Để sở hữu chéo không phải rào cản tái cơ cấu hệ thống ngân hàng

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Đến thời điểm này, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ đã có những kết quả bước đầu. Trong số 9 ngân hàng yếu kém nhất phải gấp rút tái cơ cấu, thì đã có 8 ngân hàng tự tái cơ cấu, hoặc được sáp nhập với các ngân hàng khác. Tuy nhiên, bên cạnh những bước đi cơ bản như vậy đối với nhóm ngân hàng yếu kém, việc tái cơ cấu các ngân hàng nói chung cũng còn rất nhiều việc phải làm, nhất là khi nợ xấu vẫn còn cao.

Để sở hữu chéo không phải rào cản tái cơ cấu hệ thống ngân hàng
Nếu không xử lý được tận gốc vấn đề sở hữu chéo thì tình hình nợ xấu có thể quay trở lại. Nguồn: internet
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, cho đến thời điểm này, hầu hết các tổ chức tín dụng đã trình phương án tái cơ cấu lên Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, các ngân hàng thương mại mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối đang hoàn thiện các phương án theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Còn các ngân hàng thương mại cổ phần thì 24/25 đơn vị đã trình đề án tái cơ cấu. Điều này cho thấy, nếu như năm 2012, việc cơ cấu lại chủ yếu tập trung vào xử lý một số các ngân hàng yếu kém, thì năm nay và các năm tới, sẽ đi vào tái cấu trúc các ngân hàng khỏe mạnh hơn, thực hiện theo chiều sâu hơn.

Song, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng, phải quyết liệt hơn nữa tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, mà trọng tâm đầu tiên vẫn là xử lý nợ xấu phải mạnh mẽ và dứt điểm. Tính đến thời điểm này, các ngân hàng đã tự xử lý được 95.000 tỷ đồng nợ xấu,  nhưng thách thức nợ xấu vẫn ở phía trước.

Theo Phó vụ trưởng Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng Bùi Huy Thọ, quản trị doanh nghiệp và sở hữu chéo là những vấn đề quan trọng trong tái cơ cấu tổ chức tín dụng. Nếu không xử lý được dứt điểm, tận gốc vấn đề sở hữu chéo thì tình hình nợ xấu có thể quay trở lại.

Theo Ngân hàng Nhà nước, vấn đề sở hữu chéo tồn tại có tính lịch sử. Cũng chưa có những công bố cụ thể nào từ phía cơ quan chức năng hay các nhà nghiên cứu về mức độ nghiêm trọng của sở hữu chéo liên quan đến lĩnh vực ngân hàng. Vì thế có chuyên gia kinh tế đặt vấn đề, trong tái cơ cấu, các ngân hàng phải thực hiện Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước về việc phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với tổ chức tín dụng. Áp dụng theo Thông tư này có thể khiến nợ xấu lộ rõ hơn.

Thế nhưng, nguyên Phó chủ tịch Hồi đồng giám sát tài chính Quốc gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng, có thể có ngân hàng không muốn thực hiện điều này, nếu ông chủ ngân hàng vừa là chủ nợ, cũng lại vừa là con nợ. Nói cách khác, ông chủ ngân hàng đã đầu tư vào ngân hàng, huy động vốn qua ngân hàng để đầu tư vào các dự án sân sau. Như thê, xử lý triệt để nợ xấu vẫn là một thách thức.

Trong khi đó, cơ sở pháp lý để kiểm soát sở hữu chéo, sở hữu lũng đoạn còn thiếu, chế tài cũng thiếu, ông Nghĩa nói. Nếu hình sự hóa thì lại ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng vốn rất nhạy cảm. Chính phủ cần phải sử dụng biện pháp dứt khoát đưa những ngân hàng ra khỏi hệ thống tài chính, trả về với tập đoàn của họ, nếu họ vi phạm nguyên tắc sở hữu lũng đoạn trong ngân hàng thương mại. Đây là việc làm cần thiết để tránh những tổn thất dài hạn cũng như những cú sốc ngắn hạn trong trương trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

Hơn nữa, từ trước đến nay, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng chủ yếu tập trung nói đến nợ xấu, các tiêu chuẩn, tiêu chí kiểm soát ngân hàng, ít người nhắc đến sự gắn bó mật thiết của việc này với tái cơ cấu đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước. Song, chuyên gia Cấn Văn Lực lại cho rằng, quá trình tái cấu trúc nợ xấu ngân hàng không thể thành công được nếu như việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công không triển khai đồng bộ và quyết liệt vì liên quan chặt chẽ với nhau. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, muốn tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thì phải làm mạnh mẽ hơn đối với tái cơ cấu doanh nghiệp, đặc biệt khối doanh nghiệp Nhà nước.

Thực tế trong nhiều năm qua, hệ thống tổ chức tín dụng luôn là kênh cung ứng vốn chính cho nền kinh tế, cả các dự án đầu tư xây dựng cơ bản với nguồn vốn dài hạn hàng chục năm. Hệ quả là có nhiều chủ đầu tư dự án nợ hệ thống ngân hàng rất nhiều tiền mà chưa trả.

Ông Lê Xuân Nghĩa cho biết, có cơ quan cho rằng nợ này là từ các dự án do cấp địa phương làm chủ đầu tư. Vấn đề lúc này là không phân biệt được nợ cấp trung ương và nợ cấp địa phương. Nhưng dù nằm ở đâu cũng phải làm sạch khoản nợ đó. Hiện có những ước tính rất khác nhau về khoản nợ này, 91 nghìn tỷ, 100 nghìn tỷ, thậm chí là 150 nghìn tỷ. Đây là điều rất đáng lo ngại và cần có tiếng nói rõ ràng là ai sẽ trả khoản nợ này? 

Như vậy xử lý nợ xấu dứt điểm, quyết liệt vẫn là trọng tâm của hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng hiện nay. Vì nó liên quan đến cả quản trị ngân hàng, quản trị rủi ro. Cũng có quan điểm cho rằng cần nhanh chóng có cơ chế thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia quá trình tái cơ cấu, với việc đưa tín hiệu ra thị trường nhất quán và khẩn trương hơn nữa. Vì ngay cả hàng hóa đáng lo ngại nhất là nợ xấu, thì theo một khảo sát, khoảng 58% Quỹ đầu tư nước ngoài muốn mua tài sản nợ xấu của Việt Nam. Song, cơ chế pháp lý hiện vẫn được cho là chưa đủ, chưa sẵn sàng để các nhà đầu tư ngoại tham gia ngay thị trường này.