Giải pháp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 11 kỳ 2-2015

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, trong đó, khó khăn lớn nhất vẫn là việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Thực tế này đặt ra bài toán cần những giải pháp căn cơ để nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong điều kiện hội nhập thị trường ASEAN.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đóng góp vào phát triển kinh tế và hội nhập khu vực

Kể từ khi trở thành thành viên của ASEAN vào tháng 7/1995, Việt Nam đã chủ động tham gia vào quá trình hội nhập khu vực thông qua việc thực hiện các cam kết CEPT/AFTA loại bỏ dần các rào cản thuế quan và thực hiện các FTA đa phương trong khuôn khổ ASEAN. Quá trình hội nhập này cũng phù hợp với những cải cách định hướng thị trường và chính sách “mở cửa” chủ động mà Việt Nam theo đuổi kể từ khi bắt đầu đổi mới.

Quá trình hội nhập ASEAN có ý nghĩa quan trọng với Việt Nam trong thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam như: Đóng vai trò nền tảng để tiến tới tăng cường tự do hóa và hội nhập kinh tế; Tăng cường khả năng đàm phán với các đối tác thương mại và đầu tư lớn khác...

Ngược lại, ASEAN đã chứng tỏ mình là một đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của Việt Nam. Kể từ khi gia nhập ASEAN, xuất nhập khẩu của Việt Nam với ASEAN luôn giữ một tỷ trọng lớn trong cán cân xuất nhập khẩu.

Giá trị thương mại tính theo số tuyệt đối giữa Việt Nam với ASEAN tăng liên tục, từ 4,8 tỷ USD năm 1996 lên 39,7 tỷ USD năm 2013. Kim ngạch thương mại Việt Nam và ASEAN đã tăng gần 4 lần, từ mức khoảng 9 tỷ USD năm 2003 lên đến gần 40 tỷ USD năm 2013.

Những năm gần đây, ASEAN luôn thuộc nhóm các thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Ngay cả trong bối cảnh chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, thương mại song phương giữa Việt Nam và ASEAN vẫn đạt 22 tỷ USD năm 2009 và tiếp tục tăng những năm sau đó…

Đóng góp vào thành công chung trong hội nhập kinh tế ASEAN phải kể đến đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Số liệu thống kê cho thấy, tính đến tháng 9/2015, DNNVV chiếm 97,5% trong tổng số DN hiện nay và tạo ra từ 45%-50% khối lượng hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. DNNVV ngày càng tham gia sâu rộng vào quá trình phát triển kinh tế đất nước, trong đó nếu như năm 2011 đóng góp 20% GDP thì đến năm 2014 đã tăng lên 40% GDP và 30% thu nộp ngân sách, 30% kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, DNNVV còn đóng góp tích cực trong giải quyết việc làm mới hàng năm (hơn 51% lực lượng lao động), tham gia tích cực công tác an sinh xã hội... Tuy vậy, DNNVV lại đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, trong đó thiếu vốn đang là một trong những vấn đề “nan giải” nhất.

Thực trạng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa

Hiện nay, các DNNVV chiếm tỷ lệ tiếp cận vốn vay còn thấp (khoảng 32,38%), tỷ lệ nợ xấu tăng cao (hiện 5%). Các DNNVV thường khó đáp ứng các yêu cầu ngặt nghèo về điều kiện, thủ tục tín dụng liên quan đến tài sản đảm bảo, tính chuẩn mực hệ thống báo cáo tài chính… Bên cạnh đó, tỷ lệ DNNVV tiếp cận và được các quỹ bảo lãnh tín dụng bảo lãnh vay vốn ngân hàng cũng rất thấp, tỷ lệ rủi ro về bảo lãnh cao (gần 27%). Các quỹ bảo lãnh tín dụng không muốn đóng vai trò “nâng đỡ” mở rộng tín dụng tới các DNNVV.

Thêm vào đó, việc xử lý nợ xấu chậm trễ và điều chỉnh lãi vay chưa hợp lý cũng là trở ngại lớn đối với DNNVV trong tiếp cận các nguồn tín dụng. Theo Hiệp hội DNNVV Việt Nam, đến tháng 9/2015, tỷ trọng dư nợ khu vực DNNVV ở mức 987.808 tỷ đồng trên tổng số dư nợ 3,9 triệu tỷ đồng, chiếm 27% tổng dư nợ. Tốc độ tăng trưởng khu vực DNNVV đạt mức 2,2% so với năm 2014 với gần 90% vay bằng nội tệ, tỷ lệ nợ xấu tăng lên 5% và vẫn có xu hướng tăng. Tỷ lệ DNNVV được bảo lãnh cho vay rất thấp, tỷ lệ rủi ro về bảo lãnh cao, tỷ lệ từ chối trả thay cũng cao, bình quân của hệ thống NHTM Việt Nam hiện nay: Tỷ lệ rủi ro bảo lãnh chiếm 26,9% và tỷ lệ từ chối trả thay từ ngân hàng chiếm hơn 18,6%.

Dư nợ tín dụng phân theo ngành nghề kinh doanh vào cuối tháng 12/2014 cho thấy dư nợ tín dụng đối với ngành công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng cao nhất là 37,76%, tiếp đến các hoạt động dịch vụ khác chiếm 28,75%, hoạt động thương mại, vận tải và vViễn thông chiếm 22,97% và cuối cùng là dư nợ tín dụng ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và nông sản. Tốc độ tăng tín dụng so với cùng kỳ năm 2013 của hầu hết các ngành nghề đều tăng, chỉ có tốc độ dư nợ tín dụng ngành vận tải và viễn thông là giảm 4,17%.

Thực tế cho thấy, vẫn còn một số khó khăn, thách thức trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của DNNVV:

Đối với chính sách vĩ mô, chính sách quản lý nhà nước: Năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 và năm 2013 ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Tuy nhiên, nhiều DNNVV vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ thích đáng, từ đó giảm nhanh giá trị tài sản, nợ xấu cao và rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn hoặc phá sản. Dù các chính sách vĩ mô hỗ trợ DNNVV đã có từ lâu (Quyết định số 15/2004/QĐ-TTg ngày 25/6/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV; Quyết định số 601/QĐ-TTg ngày 17/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ hỗ trợ DNNVV…), song đến nay các cơ quan liên quan chưa có sự hỗ trợ trực tiếp nào đến DN.

Đối với hệ thống ngân hàng: Các NHTM đã siết chặt cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội với lãi suất cao và duy trì liên tục trong năm 2012, kèm với việc tín dụng tăng trưởng thấp, thủ tục chặt chẽ hơn đã khiến hầu hết DN vô cùng khó khăn. Hầu hết DN không tiếp cận được vốn, dòng tiền chậm ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của DN. Nhiều DN phá sản và thua lỗ, khó khăn tiếp tục kéo dài. Bên cạnh đó, Thông tư 09/2014/TT-NHNN của NHNN ban hành ngày 18/3/2014 có xu hướng xiết chặt phân loại nhóm nợ và cơ cấu nợ khiến tỷ lệ nợ xấu tăng nhanh hơn, càng khó khăn cho DN có nợ quá hạn cần vay mới...

Đối với DN: Hiện tại có hơn 2/3 DNNVV gặp khó khăn do nhu cầu sụt giảm. Việc nợ xấu, nợ dây chuyền giữa các DN đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của DN, việc mua bán, giao thương giữa các DN chủ yếu bằng tiền vốn “thực” nên DN càng khó khăn hơn khi kinh doanh. Mặc dù mong muốn cơ cấu lại DN, nâng cao hiệu quả kinh doanh và phát triển kinh doanh bền vững, nhưng với khả năng tiếp cận vốn khó khăn, dòng tiền yếu, chi phí cao, cùng với nhiều khó khăn và rủi ro kéo dài đã làm DNNVV suy kiệt và chết dần...

Đề xuất một số giải pháp

Đối với cơ quan nhà nước

Thứ nhất, nhanh chóng thực hiện bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV nhằm giúp các DN này có cơ sở tiếp cận vốn vay ngân hàng, khai thông hoạt động kinh doanh trong điều kiện tài sản thế chấp không đủ. Để Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV hoạt động có hiệu quả cần có quy định chi tiết, cụ thể về đối tượng DNNVV được ưu tiên theo thứ tự, tránh việc ưu tiên chỉ một nhóm DN được bảo lãnh; Ưu tiên bảo lãnh tín dụng ngắn hạn cho các DN gặp khó khăn trước, bảo lãnh tín dụng dài hạn sau; Mở rộng thêm nhóm đối tượng bảo lãnh tín dụng thương mại thay cho bảo lãnh tín dụng ngân hàng…

Thứ hai, tổ chức thành lập tổ liên ngành tư vấn, hỗ trợ giải quyết khó khăn cho DNNVV trong vòng 1 năm bao gồm: NHNN, Cục Thuế, Hiệp hội DN, chính quyền địa phương. Tổ này có nhiệm vụ giải quyết những khó khăn, vướng mắc giữa DN với thuế, ngân hàng và chính sách nhà nước theo phương thức “hỗ trợ” nhằm giúp DN nhanh chóng tiếp cận được vốn.

Thứ ba, phát hành trái phiếu tạo ngân sách chi trả nợ xây dựng cơ bản còn tồn đọng nhằm giúp cho DN nhóm ngành xây dựng, bất động sản và công nghiệp giải quyết khó khăn hiệu quả nhất.

Thứ tư, tạo điều kiện tốt vừa ưu đãi cho các quỹ đầu tư tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm, xúc tiến hoạt động mua bán, sáp nhập DN để tăng chất lượng DN và giải quyết các khó khăn cấp thiết cho nhóm DN có nguy cơ phá sản đang cần nguồn lực bên ngoài.

Thứ năm, chủ trì kêu gọi các DN mạnh về vốn, công nghệ và nguồn lực có các chính sách, tích cực tham gia đóng góp vốn vào quỹ bảo lãnh và hỗ trợ DNNVV, hỗ trợ các DNNVV thông qua hiệp hội, thêm sức mạnh giúp vượt qua khó khăn phát triển bền vững.

Đối với các ngân hàng thương mại

Thứ nhất, theo quy định của NHNN, từ 13/5/2013 mức trần chung cho các khoản vay cũ đối với DNNVV tối đa không quá 13% lãi suất cho vay. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều DN vay vốn với lãi suất trên 13%. Vì vậy, NHNN cần phối hợp với Hiệp hội DN làm việc cụ thể với từng ngân hàng để giúp cho DN thực hiện vay vốn đúng theo quy định dưới 13%, các trường hợp đặc biệt có thể đối thoại tìm hướng tháo gỡ cho từng DN.

Thứ hai, trong quan hệ tín dụng, tài sản thế chấp mang tính chất rất quan trọng trong việc giải quyết nợ cho vay, là trở ngại lớn khi các DNNVV tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng. Về lâu dài, để giảm bớt khó khăn trong tiếp cận vốn của DNNVV thì việc đảm bảo bằng tài sản không quan trọng mà chính là hiệu quả của các phương án kinh doanh.

Thứ ba, để đảm bảo an toàn trong cấp tín dụng cho các DNNVV, ngân hàng phải xác định được DN nào có đủ điều kiện phát triển, khai thác các thông tin về DN từ các nguồn như: Cơ quan thuế, kế hoạch và đầu tư…

Thứ tư, cần khách quan và tích cực trong công tác thẩm định, đánh giá tình hình hoạt động và tài chính của DN khi xét duyệt cho vay nhằm tại điều kiện thuận lợi nhất cho DN tìm đến nguồn vốn tín dụng. Các NHTM cũng cần nâng cao việc quản lý vốn vay, trợ giúp các DNNVV có được một sổ sách đúng chuẩn mực theo quy định và biết cách lập các dự án kinh doanh có hiệu quả.

Thứ năm, ngân hàng nên duy trì và áp dụng việc đánh giá và phân loại khách hàng một cách chính xác. Đồng thời, cung cấp thông tin một cách công khai các thủ tục vay vốn, lượng vốn còn có thể cho vay, các sản phẩm ngân hàng dành cho DN và thời gian tối đa khi thẩm định cấp tín dụng cho một DN…

Thứ sáu, thiết kế các khoản tín dụng quy mô nhỏ cho các DNNVV, thông qua việc ngân hàng cung cấp khoản tín dụng có giá trị nhỏ và cố định với các quy trình và điều kiện được đơn giản và chuẩn hóa ở mức độ tối đa.

Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thứ nhất, nâng cao năng lực của DNNVV trong quản trị tài chính như: khả năng xây dựng hệ thống kế toán tài chính theo chuẩn, quản lý dòng tiền, xác định được cơ cấu tài chính phù hợp.

Thứ hai, nâng cao năng lực của các DNNVV trong việc lập và thẩm định các dự án đầu tư và kế hoạch kinh doanh: Xác định rõ cơ cấu vốn phù hợp phục vụ nhu cầu đặt ra, năm bắt đặc thù của các phương pháp huy động vốn, hiểu rõ tính chất của các khoản vay.

Thứ ba, nâng cao kỹ năng của các DNNVV trong việc tiếp cận vốn của ngân hàng, tăng cường mối quan hệ giữa ngân hàng và DN. Hiện nay, việc gặp gỡ và tiếp xúc định kỳ giữa các DN và ngân hàng đã được thực hiện và triển khai tại một số nơi. Hoạt động này được hỗ trợ tổ chức bởi các tổ chức hiệp hội ngành nghề, các tổ chức hỗ trợ DN.

Thứ tư, mạnh dạn tham gia đối thoại, tháo gỡ khó khăn và xây dựng quan hệ hợp tác giữa các chủ thể của nền kinh tế là chính quyền, ngân hàng và Hiệp hội DN để hệ thống nền kinh tế vận hành ổn định, hiệu quả.

Thứ năm, tham gia các hiệp hội, liên kết với các DN để vận dụng các nguồn lực, giảm các chi phí và tăng khả năng cạnh tranh. Cần nhìn nhận và xác định đúng các khó khăn hiện tại về vốn, để có các giải pháp rõ ràng, quyết đoán và mạnh mẽ trong việc xử lý khó khăn để từng bước vực dậy hoạt động kinh doanh của mình.

Thứ sáu, phối hợp với Hiệp hội và Quỹ Bảo lãnh tín dụng để hỗ trợ bảo lãnh đáp ứng các tiêu chuẩn quy định của quỹ cũng như tạo độ tin cậy để việc hợp tác thực hiện tháo gỡ khó khăn đạt hiệu quả và tạo niềm tin lâu dài.

Tài liệu tham khảo:

1. Hội thảo: “Nâng cao năng lực tiếp cận vốn của các DNNVV trong tiến trình hội nhập cộng đồng kinh tế các nước ASEAN”. Hà Nội, ngày 18/11/2014;

2. Đỗ Thị Thanh Vinh và Nguyễn Minh Tâm, “Khả năng tiếp cận vốn tín dụng của DN nhỏ và vừa”. Tạp chí Tài chính tháng 9/2014;

3. Một số website: sbv.gov.vn, gso.gov.vn.