Không thể để con kênh độc đạo

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia ví von, hệ thống tài chính đã dựa quá nhiều vào các ngân hàng thương mại (NHTM), khiến kênh chuyển tải vốn giống như con kênh độc đạo, gây nên bất ổn cho hệ thống tài chính trong nước. Do đó, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng cũng gắn rất chặt với việc tạo điều kiện cho các thị trường vốn khác như tài chính, bảo hiểm… phát triển cân đối với ngân hàng.

Không thể để con kênh độc đạo
Nhiệm vụ cung ứng vốn cho nền kinh tế đang đặt nặng lên vai ngành Ngân hàng. Nguồn: internet

Không cần “ma chay”, ngân hàng yếu kém sẽ tự biến mất

Đã có 17 ngân hàng rời khỏi hệ thống NHTM mà không cần tới bất kỳ một cuộc “ma chay” rầm rộ nào dưới thời ông Lê Đức Thúy còn làm Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN). Thông tin này do chính ông Thúy cung cấp tại Hội thảo quốc tế “Cải cách thị trường tài chính trong chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế” do Ban Kinh tế Trung ương Đảng phối hợp với Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và Đại sứ quán Ailen tại Việt Nam tổ chức mới đây.

Nguyên Thống đốc NHNN nói điều này để phản bác lại ý kiến cho rằng, việc không có “dịch vụ tang lễ” chính thức với các ngân hàng yếu kém, khiến các ngân hàng này biến thành những “xác chết biết đi” làm cản trở quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

“Khi đó chủ đầu tư các ngân hàng này gần như không còn đồng vốn nào cả, chúng ta cũng chưa có cơ chế bảo hiểm tiền gửi và nguồn ngân sách cho việc này cũng không có, nhưng vẫn phải giải quyết làm sao để giữ được ổn định chung”, ông Thúy nói thêm để nhấn mạnh về tình thế cấp bách thời điểm đó.

Thực tế về sự điều hành của ngành Ngân hàng dưới thời nguyên Thống đốc Lê Đức Thúy đã cho thấy, không cần có những “tang lễ” chính thức thì các ngân hàng yếu kém sau khi buộc phải tái cấu trúc theo những cách khác nhau cũng tự đào thải. Hơn nữa, cách xử lý êm xuôi này còn đảm bảo ngăn chặn được sự lây lan, đổ vỡ trong toàn hệ thống. Trong bối cảnh phức tạp hiện nay, ông Thúy cho rằng, càng cần tới nghệ thuật điều hành linh hoạt.

Trấn an những ý kiến còn gờn gợn về hiệu quả của quá trình tái cấu trúc, nguyên Thống đốc NHNN khẳng định, cần chữa trị để những cơ thể ốm yếu có đủ sức chịu đựng, sau đó mới có thể tiến hành đại phẫu thuật. Với mục tiêu như vậy thì những bước đi trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng mà chúng ta thực hiện trong thời gian vừa qua đã đúng hướng.

TS. Trần Thị Thanh Tú, Phó trưởng khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng ghi nhận, những thành công của việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng trong thời gian qua khi dẫn chứng thành tích nổi bật nhất, là đảm bảo được tính thanh khoản, không để xảy ra lây lan và đổ vỡ trong ngành, từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Hiện trong số 9 ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt được NHNN phân loại hồi đầu năm 2012, đã có 8 ngân hàng được tái cơ cấu bằng cách sáp nhập hoặc tự cơ cấu lại.

Vẫn không thể nóng vội!

Tuy ghi nhận những thành công của quá trình tái cấu trúc, song chính các chuyên gia trong và ngoài ngành cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những biện pháp vừa qua chưa đủ mạnh. Do đó tái cấu trúc hệ thống ngân hàng tuy đúng hướng, song chưa tạo sức ép đủ lớn để có tác động mạnh hơn tới quá trình tái cấu trúc nền kinh tế.

Cốt lõi của vấn đề là giải quyết nợ xấu và tăng cường năng lực quản trị điều hành sau tái cơ cấu vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để. Các ngân hàng thuộc nhóm ổn định thì quan tâm nhiều đến việc giải bài toán trước mắt để tìm đầu ra cho tín dụng. Trong khi các ngân hàng yếu kém thì chật vật lo giải quyết nợ xấu và thanh khoản, chưa thể phục hồi ngay sau khi sáp nhập hay tái cơ cấu tự thân.

TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, về lâu dài tái cơ cấu phải làm cho thị trường tài chính nói chung và ngân hàng nói riêng hoạt động hoàn toàn theo cơ chế thị trường, giảm dần các biện pháp hành chính của Nhà nước. Tuy nhiên, xem xét thực trạng của ngành Ngân hàng hiện nay, quá trình đó vẫn cần những bước đi và lộ trình nhất định. Đặc biệt với ngành Ngân hàng, không thể để tiếp diễn tình trạng phát triển ồ ạt quá với nhu cầu thực của nền kinh tế.

Chuyên gia ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực chỉ ra bất cập trên thị trường tài chính hiện nay, khi hệ thống ngân hàng chiếm tới 80% tổng tài sản của toàn bộ hệ thống tài chính, còn lại là thị trường chứng khoán, bảo hiểm... đang manh nha phát triển, song rất yếu ớt, mờ nhạt.

TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng ví von, hệ thống tài chính đã dựa quá nhiều vào các NHTM, khiến kênh chuyển tải vốn giống như con kênh độc đạo, gây nên bất ổn cho hệ thống tài chính trong nước. Do đó, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng cũng gắn rất chặt với việc tạo điều kiện cho các thị trường vốn khác như tài chính, bảo hiểm… phát triển cân đối với ngân hàng.

Đặt vấn đề cần khẩn trương triển khai hệ thống quy chuẩn an toàn tài chính theo thông lệ quốc tế, TS. Vũ Viết Ngoạn nhấn mạnh cần giảm tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo làm méo mó và lệch lạc dòng chảy tiền tệ. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo, trước mắt, những chuẩn mực cũ áp dụng chưa tốt thì nên làm cho tốt. Những chuẩn mực mới cũng cần cân nhắc, nếu có điều kiện thì áp dụng dần. “Không thể ngay lập tức bắt một đứa trẻ phải gánh nặng như người trưởng thành, nếu không nó sẽ bị vẹo cột sống”, một lãnh đạo của ngành Ngân hàng ví von.