trọng như vậy, các NHTM đã có nhiều cố gắng trong việc tăng cường tiềm lực tài chính, kênh phân phối hỗ trợ cho việc phát triển dịch vụ phi tín dụng. Hiện nay, dịch vụ phi tín dụng đã được triển khai khá phong phú, tập trung ở 12 hình thức chủ yếu sau: Dịch vụ thanh toán tiền mặt và phi tiền mặt với hình thức nhờ thu và thư tín dụng (L/C); Mua - bán ngoại tệ; Uỷ thác; Thẻ; Quản lý tiền mặt; Tư vấn và cung cấp thông tin; Ngân hàng giám sát; Bảo lãnh; Ngân hàng điện tử; Kế toán; Giao dịch các công cụ phái sinh; Môi giới đầu tư chứng khoán…

Phát triển dịch vụ phi tín dụng cũng là cách thức có hiệu quả nhất để thay đổi cơ cấu kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng, nhất là trong điều kiện các dịch vụ tín dụng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, hoạt động đầu tư và kinh doanh chứng khoán gặp nhiều khó khăn như thời điểm hiện nay. Kết quả phát triển dịch vụ phi tín dụng của các NHTM gần đây thể hiện trong Bảng 1.

BẢNG 1: TỶ TRỌNG LÃI THUẦN DỊCH VỤ PHI TÍN DỤNG/TỔNG THU NHẬP CỦA CÁC NHTM VIỆT NAM

ĐVT: Tỷ đồng

Chỉ tiêu

Năm

 

2008

2009

2010

2011

 

Lãi thuần từ dịch vụ phi tín dụng

10.722

11.743

14.202

12.707

 

Tổng thu nhập hoạt động

70.846

79.373

111.535

151.244

 

Tỷ trọng lãi thuần từ dịch vụ phi tín dụng /Tổng thu nhập hoạt động

15,1%

14,8%

12,7%

8,4%

 

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo thường niên 35 NHTM Việt Nam và xử lý của tác giả

Để phát triển dịch vụ phi tín dụng

Mặc dù đang đóng góp ngày càng lớn vào lợi nhuận của các NHTM, nhưng thực tế cho thấy, để phát triển thị trường phi tín dụng tại Việt Nam cũng không dễ. Các ngân hàng đang đối mặt với những khó khăn, thách thức, như:

(1) Cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng trên tất cả lĩnh vực và phạm vi hoạt động;

(2) Các ngân hàng chưa có chiến lược rõ ràng trong việc phát triển dịch vụ phi tín dụng, mà thường lồng ghép vào chiến lược phát triển chung của ngân hàng;

(3) Trình độ công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế. Đối với mảng dịch vụ phi tín dụng, công nghệ đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Vì vậy, thực tế cho thấy, các ngân hàng vẫn thiếu đội ngũ nhân lực có chất lượng cao để phát triển các dịch vụ phi tín dụng ứng dụng công nghệ cao, như: giao dịch các công cụ phái sinh, ngân hàng điện tử, ủy thác...

(4) Thói quen sử dụng tiền mặt của người Việt Nam. Đây là một trở ngại lớn trong việc phát triển mạng lưới thẻ nói riêng và dịch vụ phi tín dụng nói chung của các ngân hàng.

Để khắc phục được những vướng mắc này, theo nghiên cứu của chúng tôi, cần thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vai trò phát triển dịch vụ phi tín dụng.

Mặc dù vai trò của dịch vụ phi tín dụng đối với sự phát triển của ngân hàng đã được nâng cao, nhưng chưa đủ. Ban lãnh đạo các NHTM cần quán triệt vai trò của phát triển dịch vụ phi tín dụng bằng cách xây dựng một tỷ trọng lợi nhuận hợp lý trong tổng lợi nhuận của ngân hàng và thường xuyên kiểm soát tỷ trọng này theo hướng ngày càng giảm sự phụ thuộc vào dịch vụ tín dụng. Thông qua việc phân tích hiệu quả của từng loại hình dịch vụ trên các góc độ doanh số, lợi nhuận, rủi ro sẽ giúp các ngân hàng xây dựng tỷ trọng giữa hai loại hình dịch vụ phi tín dụng và tín dụng.

Từ nhận thức đó, cần hoạch định chiến lược phát triển dịch vụ phi tín dụng với tầm nhìn dài hạn. Có thể thấy, điểm yếu của NHTM Việt Nam là thiếu chiến lược kinh doanh dài hạn, nên các NHTM chưa hạn chế được những rủi ro phát sinh từ sự biến động của môi trường kinh tế vĩ mô. Chiến lược phải chỉ ra được lộ trình phát triển dịch vụ phi tín dụng và cần đảm bảo những yêu cầu sau:

- Phải dựa trên các điều kiện thực tiễn của các NHTM Việt Nam, kết quả hoạt động kinh doanh dịch vụ phi tín dụng hàng năm để xây dựng chiến lược kinh doanh có tính khả thi;

- Phải xuất phát từ nhu cầu khách hàng, từ việc nghiên cứu, phân tích đánh giá nhu cầu hiện tại và xu hướng phát triển nhu cầu trong tương lai để đề ra chiến lược kinh doanh dịch vụ phù hợp;

(iii) Phải so sánh với đối thủ cạnh tranh để thấy được điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức từ đó đề ra mục tiêu phát triển;

 (iv) Trên cơ sở chiến lược đã hoạch định, cụ thể hóa các giải pháp của từng giai đoạn thực hiện, phân giao đến từng chi nhánh dựa vào đặc thù, thế mạnh của chi nhánh để có thể đạt được hiệu quả tối ưu.

Thứ hai, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ phi tín dụng cung cấp trên thị trường theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ truyền thống, phát triển các dịch vụ mới.

 - Đối với các dịch vụ phi tín dụng truyền thống: Đây là yếu tố nền tảng tạo ra thu nhập lớn nhất cho ngân hàng. Vì vậy, NHTM cần duy trì và nâng cao chất lượng theo hướng: Hoàn thiện quá trình cung cấp dịch vụ, đảm bảo tính công khai, minh bạch, đơn giản thủ tục, dễ tiếp cận và hấp dẫn khách hàng; Hoàn thiện cơ chế huy động tiết kiệm với lãi suất phù hợp để huy động tối đa vốn nhàn rỗi trong xã hội vào ngân hàng.

- Đối với dịch vụ phi tín dụng mới, thì cần nâng cao năng lực marketing của các NHTM, giúp các doanh nghiệp và công chúng hiểu biết, tiếp cận và sử dụng có hiệu quả các dịch vụ ngân hàng. Bên cạnh đó, cần tăng tính tiện ích của các dịch vụ ngân hàng, sử dụng linh hoạt công cụ phòng chống rủi ro gắn với đảm bảo an toàn trong kinh doanh ngân hàng.

Thứ ba, phát triển công nghệ ngân hàng.

Các ngân hàng cần xây dựng một chiến lược phát triển công nghệ dài hạn, đi đôi với phát triển nguồn lực hiện có. Việc thay đổi công nghệ ngân hàng khá tốn kém, vì thế nếu không có chiến lược phát triển công nghệ đúng đắn có thể tạo ra sự lãng phí lớn. Chiến lược công nghệ cần đi sâu vào các mặt, như: trình độ công nghệ, kỹ thuật, khả năng cải tiến, nghiên cứu và phát triển sản phẩm dịch vụ, ứng dụng, khai thác công nghệ thông tin, kỹ thuật số, điện tử và viễn thông trong hoạt động kinh doanh (giao dịch, thanh toán, quản trị điều hành…) của ngân hàng.

Phát triển công nghệ ngân hàng phải đảm bảo tính an toàn trong vận hành công nghệ là ưu tiên hàng đầu, vì tất cả các thông tin dữ liệu được lưu trữ trên mạng, một sự cố về công nghệ thông tin có thể mất dữ liệu, hoặc làm cho hoạt động của ngân hàng ngưng trệ ảnh hưởng đến khách hàng, đồng thời gây tổn hại đến uy tín của ngân hàng.

Ngoài ra, cần xây dựng quy trình, quy định về thẩm quyền của từng bộ phận chức năng, từng cá nhân trong việc vận hành và sử dụng hệ thống công nghệ thông tin của ngân hàng nhằm tăng mức độ an toàn, tăng tính bảo mật trong hệ thống cơ sở dữ liệu. Thường xuyên có kế hoạch kiểm tra và bảo trì hệ thống đảm bảo sự ổn định.

Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Trong đó, đặc biệt chú ý phát triển nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao. Do dịch vụ phi tín dụng hiện đại có sử dụng các công nghệ cao, nên đòi hỏi người cung cấp dịch vụ phải có trình độ hiểu biết và làm chủ công nghệ.

Cùng với đó, cần xây dựng chính sách thu hút nhân tài và giữ nguồn nhân lực giỏi, gắn bó và cống hiến cho sự phát triển của ngân hàng.

Thứ năm, hạn chế các rủi ro trong phát triển dịch vụ phi tín dụng.

Việc quản lý và phòng ngừa các loại rủi ro là điều hết sức cần thiết và quan trọng khi triển khai các dịch vụ phi tín dụng. Hoạt động này ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, năng lực hoạt động của ngân hàng và tác động trực tiếp tới quyết định sử dụng dịch vụ của khách hàng. Các giải pháp nhằm hạn chế rủi ro, gồm: Xác định rõ trách nhiệm của nhân viên trong việc giám sát xây dựng và duy trì các chính sách an ninh của ngân hàng; Thực hiện kiểm tra trực tiếp đầy đủ để ngăn ngừa các hành vi truy cập thực tế chưa được phép trong môi trường máy tính; Các mối quan hệ với các đối tác thứ ba cũng phải được giám sát chặt chẽ…

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thủ tướng Chính phủ (2012). Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 254/QĐ-TTg, ngày 01/03/2012

2. Phạm Hoài Bắc (2010). Quan điểm và giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành ngân hàng Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng, số 24/2010

3. Đào Lê Kiều Oanh, Phạm Anh Thủy (2012). Vai trò phát triển dịch vụ phi tín dụng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam, Tạp chí Phát triển & Hội nhập, số 9-10/2012

4. Bùi Thị Thùy Dương, Đàm Văn Huệ (2013). Phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử tại các Ngân hàng thương mại, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 188, tháng 02/2013