Gia tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp bán lẻ nội

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Trước làn sóng các doanh nghiệp bán lẻ “ngoại” đang ồ ạt đổ bộ vào Việt Nam, một lần nữa, câu hỏi làm thế nào để chuyên nghiệp hóa nền bán lẻ vốn rộng khắp, nhưng rất manh mún lại được dấy lên.

Gia tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp bán lẻ nội
Ngành bán lẻ Việt Nam vẫn đang trong quá trình phát triển, theo hướng hội nhập quốc tế. Nguồn: internet

“Làn sóng” nhà đầu tư ngoại: Không đáng ngại

Đến nay, ngành bán lẻ Việt Nam vẫn đang trong quá trình phát triển, theo hướng hội nhập quốc tế và giàu tiềm năng nhờ dân số 90 triệu người cũng như cơ cấu dân số trẻ. Theo Bộ Công Thương, tỷ trọng hàng hóa bán qua hệ thống thương mại hiện đại, như: siêu thị, cửa hàng tiện ích hiện chiếm 25% tổng mức bán lẻ và sẽ tiếp tục tăng.

Theo quy hoạch của Bộ Công Thương, ngành này sẽ tăng trưởng bình quân 19%-20%/năm trong giai đoạn 2011-2015 và 20%-21%/năm từ năm 2016 đến năm 2020. Cả nước sẽ có khoảng 1.300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại vào năm 2020.

Tại Hội thảo Chính sách đầu tư và Xu hướng phát triển của ngành bán lẻ Việt Nam do Hiệp hội Các Nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức vào ngày 3/10, đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, tuy thiếu vốn đầu tư, nhưng nhìn chung các doanh nghiệp nội đang tăng tốc huy động vốn để phát triển hạ tầng, cơ sở bán hàng bên cạnh sự có mặt ngày càng đông và giàu tiềm năng về vốn của các nhà đầu tư ngoại.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều có chung đặc điểm là chú trọng đầu tư theo chuỗi, với một thương hiệu cố định để tận dụng thời gian quảng bá thương hiệu trên thị trường. Đặc biệt, nhiều siêu thị đang hưởng ứng mạnh mẽ cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và hướng tới mục tiêu đưa hàng Việt đạt tỷ lệ 80% trên các kênh phân phối vào năm 2020.

Trước sự lo lắng của người dân về việc nhà đầu tư ngoại sẽ chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam, đẩy các nhà đầu tư nội đến “chân tường”, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Đinh Thị Mỹ Loan khẳng định, thông tin bán lẻ nội bị thôn tính, lép vế được nói quá nhiều trong thời gian qua, nhưng theo đánh giá của Hiệp hội Bán lẻ, “thì đây là thông tin chưa chính xác, nhiều doanh nghiệp nội vẫn vươn lên và cạnh tranh tốt”.

Theo bà Loan, cuộc cạnh tranh giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại hiện nay chủ yếu trên lĩnh vực bán lẻ hiện đại. Tuy nhiên, đến giờ này kênh bán lẻ hiện đại chỉ chiếm 25% thị phần.

Nhận định về xu hướng phát triển của kênh bán lẻ hiện đại trong thời gian tới, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch tập đoàn Phú Thái, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho biết, Hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi ký kết sẽ có nhiều cam kết mở hơn về thị trường, nhưng doanh nghiệp bán lẻ trong nước vẫn còn nhiều cơ hội.

Hoạt động bán lẻ truyền thống vẫn “át” siêu thị

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Văn Năm, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, tính đến nay Việt Nam có khoảng 724 siêu thị và 132 trung tâm thương mại các loại. Tuy nhiên, hoạt động bán lẻ hiện đại hiện chỉ cung ứng được 25% nhu cầu mua sắm của người dân, còn 75% vẫn giữ thói quen mua sắm tại các chợ truyền thống, các cửa hàng gần nhà…

Nhìn chung, kênh bán lẻ truyền thống nhiều năm nữa vẫn tồn tại và phát triển và doanh nghiệp trong nước đang đi cả “2 chân” (vừa chiếm lĩnh kênh bán lẻ truyền thống vừa đầu tư vào kênh bán lẻ hiện đại).

Ông Phạm Đình Đoàn nhận định, trước tình hình kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu và vẫn giữ thói quen mua sắm truyền thống, thì một chủ đầu tư đầu tư vào 2-3 siêu thị sẽ không thể cạnh tranh được và dễ đứng trước nguy cơ lỗ kép. 

Ông Đoàn tính toán, để đầu tư 2-3 siêu thị, cần số vốn vay khoảng 1.000 tỷ đồng.Trong khi đó, 2-3 siêu thị không thể có công nghệ, kinh nghiệm như những tập đoàn bán lẻ lớn trong và ngoài nước đang hoạt động trên thị trường Việt Nam được. Muốn bán lẻ thành công, phải có thương hiệu, mà các thương hiệu lớn, như: Metro, Big C, Lotte… đã là thương hiệu toàn cầu. Thương hiệu cũng giúp các tên tuổi lớn dễ dàng đàm phán với đối tác để có được nguồn hàng tốt, giá rẻ.

“Chẳng hạn như Metro, dù chỉ đầu tư ở Việt Nam có 14 trung tâm nhưng Metro đàm phán với đối tác trên thế mạnh là nhà bán lẻ lớn thứ 4 thế giới, doanh số hơn 100 tỷ USD, hay hệ thống siêu thị Big C là của Tập đoàn của Pháp có doanh số cỡ 60 tỷ USD, nên họ dễ dàng mua rẻ và mua rẻ thì bán rẻ”, ông Đoàn nói.

Hơn thế, các tập đoàn lớn có nguồn vốn mạnh, trong khi các siêu thị Việt vừa lo trả lãi ngân hàng vì đã vay vốn đầu tư, vừa lo thêm nợ khi hoạt động kinh doanh không như kỳ vọng.

Cần có một “sân chơi” công bằng, minh bạch

Tại Hội thảo, các doanh nghiệp trong nước thừa nhận không thể trông đợi vào sự bảo hộ của Nhà nước nữa, mà đây là cuộc chơi của chính mình. “Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là rất có ý nghĩa, nhưng chỉ là bước đệm.

Trước đây Nhật Bản, Hàn Quốc cũng kêu gọi dùng hàng trong nước, nhưng hàng hóa của họ được tin dùng là bởi chứng minh được chất lượng, chứ không phải do kết quả của kêu gọi”, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái nêu quan điểm.

“Rõ ràng, khi các tập đoàn bán lẻ nước ngoài tham gia, người tiêu dùng sẽ được hưởng nhiều dịch vụ bán lẻ tốt hơn, cao cấp hơn. Việc kêu gọi người dân dùng hàng Việt cũng phải song hành cùng hành động của doanh nghiệp, nếu không, họ sẽ quay lưng”, ông Đoàn nói.

Đồng tình với ý kiến này, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), ông Trần Nguyên Năm chia sẻ, thời gian sắp tới sẽ có nhiều các doanh nghiệp nước ngoài gia nhập thị trường bán lẻ của Việt Nam, do vậy bản thân doanh nghiệp trong nước phải tự hoàn chỉnh chính mình.

Ngoài ra, ông Đoàn cũng đề xuất cách “tiếp cận mới” để doanh nghiệp nội mạnh hơn và “chất “ hơn, đó là việc cho phép liên doanh khi “đang có giá”. Theo ông, doanh nghiệp ngoại sẽ mang lại những thứ doanh nghiệp nội không thể có được, như kinh nghiệm, công nghệ tự động phân phối hàng trong chuỗi siêu thị tự chọn. “Trung Quốc còn thua Nhật 30 năm, thì thử hỏi Việt Nam đến bao giờ mới có được? Phải liên doanh để phát triển ngành dịch vụ nhanh nhất, doanh nghiệp trong nước sẽ học được công nghệ 1 cách nhanh nhất. 5 năm nữa thôi, khi mở cửa hết, thì doanh nghiệp nước ngoài sẽ không “thèm” liên doanh với doanh nghiệp trong nước nữa”.

Đồng tình với quan điểm nói trên của ông Đoàn, bà Đinh Thị Mỹ Loan cũng cho rằng, nên nhìn việc liên doanh với nước ngoài như là một tín hiệu tích cực, chứ không phải bị thôn tính.

Tuy nhiên, câu chuyện liên doanh cũng vấp phải một số trở ngại. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng Giám đốc Hapro, thì “nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư, nhưng với điều kiện là tỷ lệ nắm phải 51% và mang thương hiệu của họ. Chúng tôi không chấp nhận vì không muốn ngày hôm sau mở mắt thương hiệu Hapro đã biến thành 1 thương hiệu nước ngoài”. 

Ngoài việc tự lực vươn lên, theo các chuyên gia về bán lẻ, cũng cần tạo một môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp nội. Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị, hiện nay, doanh nghiệp nội đang phải cạnh tranh không công bằng trong một môi trường “u u minh minh”, mang trên vai cả gánh nặng phúc lợi xã hội cả chức năng kinh doanh, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư có vẻ đang “thảnh thơi” trốn thuế. Vì vậy, ông Phú kiến nghị, “doanh nghiệp không cần ưu tiên, mà chỉ cần bình đẳng, công khai minh bạch”.

Ngoài ra, các doanh nghiệp thuộc ngành bán lẻ cũng mong muốn cơ quan chức năng tiếp tục hỗ trợ chủ đầu tư thông qua những quy định phù hợp; nhất là về cơ hội tiếp cận nguồn vốn và mặt bằng kinh doanh cũng như tạo lập sự minh bạch, bình đẳng về môi trường kinh doanh...

Người tiêu dùng nông thôn đi siêu thị chủ yếu để chơi

Vào tháng 4/2014, bộ phận Nghiên cứu định lượng của Nielsen đã công bố kết quả khảo sát thị trường bán lẻ nông thôn cho thấy, 70% các quyết định mua sắm của người tiêu dùng nông thôn chịu ảnh hưởng lớn bởi ý kiến và lời giới thiệu của người khác (trong khi 70% người tiêu dùng thành thị lấy ý kiến của người khác chỉ để tham khảo).

Bên cạnh đó, người tiêu dùng nông thôn cũng vẫn giữ thói quen mua sắm chủ yếu ở chợ xã (16 lần/tháng), chợ phiên (16 lần/tháng), cửa hàng tạp hóa gần nhà (9 lần/tháng). Họ không mấy quan tâm đến chợ tỉnh, chợ khu vực và càng ít đến siêu thị, thường chỉ đến đây nhân dịp đi chơi hay một sự kiện nào đó, chứ không nhằm mục đích mua sắm.