Phối hợp chính sách tiền tệ - tài khóa:

Hướng đến mục tiêu ổn định vĩ mô

Phạm Sỹ An

(Tài chính) Mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô năm 2014 phụ thuộc rất lớn vào chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, cũng như sự phối hợp giữa hai chính sách này.

Năm 2014 sự phối chặt chẽ, nhịp nhàng chính sách tài khóa và tiền tệ càng đặc biệt quan trọng để không tạo ra lạm phát nhằm giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tạo cơ sở cho tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Nguồn: internet
Năm 2014 sự phối chặt chẽ, nhịp nhàng chính sách tài khóa và tiền tệ càng đặc biệt quan trọng để không tạo ra lạm phát nhằm giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tạo cơ sở cho tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Nguồn: internet

Những bài học trong quá khứ

Trong 2 năm 2012 và 2013, tỷ lệ lạm phát ở mức thấp, chỉ 6,81% và 6,04% so với mức 18,13% năm 2011 và 11,75% năm 2010. Tỷ lệ lạm phát thấp trong hai năm 2012 và 2013 là một thành công lớn của chính sách tiền tệ trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Chính sách tiền tệ thắt chặt đã làm cho tỷ lệ lạm phát ở mức thấp và năm 2014 Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô lên hàng đầu. Đây là thay đổi quan trọng trong thứ tự ưu tiên của Chính phủ.

Nhưng cũng năm 2014, Chính phủ quyết định nâng trần thâm hụt ngân sách lên 5,3% GDP, tăng phát hành trái phiếu để đầu tư, phục hồi tăng trưởng. Vì vậy với năm 2014 sự phối chặt chẽ, nhịp nhàng chính sách tài khóa và tiền tệ càng đặc biệt quan trọng bởi với lãi suất thị trường đang có xu hướng giảm đòi hỏi sự thận trọng để không tạo ra lạm phát nhằm giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tạo cơ sở cho tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

Nhìn lại quá khứ, năm 2011, tỷ lệ lạm phát tăng tốc vào các tháng đầu năm buộc Chính phủ đã phải đưa ra Nghị quyết 11 với các chính sách tiền tệ thắt chặt và chính sách tài khoá thu hẹp. Các chính sách này một mặt làm giảm tốc độ tăng giá nhưng mặt khác lại tác động giảm tốc độ tăng sản lượng của nền kinh tế. Cho đến năm 2013, chính sách tiền tệ thắt chặt của năm 2011 đã phát huy tác dụng, làm cho tỷ lệ lạm phát ở mức thấp 2 năm liên tiếp 2012 và 2013. Đứng trước tình hình hiện nay, nhiều nhà kinh tế đề xuất nên thực hiện chính sách kích thích kinh tế để kích tổng cầu vì lạm phát đã ở mức thấp và không còn đáng lo ngại nữa.

Thế nhưng, khi phân tích lịch sử lạm phát của Việt Nam cho thấy tỷ lệ lạm phát trong những năm qua rất nhạy với chính sách kích thích tổng cầu bằng chính sách tiền tệ nới lỏng và chính sách tài khóa mở rộng. Do đó, kể cả khi lạm phát đang ở mức thấp, các chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng sẽ chỉ có thể làm cho sản lượng tăng một chút nhưng đi kèm với đó là rủi ro lạm phát.

Chính sách phối hợp cho mục tiêu vĩ mô

Còn tình hình hiện nay, cho dù đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn đang có những yếu tố tiềm ẩn khiến lạm phát có khả năng tăng cao và tăng trưởng thấp. Vì thế, khi chính sách tiền tệ buộc phải thắt chặt để kiềm chế lạm phát, thì cũng tác động sẽ làm tăng sức ép lãi suất lên cao, sản lượng giảm. Lãi suất tác động đến hoạt động vay vốn và đầu tư của DN cũng như tác động đến hoạt động tiêu dùng xã hội.

Vì vậy, trong môi trường kinh tế vĩ mô có tốc độ tăng trưởng thấp và lạm phát nhạy với chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng, một mình chính sách tiền tệ là chưa đủ. Chính sách tiền tệ chỉ giải quyết được một mặt của vấn đề, nó chỉ làm giảm lạm phát. Nếu chỉ chính sách tiền tệ thực hiện thắt chặt thì sẽ làm thu hẹp hoạt động sản xuất, tốc độ tăng trưởng giảm và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Sức ép từ khối doanh nghiệp, từ các phương tiện truyền thông đến các nhà lập chính sách là rất lớn. Do đó, chính sách tài khoá cần vào cuộc, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ để làm giảm sức ép của chính sách tiền tệ thắt chặt lên nền kinh tế.

Như thế, phối hợp chính sách tiền tệ và tài khoá trong bối cảnh kinh tế hiện nay đòi hỏi sự nhịp nhàng tinh tế và khéo léo.

Nhiệm vụ quan trọng của chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá trong việc kiềm chế lạm phát là phải giảm lạm phát kỳ vọng và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế. Và để đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, phục hồi tăng trưởng đã đặt ra cho năm 2014, thì Chính phủ, ngoài việc đã có thông điệp trong việc điều hành chính sách tiền tệ rõ ràng, cần phải thực hiện các biện pháp làm thâm hụt ngân sách giảm bền vững và có lộ trình, tiến tới cân bằng ngân sách trong dài hạn.

Các khoản đầu tư và chi tiêu từ ngân sách cần hướng vào xây dựng cơ sở hạ tầng, vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D) và giảm dần các khoản đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh. Có như thế, lạm phát kỳ vọng mới có thể giảm và hiệu quả của nền kinh tế mới được cải thiện.