Dự báo những thương vụ M&A lớn trong lĩnh vực ngân hàng năm 2017

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

8 năm sau khủng hoảng tài chính, chương trình cứu trợ các nhà băng một lần nữa lại được đưa ra thảo luận tại châu Âu. Lãi suất thấp, thậm chí ở mức âm, gánh nặng từ các tài sản xấu, chi phí hoạt động lớn và sự canh tranh tới từ các công ty công nghệ tài chính, tất cả đang tạo thêm sức ép lên giá cổ phiếu ngân hàng, cũng như lãnh đạo nhà băng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Trong năm 2016, giá cổ phiếu của các ngân hàng châu Âu đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011. Với nguy cơ tiềm ẩn về một cuộc khủng hoảng tài chính mới, cùng môi trường chính trị bất ổn tại châu Âu, việc hợp nhất các ngân hàng toàn cầu là một giải pháp chưa từng được nghĩ tới. Nhưng không có nghĩa sẽ không có hiệu quả.

Tại tất cả các lĩnh vực công nghiệp, sự kết hợp giữa tăng trưởng trì trệ, giá trị tài sản giảm sút và nhu cầu củng cố năng lực thường dẫn tới việc hợp nhất, sáp nhập các thực thể với nhau. Tuy nhiên, tại lĩnh vực tài chính, tư tưởng cho rằng các nhà băng toàn cầu “quá lớn để sụp đổ” khiến việc hợp nhất nhà băng trở nên khá mới mẻ đối với những người nắm quyền.

Thực tế, số lượng các thỏa thuận M&A liên quan tới các ngân hàng Bắc Mỹ và châu Âu trong 6 năm qua chỉ bằng chưa tới một nửa số lượng trong giai đoạn 6 năm trước đó. Hoạt động này chỉ diễn ra tích cực hơn tại Abu Dhabi, Trung Quốc và Bắc Mỹ khi các nhà băng bắt đầu lên kế hoạch M&A để củng cố sức mạnh.

Dựa trên sự thảo luận với hơn 12 chuyên gia tư vấn sáp nhập, nhà phân tích, nhà đầu tư tài chính, Bloomberg Intelligence đã "phác thảo bản kế hoạch" về một số thương vụ M&A lớn, qua đó có thể giúp “cứu chữa” ngành công nghiệp ngân hàng.

Dự báo những thương vụ M&A lớn trong lĩnh vực ngân hàng năm 2017 - Ảnh 1

Barclays mua lại Deutsche Bank

Cổ phiếu của Deutsche Bank, ngân hàng lớn nhất nước Đức, hiện đang giao dịch với giá bằng ¼ giá trị sổ sách. Đây là nhà băng được các chuyên gia nhận định có thể “góp mặt” tại hầu hết các thương vụ M&A với ngân hàng lớn khác. Một nhiệm vụ mà CEO Deutsche Bank John Cryan có thể theo đuổi là hợp sức với đối tác để củng cố lĩnh vực ngân hàng đầu tư và giao dịch.

Dự báo những thương vụ M&A lớn trong lĩnh vực ngân hàng năm 2017 - Ảnh 2

Nếu CEO Barclays Jes Staley muốn đưa ngân hàng châu Âu này quay trở lại vị trí nhà vô địch, vượt qua các đối thủ đến từ Mỹ, thì việc mua lại Deutsche Bank sẽ giúp ngân hàng sau sáp nhập trở thành nhà băng có hoạt động giao dịch thương mại lớn nhất thế giới, vị trí hiện đang thuộc về JPMorgan Chase & Co.

Bên cạnh đó, thỏa thuận này sẽ giúp Barclays, hiện đang có trụ sở chính tại London, có thêm một vị trí vững chắc tại châu Âu khi quá trình nước Anh rời khỏi EU (Brexit) diễn ra.

Lợi nhuận có phần bấp bênh từ hoạt động ngân hàng đầu tư của Deutsche Bank có thể nhận được lực hỗ trợ từ bộ phận khách hàng tiêu dùng và tín dụng của Barclays. Kể từ năm 2006, lợi nhuận bộ phận thẻ của Barclays đã tăng gấp 4 lần, trong khi từ bộ phận chứng khoán đã giảm 4 lần.

Santander mua lại Deutsche Bank

CEO Deutsche Bank Cryan có thể thu xếp một thỏa thuận khác để đưa nhà băng lớn nhất nước Đức thoát khỏi tình cảnh tồi tệ hiện tại, đó là củng cố thêm lĩnh vực giao dịch thương mại, vốn đang gặp nhiều rắc rối.

Banco Santander SA là một trong những ngân hàng có bộ phận bán lẻ mạnh nhất mà Deutsche Bank có thể hướng tới, trong khi thương vụ này có thể giúp nhà băng Tây Ban Nha mua được những tài sản có giá rẻ để bước vào lĩnh vực kinh doanh mới. Đức hiện là một trong 10 thị trường cốt lõi của Santander và hiện là nơi Santander hoạt động mạnh nhất tại lĩnh vực tài chính tiêu dùng.

Việc mua lại Deutsche Bank đồng thời giúp Santander có chỗ đứng ấn tượng trong lĩnh vực quản lý tài sản, nơi nhà băng này chưa góp mặt, trong khi Deutsche Bank cần trở thành một phần của ngân hàng có hoạt động giao dịch tốt để cân bằng lại với lĩnh vực ngân hàng đầu tư, Chris Wheeler, chiến lược gia ngân hàng tại Atlantic Equities cho biết.

Tuy nhiên, thương vụ này không dễ nhận được sự chấp thuận của chính phủ Đức bởi Deutsche Bank hiện vẫn đang là “nhà vô địch” quốc gia và Chủ tịch Banco Santander, bà Ana Botin hiện đang tạm dừng các kế hoạch mua bán tài sản để tăng cường củng cố năng lực tài chính.

Dự báo những thương vụ M&A lớn trong lĩnh vực ngân hàng năm 2017 - Ảnh 3

JPMorgan mua lại Standard Chartered

Kế hoạch này thực tế đã được nhắc tới kể từ khi Jamie Dimon lên nắm quyền tại JPMorgan năm 2005. Năm 2006, JPMorgan bị đồn rằng đã ngỏ lời mua lại cổ phần của Standard Chartered, tuy nhiên, số cổ phiếu này sau đó đã thuộc về Temasek Holdings Pte. Các chuyên gia dự đoán, việc JPMorgan mua lại Standard Chartered có khả năng xảy ra khi cả hai nhà băng đều đã vượt qua được khủng hoảng tài chính gần nhất và hiện đang nỗ lực tìm cách củng cố sức mạnh của mình nhằm đánh bại các đối thủ.

Với giá trị thị trường dưới 25 tỷ USD, Standard Chartered Plc là "miếng mồi dễ nuốt" đối với JPMorgan, vốn có giá trị thị trường gấp khoảng 9 lần con số trên. Cuối năm 2015, Dimon cho biết, JPMorgan muốn mở rộng hơn nữa sự hiện diện tại các quốc gia châu Phi để thúc đẩy tăng trưởng, ngay cả sau khi giới chức Ghana và Kenya từ chối đề nghị của nhà băng này.

Nếu mua lại Standard Chartered, kế hoạch xâm nhập và mở rộng tại thị trường châu Á, Trung Đông và châu Phi của JPMorgan sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Một trở ngại trong thương vụ này là việc liệu CEO Standard Chartered Bill Winters có muốn bán lại ngân hàng cho Dimon, người đã “trục xuất” Winters ra khỏi JPMorgan năm 2009. Theo đó, Bill Winters từng là lãnh đạo Ngân hàng đầu tư của JPMorgan.

Bên cạnh đó, một câu hỏi được đặt ra là liệu giới chức Mỹ có ủng hộ cho một thương vụ mua tài sản nước ngoài lớn tới vậy, đặc biệt là sau khi họ đã đưa ra mức phạt đối với Standard Chartered liên quan tới hoạt động rửa tiền và làm trái các lệnh cấm vận mà Mỹ áp đặt lên Iran.

ICBC mua lại Standard Chartered

Tương tự Deutsche Bank, Standard Chartered cũng là một đối tượng “phổ biến” được các chuyên gia nhắm tới cho hoạt động M&A ngân hàng. Đây là nhà băng có hoạt động kinh doanh không được tích cực trong thời gian qua, nhưng có lợi thế về sự hiện diện tại nhiều thị trường mà các nhà băng lớn khác đang muốn phát triển.

Trong bối cảnh các ngân hàng Trung Quốc đang đa dạng hóa hoạt động đầu tư ra bên ngoài thị trường nội địa, Ngân hàng Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc (ICBC), nhà băng lớn nhất Đại lục, là một đối tượng khá phù hợp với thương vụ mua lại Standard Chartered. Thực tế, năm 2015, ICBC đã tiến hành mua cổ phần tại Standard Bank Plc

Đối với thương vụ này, trở ngại lớn nhất là việc các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng chậm lại. Điều này khiến các tài sản của Standard Chartered rẻ hơn, nhưng cũng khiến các ngân hàng Trung Quốc gặp nhiều áp lực về tài chính. Trong bối cảnh này, không riêng ICBC, nhiều nhà băng khác cũng có thể đưa ra lời đề nghị mua lại cổ phần đủ sức hấp dẫn với Temasek, hãng đầu tư thuộc sở hữu nhà nước của Singapore và cũng là cổ đông lớn nhất của Standard Chartedred.

Well Fargo mua lại Credit Suisse

Wells Fargo & Co, một trong những nhà băng toàn cầu khỏe mạnh nhất thời điểm hiện tại, đang thể hiện tham vọng dấn thân hơn vào lĩnh vực ngân hàng đầu tư. Bên cạnh đó, nhà băng này cũng đang có nguồn tiền mặt dồi dào và cần cân nhắc cách sử dụng phù hợp. Đối thủ lớn của JPMorgan từng cho biết, Ngân hàng có thể thực hiện một số thương vụ M&A nhằm hoàn thiện dịch vụ, cung cấp sản phẩm cho những công ty lớn nhất toàn cầu.

Các chuyên gia ngân hàng nhận định, bằng việc thâu tóm Credit Suisse Group AG, Wells Fargo có thể tiếp cận lĩnh vực quản lý tài sản của ngân hàng Thụy Sỹ này, cũng như bộ phận ngân hàng đầu tư. Trước đây, 2 nhà băng này đã từng hợp tác khi Wells Fargo nhận khoảng 100 nhà tư vấn tài chính Mỹ từng làm việc cho Credit Suisse, sau khi ngân hàng này rút lui khỏi thị trường Mỹ.

Hiện tại, giá trị thị trường của Wells Fargo vào khoảng hơn 230 tỷ USD, khiến đây là nhà băng lớn nhất nước Mỹ. Tuy nhiên, lĩnh vực hoạt động chính của Wells Fargo là bán lẻ và cho vay thương mại, nên nhà đầu tư có thể e dè nếu ngân hàng này muốn tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh nhiều rủi ro hơn như ngân hàng đầu tư.

Những kẻ mộng mơ

Một số lãnh đạo ngân hàng cho rằng, các nhà băng lớn có rất nhiều vấn đề nội tại cần phải sửa chữa, trước khi tìm kiếm giải pháp từ bên ngoài.

Thương vụ thâu tóm lớn nhất thế giới trong lịch sử ngành ngân hàng là Royal Bank of Scotland Group Plc trả 72 tỷ euro (80 tỷ USD) để mua lại ABN Amro Holding NV có trụ sở tại Amsterdam, cùng với đối tác là Fortis (Belgium) và Santander (Tây Ban Nha) năm 2007. Một năm sau đó, nhà băng này đã phải nhận gói cứu trợ lớn nhất thế giới.

Năm 2008, Bank of American Corp thâu tóm Countrywide Financial Corp, với mức giá ban đầu là 2,5 tỷ USD. Thương vụ này kết thúc bằng chi phí 70 tỷ USD cho Bank of American sau hàng tá các vụ điều tra và tranh chấp.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính, hiện có khoảng 1 nghìn tỷ USD nợ xấu trong bảng cân đối kế toán của các ngân hàng châu Âu. Việc tiến hành M&A các ngân hàng lớn có thể dẫn tới cơ hội cắt giảm bớt chi phí, tuy nhiên, các nhà đầu tư, vốn đang mệt mỏi với tốc độ cải cách chậm chạp hiện tại, rất có thể sẽ đau đầu thêm vì các vấn đề của hệ thống mới, thậm chí những mối lo lắng có thể tăng gấp đôi.

“Chỉ cho tôi 1 ngân hàng sáp nhập thành công, tôi sẽ chỉ cho bạn 20 thương vụ không như vậy”, Mark Williams, giảng viên Đại học Boston và cựu thanh tra viên Fed cho biết.