Giải pháp tài chính khắc phục hậu quả thiên tai

PV.

Thiên tai và những thiệt hại do thiên tai gây ra đang có xu hướng gia tăng trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Giống như nhiều nước đang phát triển khác, Việt Nam đang gặp phải đối mặt với tình trạng ngân sách eo hẹp trong khi nhu cầu chi cho phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai ngày càng tăng.

Ngày 26/1/2018, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) đã phối hợp với UBND huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) tổ chức Hội thảo "Thiên tai và giải pháp tài chính khắc phục hậu quả". Hội thảo diễn ra tại nơi khá đặc biệt mà cách đây hơn 3 tháng từng xảy ra trận lũ ống, lũ quét, sạt lở đất lịch sử, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của, với ước tổng giá trị thiệt hại trên 246 tỷ đồng, khiến 12 người chết, 03 người mất tích; Sập trôi hoàn toàn 29 nhà; 95 nhà bị sạt lở cần phải tháo giỡ, di dời; Các tuyến đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng...

Giải pháp tài chính khắc phục hậu quả thiên tai - Ảnh 1
PGS.,TS. Phạm Tiến Đạt - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.,TS. Phạm Tiến Đạt - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu. Trong đó, các nội dung chính sách tài khóa nói riêng, chính sách tài chính nói chung được thể hiện trên nguyên tắc đánh thuế và các khoản thu ngân sách nhà nước (NSNN) đối với các hoạt động gây biến đổi khí hậu và có nguy cơ gây ra các sự kiện thiên tai; Có chính sách hỗ trợ, đầu tư đối với các công trình phòng chống thiên tai để ứng phó giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, các sự kiện thiên tai gây thiệt hại nghiêm trọng,…đồng thời, chủ động hợp tác quốc tế để tranh thủ sự ủng hộ, tài trợ cũng như vận động các nguồn lực bên ngoài cho ứng phó với thiên tai…

Thống kê cho thấy, giá trị thiệt hại bình quân hàng năm từ thiên tai ước tính khoảng 40.000 tỷ đồng (chiếm 0,94% GDP). Trong đó, ước tính hàng năm NSNN đã chi vào khoảng 10.000 tỷ đồng (25% tổng giá trị thiệt hại bình quân năm) để khắc phục hậu quả thiên tai. Các chi phí khắc phục thiên tai còn lại được huy động từ các nguồn khác (chiếm 75%). Nhìn chung, ngân sách dành cho công tác cứu trợ khẩn cấp sau thiên tai của Việt Nam tương đối đầy đủ. Các cơ chế tài chính hỗ trợ khắc phục thiên tai này về cơ bản đáp ứng được kinh phí cho hỗ trợ khẩn cấp thiệt hại sau thiên tai, tuy nhiên chủ yếu tập trung ở nguồn ngân sách trung ương.
Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Phạm Thu Phong, Tổng Biên tập Tạp chí Tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu. Thống kê cho thấy, trong 20 năm gần đây, thiên tai đã làm chết, mất tích khoảng 10.800 người, thiệt hại về GDP bình quân hàng năm lên tới 20.000 tỷ đồng, tương đương 1-1,5% GDP. Trong đó, riêng năm 2017, tổn thất từ thiên tai rất lớn, khiến 386 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng 60.000 tỷ đồng, làm đình trệ sản xuất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và quá trình phát triển bền vững của nền kinh tế.
"Cảnh tượng những cung đường, đồi dốc bị sụt lở, hư hại nghiêm trọng mà chúng tôi đã đi qua và chứng kiến khi đến huyện Trạm Tấu đã phần nào cho thấy mức độ tàn phá khủng khiếp của thiên tai. Do vậy, cần có một chiến lược tài chính lâu dài cho vấn đề này bởi hiện nay các khoản ngân sách dành cho giảm nhẹ và khắc phục hậu quả thiên tai thường được sử dụng theo cơ chế giải quyết hậu quả là chính", TS. Phạm Thu Phong chia sẻ.
TS. Phạm Thu Phong - Tổng Biên tập Tạp chí Tài chính phát biểu tại Hội thảo.
TS. Phạm Thu Phong - Tổng Biên tập Tạp chí Tài chính phát biểu tại Hội thảo. 

TS. Hà Thị Đoan Trang, Viện Chiến lược & Chính sách tài chính cho biết, tại Việt Nam, nguồn tài chính hỗ trợ khắc phục thiên tai được bố trí từ 4 nguồn chính: NSNN (bao gồm cả dự phòng ngân sách, quỹ dự trữ tài chính, dự trữ Nhà nước); Nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước; Quỹ phòng, chống thiên tai; Các sáng kiến tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai và Hỗ trợ quốc tế. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam có thể tái phân bổ một phần nhỏ chi phí đầu tư cơ bản cho hỗ trợ khắc phục sau thiên tai đối với các cơ sở hạ tầng, công trình quan trọng. 

Trong đó, từ ngày 1/1/2017, khi Luật NSNN năm 2015 có hiệu lực thì mức bố trí dự phòng NSNN cho phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa là từ 2% đến 4%. Việc trích lập quỹ dự phòng tài chính được thực hiện dần từng năm; mức khống chế tối đa là 25% dự toán chi ngân sách hàng năm của cấp tương ứng. Nguồn kinh phí cho dự trữ quốc gia được bố trí trong dự toán NSNN hàng năm và đóng góp của các tổ chức, cá nhân...

Theo ThS. Phạm Thị Phương Hoa, Viện Chiến lược & Chính sách Tài chính, những khó khăn về tài chính dành cho thiên tai cho thấy sự cần thiết của việc phát triển sản phẩm bảo hiểm thiên tai trong dài hạn, nhằm chuyển đổi từ cơ chế tài chính thụ động (tài trợ sau khi thiên tai xảy ra) sang cơ chế tài chính chủ động (tài trợ trước khi xảy ra thiên tai. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu trong dài hạn được nhiều nước áp dụng để giảm thiểu những hậu quả của rủi ro thiên tai.

Về phía địa phương, ông Nguyễn Văn Liễu - Phó Chủ tịch huyện Trạm Tấu đề xuất, trong thời gian tới, Chính phủ và Bộ Tài chính tiếp tục sửa đổi, bổ sung các chính sách để hỗ trợ cho công tác giải quyết hậu quả thiên tai, đặc biệt cần có chính sách hỗ trợ tài chính đặc thù đối với các huyện nghèo, vùng sâu vùng xa.

Ngay sau buổi hội thảo, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cũng đã phối hợp Tạp chí Tài chính và Tạp chí Thuế tổ chức tặng 100 suất quà (với trị giá 500.000 đồng/suất) cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng do mưa lũ tại xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái.