Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế: Những vấn đề cốt lõi

Lưu Ngọc Trịnh - Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới

Hiện nay, cơ cấu kinh tế Việt Nam đang phản ánh trình độ phát triển ở mức thấp (tỷ trọng nông nghiệp trên 20%) với mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào các ngành sản xuất nông nghiệp và khai khoáng. Do đó, cần thiết phải có những thay đổi một cách tổng thể, từ nhiều góc độ: đầu vào, đầu ra, thể chế, cơ cấu hướng đến một hệ thống luật chơi công bằng, công khai, khoa học và dân chủ hơn.

Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế: Những vấn đề cốt lõi
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Những vấn đề đặt ra

Xét từ khía cạnh các yếu tố đầu vào, bao gồm: số lượng, chất lượng và sự kết hợp các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất hay cả nền kinh tế (đất đai, vốn, lao động, công nghệ...). Việc xem xét mô hình tăng trưởng từ khía cạnh đầu vào (tức việc huy động các yếu tố sản xuất là K (vốn), L (lao động) và năng suất (TFP) sẽ giúp làm rõ nguồn gốc của tăng trưởng kinh tế.

Tương tự tất cả các nền kinh tế của các nước trên thế giới ở vào giai đoạn có tốc độ tăng trưởng cao, Việt Nam cũng phải dựa vào mức tiết kiệm, đầu tư cao và sử dụng nhiều lao động. Tuy nhiên, đầu tư nhiều hơn so với tiết kiệm lại là vấn đề lớn. Tiết kiệm trong nước bằng khoảng 30% GDP, trong khi mức đầu tư luôn ở mức trên 40% GDP (giai đoạn 2006-2011). Như vậy, để bù lại mức thâm hụt về vốn lên tới hơn 10% GDP, tức khoảng 10 tỷ USD/năm, không có cách nào khác là kêu gọi đầu tư trực tiếp (FDI) hay đi vay từ bên ngoài. Điều đó khiến chúng ta phải phụ thuộc vào bên ngoài và chứa đựng nhiều rủi ro.

Đồng thời, trong cấu thành tạo nên tăng trưởng kinh tế Việt Nam được cho là phụ thuộc quá nhiều vào việc tăng vốn, thậm chí tới mức thái quá. Cụ thể, trong ba yếu tố vốn, lao động và năng suất, vốn đóng góp tới 53% tăng trưởng so với khoảng 22% từ lao động và 25% từ tăng năng suất (giai đoạn 2000-2005). Các tỷ lệ này thay đổi theo chiều hướng xấu đi nhanh chóng trong giai đoạn 2006-2010, tương tự với các mức là 77%, 15% và 8%. Điều đó có nghĩa tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ngày càng dựa nhiều vào vốn và có khuynh hướng ngày càng ít dựa vào năng suất. Vai trò hạn chế của yếu tố năng suất đối với tăng trưởng là một rào cản lớn cho việc nâng cao hiệu quả tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ tiêu năng suất lao động, hiệu quả đầu tư và khả năng duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn, cũng như khả năng khai thác triệt để các tiềm năng. Hậu quả là cho đến nay, lạm phát ở nước ta luôn ở (hoặc có nguy cơ ở) mức cao trong nền kinh tế.

Trong khi đó, phần đóng góp của các yếu tố nguồn lực vật chất (K và L) lại là chủ yếu và có xu hướng tăng lên. Chẳng hạn, trong thời kỳ 1990-2000, khoảng 56% tăng trưởng GDP của Việt Nam là do các yếu tố vật chất. Tuy nhiên, trong thời kỳ 2000-2010, con số này đã tăng lên tới 73%. Điều này phản ánh thực chất quá trình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian qua thiên về chiều rộng. Mặc dù đây là hướng phát triển khá hợp lý trong điều kiện chúng ta đang còn nhiều tiềm năng phát triển chưa được khai thác và sử dụng. Tuy vậy, theo thời gian, đáng lẽ nó phải giảm dần về tỷ trọng và được thay thế từng bước bằng các yếu tố tăng trưởng theo chiều sâu. Song đáng tiếc là, ở Việt Nam lại đang diễn ra xu thế ngược lại. Đây là bất hợp lý lớn nhất trong mô hình tăng trưởng ở nước ta hiện nay.

Hơn nữa, nền kinh tế của chúng ta luôn bị kẹt giữa tình trạng vừa thừa lao động chân tay, giản đơn vừa thiếu nghiêm trọng lao động có kỹ năng, được đào tạo, dẫn đến chi phí đào tạo nghề hay đào tạo lại sau khi tuyển dụng làm tăng giá lao động.

Bên cạnh đó, do trình độ công nghệ còn thấp và lạc hậu tới vài thập kỷ so với các nước tiên tiến trên thế giới, nền kinh tế buộc phải sử dụng (có thể nói là lãng phí) quá nhiều tài nguyên, trong đó phần nhập khẩu là rất lớn. Vậy nên, dù có tăng trưởng cao, song lại không hiệu quả, nhanh chóng làm cạn kiệt tài nguyên và gây ô nhiễm môi truờng, phần giá trị gia tăng ít, vì phải chia sẻ cho bên ngoài.

Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn chưa dựa nhiều vào tri thức, khoa học - công nghệ. Chỉ số kinh tế tri thức còn rất thấp, chưa đạt được điểm trung bình. Theo Viện nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số kinh tế tri thức của Việt Nam năm 2008 là 3,02, xếp thứ 102 trong số 133 quốc gia được phân tích. Chỉ số này của Việt Nam là cao hơn nhóm thu nhập thấp, nhưng lại thấp hơn nhiều so với chỉ số của nhóm nước thu nhập trung bình thấp (4,1). Còn nếu so với các nước trong khu vực, chỉ số kinh tế tri thức của nước ta chưa bằng 1/2 chỉ số đạt được của nhóm nền kinh tế công nghiệp mới NIEs gồm Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và Hồng Kông; thấp hơn khá nhiều so với Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc và Philippines.

“Vấn đề” từ góc độ các yếu tố đầu ra

Việc hướng vào xuất khẩu và hội nhập quốc tế được Việt Nam lựa chọn trong nhiều năm qua là đúng đắn, nhằm khai thác và phát huy các tiềm năng quốc gia cũng như để khai thác và tận dụng những cơ hội từ thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, nhập siêu kéo dài luôn ở mức khoảng 10% GDP (giai đoạn 2006 – 2011) gây ra hậu quả là chúng ta phụ thuộc đáng kể vào cả thị trường xuất và nhập khẩu nước ngoài, trong đó tập trung vào một số thị trường chủ yếu và một số mặt hàng chủ lực. Điều đó khiến chúng ta dễ rơi vào thế bị động và tổn thất đáng kể, nếu các thị trường này có vấn đề. Hơn nữa, cơ cấu xuất khẩu dựa quá nhiều vào xuất khẩu khoáng sản, nguyên liệu thô và hàng gia công có hàm lượng công nghệ thấp và tiêu hao nhiều lao động là yếu điểm không thể xem nhẹ ở phương diện này.

Đặc biệt, sự chênh lệch trong đầu tư giữa khu vực công và tư khá lớn đã làm giảm hiệu quả đầu tư, lãng phí tiền của và làm mất lòng tin trong dân. Cụ thể, đầu tư công giai đoạn 2006-2011 chiếm tỷ lệ khoảng 40% tổng đầu tư toàn xã hội so với mức trung bình 35% của vực ngoài quốc doanh và 25% của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Việt Nam được xem là một trong những quốc gia đang phát triển, trong đó Chính phủ thu ngân sách nhiều nhất và gia tăng liên tục, từ 24,6% (giai đoạn 2001-2005) lên tới 27,2% GDP (giai đoạn 2006-2011). Mặc dù vậy, thu vẫn không đủ chi (luôn ở mức cao lên tới 32,6% và 36,3% tương ứng với hai thời kỳ trên). Hậu quả là tín dụng của chúng ta luôn trong tình trạng căng thẳng và co kéo, thường trực nguy cơ bùng nổ hoặc tái lạm phát cao.

“Lỗi” cấu trúc kinh tế

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian qua vẫn bị chi phối bởi các ngành sản xuất (nông, lâm, ngư nghiệp và công nghiệp) là chủ yếu (chiếm tới 2/3 GDP), còn phần đóng góp của khu vực thương mại, dịch vụ được đánh giá là thấp, 37,7% (giai đoạn 2001-2005) và 40% (giai đoạn 2006-2010). Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực, như: Singapore (65%), Hàn Quốc (62%), Thái Lan (50%), Philippine (53,5%).

Thực tế cho thấy, Việt Nam đang dựa quá nhiều vào khu vực nguyên khai (hay còn gọi là Khu vực I), gồm khai thác khoáng sản và các ngành nông, lâm, ngư nghiệp. Tuy khu vực công nghiệp chế tạo có phát triển, nhưng chủ yếu là gia công sử dụng nhiều lao động, ít kỹ năng. Xét dưới góc độ bậc thang trong dây chuyền giá trị gia tăng khu vực và toàn cầu thì nền kinh tế của Việt Nam nằm ở giai đoạn thấp, do đó thu được ít giá trị gia tăng. Nếu tiếp tục khai thác những lĩnh vực trên thì sẽ làm tăng chi phí và làm mất lợi thế ở các khu vực khác.

Hiện nay, khu vực doanh nghiệp nhà nước được trao sứ mệnh đóng vai trò chủ đạo, dẫn dắt nền kinh tế. Khu vực này (đặc biệt là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty lớn với tư cách là “những quả đấm thép”) được hưởng rất nhiều ưu đãi về thể chế và tài nguyên, song lại hoạt động không hiệu quả. Tổng tài sản của 1.309 doanh nghiệp nhà nước chiếm tới 45% tổng tài sản cố định và đầu tư toàn xã hội, nhưng chỉ đóng góp được 35% tổng GDP cả nước trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2010.

Còn theo thống kê của WB tại Việt Nam, thì các doanh nghiệp nhà nước chiếm đến 60% vốn tín dụng từ các tổ chức tín dụng và ngân hàng, nhưng cũng chính các tập đoàn này lại gây ra tới hơn 70% số nợ xấu trong cả nước. Điều này dẫn đến nguy cơ tạo cơn bão tài chính làm lung lay hệ thống ngân hàng và tạo ra một lỗ hổng lớn đẩy một số ngân hàng đến bờ vực phá sản. Đây cũng chính là lý do giải thích tại sao chỉ số ICOR của Việt Nam luôn ở mức cao tới 4,89 (giai đoạn 2000-2005) và tiếp tục tăng cao tới 7,17 (giai đoạn 2006-2010), so với mức chỉ 2 đến 3 ở các nước trong khu vực. Cải cách hay tổ chức lại khu vực doanh nghiệp nhà nước, trước hết là “các quả đấm thép đang tan chảy”, là một đòi hỏi lớn đối với nước ta nhằm làm cho mô hình tăng trưởng trở nên tốt hơn.

Ngoài ra, sự liên kết giữa các khu vực, ngành, hay thành phần kinh tế của nước ta đang rất yếu. Điều này thể hiện ở chỗ những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam thường không liên quan đến nhau (thủy sản, dệt, đồ nội thất, may mặc, giày dép…). Do đó, không tạo được hiệu ứng “tràn ngập” tại các thị trường lớn là EU, Nhật Bản hay Mỹ như các sản phẩm của Trung Quốc. Thậm chí, còn xảy ra tình trạng xung đột lợi ích giữa các nhóm lợi ích mặc dù trong cùng một ngành. Sự xung đột này có thể nhận thấy khá rõ ở các thành phần kinh tế, ở đó có sự phân biệt giữa khu vực doanh nghiệp nhà nước và ngoài quốc doanh.

“Chênh lệch lớn trong đầu tư giữa khu vực công và tư ở đã làm giảm hiệu quả đầu tư, lãng phí tiền của và làm mất lòng tin trong dân”.

Còn xét từ góc độ thể chế, chiều cạnh thể chế thể hiện vai trò của Nhà nước và hệ thống các luật chơi trong nền kinh tế, cũng như các chính sách kinh tế vĩ mô (gồm loại chính sách vĩ mô và cách làm chính sách vĩ mô). Chiều cạnh này thể hiện cách thức vận hành nền kinh tế của Nhà nước. Nói một cách hình tượng, chiều cạnh thể chế được xem như là phần mềm điều hành nền kinh tế mà phần cứng của nó có thể được xem là cấu trúc của nền kinh tế.

Mặc dù đã qua khoảng hơn hai thập kỷ đổi mới, mở cửa và cải cách loại bỏ chế độ quan liêu bao cấp và kế hoạch hoá tập trung, song vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế Việt Nam vẫn được xem là rất trực tiếp và ôm đồm. Bằng chứng rõ rệt là cách thức điều hành và quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế vẫn còn mang nặng tính quản lý hành chính, “cai trị” hơn là phục vụ, thân thiện và tạo điều kiện cho kinh doanh.

Sự ưu tiên thái quá của Nhà nước đối với khu vực doanh nghiệp công đã tạo ra sự phân biệt đối xử với các thành phần kinh tế còn lại. Điều đó cũng có nghĩa là chưa thực sự có sân chơi công bằng đối với các thành phần tham gia trong nền kinh tế. Điều này, một mặt làm mất động lực phát triển của các khu vực ngoài nhà nước, mặt khác gây ra sự phân bổ tài nguyên kém hiệu quả trong nền kinh tế do những tín hiệu của thị trường đã bị bóp méo.

Một yếu tố khác ở phương diện thể chế là chính sách kinh tế vĩ mô và cách thức làm chính sách vĩ mô. Chính sách vĩ mô của Việt Nam không ổn định. Cách thức ra các quyết định chính sách thường vẫn xuất phát chủ yếu từ góc độ và quan điểm của những người quản lý, của quan chức các bộ, ngành, chưa lôi kéo được sự tham gia tích cực của các đối tác khác (như giới học thuật, báo chí, giới kinh doanh, lao động và người tiêu dùng). Do đó, các chính sách đó thường thiếu tính thực tế, tính dự báo và không nhất quán. Đây là nguyên nhân quan trọng làm khó cho doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác, gây bất ổn và kém hiệu quả cho nền kinh tế.

Cần có sự thay đổi…

Để có được một mô hình tăng trưởng có nhiều điểm tốt hơn, Việt Nam cần phải có nhiều nỗ lực cải cách mạnh mẽ trong tương lai. Những nỗ lực này phải bao gồm những thay đổi sao cho có được một thể chế tốt hơn với các chính sách vĩ mô ổn định và một hệ thống luật chơi công bằng hơn.

Trước hết, khu vực doanh nghiệp nhà nước cần phải có những cải tổ mạnh mẽ theo hướng giảm bớt ưu đãi và buộc phải hoạt động hiệu quả hơn. Đồng thời, cần khuyến khích và tạo thêm dư địa cho khu vực tư nhân phát triển.

Một điểm quan trọng và mang tính bao trùm đó là việc cải cách thể chế cần phải đạt được môi trường cạnh tranh hơn, tránh tình trạng độc quyền (nhất là độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước sở hữu).

Cần phải có một chiến lược phát triển công nghệ quốc gia rõ ràng với hệ thống các chính sách nhằm khuyến khích nhập, tiếp thu, ứng dụng và phát triển công nghệ trong sản xuất”.

Xét từ góc độ các yếu tố sản xuất (đầu vào), rõ ràng việc trông cậy vào sử dụng nhiều lao động, tài nguyên đã đến tới hạn của nó. Do đó, cần phải có những thay đổi theo hướng gia tăng yếu tố công nghệ để có thêm phần giá trị gia tăng và có vị trí tốt hơn, cao hơn trong chuỗi giá trị sản phẩm toàn cầu và khu vực. Để làm được điều này, cần phải có một chiến lược phát triển công nghệ quốc gia rõ ràng với hệ thống các chính sách nhằm khuyến khích nhập, tiếp thu, ứng dụng và phát triển công nghệ trong sản xuất. Điều này có ý nghĩa rất lớn, vì nó sẽ tự động giải tỏa áp lực tăng trưởng phải dựa nhiều vào vốn, một nhược điểm lớn trong mô hình tăng trưởng của nước ta hiện nay.

Thêm vào đó là việc phát triển và ứng dụng công nghệ sẽ giúp cải thiện được cấu trúc của nền kinh tế dựa chủ yếu vào các lĩnh vực nguyên khai (khai khoáng và nông nghiệp). Đồng thời, tạo dựng và phát triển được lĩnh vực công nghiệp chế tạo, một cơ sở quyết định cho tăng trưởng bền vững trong tương lai. Điều này sẽ giúp Việt Nam tránh được cái gọi là “bẫy” thu nhập trung bình. Một vấn đề nữa ở phương diện đầu vào là phải chú trọng xây dựng và phát triển các cụm ngành để có mối liên kết ngành, nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho các ngành công nghiệp và hy vọng sớm tạo được hiệu ứng “tràn ngập” hàng Việt Nam trên các thị trường quốc tế và khu vực.

Từ góc độ đầu ra cho thấy rằng chiến lược hướng về xuất khẩu của nước ta là hoàn toàn đúng đắn. Khai thác thị trường toàn cầu là yếu tố quan trọng để phát huy hết tiềm năng của nền kinh tế. Tuy nhiên, chế độ tỷ giá hiện nay chưa thực sự thể hiện rõ ý đồ này, tỷ giá cần phải được điều chỉnh cao hơn nữa, nhằm khuyến khích xuất khẩu và giảm dần nhập khẩu. Đồng thời, với việc tiếp tục khai thác tốt hơn các thị trường nước ngoài, cũng cần hướng mạnh vào việc mở rộng và khai thác thị trường nội địa. Đầu tư công cũng cần được thay đổi theo hướng tạo sự cân bằng giữa khu vực công và khu vực tư nhân, có như vậy mới tạo thêm dư địa và khuyến khích đầu tư tư nhân. Giảm đầu tư công cũng sẽ dẫn tới giảm áp lực phải thu ngân sách hiện nay được cho là khá cao.
__________________

Tài liệu tham khảo:

1. Lê Xuân Nghĩa (1/2012). Kinh tế Việt Nam giai đoạn 2006-2011 và Triển vọng.

2. Uỷ Ban Giám sát Tài chính Quốc gia (2011). Báo cáo Triển vọng Kinh tế Việt Nam 2012-2013.

3. Bùi Ngọc Sơn (08/2012). Mô hình tăng trưởng - Những chiều cạnh của khái niệm và một số vấn đề ở Việt Nam, tham luận tại Hội thảo “Chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế Việt Nam sau khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu”, tại Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới.