Gian lận trong nghiệp vụ tín dụng tại các ngân hàng thương mại

TS. Lê Thị Thu Hà

Ngân hàng thương mại (NHTM) là một loại hình trung gian tài chính, có chức năng cơ bản là chuyển vốn từ nơi dư thừa tới nơi thiếu hụt. Với chức năng cơ bản đó, hoạt động chính của ngân hàng là đi vay để cho vay. Vì vậy, nghiệp vụ tín dụng là một trong những nghiệp vụ quan trọng nhất tại các NHTM. Nghiệp vụ tín dụng cũng là một nghiệp vụ phức tạp, nhiều rủi ro, với quy trình đòi đòi hỏi sự kiểm soát chặt chẽ của các ngân hàng. Bài viết này nhằm trao đổi về các gian lận thường gặp trong nghiệp vụ tín dụng tại các NHTM và một số dấu hiệu nhận biết.

Gian lận trong nghiệp vụ tín dụng tại các ngân hàng thương mại
Trong quy trình nghiệp vụ tín dụng tại các NHTM có rất nhiều sai phạm có thể xảy ra. Nguồn: Internet

Trong thực tế, quy trình cho vay có thể chia thành ba giai đoạn chính: nhận hồ sơ và phê duyệt khoản vay; giải ngân và theo dõi việc sử dụng vốn; thu lãi, nợ gốc và hoàn trả tài sản đảm bảo. Sau đây là một số gian lận có thể xảy ra:

Giai đoạn tiếp nhận hồ sơ và phê duyệt khoản vay

Các sai phạm thường liên quan đến tính có thật của khoản vay cũng như khả năng tài chính của khách hàng. Các gian lận có thể bao gồm việc lập hồ sơ cho vay khống, che dấu các khoản vay cho các bên liên quan, nhân viên tín dụng nhận hối lộ từ khách hàng, khách hàng vay vốn giả mạo thông tin trên hồ sơ vay vốn...

Cho vay khống: Khoản vay khống là các khoản vay tới các khách hàng không có thật, sử dụng tên và địa chỉ liên lạc giả mạo, hoặc sử dụng tên tuổi, địa chỉ có thật, nhưng thực tế khách hàng không vay tiền. Các khoản vay này thường do các nhân viên ngân hàng tạo ra nhằm mục đích chiếm dụng vốn của ngân hàng. Loại hình gian lận này khá phổ biến trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ với số lượng lớn các khoản vay có giá trị nhỏ. Một loại sai phạm có liên quan đến cho vay khống là cho vay ké, trong đó cán bộ tín dụng vay ké vào khoản vay có thật của khách hàng.

Các dấu hiệu nhận biết khoản vay khống: hồ sơ cho vay “mỏng” với các chi tiết sơ sài, thông tin tài chính không đầy đủ, các giấy tờ phô tô với các ghi chép rời rạc; khách hàng vay vốn có các tên thông dụng, tên tương tự, do cùng một nguồn giới thiệu; khách hàng không có đăng ký kinh doanh hoặc các giấy tờ chứng minh khác; tài sản thế chấp có giá trị cao hơn bình thường; vốn vay được giải ngân trước khi hoàn thành các thủ tục chính thức; ngân hàng không có quy trình đối chiếu dư nợ chặt chẽ; các khoản vay quá hạn được gia hạn một cách dề dàng...

Che giấu khoản vay cho bên  liên quan

Một loại gian lận liên, quan đến việc nhận dạng và phân loại khách hàng là sự che đáu khoản vay cho các bên liên quan. Bên liên quan có thể là các cá nhân hoặc tổ chức có quan hệ về mặt góp vốn với ngân hàng, nhà quản lý hoặc cổ đông của ngân hàng. Các tổ chức có liên quan này thường được gọi là những doanh nghiệp “sân sau” của các NHTM. Những khoản cho vay, đầu tư vào các doanh nghiệp “sân sau” lại có thể tiếp tục được sử dụng để mua cổ phiếu của các ngân hàng khác, dẫn đến một ông chủ ngân hàng có thể cùng lúc sở hữu 2-3 ngân hàng khác nhau và thực hiện những hành vi thao túng trong hoạt động ngân hàng. Do đó, những khoản vay với các bên liên quan cần được kiểm soát chặt chẽ hoặc hạn chế.

Một trong những hành vi nhằm che đậy khoản vay với bên liên quan là các khoản tiền gửi trá hình, trong đó ngân hàng sẽ gửi một khoản tiền tại một ngân hàng khác, trên cơ sở đó ngân hàng này thực hiện một khoản vay tới bên liên quan của ngân hàng thứ nhất. Bằng cách này ngân hàng thứ nhất có thể che dấu được khoản vay tới bên liên quan, đồng thời hưởng lợi ích từ việc không phải trích lập các khoản dự phòng và tính toán tài sản có rủi ro.

Một số dấu hiệu của các khoản tiền gửi trá hình nhằm che dấu khoản vay cho bên có liên quan: ngân hàng có các khoản tiền gửi liên tục được gia hạn lại; ngân hàng có các khoản tiền gửi dài hạn trong khi thanh khoản căng thẳng; ngân hàng có các giao dịch bất thường, không có mục đích rõ ràng với các với các bên liên quan.

Nhân viên ngân hàng nhận hối lộ từ khách hàng

Người vay vốn có thể hối lộ cho cán bộ quản lý và nhân viên tín dụng để được vay vốn hoặc được hưởng những điều khoản vay có lợi. Rủi ro của loại

gian lận này sẽ tăng lên trong trường hợp lương thưởng của nhân viên tín dụng được tính dựa trên giá trị của những hợp đồng tín dụng mới được ký kết. Các dấu hiệu của dạng gian lận này có thể là: số lượng khoản vay mới liên quan đến một nhân viên tín dụng gia tăng quá nhanh; các tiêu chí thẩm định thường xuyên bị bỏ qua bởi nhân viên tín dụng; việc liên hệ khách hàng chỉ do một người thực hiện; các khoản vay tập trung vào một lĩnh vực nào đó; thay đổi trong xu hướng kinh doanh sang một lĩnh vực có nhiều rủi ro; chất lượng khoản vay được đánh giá cao bởi người quản lý nhân viên tín dụng, tuy nhiên hồ sơ vay vốn lại không có thông tin đầy đủ...

khách hàng cung cấp thông tin sai lệch trên hồ sơ vay vốn

Các ngân hàng chịu thiệt hại nhiều nhất vì hành vi gian lận này thường là các ngân hàng có đội ngũ nhân viên tín dụng thiếu kinh nghiệm, hoặc thiếu tìm hiểu thực tế tại cơ sở của khách hàng vay vốn. khách hàng có thể hối lộ nhân viên ngân hàng để được vay vốn. Thông tin sai lệch thường là về tình hình tài chính, kết quả kinh doanh, tính khả thi của việc sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ của khách hàng. Một số dấu hiệu nhận biết: hồ sơ vay vốn có những thông tin phô trương mà không được minh chứng cụ thể; hồ sơ vay vốn không có các thông tin thực địa của khách hàng; dự án kinh doanh quá tốt, quá lạc quan; chỉ có một đầu mối duy nhất tại phòng tín dụng liên hệ với khách hàng; nhân viên tín dụng thiếu kinh nghiệm; khó khăn trong việc thu thập thông tin về uy tín của khách hàng, các thông tin về khách hàng không nhất quán, không đầy đủ...

Gian lận liên quan đến giá trị tài sản thế chấp

Một số gian lận trong hoạt động tín dụng có thể liên quan đến giá trị tài sản thế chấp, bao gồm nâng giá trị tài sản thế chấp và thế chấp cùng một tài sản tại nhiều ngân hàng. khách hàng có thể làm giả một số giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản, hoặc thực hiện các giao dịch mua bán tài sản giữa các công ty liên quan để nhằm nâng giá trị tài sản đảm bảo. Các dấu hiệu của gian lận này cũng tương tự như đối với gian lận thông tin hồ sơ vay vốn, ngoài ra có thể bao gồm việc khách hàng vay vốn thực hiện một loạt các giao dịch mua bán tài sản không có mục đích rõ ràng với các bên liên quan, mà giá trị giao dịch tăng lên sau mỗi lần mua bán; hoặc các giấy tờ liên quan có dấu hiệu bị sửa chữa, tẩy xóa...

Như vậy có thể thấy giai đoạn đầu tiên trong chu trình tín dụng là một trong những giai đoạn có nhiều rủi ro nhất. Những gian lận phát sinh trong giai đoạn này thường dẫn đến những khoản thiệt hại rất lớn cho ngân hàng.

Giai đoạn giải ngân và theo dõi việc sử dụng vốn vay

Trong giai đoạn hai, những vấn đề cần quan tâm bao gồm theo dõi quá trình sử dụng vốn vay của khách hàng và quản lý tài sản thế chấp.

Sử dụng vốn vay sai mc đích

Loại gian lận này liên quan đến việc khách hàng sử dụng vốn vay không đúng mục đích vay vốn. ví dụ sử dụng khoản vay tàì trợ xuất nhập khẩu ngắn hạn để hỗ trợ vốn dài hạn cho các công ty con ờ ngoài. Dấu hiệu cửa việc sở dụng vốn vay sai mục đích cũng tương tự như đối với gian lận thông tin khách hàng, ngoài ra còn có một số dấu hiệu sau: việc chuyển tiền giải ngân không phù hợp với mục đích vay vốn; cán bộ tín dụng không thường xuyên theo dõi, giám sát tình hình hoạt động, việc sử dụng vốn vay của khách hàng...

Tài sản đảm bảo không được kiểm soát, bị thất thoái, sử dụng sai

Tài sản đảm bảo là một cơ sở quan trọng để ngân hàng có thể thu hồi vốn vay trong trường hợp khách hàng mất khả năng trả nợ từ các nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì vậy, tài sản đảm bảo cần được quản lý chặt chẽ. Những tài sản đảm bảo thường gặp bao gồm bất động sản, các tài sản hình thành từ vốn vay, các giấy tờ có giá (sổ tiết kiệm, chúng nhận tiền gửi, chứng nhận sở hữu cổ phiếu...). Trong thực tế có thể có nhiều trường hợp tài sản đảm bảo không được quản lý chặt chẽ, dẫn tới việc khách hàng bán tài sản đảm bảo, gây thiệt hại cho ngân hàng.

Dấu hiệu của những gian lận này thường là việc ngân hàng không có quy trình chặt chẽ cho việc theo dõi, quản lý tài sản đảm bảo; cán bộ tín dụng không thường xuyên theo dõi, giám sát hoạt động của khách hàng, ngân hàng không kiểm soát chặt chẽ hóa đơn, chứng từ của lô hàng, cử người bảo vệ sang tận kho hàng và kiểm tra thường xuyên...

Giai đoạn thu gốc, lãi và hoàn trả tài sản đảm bảo

Trong giai đoạn thứ ba của chu trình tín dụng, các vấn đề cần chú ý bao gồm việc thu nợ gốc và lãi theo các điều khoản của hợp đồng, việc phân loại nợ và trích lập dự phòng phù hợp. Khi các khoản nợ xấu phát sinh, nhà quản lý ngân hàng có thể có động cơ che đậy tình trạng tài chính của khách hàng nhằm tránh việc trích lập dự phòng hoặc đáp ứng những quy định khác từ cơ quan quản lý. Ngoài ra, việc bán các tài sản phát mại có thể không được quản lý chặt chẽ dẫn tới tổn thất cho ngân hàng.

Cho vay đảo nợ

Khi một khách hàng rơi vào tình trạng không có khả năng trả nợ, nhà quản lý ngân hàng có thể tìm cách che đậy chất lượng của khoản vay nhằm làm giảm số trích lập dự phòng và các trách nhiệm khác bằng cách cho vay đảo nợ. Cho vay đảo nợ là việc ngân hàng cho khách hàng vay tiền để trả nợ khoản vay cũ. Ngân hàng thường sẽ tìm cách che đậy nguồn gốc của số tiền thu nợ từ khách hàng. Cách thức che đậy có thể khá phức tạp thông qua việc ngân hàng chuyển khoản tiền của mình thông qua các chi nhánh, công ty con,... để biến khoản tiền trở thành một khoản thu nợ từ khách hàng.

Một số dấu hiệu: nguồn gốc của khoản thu nợ không khớp với các thông tin khác trong hồ sơ; các khoản vay đột ngột được thu hồi ngay trước thời điểm cuối năm hoặc thời điểm kiểm toán; ngân hàng/khách hàng có các giao dịch bất thường/không có mục đích rõ ràng với các công ty liên quan.. 

Bán tài sản đảm bảo dưới giá thị trường

Nhiều ngân hàng có thể có những quy trình tín dụng và thủ tục kiểm soát chặt chẽ liên quan đến các giai đoạn chính trong chu trình tín dụng. Tuy nhiên, các thủ tục kiểm soát có thể sẽ bị nơi lỏng khi khách hàng đã vỡ nợ và ngân hàng đã sở hữu tài sản thế chấp. Việc không kiểm soát giá cả và người mua tài sản phát mại có thể tạo cơ hội cho nhân viên ngân hàng thu được các khoản hối lộ hoặc chênh lệch. Những dấu hiệu của sai phạm này thường là những quy định không chặt chẽ trong quy trình phát mãi tài sản đảm bảo.

Như vậy có thể thấy trong quy trình nghiệp vụ tín dụng tại các NHTM có rất nhiều sai phạm có thể xảy ra, gây thiệt hại lớn cho ngân hàng. Để ngăn chặn các sai phạm này, ban giám đốc các ngân hàng cần thiết kế hệ thống kiểm soát nội bộ chặt chẽ với các thủ tục kiểm soát được thiết kế đầy đủ và vận hành thường xuyên liên tục. Một trong những vấn đề cần quan tâm là nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ ngân hàng. Ngân hàng là một nghề kinh doanh có vị trí quan trọng, luôn tiếp xúc với tiền tệ, nên đạo đức kính doanh luôn là một trong những yếu tố quan trọng cần được đặt lên hàng đầu trong khâu đào tạo, tuyển dụng của các ngân hàng. Ngoài ra, công tác kiểm toán, thanh tra hoạt động ngân hàng cần được chú trọng để kịp thời phát hiện các sai phạm xảy ra.