Khó thu hồi nợ đọng Bảo hiểm xã hội do đâu?

Theo tienphong.vn

(Tài chính) Tình trạng doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) gây ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động đã kéo dài nhiều năm. Việc thu hồi nợ đọng rất khó thực hiện vì chính sách hiện đang bất cập.

Khó thu hồi nợ đọng Bảo hiểm xã hội do đâu?
Doanh nghiệp nợ đọng BHXH ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động. Nguồn: internet

Vướng cơ chế

Ông Trần Đình Liệu, Trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam) cho biết, số tiền nợ đọng BHXH ở mức báo động như hiện nay bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Về khách quan, do nền kinh tế chưa phục hồi chưa tốt.

Các doanh nghiệp không sản xuất kinh doanh, lao động chủ yếu làm việc cầm chừng. Qua số liệu nợ cho thấy, khối doanh nghiệp trong nước và khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh nợ nhiều nhất. Nguyên nhân nợ do các doanh nghiệp quản trị không tốt, trong khi hàng tồn kho lớn, không bán được.

“Vì sản phẩm không tiêu thụ được, hàng tồn kho lớn nên tiền đầu tư bị tồn đọng lại. Do đó, doanh nghiệp không thể trả lương cho người lao động và nộp tiền đóng BHXH”, ông Liệu nói.

Về chủ quan, theo ông Liệu, do xuất phát từ cơ chế chính sách quản lý của nhà nước đang tạo ra kẽ hở cho doanh nghiệp chây ỳ, trục lợi tiền BHXH của người lao động. Hiện, mức xử phạt phần nợ đọng BHXH thấp hơn so với việc doanh nghiệp đi vay ngân hàng.

Khi doanh nghiệp muốn vay tiền từ ngân hàng cần rất nhiều thủ tục, còn việc nợ đọng BHXH không cần bất cứ thủ tục gì. “Sở dĩ một doanh nghiệp như Mai Linh có thể nợ BHXH tới hàng chục tỷ đồng và nhiều doanh nghiệp khác nợ từ 10 đến 15 tỷ đồng là do bắt nguồn từ cơ chế chính sách còn bất cập”, ông Liệu nói.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo BHXH Hà Nội cho biết, mức xử phạt chậm đóng hiện chưa phát huy được hiệu quả. Mức phạt chậm đóng BHXH cao nhất hiện nay mới chỉ dừng lại ở 20 triệu đồng. “Khi xử phạt, doanh nghiệp đưa ra lý do chưa có tiền đóng và tiếp tục nợ đọng BHXH, cán bộ ngành BHXH cũng không biết phải làm sao vì không có chức năng xử phạt”, vị lãnh đạo BHXH Hà Nội nói.

Trong khi đó, theo đại diện Vụ BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) hành vi doanh nghiệp nợ đọng BHXH chưa được quy định như tội danh trốn nợ thuế để phải xử lý hình sự. “Với tội danh liên quan đến thuế, đã có các khung xử lý, kể cả xử lý hình sự nên doanh nghiệp chấp hành đầy đủ, còn với tội trốn đọng, chậm đóng BHXH lại không bị vi phạm hình sự nên doanh nghiệp thường không sợ”, vị đại diện Vụ BHXH nói. Theo vị này, nếu tới đây, pháp luật đưa hành vi doanh nghiệp nợ đọng BHXH vào xử lý hình sự, chắc chắn cả doanh nghiệp và người lao động sẽ chấp hành đầy đủ.

Giao chức năng xử phạt cho ngành BHXH

Theo lãnh đạo Ban Thu (BHXH Việt Nam), bất cập lớn nhất hiện nay là ngành BHXH chỉ được giao tổ chức thực hiện mà không được thanh tra hay xử phạt doanh nghiệp nợ BHXH. Theo quy định, chức năng thanh tra, xử phạt thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước. Ở đây là ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và ngành Y tế. Hiện, hai ngành này được giao xử lý vấn đề nợ đọng BHXH.

Tuy nhiên, số nhân lực của hai ngành này có hạn, trong khi khối lượng các công việc khác lại rất nhiều. “Cả hệ thống Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ có hơn 300 cán bộ thanh tra nên họ không đủ khả năng kiểm tra, giám sát vấn đề nợ đọng BHXH trên địa bàn cả nước”, đại diện ngành BHXH nói.

Theo số liệu thống kê, mỗi năm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ thanh tra được từ 5 đến 7 doanh nghiệp/địa phương, trong khi cả nước có tới gần 500.000 doanh nghiệp. “Rõ ràng ngành Lao động - Thương binh và Xã hội không đủ nhân lực để có thể kiểm tra, giám sát sát sao việc doanh nghiệp có thực hiện nộp BHXH cho người lao động hay không”, đại diện Ban Thu (BHXH Việt Nam) nói.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, một chuyên gia lâu năm về BHXH nói, nếu cứ để ngành BHXH tổ chức thực hiện nhưng không có quyền thanh tra, xử phạt, câu chuyện doanh nghiệp nợ BHXH sẽ không bao giờ xử lý được. “Quy định hiện nay hạn chế ở chỗ, ngành BHXH chỉ được phép kiểm tra ở một số điểm. Khi ngành BHXH phát hiện doanh nghiệp sai phạm, lại phải đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước xử phạt. Nhưng sự thật là, khi cơ quan quản lý vào cuộc, họ lại không lấy kiến nghị của ngành BHXH để xử phạt luôn mà lại tiến hành thanh tra từ đầu nên rất lằng nhằng”, vị chuyên gia nói.

Theo vị chuyên gia trên, việc doanh nghiệp nợ BHXH sẽ lai tiếp tục trở thành câu chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi” nếu chính sách cứ tiếp tục lằng nhằng như hiện nay. “Nếu bây giờ Luật Thanh tra bỏ ngành BHXH là ngành sự nghiệp mà coi như một cơ quan quản lý được nhà nước được giao quản lý về lĩnh vực BHXH, may ra câu chuyện doanh nghiệp nợ BHXH mới được xử lý dứt điểm”, vị chuyên gia nói.