Kiến tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

ThS. Phan Thị Thùy Linh – Văn phòng Chính phủ

Đất nước đã và đang hội nhập sâu rộng, việc đổi mới, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển có ý nghĩa quyết định cho tăng trưởng bền vững. Để làm được điều này, cần có sự hợp sức, đồng lòng từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Với tư duy đột phá, kiến tạo, Chính phủ đã và đang chỉ đạo thực thi bài bản các bước đi quyết liệt nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia… Điều này, được khẳng định cụ thể qua các chương trình hành động, đặc biệt là qua Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ…

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Kiến tạo, đổi mới của Chính phủ

Kể từ khi đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng với việc cải cách mạnh mẽ về thể chế kinh tế đã đưa Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế quốc tế ngày càng càng sâu rộng, nâng cao vị thế và vai trò của đất nước trên trường quốc tế. Kết quả đó có được là chủ trương của Đảng đã chú trọng đúng mức trong cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Điều này được thể hiện qua hàng loạt Nghị quyết của Chính phủ đã được ban hành. Cụ thể:

Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2020; Nghị quyết 19-2014/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 19- 2015/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện, giảm chi phí hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước…

Ngày 28/4/2016, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 – 2017, định hướng 2020. Cùng với đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020, nhằm nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.

Như vậy, trong 03 năm liên tiếp Chính phủ đã ban hành 03 Nghị quyết số 19/NQ-CP (ngày 18/3/2014; ngày 12/3/2015 và ngày 28/4/2016). Tại các Nghị quyết 19, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách các quy định kinh doanh và thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí, nhất là trên các lĩnh vực quản lý nhà nước về điều kiện kinh doanh, quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, hải quan, thuế, bảo hiểm xã hội, cấp phép xây dựng, đăng ký sở hữu tài sản…

Trong hai năm qua, môi trường kinh doanh của nước ta đã được cải thiện, năng lực cạnh tranh được nâng lên và được các tổ chức quốc tế có uy tín ghi nhận, cộng đồng doanh nghiệp (DN) đánh giá cao. Theo

Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2015 – 2016 của Diện đàn kinh tế thế giới, vị thế năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2015 có sự cải thiện đáng kể so với năm 2014, tăng 12 bậc (từ vị trí 68/144 lên vị trí 56/140). Theo Doing Business 2016, môi trường kinh doanh của nước ta tăng 3 bậc, từ vị trí 93 lên vị trí 90/189 nền kinh tế.

So với các nước ASEAN-4, Việt Nam được ghi nhận nhiều cải cách hơn (cải thiện ở 5/10 lĩnh vực), nhờ đó môi trường kinh doanh tăng điểm và thứ hạng tốt hơn; trong khi 3 nước ASEAN gồm Malaysia, Philippines và Thái Lan xuống hạng. Mặc dù vậy, khoảng cách trên hầu hết các chỉ số của Việt Nam so với các nước ASEAN 4 còn khá xa.

Ngoài ra, vẫn còn một số lĩnh vực chưa có sự cải thiện. Cụ thể là: (i) Thời gian thực hiện cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan kéo dài thêm 52 ngày (từ 114 ngày lên 166 ngày); (ii) Đăng ký sở hữu tài sản thêm 1 thủ tục (từ 4 thủ tục lên 5 thủ tục); tốn 57,5 ngày, nhiều hơn đáng kể so với các nước ASEAN 4; điểm số về chất lượng thủ tục hành chính đất đai ở mức trung bình dưới; (iii) Giải quyết tranh chấp hợp đồng không có sự thay đổi về điểm số và thứ hạng.

Trên cơ sở đánh giá tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết 19 (2014 và 2015) và từ thực tiễn hoạt động kinh doanh của DN, Nghị quyết 19–2016/NQ-CP xác định mục tiêu cải thiện về điểm số và thứ hạng môi trường kinh doanh.

Cụ thể là: Đến hết năm 2016, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt trung bình của nhóm nước ASEAN-4; Năm 2017, duy trì mức trung bình ASEAN-4 trên Doing Business; Phấn đấu đạt trung bình ASEAN-4 trên một số chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới; Đến năm 2020, một số chỉ tiêu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đạt trung bình của nhóm nước ASEAN-3.

Việc xác định mục tiêu dựa trên cách tiếp cận và xếp hạng về Doing Business và Năng lực cạnh tranh toàn cầu là vì đây là các chỉ số có uy tín trên thế giới, được nhiều quốc gia tham khảo để lựa chọn vấn đề và mục tiêu cải cách.

Nghị quyết 19-2016/NQ-CP đặc biệt nhấn mạnh tới mục tiêu cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, phù hợp với thông lệ quốc tế, chuyển mạnh sang hậu kiểm; điện tử hóa các thủ tục; kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức; tạo lập hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp.

Để triển khai Nghị quyết có hiệu quả đến từng cơ sở, Chính phủ đã đưa ra các nhóm giải pháp chung:

Một là, tăng cường thể chế và thực thi thể chế tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và cạnh tranh, hoàn thiện cơ chế phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực giữa Trung ương và địa phương, đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính công, tăng cường công khai minh bạch và phòng, chống tham nhũng. Giải quyết đồng bộ việc ban hành và thực thi các quy định pháp luật về kinh doanh và cạnh tranh.

Hai là, tăng cường ổn định bền vững kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất lao động và đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp trong mô hình tăng trưởng theo hướng thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ và tăng cường đối mới sáng tạo.

Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động quốc gia và sự đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp vào mô hình tăng trưởng theo hướng thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ, xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo.

Ba là, tăng cường tiếp cận nguồn lực và thị trường trong nước, thế giới, thúc đẩy mạnh mẽ liên kết trong nước và năng lực hội nhập quốc tế. Tập trung phát triển và tăng cường tiếp cận các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất, đặc biệt là vốn, lao động, khoa học-công nghệ, cơ sở hạ tầng và tài nguyên.

Thúc đẩy các động lực cạnh tranh lành mạnh và phát huy lợi thế so sánh của các địa phương, tăng cường liên kết ngành kinh tế, chủ thể kinh tế và không gian kinh tế, vùng kinh tế, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế.

Bốn là, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các loại hình DN của Việt Nam, tăng cường khởi sự DN. Tạo lập môi trường pháp lý bảo đảm quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế trong nền kinh tế thị trường có sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước.

Ban hành Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Luật Công nghiệp hỗ trợ và các xây dựng chính sách phù hợp để hỗ trợ phát triển các loại hình DN; tăng cường hiệu quả thực hiện vai trò của Nhà nước trong định hướng phát triển hoạt động đầu tư-kinh doanh của DN theo cơ chế thị trường. Phát huy vai trò của các hội, hiệp hội DN.

Năm là, tăng cường kết nối khu vực và coi trọng các giải pháp phát triển bền vững. Xây dựng kế hoạch, triển khai hiệu quả Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp quốc về phát triển bền vững.

Cần sự nhập cuộc của các bộ, ngành, địa phương

Để đạt mục tiêu đề ra, Nghị quyết xác định nhiệm vụ, giải pháp rất rõ ràng, cụ thể cho các bộ, cơ quan, địa phương để có thể dễ dàng đánh giá và đo lường kết quả thực hiện.

Một là, xây dựng Chương trình, Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19, trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, đơn vị chủ trì thực hiện và kế hoạch chi tiết sửa đổi các văn bản pháp luật hiện hành.

Hai là, hoàn thành việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh. Rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp. Xây dựng và trình ban hành các Nghị định về điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư 2014.

Ba là, sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi các quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng đơn giản hóa và hiện đại hóa thủ tục hành chính. Rà soát danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, theo đó, chỉ hàng hóa nhập khẩu trên quy mô thương mại mới thuộc diện phải kiểm tra; mã hóa chi tiết mặt hàng cần kiểm tra.

Áp dụng kiểm tra chuyên ngành theo thông lệ quốc tế trên cơ sở đánh giá rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của DN, áp dụng chế độ DN ưu tiên; đẩy mạnh công nhận lẫn nhau theo thỏa thuận; chủ động công nhận chất lượng của những nhãn hiệu, nhà sản xuất nổi tiếng, những hàng hóa được sản xuất tại các nước, khu vực có tiêu chuẩn chất lượng cao, tiên tiến.

Hiện nay, thủ tục hải quan đã có nhiều cải thiện nhờ áp dụng hải quan điện tử, quản lý trên cơ sở rủi ro, nhưng do sự bất cập của quy định và thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành nên thời gian thông quan kéo dài.

Ví dụ: (i) quản lý chồng chéo (một mặt hàng chịu sự quản lý, kiểm tra bởi nhiều cơ quan khác nhau); (ii) quản lý, kiểm tra quá mức cần thiết (kiểm tra theo lô hàng, không áp dụng quản lý rủi ro, trong khi đó hàng hóa không đạt chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ dưới 1%); (iii) thiếu danh mục mã hàng hóa, dẫn đến cách hiểu, cách áp dụng khác nhau; (iv) chưa chủ động công nhận chất lượng của những nhãn hiệu, nhà sản xuất nổi tiếng, những hàng hóa được sản xuất tại các nước, khu vực có tiêu chuẩn chất lượng cao, tiên tiến; (v) chi phí kiểm tra chuyên ngành cao; (vi) kiểm tra chuyên ngành chủ yếu áp dụng trong giai đoạn thông quan; (vii) ứng dụng điện tử hóa thủ tục hạn chế.

Do những bất cập về quản lý, kiểm tra chuyên ngành, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho 10 bộ liên ngành, trong đó chỉ rõ các văn bản, vấn đề và định hướng sửa đổi. Tuy nhiên, hầu hết các văn bản chưa được ban hành hoặc ban hành nhưng không giải quyết được các khó khăn, vướng mắc.

Bốn là, thiết lập hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý kiến nghị và kết quả giải quyết thủ tục hành chính để người dân và DN đánh giá, phản ánh về chính sách, thủ tục hành chính và việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thực hiện nghiêm quy định về giải trình và giải quyết các kiến nghị của người dân và DN. Đẩy mạnh tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua mạng hoặc dịch vụ bưu điện.

Thực tế cho thấy, còn có khoảng cách giữa quy định chính sách với việc thực thi chính sách. Sự nhũng nhiễu của cán bộ thực thi công vụ cũng là trở ngại đối với DN, do đó đòi hỏi các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước phải thiết lập hệ thống tiếp nhận thông tin để kịp thời xử lý các khiếu nại của người dân, DN và tăng trách nhiệm của cán bộ thực thi.

Năm là, xây dựng năng lực, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước. Áp dụng điện tử hóa thủ tục góp phần minh bạch hóa thông tin, rút ngắn thời gian giao dịch, hạn chế cơ hội nhũng nhiễu, xin – cho, và nâng cao hiệu quả giám sát.

Sáu là, thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19. Xử lý nghiêm cán bộ, công chức và người đứng đầu thiếu trách nhiệm, gây phiền hà cho người dân và DN. Thực hiện nghiêm quy định chế độ báo cáo. Định kỳ hàng quý tổng hợp báo cáo, đánh giá tình hình triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết 19.

Bảy là, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện các sáng kiến cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN.

Việc thực hiện các sáng kiến cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện các chỉ số theo cách tiếp cận của Ngân hàng Thế giới sẽ giúp cho cảm nhận của DN về môi trường kinh doanh của tỉnh tốt hơn, và do đó cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Trong các phiên họp thường kỳ Chính phủ hàng tháng (đặc biệt là trong các tháng 5, 6, 7/2016), vấn đề cải cái thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó, công tác xây dựng thể chế, việc ban hành các văn bản hướng dẫn các nội dung cải cách của Luật DN, Luật Đầu tư, các Luật thuế sửa đổi, thực thi các Nghị quyết của Chính phủ đã được thảo luận rất kỹ.

Điều này minh chứng cho sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong khẩn trương đưa các nội dung cải cách về cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia vào cuộc sống.

Qua đó, hỗ trợ DN giảm tối đa chi phí, thời gian tuân thủ trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó thực sự tạo ra “cú hích” cho phát triển DN trong thời gian tới nhằm mở thêm dư địa cho thu ngân sách, đồng thời ngày càng có đóng góp quan trọng hơn cho tăng trưởng kinh tế bền vững trong giai đoạn tới.

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo thường kỳ Chính phủ tháng 5, 6, 7/2016;

2. Nghị quyết 19/2016/NQ-CP của Chính phủ;

3. Ban Kinh tế Trung ương (26/3/2016), Tài liệu Hội thảo: Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới phát triển DN;

4. Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2016.