Điểm nhấn tài chính-kinh tế quốc tế nổi bật tuần từ 03-07/07/2017

PV. (Tổng hợp)

Tạp chí điện tử Tài chính xin gửi tới bạn đọc một số điểm nhấn tình hình tài chính-kinh tế nổi bật trên thế giới tuần vừa qua (03-07/07/2017).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 1,85 điểm (-1,2%)

Tính chung cả tuần, Chứng khoán châu Á: MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 1,85 điểm (-1,2%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (07/7/2017) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số giao dịch ở mức: Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 5,52 điểm (0,17%) lên 3.217,96 điểm.

Kospi (Hàn Quốc) giảm 7,94 điểm (-0,33%) xuống 2.379,87 điểm. Hang Seng (Hong Kong) giảm 124,37 điểm (-0,49%) xuống 25.340,85 điểm. S&P/ASX 200 (Australia) giảm 55,2 điểm (-0,96%) xuống 5.703,6 điểm. Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 64,97 điểm (-0,32%) xuống 19.929,09 điểm. 

Tài chính của Anh là địa chỉ đầu tư quốc tế hấp dẫn nhất châu Âu
Theo nghiên cứu của Công ty Kiểm toán Ernst & Young, ngành tài chính của Anh vẫn là địa chỉ đầu tư quốc tế hấp dẫn nhất châu Âu, tuy nhiên khoảng cách với các trung tâm tài chính khác trong khu vực đang dần bị thu hẹp, do lo ngại về những tác động từ tiến trình Brexit.
Trong năm 2016, ngành tài chính Anh đã thu hút 99 dự án FDI, mức cao nhất kể từ năm 2006 và tăng 5% so với năm 2015. Sau đó là Đức với 39 dự án, tăng 18% và Pháp 25 dự án, tăng 25%. Hoa Kỳ là nước đầu tư lớn nhất vào ngành tài chính Anh, chiếm 1/3 tổng vốn FDI, tiếp đến là Trung Quốc chiếm 9%. 
EU và Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận về một hiệp định thương mại tự do
Ngày 06/7, EU và Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận về một hiệp định thương mại tự do. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết, các cuộc đàm phán chính trị và thương mại giữa EU và Nhật Bản đã kết thúc và EU đang ngày càng tăng cường kết nối toàn cầu.
Thỏa thuận tự do thương mại giữa EU và Nhật Bản đánh dấu thắng lợi lớn cho thương mại tự do, trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra ngày 07/7.
PBoC sẽ nỗ lực khuyến khích tự do hóa lãi suất
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc - PBoC sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thận trọng và trung tính, thông qua việc duy trì khả năng thanh khoản ở mức cơ bản ổn định và định hướng sự tăng trưởng hợp lý của các hoạt động tín dụng tiền tệ; tối ưu hóa quy mô và cơ cấu huy động vốn, cơ cấu tín dụng.
Ngoài ra, PBoC cũng sẽ nỗ lực khuyến khích tự do hóa lãi suất và cải cách cơ chế xác định tỷ giá hối đoái đối với đồng NDT.

Rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu trong ngắn hạn đã được cân bằng

Theo Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagard, những rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu trong ngắn hạn đã được cân bằng hơn, tuy nhiên các nhà hoạch định chính sách cần hành động để thúc đẩy và giữ vững đà phục hồi, đảm bảo một sự phục hồi vững chắc, cân bằng và bao trùm hơn.

Các nước cần hành động để giải quyết các vấn đề như nợ doanh nghiệp cao ở các nền kinh tế thị trường mới nổi (đặc biệt là Trung Quốc), năng suất tăng thấp và chính sách khó đoán của Hoa Kỳ.