Giải quyết tình trạng cạnh tranh, đối đầu bán lẻ

Theo baodautu.vn

Khẳng định việc doanh nghiệp phân phối và bán lẻ nước ngoài đẩy mạnh thâm nhập thị trường Việt Nam không phá vỡ quy hoạch chung, song ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, cần cơ cấu lại hệ thống bán buôn, bán lẻ.

Giải quyết tình trạng cạnh tranh, đối đầu bán lẻ
Các nhà phân phối, bán lẻ mang lại nhiều dịch vụ tiện ích cho người tiêu dùng. Nguồn: Internet

PV: Cục diện thị trường bán lẻ Việt Nam đã thay đổi rất nhiều kể từ khi những cam kết WTO có hiệu lực. Ông nhìn nhận cuộc cạnh tranh này như thế nào?

Ông Võ Văn Quyền: Tôi nghĩ đến những cái được cho thị trường bán lẻ Việt Nam và những cơ hội do mở cửa thị trường đem lại.

Rõ ràng, sự tham gia ngày càng nhiều hơn của các nhà phân phối chuyên nghiệp đã tạo ra bộ mặt mới cho thị trường Việt Nam.

Tỷ lệ kênh bán lẻ hiện đại đã tăng hơn 20%, gấp đôi thời điểm trước khi gia nhập WTO và đang có xu hướng tăng cao.

Các nhà phân phối, bán lẻ mang lại nhiều dịch vụ tiện ích cho người tiêu dùng, đồng thời tạo ra sự cạnh tranh cho các doanh nghiệp nội, buộc họ phải tăng tốc trong đầu tư, phát triển hệ thống, dịch vụ và chuyên nghiệp.

Các nhà đầu tư quan ngại về sự thiếu rõ ràng và minh bạch về kiểm tra nhu cầu kinh tế. Thông tư 08/2013/TT-BCT vừa qua đã giải quyết vấn đề này như thế nào?

Thông tư 08/2013/TT-BCT có hiệu lực 7/6/2013, với 3 bước tiến quan trọng.

Thứ nhất, làm rõ hơn về thủ tục cấp giấy phép cho nhà đầu tư nước ngoài, mẫu hồ sơ phải làm gì, ai sẽ tham gia, quyết định do thành phần nào xem xét.

Thứ hai, việc kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) khi xem xét việc lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ căn cứ vào mật độ dân cư trên địa bàn quận, huyện, thay vì dựa vào mật độ dân cư trên địa bàn tỉnh, thành phố như trước đây.

Thứ ba, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ thành lập hội đồng kiểm tra nhu cầu kinh tế để xem xét sự phù hợp của việc lập một cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất.

Các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với dịch vụ bán buôn, bán lẻ thời gian tới là gì, thưa ông?

Trước hết, cần quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn về hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động bán buôn, bán lẻ.

Hiện nay, các quy định này có rất nhiều, nhưng lại tản mạn, khiến các nhà đầu tư khó nắm bắt được một cách toàn diện để lựa chọn cơ chế ưu đãi phù hợp.

Vậy nên, Bộ Công Thương đang cân nhắc đề nghị của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp về việc cần có sổ tay hướng dẫn và xây dựng quy hoạch hệ thống bán buôn, bán lẻ trên cả nước để tránh tình trạng trong một phạm vi hẹp mà lại có nhiều cơ sở bán buôn, bán lẻ mọc lên, gây lãng phí cho xã hội.

Bộ Công Thương đang soạn Dự thảo Quy định về tiêu chí phân loại các hình thức bán lẻ ở Việt Nam nhằm tổ chức và quản lý tốt hơn các loại hình bán lẻ hiện nay.

Một số doanh nghiệp nước ngoài mở điểm bán tại Việt Nam rất nhanh. Việc này có phá vỡ quy hoạch trong bán lẻ không?

Họ không phá vỡ quy hoạch. Ngược lại, do có tiềm lực tài chính và sự nhanh nhạy nắm bắt cơ hội, nên họ luôn là người đầu tiên hiện diện tại những khu vực có quy hoạch cho bán lẻ và thực hiện rất tốt các quy trình.

Việc cần thiết là tái cơ cấu hệ thống bán buôn, bán lẻ, giải quyết tình trạng phát triển không đồng đều và có sự cạnh tranh đối đầu giữa các cơ sở bán buôn, bán lẻ hiện nay.

Nhưng các doanh nghiệp vẫn kêu thiếu quy hoạch chung cho ngành, thưa ông?

Đúng là trong quy hoạch chưa có sự cân đối giữa các siêu thị. Dự thảo Quy định về tiêu chí phân loại các hình thức bán lẻ ở Việt Nam nếu được thực thi sẽ giúp việc xây dựng quy hoạch hệ thống bán lẻ mang tính lâu dài. Sẽ có quy định cụ thể các đại siêu thị, siêu thị, trung tâm bán buôn phải cách trung tâm bao xa để bảo đảm cho hệ thống bán lẻ phát triển.

Bộ Công Thương đã đề nghị đưa hạ tầng đất đai vào danh mục ưu đãi dành cho các nhà phân phối, bán lẻ, bên cạnh các ưu đãi về tín dụng nhằm phát triển hệ thống bán lẻ nội địa.