Không đưa lao động đi nước ngoài bằng mọi giá

Theo G.Nam/nld.vn

Đó là khẳng định của ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) trong Phiên họp mới đây với Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội

  Xuất khẩu lao động có tốc độ tăng trưởng nhanh trong vài năm gần đây. Nguồn: nld.vn
Xuất khẩu lao động có tốc độ tăng trưởng nhanh trong vài năm gần đây. Nguồn: nld.vn

Tại phiên họp, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội đã báo cáo tóm tắt vấn đề người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Đến năm 2017, Việt Nam đã cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cho 315 doanh nghiệp. Thống kê trong 7 năm qua, đã có hơn 800.000 lao động đang làm việc tại nước ngoài.

Trong đó, gần 70% là lao động phổ thông, người lao động có trình độ cao là rất ít. Ông Lợi cho rằng cần phải có sự thay đổi tư duy, tập trung phát triển đào tạo lao động có trình độ để đi và trở về phục vụ cho nước nhà.

Ông Đào Ngọc Dung cho biết Bộ đang có chủ trương sẽ chọn lựa một số địa bàn, đặc biệt là ở Bắc Âu và Đông Âu để đưa lao động sang làm việc ở các ngành công nghệ cao. Hiện tại, đang có dự án đào tạo khoảng 1.000 trường hợp chất lượng cao để đưa sang môi trường Đức làm việc.

Sau đó 3 năm quay trở về phục vụ cho đất nước. Bên cạnh đó, trong kế hoạch cuối tháng 11, Việt Nam sẽ kí với Bulgaria và Rumani trong chương trình hợp tác để tham gia đào tạo bồi dưỡng học viên có kỹ thuật, trình độ cao.

"Chúng ta không có chủ trương đưa lao động đi nước ngoài bằng mọi giá mà chỉ tập trung vào các ngành công nghệ cao, đào tạo lao động có trình độ để đưa đi và trở về phục vụ cho nước nhà", ông Dung nói.