Hoàn thiện thể chế - “Cú hích” quyết định cho tăng trưởng kinh tế

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) TS. Trần Ngọc Châu – Nhà báo, Giám đốc kênh truyền hình tài chính FBNC, bình luận về Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

 Hoàn thiện thể chế - “Cú hích” quyết định cho tăng trưởng kinh tế
Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có tính định hướng rõ ràng. Nguồn: internet
Nhiều tâm đắc 

Là chuyên gia kinh tế giàu kinh nghiệm, đồng thời là một người làm báo trên 35 năm, TS. Trần Ngọc Châu cho biết ông nhận thấy Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “có tính định lượng cao hơn hẳn các bài diễn văn trước đó, tất nhiên đấy là định lượng những điều mà đã được định tính trong các văn kiện trước đó của Đảng”.

TS. Châu lấy ví dụ, các vấn đề dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, vấn đề nhà nước pháp quyền, Thủ tướng đã có những thông điệp rất cụ thể, như thúc đẩy việc bầu lãnh đạo cấp xã; và lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ khẳng định tác động tích cực của Internet tới giới trẻ Việt Nam nói chung. Thủ tướng cũng thể hiện sự tin tưởng của ông với giới trẻ Việt Nam rằng họ là thế hệ có tri thức, thông minh, đủ sức hội nhập với thế giới hiện đại.

“Tôi cũng rất tâm đắc, vì lần này Thủ tướng một lần nữa khẳng định mối quan hệ hữu cơ giữa chính trị và kinh tế. Bằng cách đặt vấn đề đổi mới, hoàn thiện cơ chế thành một mũi nhọn quan trọng. Đúng là cơ chế kinh tế của chúng ta đã phát huy tốt vai trò trong giai đoạn phát triển đầu của nền kinh tế mở cửa, nhưng đến nay, chiếc áo dường như đã chật”, TS. Trần Ngọc Châu bình luận.

Điều thứ ba, ông Châu cho rằng, Thủ tướng đã khẳng định mạnh mẽ giá trị cạnh tranh toàn cầu trong bài viết của mình, kinh tế Việt Nam phải được tính như một thành phần của kinh tế thế giới. Kể cả việc tăng trưởng GDP của Việt Nam cũng phải đặt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu ra sao trong năm 2014.

Thách thức từ thực tiễn

Để thực hiện được những quan điểm mang tính định lượng cao trong bài viết của mình, TS. Châu cho rằng, Thủ tướng và Chính phủ, sẽ gặp phải những thách thức không nhỏ từ thực tế, mà ông tạm gọi là những thói quen của xã hội.

“Thứ nhất là “Hành động”, người dân đang kỳ vọng vào những hành động quyết liệt của Chính phủ trong năm 2014. Chẳng hạn, việc thí điểm bầu lãnh đạo cấp xã, đã được đề ra từ Nghị quyết 5 của Đại hội X, nay được Thủ tướng khẳng định cần sớm thực hiện, thì chúng tôi hy vọng sớm, nghĩa là ngay trong năm nay”, TS. Châu nói.

Ông cũng cho biết giới quan sát cũng hy vọng, với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, trong các chỉ đạo được báo giới đăng tải, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay vì “yêu cầu, đề nghị”, thì sẽ là “chỉ thị” để các cơ quan cấp dưới phải làm, với thời hạn cụ thể, cho thấy sự quyết liệt trong chỉ đạo, thực hiện, gắn chặt với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan trực thuộc Chính phủ. Việc mới đây, các Bộ trưởng, Chủ tịch các tỉnh có thể bị thanh tra bởi Thanh tra Nhà nước, là một biểu hiện tích cực cho thấy những kỳ vọng này là hoàn toàn có cơ sở.

Thách thức thứ hai, theo TS. Châu, khi Thủ tướng nói về hoàn thiện thể chế, mở rộng dân chủ, liệu có xuất hiện rào cản về tâm lý khi bộ máy chính quyền phải chia sẻ quyền lực với người dân? Bởi lâu nay, chúng ta đã quen với một bộ máy quản lý điều hành bằng mệnh lệnh, nay sẽ bị chi phối bởi nhiều yếu tố của một thị trường tự do.

“Dù chúng ta đã có đủ thế và lực, nhưng cần lắm một sự kiên quyết trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện, như những gì Thủ tướng đã nêu trong thông điệp đầu năm, nếu không, thế và lực dù mạnh đến đâu cũng hàm chứa nhiều yếu tố dễ vỡ”, TS. Châu nói.

Còn nhiều “sức bật” từ nền kinh tế

Nói về bức tranh kinh tế đất nước năm 2014, TS. Châu cho rằng, trước kỳ vọng của toàn dân, những lựa chọn của Thủ tướng và Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng của cả nước đã được Quốc hội thông qua, là “dựa trên cơ sở tính toán thực tế của tình hình phát triển các năm trước và tính đến mọi yếu tố tác động của năm 2014”.

Điều quan trọng nhất, thời gian qua, chúng ta đã ổn định được kinh tế vĩ mô, thế nhưng theo kinh tế học, chúng ta sẽ đối diện với bài toán nếu kìm chế lạm phát ở mức cực đoan, sẽ dẫn tới nền kinh tế giảm phát. Tuy rằng Thủ tướng không đề cập trực tiếp đến nguy cơ này trong bài viết đầu năm của mình, nhưng TS. Châu tin rằng “Thủ tướng biết rõ đất nước đang đối mặt với nguy cơ giảm phát”. Đương nhiên, khó mà so sánh con số tăng trưởng của Việt Nam với các nước trong khu vực, bởi nhiều nước đã qua thời kỳ phát triển mạnh, trong khi chúng ta mới ở giai đoạn đầu của một nước đang phát triển. Vì thế, tỉ lệ tăng trưởng GDP 5,8% “sẽ còn khả năng có thể cao hơn”.

“Dù một số ý kiến cho rằng, thậm chí chúng ta có thể tăng trưởng dưới 5%, nhưng tôi tin rằng kinh tế Việt Nam còn một số tiềm lực chưa phát huy hết. Mà như quan điểm của Thủ tướng thể chế không phải là một nguồn lực, nhưng nó có thể là một cú hích quan trọng. Bởi nguồn lực thì hạn chế, nhưng thể chể là do chúng ta tạo ra. Thủ tướng đã dẫn chứng một số ví dụ để minh chứng rất rõ cho điều này: Khoán 10 đã đưa nước ta từ một nước phải nhận viện trợ, đã trở thành cường quốc xuất khẩu lương thực đứng thứ 2 thế giới”, TS. Châu phân tích.

Nhìn lại năm 2012, TS. Châu dẫn chứng, nền kinh tế của chúng ta tăng trưởng với hai tốc độ, một là tốc độ xuất khẩu tăng lên, trong khi nội địa lại giảm. Xuất khẩu tăng chủ yếu đến từ khu vực kinh tế FDI, tại sao các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài làm được, mà doanh nghiệp trong nước thì không, điều đó là do thể chế.

TS. Châu tin rằng, thực hiện quyết liệt việc hoàn thiện thể chế mà Thủ tướng đã nhấn mạnh sẽ có những tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế của đất nước trong năm 2014. Nhưng tất cả phải có lộ trình, những gì Thủ tướng đặt ra trong bài phát biểu đầu năm 2014, không chỉ có giá trị trong năm nay, mà còn trong vòng 2-3 năm tới, chúng ta mới thấy hết những thành quả từ các chính sách và chủ trương đó.