“Kẹt” tín dụng, giải quyết thế nào?

Theo Đầu tư Chứng khoán

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế ví von: “Nền kinh tế ‘kẹt’ tín dụng, nhưng Chính phủ mở vòi, nước lại không chảy được”.

“Kẹt” tín dụng, giải quyết thế nào?

Nhận định về bức tranh kinh tế 10 tháng đầu năm, một quan chức Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định: “Tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế hiện nay dù đã có những chuyển biến tích cực so với những quý đầu năm, nhưng vẫn ở mức yếu và chưa đủ để tạo thành xung lực giúp DN sớm khắc phục khó khăn, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong những năm tới”.

Bức tranh chưa sáng màu

Báo cáo tình hình kinh tế tháng 10 và 10 tháng năm 2012 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, về phía tổng cầu, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng khá hơn dù vẫn ở mức thấp. Tháng 10/2012 tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2011, trong khi chỉ số này của tháng 10/2011 tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2010. Chỉ số hàng tồn kho dù đã giảm mạnh so với những quý đầu năm, nhưng vẫn ở mức khá cao, tương đương 20,3% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tín dụng trong tháng 10 tăng không đáng kể so với cuối tháng 9. Tính đến 30/9, tín dụng tăng khoảng 2,5% và đến hết tháng 10 tăng khoảng 3% so với đầu năm.

Về phía tổng cung, chỉ số tăng trưởng sản xuất công nghiệp tháng 10 vẫn tăng 5,8% so với tháng 9. Nhưng nếu so sánh theo tốc độ tăng bình quân tháng so với cùng kỳ thì sau 5 tháng gần như liên tục tăng dần đều từ tháng 5 đến tháng 9/2012, tốc độ tăng sản lượng sản xuất công nghiệp tháng 10 đã có dấu hiệu chững lại, chỉ tăng 4,5% so với cùng kỳ. Điều đáng lưu ý là những ngành có sản lượng suy giảm tập trung chủ yếu vào các ngành nghề có liên quan lĩnh vực xây dựng - bất động sản.

Để hỗ trợ DN hồi phục, nhiều NHTM đã triển khai các gói tín dụng hỗ trợ lãi suất. Cụ thể, SeABank vừa đưa ra gói tài chính trị giá 2.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ vốn cho các DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực tiêu dùng, thực phẩm, đồ gia dụng, sản xuất, xuất khẩu và chế biến... Hay MB cũng vừa triển khai gói tín dụng ưu đãi 2.000 tỷ đồng dành cho DN nhỏ và vừa áp dụng đối với các khách hàng có xếp hạng tín dụng từ loại A trở lên, không có nợ xấu tại thời điểm xét giải ngân; có sử dụng dịch vụ eMB; đồng thời ưu tiên DN thuộc các nhóm ngành theo định hướng phát triển tín dụng như xuất khẩu mũi nhọn, phân phối, thiết bị điện, điện tử…

Tuy nhiên, một vấn đề lớn đặt ra là các DN cũng không mặn mà với các gói vốn có lãi suất tương đối hấp dẫn khi mà sức cầu của nền kinh tế đang ở điểm đáy.

Khuyến nghị chính sách

Trao đổi với ĐTCK, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong thời gian tới có rất ít dư địa để NHNN có thể hạ thêm lãi suất, thậm chí nhiều khả năng lãi suất còn tăng lên, đồng nghĩa với việc mở rộng tín dụng sẽ còn khó hơn. DN có khả năng vay thì lãi suất phải hạ nữa họ mới vay, còn DN mà mức lãi suất nào cũng vay thì ngân hàng lại không dám cho vay.

“Nền kinh tế ‘kẹt’ tín dụng, nhưng Chính phủ mở vòi, nước lại không chảy được”, ông Nghĩa ví von.

Bản báo cáo “Kinh tế vĩ mô - triển vọng thị trường Việt Nam” số tháng 11/2012 vừa được khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC công bố nhận định, lạm phát gần đây vẫn được kiềm chế tương đối tốt (mặc dù vẫn cao so với chuẩn của khu vực, tốc độ tăng đã chậm lại và nằm trong kỳ vọng nếu không xét tới mức tăng CPI tháng 9), tăng 7,0% so với cùng kỳ năm ngoái so với 6,5% trong tháng 9 và 5,04% trong tháng 8. Tuy nhiên, với lạm phát dự tính tăng cao dần từ nay tới cuối năm, HSBC không kỳ vọng NHNN sẽ nới lỏng thêm chính sách tiền tệ và dự đoán lãi suất thị trường mở ổn định ở mức 8%/năm.

“Nguy cơ lạm phát quay trở lại rất cao, do vậy việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN vẫn cần hết sức thận trọng để đảm bảo tổng phương tiện thanh toán ở mức hợp lý và đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát”, bà Đỗ Thị Nhung, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN nói.

Còn theo khuyến nghị của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, để khơi thông nguồn vốn tín dụng thì vấn đề cốt lõi hiện nay là phải ưu tiên đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu, coi đây là khâu đột phá quan trọng để ngăn chặn tình trạng đóng băng tín dụng. Cùng với đó, để quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu có thể đẩy mạnh một cách thực chất, cần sớm hoàn thiện nhanh nền tảng pháp lý cho việc mua bán nợ, thanh lý tài sản trong tiến trình xử lý nợ xấu, đồng thời có những chính sách ưu đãi về thuế và chi phí cho những tổ chức tài chính có liên quan đến mua bán nợ xấu.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát hành trái phiếu công trình nhằm giải phóng hàng tồn kho. Từ năm 2005 đến nay, lĩnh vực xây dựng (tính theo giá so sánh) có đóng góp tới 8 - 10% vào tổng sản lượng quốc nội hàng năm và luôn duy trì được tốc độ tăng mạnh từ 10 - 12%/năm. Tuy nhiên, năm 2012 đã là năm thứ 2 liên tiếp sản lượng và tăng trưởng của lĩnh vực này suy giảm. Vì vậy, cần sớm có giải pháp cụ thể nhằm khôi phục lĩnh vực xây dựng, thông qua đó kích cung và cầu của nền kinh tế. Trong hoàn cảnh dư địa để thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế của chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa hiện nay còn rất hẹp, có thể sử dụng những giải pháp khác. Cụ thể ở đây là phát hành trái phiếu công trình có định hướng tập trung vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, gây tác động lan tỏa nhằm kích cầu để nền kinh tế có động lực hồi phục.

Bà Đỗ Thị Nhung, Phó vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ (NHNN):

“Hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD, nhằm mở rộng tín dụng”

Tín dụng vẫn còn bị hạn chế do lực cầu trong nước và thế giới đều yếu, làm giảm khả năng hấp thụ vốn của DN. Khả năng quản trị điều hành, hoạt động sản xuất - kinh doanh của một bộ phận DN cũng không tốt nên không đủ khả năng vượt qua, đứng vững trong điều kiện khó khăn. Nhu cầu vay vốn trung dài hạn của nền kinh tế rất lớn, nhưng việc huy động vốn kỳ hạn dài thực sự khó khăn với các ngân hàng. Nợ xấu phát sinh mạnh, hồ sơ vay vốn của DN có nhiều vấn đề khiến cán bộ tín dụng thận trọng hơn, thẩm định kỹ hơn, nên cũng ảnh hưởng đến mở rộng tín dụng…

Những tháng cuối năm, NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt để hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD, nhằm mở rộng tín dụng. Giám sát chặt chẽ và theo dõi tình hình thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, trường hợp TCTD nào có điều kiện mở rộng có hiệu quả, NHNN sẽ xem xét điều chỉnh tăng. Tiếp tục giám sát chặt chẽ việc chấp hành quy định lãi suất của các TCTD, đảm bảo lãi suất thị trường ở mức hợp lý; khuyến khích và hỗn trợ các TCTD thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề nợ xấu để khơi thông nguồn vốn.

Bên cạnh đó, NHNN khuyến nghị, Bộ Công thương tiếp tục xem xét các giải pháp để giải phóng hàng tồn kho; Bộ Tài chính khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện cơ chế bảo lãnh vốn vay cho các DN nhỏ và vừa…