Gập ghềnh con đường nâng cao hiệu quả đầu tư trong giáo dục đại học ở Việt Nam

(Tài chính) Giáo dục đại học (GDĐH) có vai trò trọng yếu trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của đất nước. Chính vì vậy, Việt Nam đã dành cho lĩnh vực này một tỷ lệ lớn trong tổng nguồn lực công.

Gập ghềnh con đường nâng cao hiệu quả đầu tư trong giáo dục đại học ở Việt Nam
Nhà nước vẫn dành cho ngành giáo dục một lượng ngân sách ngày càng tăng. Nguồn: internet

Để tìm hiểu tình hình thực hiện các chủ trương, chính sách; đặc biệt là hiệu quả bố trí ngân sách, sử dụng ngân sách và tác động của khoản chi tiêu khổng lồ này, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với TS. Trịnh Tiến Dũng, người chủ trì công trình nghiên cứu “Tác động chính sách của chi tiêu NSNN cho giáo dục đại học ở Việt Nam”. Đây là công trình nghiên cứu sơ bộ và được thực hiện trong khuôn khổ của Dự án do Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội chủ trì với sự tài trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam.           

Phóng viên: Là người chủ trì nhóm nghiên cứu Chuyên đề, ông đánh giá như thế nào về vai trò của NSNN đối với GDĐH ở nước ta hiện nay ?

TS. Trịnh Tiến Dũng: Bài học quan trọng đối với mọi quốc gia là đầu tư cho sự phát triển của con người là con đường hiệu quả nhất và ngắn nhất để đạt được tăng trưởng và phát triển bền vững. Trong đó, giáo dục đào tạo nói chung và GDĐH nói riêng có tầm quan trọng đặc biệt trong việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ và chất lượng cao để đương đầu với cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt về năng suất và hiệu quả trên thế giới. Mức độ đóng góp của giáo dục và đào tạo trong Chỉ số phát triển con người (HDI) cũng là một hàn thử biểu quan trọng, do đó nó ngày càng được quan tâm nghiên cứu sâu sắc hơn.

Tuy nhiên, bức tranh về tỷ trọng đóng góp của nền giáo dục Việt Nam trong HDI Việt Nam hiện còn khá mờ nhạt, chưa được sáng như kỳ vọng của người dân ở một quốc gia có truyền thống lâu đời về tôn sư trọng đạo, luôn coi trọng sự dạy và học để làm người và để phát triển. Cụ thể, không phải giáo dục mà chỉ số thu nhập (nhờ sự tăng trưởng kinh tế) mới là yếu tố đóng góp lớn nhất cho HDI Việt Nam năm 2011.

Ngân sách là công cụ chính sách có vai trò “đòn bẩy” quan trọng bậc nhất của mỗi quốc gia để thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước. Chính vì vậy, phân tích tác động chính sách của chi tiêu ngân sách nhà nước (NSNN) cho giáo dục GDĐH có ý nghĩa lớn và có thể giúp đưa ra một số gợi ý chính sách bổ ích.

Nhìn chung, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục và đạo tạo ở nước ta là đúng đắn, rõ ràng và nhất quán, mặc dù có lúc chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của tình hình mới. Cụ thể: Việt Nam coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, coi việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (bậc đại học) là một trong ba đột phá chiến lược trong sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta đến năm 2020. Năm 2004, Quốc hội đã quyết định dành 20% tổng chi tiêu công hàng năm cho giáo dục và đào tạo. Như vậy, đường lối, chủ trương thì đã rõ. Vấn đề còn lại chỉ là thực hiện sao cho có hiệu quả.

Qua kết quả thu được từ Công trình nghiên cứu, ông có thể đưa ra một vài con số về tình hình chi NSNN cho giáo dục và GDĐH tại Việt Nam trong những năm gần đây ?

Trong một thời gian khá dài (1998-2009), mặc dù còn thâm hụt NSNN lớn và kéo dài nhiều năm, Nhà nước vẫn dành cho ngành giáo dục một lượng ngân sách ngày càng tăng, trung bình là 40.257 tỷ đồng (theo giá thực tế). Tính ra, chi tiêu công cho giáo dục chiếm khoảng trên 5% GDP và trên 17,2% tổng chi tiêu công hàng năm của cả nước. Nếu tính cả các nguồn tài chính công khác như: trái phiếu chính phủ, công trái giáo dục, xổ số kiến thiết (từ năm 2003) thì số đầu tư trung bình nói trên lên đến 43.391 tỷ đồng và chiếm tỷ lệ 17,7% tổng chi tiêu công hàng năm của cả nước.

Riêng đối với GDĐH,  tổng chi tiêu NSNN trung bình hàng năm là 4.212 tỷ đồng (giá thực tế), chiếm trên 0,52% GDP và khoảng 10,5% tổng chi tiêu NSNN hàng năm cho toàn ngành giáo dục. Trong những năm gần đây, chi tiêu NSNN trung bình cho một sinh viên tốt nghiệp đại học giai đoạn 2005-2008 là 25,5 triệu đồng.

 Xét về trị số tuyệt đối, số tiền này còn thấp xa so với nhu cầu nhưng so sánh với quốc tế, nó chiếm tỷ lệ chi tiêu công thuộc vào loại cao nhất khu vực và trên thế giới. Theo tỷ lệ % chi tiêu công cho giáo dục trên GDP hàng năm, Việt Nam vượt qua rất nhiều nước châu Á, kể cả Thái Lan và Hàn Quốc là hai nước cũng có tỷ lệ đầu tư cho giáo dục cao. Tính theo sức mua tương đương (USD PPP) thì Việt Nam xấp xỉ ngang Thái Lan và gấp gần 3 lần Indonexia chứ không phải thua xa các nước như nhận định trước đây và như hiện nay vẫn còn được sử dụng trong một số tài liệu. Sự khác biệt này chủ yếu là do sử dụng số liệu cũ của UNESCO (số liệu năm 2006). 

Với một tỷ lệ chi tiêu như vậy, nhưng dường như hiệu quả đầu tư cho giáo dục đại học ở nước ta vẫn chưa tương xứng với nguồn lực bỏ ra?

Đúng vậy, theo sự đánh giá rất sơ bộ của chúng tôi, hiệu quả bố trí và sử dụng NSNN cho giáo dục ở nước ta thuộc loại thấp nhất trong khu vực và trên thế giới, việc khai thác nguồn lực đầu tư chưa có hiệu quả. GDĐH cũng không phải là ngoại lệ.

So sánh quan hệ giữa chi tiêu công cho giáo dục và số năm đi học của Việt Nam với một số quốc gia ở châu Á, thì trong khi Việt Nam đầu tư cho giáo dục cao hơn so với Hàn Quốc (tính theo % tổng chi tiêu của Chính phủ) là 5% thì ở đầu ra lại thu được kết quả thấp hơn tới 6,2 năm. Ngay cả Indonexia và Trung Quốc có mức đầu tư gần như nhau (18,7 và 18,2%) thì cũng thu được kết quả ở đầu ra cao hơn Việt Nam từ 1 đến 2 năm đi học.

So sánh giữa một số chỉ số ở đầu vào – và đầu ra qua các chỉ số phát triển GDĐH tiêu biểu cho thấy, việc đầu tư vào cơ sở giáo dục và vào giáo viên đại học cho hiệu quả không cao. Tính trung bình từ 2005-2010, số trường đại học tăng 9,34%/năm, số giáo viên tăng 7,42% nhưng số tuyển sinh đại học chỉ tăng 6,56%/năm; đặc biệt số sinh viên tốt nghiệp khu vực công lập chỉ tăng 2,9%/năm. Như vậy, sự “bùng nổ” của các cơ sở GDĐH thời gian gần đây không dễ lý giải từ góc độ nhu cầu của nền kinh tế và khả năng tăng số giáo viên.

Thực trạng tìm việc làm và làm việc đúng chuyên ngành được đào tạo của sinh viên ra trường cũng khẳng định điều đó. Theo một nguồn tài liệu, 75% sinh viên ra trường khó tìm việc; 20% sinh viên chọn sai ngành học, ra trường đi làm mới thấy công việc không phù hợp nên bỏ việc hoặc làm trái nghề… 30% muốn tìm việc làm khác vì không phù hợp với khả năng, nguyện vọng và 40% chưa xác định mục tiêu nghề nghiệp. Hiện tại cả nước cũng chỉ có hơn 20 trường đại học đạt tỷ lệ 60% sinh viên sau khi ra trường có việc làm đúng ngành đào tạo.

Ông đánh giá thế nào về cơ cấu chi NSNN cho GDĐH của Việt Nam trong thời gian qua ?

 Trong cơ cấu chi NSNN cho GDĐH, tỷ lệ giữa chi cho đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) và chi cho dạy và học quá bất hợp lý, khoản Chi thường xuyên (chủ yếu được dành để chi lương) thấp xa so với nhu cầu thực tế và so với xu thế chung trên thế giới.

Chi cho hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ cũng đang là vấn đề cần được quan tâm. Theo Bộ Khoa học & Công nghệ, tổng số chi từ NSNN cho hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ của các trường đại học trong thời gian 9 năm từ 2001-2009 là 4.812 tỷ đồng, trong số đó chỉ riêng đầu tư cho 5 năm gần đây đã lên tới 3.373 tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần so với mức đầu tư trong 5 năm trước đó. Vấn đề là đảm bảo sự hợp lý và tính minh bạch trong việc sử dụng khoản kinh phí không nhỏ này.

Ông vừa nói đến tỷ lệ chưa hợp lý trong cơ cấu chi thường xuyên và chi xây dựng cơ bản. Vậy như thế nào là một tỷ lệ hợp lý trong điều kiện nước ta, thưa ông ?

Ở các nước phát triển, tính bình quân, tỷ trọng chi lương và chi XDCB ở cấp đại học rất thấp, chỉ chiếm tương ứng 47,5% và xấp xỉ 12%. Nhờ đó, họ dành ra nhiều nguồn lực hơn để chi cho các khoản ngoài lương như: sách giáo khoa, học cụ, trang thiết bị học tập, v.v..

Ở Việt Nam, trong cả giai đoạn 1998-2009, chi cho XDCB chiếm xấp xỉ 18% tổng chi và chi thường xuyên khoảng 82%, trong đó chủ yếu là chi cho lương và các khoản liên quan đến lương của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Trong điều kiện cơ sở vật chất ở các cơ sở giáo dục ở nước ta còn nghèo nàn thì tỷ trọng nói trên là có thể hiểu được. Phần để chi cho học tập của người học như: học liệu, học cụ, vật tư, hóa chất thí nghiệm … chiếm tỷ trọng rất  nhỏ.

Thực trạng này cần được các cơ quan hữu quan lưu ý xem xét kỹ, đặc biệt là trong bối cảnh tham nhũng chưa được kiểm soát một cách hữu hiệu.

Hiện nay, còn có ý kiến băn khoăn là tỷ lệ chi lương tuy cao nhưng thực tế lương giáo viên thực nhận vẫn rất thấp. Theo ông, thực hư của vấn đề này như thế nào ?

 Theo các tính toán của các tác giả nước ngoài như TS. Vũ Quang Việt hoặc như tính toán nêu trong Báo cáo của Harward năm 2008, lương giáo viên năm 2008 đã có thể đạt tới 8,55 triệu đ/người/tháng (hay 4,17 triệu đồng/người/tháng nếu quy đổi về giá 2001) chứ không phải đợi đến năm 2014 mới đạt 7,1 triệu đồng/ người/tháng như Bộ Giáo dục & Đào tạo dự kiến. Nói cách khác, tiền ngân sách thực chi cho lương không quá thấp nhưng giáo viên thực nhận lại rất thấp, chỉ được khoảng một phần hai đến một phần ba. Vậy sự chênh lệch đó do đâu và đi về đâu? Đây là vấn đề hệ trọng cần được nghiên cứu thấu đáo để có câu trả lời thuyết phục.

Ngoài các hình thức trên, những năm gần đây, NSNN cho giáo dục còn được chi dưới dạng tín dụng học sinh, sinh viên (HSSV). Ông có thể đưa ra một số đánh giá về tác động của kênh chi tiêu này ?

Theo tôi, chủ trương về cấp tín dụng cho HSSV, miễn, giảm học phí, cấp học bổng cho các đối tượng nghèo, thuộc diện chính sách … là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết để các đối tượng có hoàn cảnh khác nhau đều có thể tiếp cận cơ hội học đại học như nhau. Tuy nhiên, đã đến lúc chủ trương này cần được soi sáng thêm trên cơ sở nghiên cứu đánh giá đầy đủ hơn tình hình thực tế. Đó là: sinh viên tốt nghiệp ra trường tìm được việc làm và làm đúng với ngành nghề được đào tạo là rất thấp. Triển vọng cải thiện tình hình này chưa có gì sáng sủa. Ở đây có hai khía cạnh cần xem xét: Một là chi phí cơ hội, hai là tính khả thi của việc thực hiện các biện pháp ưu đãi tài chính kể trên.

Giải pháp với chi phí cơ hội thấp nhất đòi hỏi phải cân nhắc để chọn sự đánh đổi nào phải trả giá thấp nhất vì đầu tư cho các đối tượng chính sách ở cấp học đại học sẽ làm giảm cơ hội đầu tư cho các cấp học khác (như cho giáo dục nghề nghiệp) có tác động xã hội cao hơn nhiều hoặc cho các lĩnh vực quan trọng khác của sự phát triển con người (ví dụ: y tế, an sinh xã hội, môi trường…).

Về tính khả thi, có thể thấy rõ như sau: HSSV vay mỗi tháng 1 triệu đồng để học đại học. Khi ra trường, ngay cả khi được tuyển vào làm việc ở các cơ quan hành chính nhà nước thì trong những năm đầu, với mức thu nhập bình quân trên dưới 2 triệu đồng/tháng, trừ chi phí ăn tiêu cho cá nhân thì khoản tiền còn lại có đủ để trả nợ không và đến bao giờ? Đây là những bài toán không thể không tìm lời giải.

Xét cả hai góc độ vừa nêu, các nghiên cứu sâu trong thời gian tới nên tập trung trả lời câu hỏi về tính hợp lý và khả thi của việc thu hẹp diện ưu đãi, chỉ tập trung vào các đối tượng HSSV thuộc diện chính sách nhưng có thành tích học tập xuất sắc. Việc này không hề xung đột hay mâu thuẫn với việc tăng cường các biện pháp ưu đãi tài chính để cải thiện công bằng xã hội mà trái lại làm cho các biện pháp đó khả thi hơn, trúng đích hơn và đạt được hiệu quả và tác dụng thiết thực hơn.

Trước những thực trạng vừa nêu, nhóm nghiên cứu của ông đã đề xuất những giải pháp gì để nâng cao hiệu quả và tác động của chi tiêu NSNN cho GDĐH ?

Chúng tôi đã đề nghị Quốc hội nghiên cứu xác định các ưu tiên đầu tư (lĩnh vực, cấp học, chương trình, đối tượng, loại hình sở hữu, khu vực/địa bàn…) nhằm đảm bảo việc đầu tư cho GDĐH theo Nghị quyết 37/2004/QH11 có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải như thời gian qua. Cụ thể: cần nghiên cứu để chuyển sang hướng Nhà nước chỉ đầu tư đào tạo các ngành nghề phục vụ nhu cầu thiết yếu của các cơ quan hành chính Nhà nước mà thị trường GDĐH không muốn hoặc không thể đầu tư. Đồng thời, nghiên cứu hoàn thiện hệ thống chính sách để thu hút các nguồn đầu tư ngoài nhà nước cho GDĐH, kể cả các cơ chế khuyến khích đối tác công tư (PPP);

Về phương pháp phân bổ NSNN: Chính phủ cần xây dựng lộ trình để từ kế hoạch năm năm (2016-2020) trở đi chuyển việc phân bổ và sử dụng các nguồn NSNN cho GDĐH sang dựa trên kết quả đầu ra và theo khuôn khổ chi tiêu trung hạn (3-5 năm cuốn chiếu) như các nước châu Á đang tích cực triển khai.

Tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, của người học và của xã hội. Có các biện pháp thích hợp để chế tài trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDĐH đối với phần chi tiêu từ các nguồn lực tài chính công.

Đẩy mạnh nghiên cứu phân tích chính sách, đặt trọng tâm nghiên cứu vào tác động chính sách của chi tiêu công cho giáo dục đào tạo nói chung và GDĐH nói riêng nhằm tăng cường luận cứ khoa học cho việc quyết định và giám sát tài chính công. Chúng tôi cũng đã đề xuất với Chính phủ nghiên cứu bổ sung luận cứ khoa học cho các quyết định của Chính phủ về miễn, giảm học phí, cấp học bổng, cho vay tín dụng… hỗ trợ cho người học là các đối tượng chính sách từ góc độ chi phí cơ hội (cân nhắc sự đánh đổi) tính khả thi của việc thực hiện các biện pháp ưu đãi về tài chính nêu trên.

Ngoài ra, nghiên cứu hoàn thiện hệ thống thống kê và cơ sở dữ liệu về tài chính giáo dục bảo đảm đầy đủ, đồng bộ để đáp ứng ngày một cao hơn nhu cầu phân tích thông tin phục vụ cho quản lý giáo dục hiện đại theo hướng cải thiện công bằng xã hội và phát triển con người bền vững là việc không thể trì hoãn thêm nữa!

Theo ông, với chức năng của mình, Kiểm toán Nhà nước cần phải làm gì để tăng cường hiệu quả trong vấn đề chi tiêu NSNN cho GDĐH tại Việt Nam ?

Theo tôi, Kiểm toán Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc chế tài trách nhiệm giải trình tài chính ở các cơ sở GDĐH đối với phần chi tiêu từ các nguồn lực tài chính công. KTNN có thể tiến hành kiểm toán một số cơ sở GDĐH lớn có đào tạo các ngành nghề mà Nhà nước cần nhưng thị trường lao động không mặn mà – ký hiệu A (như Khoa học tự nhiên, xã hội, khoa học quản lý) và các cơ sở khác có đào tạo các ngành nghề rất “hot” cho thị trường - ký hiệu B. Việc kiểm toán này sẽ mang lại bức tranh rất thú vị: tiền NSNN chi cho A nhưng bị xà xẻo cho B. Rất có thể sẽ phát hiện được “lương khủng” ở một số trường đại học lớn. Qua đó, KTNN có thể đề xuất xiết chặt kỷ luật ngân sách, đặc biệt là tình hình chi tiêu NSNN của các trường đại học trong cả nước.

Xin chân thành cảm ơn ông !  

Theo Kiểm toán Cuối tháng