Kinh nghiệm quốc tế về quản trị rủi ro thông tin trên thị trường chứng khoán

Theo Tạp chí Chứng khoán 9/2017

Thị trường chứng khoán (TTCK) là thị trường của thông tin tài chính, do vậy, tin đồn là điều khó tránh khỏi trên thị trường.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngày 15/7/2008, trên thị trường chứng khoán (TTCK) Indonesia, xuất hiện tin đồn Công ty Bakrie and Brothers (mã: BNBR) mua lại Indosat (mã: ISAT), một trong những công ty viễn thông hàng đầu của Indonesia với giá 7.650 Rupiah (Rp)/cổ phiếu.

Kết quả là ISAT tăng giá 3,05% từ mức giá đóng cửa trước ngày có tin đồn là 6.550 Rp lên 6.750 Rp/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch đạt 42 triệu cổ phiếu, cao hơn rất nhiều so với khối lượng trung bình chỉ là 15 triệu cổ phiếu trong suốt 120 ngày giao dịch trước ngày xuất hiện tin đồn. Tuy nhiên, trên thực tế, kế hoạch đó chỉ là đồn đoán và chưa bao giờ trở thành sự thật.

TTCK là thị trường của thông tin tài chính, do vậy, tin đồn là điều khó tránh khỏi trên thị trường. Các tin đồn lan truyền trên TTCK có thể gây ra biến động giá đáng kể.

Tuy nhiên, tin đồn không phải lúc nào cũng chính xác. Tin đồn thất thiệt khiến giá các cổ phiếu bị thổi phồng hoặc sụt giảm đáng kể, tác động làm khối lượng giao dịch tăng, giảm thậm chí dẫn đến tình trạng đóng băng giao dịch một loại cổ phiếu.

Tin đồn trên TTCK có thể gắn chặt với thao túng thị trường. Tháng 4/2008, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (Securities and Exchange Commission - SEC) đã cáo buộc Paul S. Berliner, một nhân viên môi giới chứng khoán trên thị trường phố Wall vì tội lừa đảo và thao túng giá chứng khoán.

Berliner đã cố tình tung tin đồn “Công ty Alliance Data System (mã ADS) bị Blackstone mua lại” cho khách hàng là các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, quỹ phòng hộ rủi ro, trong khi chính Berliner lại thực hiện bán khống ADS để kiếm lời. Tin đồn này được các phương tiện truyền thông đăng tải lại. Trong vòng 30 phút, tin tức giả mạo này đã khiến giá cổ phiếu ADS đang giao dịch ở mức 77 USD/cổ phiếu giảm xuống mức thấp nhất trong ngày là 63,65 USD/cổ phiếu, mất 17%. Để đối phó với giao dịch bất thường, Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) New York đã tạm ngừng giao dịch cổ phiếu ADS.

Trong ngày, ADS đã ra thông cáo báo chí bác bỏ tin đồn. Vào cuối phiên giao dịch, giá cổ phiếu của ADS đã phục hồi trở lại mức giá trước khi bị tung tin đồn. Berliner đã thu được lợi nhuận từ việc bán khống ADS trong thời gian giá ADS giảm mạnh. Và Berliner buộc phải trả lại 26.129 USD lợi nhuận thu được từ giao dịch bán khống, bị phạt 130.000 USD và bị cấm hành nghề môi giới1.

Ngày 12/8/2015, một vụ nổ nhà kho chứa nhiều hóa chất độc hại ở Thiên Tân, Trung Quốc làm chết 150 người, trong đó có 23 người mất tích, 367 người bị thương. Thế nhưng đã có những tin đồn thất thiệt tạo sự rối loạn trên TTCK, gây hoang mang cho xã hội như: “Một người đàn ông ở Bắc Kinh đã nhảy lầu tự tử vì sự sụp đổ của TTCK”, hay “ít nhất 1.300 người chết tại vụ nổ ở Thiên Tân”. Những thông tin này đã khiến cổ phiếu trên TTCK Trung Quốc đã sụt gần 8% giá trị giao dịch toàn thị trường chỉ sau một tuần tin đồn bất ổn lan truyền. Chỉ số Shanghai Composite Index đã mất khoảng 30% giá trị trong 3 tuần.

Ngày 30/8/2015, cảnh sát Trung Quốc bắt giữ 197 người, đóng cửa 165 tài khoản vì tung tin đồn thất thiệt này. Các nhà chức trách Trung Quốc đã kiểm soát chặt chẽ thông tin trên mạng và truy tố những người lan truyền tin đồn. Nhà báo Wang Xiaolu bị buộc tội “truyền bá thông tin giả mạo” do việc viết bài đồn đoán về sự suy thoái của TTCK Trung Quốc dựa trên tin đồn và những dự đoán chủ quan của ông ta mà không tiến hành kiểm tra, xác minh lại thông tin.

Mới đây nhất, ngày 18/2/2017, TTCK Malaysia đồng loạt tăng điểm, chỉ số Bursa Malaysia KLCI Index (Kuala Lumpur Composite Index) tăng 4% so với ngày hôm trước. Nguyên nhân là do tin đồn Chính phủ Malaysia có thể sẽ tổ chức các cuộc bầu cử ở Hạ viện sớm hơn dự kiến.

Điều này đồng nghĩa với kỳ vọng Thủ tướng Malaysia sẽ sớm triển khai những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp, trong đó đối tượng hưởng lợi là các doanh nghiệp có mức vốn hóa lớn, có liên quan đến Chính phủ như: Cổ phiếu của Hiệp hội Xây dựng Malaysia tăng 28%; Sime Dardy (một trong những tập đoàn lớn nhất Malaysia với các doanh nghiệp trồng rừng) tăng 13%; Felda Global Ventures (một công ty quản lý các trang trại dầu cọ) tăng 19%, mặc dù 9 tháng đầu năm 2016, Felda đang ghi nhận khoản lỗ 98,2 triệu Ringgit (22 triệu USD) do giá dầu cọ giảm.

Những câu chuyện điển hình trên đã minh chứng rằng tin đồn chính là một trong những tác nhân tác động mạnh đến diễn biến của TTCK (có thể là tích cực hoặc tiêu cực), đặc biệt là với những tin đồn thất thiệt có thể gây ra những hệ lụy và hậu quả nghiêm trọng cho TTCK, tài chính và toàn nền kinh tế. Tin đồn là thông tin chưa được kiểm chứng, xác nhận về một sự kiện sắp xảy ra, nhưng được lan truyền rộng rãi.

Tin đồn có thể lan truyền miệng, hoặc qua thông tin của người nội bộ (các nhà quản lý cấp cao, giám đốc công ty) hoặc người bên ngoài (chuyên gia đầu cơ, nhà báo). Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, thông tin có thể đến từ các trang tin tức, bảng giá chứng khoán, trang mạng xã hội, diễn đàn chứng khoán, bản tin, báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán (CTCK), hay từ nhân viên môi giới… DiFonzo và Bordia (1997) chỉ ra 3 đặc điểm của tin đồn: không được xác minh, chưa được công khai và dựa chủ yếu trên niềm tin.

Tin đồn thường được phân loại thành tin đồn tích cực (khuyến nghị mua) và tin đồn tiêu cực (khuyến nghị bán). Tin đồn tiêu cực về thông tin giá giảm thường liên quan mật thiết tới bán khống. Đối với những thị trường nghiêm cấm bán khống chứng khoán, những tin đồn tiêu cực ít ảnh hưởng tới thị trường hơn là những thị trường cho phép bán khống. Tin đồn có thể gây ra biến động giá cổ phiếu so với giá trị nội tại, và do đó giảm hiệu quả thị trường.

Trong dài hạn, độ lệch của giá chứng khoán so với giá trị nội tại có thể khiến nhà đầu tư đưa ra quyết định mua/bán mà không có căn cứ thông tin chính xác. TTCK cũng rất nhạy cảm với những thông tin về tái cơ cấu, sáp nhập, mua lại, doanh nghiệp phát triển sản phẩm mới, mở nhà máy mới… dẫn đến sự biến động mạnh của giá cổ phiếu. Các nhà đầu tư trên Phố Wall từng nói “mua vào dựa trên tin đồn, bán ra dựa trên tin tức” (buy on the rumor, sell on the news) cho thấy thái độ thông thường của công chúng đầu tư với tin đồn.

Nhiều nhà kinh tế đã nghiên cứu về mối quan hệ giữa tin đồn và giá chứng khoán/lợi nhuận trên TTCK. Liu và các cộng sự (1990) nghiên cứu phản ứng của thị trường so với tin tức được đăng trên chuyên mục “Nghe gì trên phố” (Heard on the Street) của tờ Wall Street Journal (Tạp chí Phố Wall). Nghiên cứu được thực hiện trong 3 năm kể từ ngày 1/9/1982.

Liu và các cộng sự đã tiến hành phân loại tin tức thành tin tức tích cực (khuyến nghị mua vào) và tin tức tiêu cực (khuyến nghị bán ra). Họ nhận thấy giá chứng khoán phản ứng không chỉ trong ngày thông tin được công bố trên tờ Wall Street Journal mà giá chứng khoán còn phản ứng trước ngày thông tin được công bố. Aggarwal và Wu (2003) sử dụng 142 trường hợp thao túng tại Mỹ để áp dụng mô hình kiểm định, và phát hiện ra rằng: giá cổ phiếu tăng trong suốt giai đoạn thao túng và giảm sau thời kỳ thao túng.

Khi các tay thao túng bán chứng khoán thì giá cao hơn khi họ mua vào. Dewa Gede Wirama, I Gusti Bagus Wiksuana, Zuraidah Mohd-Sanusi, và Soheil Kazemian (2012) nghiên cứu về sử dụng tin đồn để thao túng giá tại TTCK Indonesia từ ngày 3/8/2007 đến 31/12/2008. Nghiên cứu sử dụng 14 ngày trước và 14 ngày sau ngày có tin đồn xuất hiện trên tờ Investor Daily Indonesia, một tờ báo in chuyên về tin kinh tế, chứng khoán tại Indonesia, và có định dạng điện tử tại trang www.investor.co.id. Tin tức trên tờ báo này cũng thường được các phương tiện truyền thông khác tại Indonesia trích dẫn.

Trong thời gian nghiên cứu, có 891 thông tin về 196 doanh nghiệp niêm yết - DNNY (trên tổng số 397 DNNY trên SGDCK Indonesia). Có 286 tin đồn chiếm 42,56% về tăng giá cổ phiếu, 264 tin đồn chiếm 39,29% về giảm giá cổ phiếu, 122 tin chiếm 18,15% là không thay đổi giá. Các Biểu đồ 1 và 2 cho thấy vào ngày lan truyền tin đồn (ngày 0), khối lượng giao dịch đạt 39,84 triệu cổ phiếu, tăng gần 40% so với khối lượng giao dịch thông thường. Lợi nhuận cũng biến động mạnh tăng cao vào ngày xuất hiện tin đồn, nhưng đã sụt giảm mạnh ngay sau ngày tin đồn được công bố.

Bên cạnh tin đồn, rủi ro thông tin trên TTCK còn bắt nguồn từ việc thiếu minh bạch thông tin, thông tin không chính xác, kịp thời dẫn đến việc ra các quyết định đầu tư kinh doanh không hiệu quả. Thực tế, trên TTCK nói chung và trong hoạt động kinh doanh chứng khoán nói riêng, luôn tồn tại sự bất cân xứng thông tin giữa công chúng đầu tư và những người có lợi thế về thông tin hơn (tổ chức phát hành, người nội bộ, nhà môi giới, CTCK…).

Trong khi đó, chứng khoán là một loại hàng hóa đặc biệt, nhà đầu tư không thể trực tiếp đánh giá chất lượng của loại chứng khoán. Do đó, đòi hỏi phải có thông tin kịp thời và tin cậy về tình hình hoạt động của chủ thể phát hành, giúp cho nhà đầu tư đánh giá chất lượng của chứng khoán và ra quyết định đầu tư. Từ đó, giá cả chứng khoán được hình thành đúng đắn và khách quan trên thị trường. Quản trị rủi ro (QTRR) thông tin cũng là cách bảo vệ nhà đầu tư, ngăn chặn các hoạt động tiêu cực, lũng đoạn, thao túng thị trường.

Một số khuyến nghị cho Việt Nam để QTRR thông tin trên TTCK hiệu quả

Đối với bất kỳ TTCK nào trên thế giới, minh bạch thông tin vẫn luôn là “chìa khóa vàng” để thị trường hoạt động lành mạnh và phát triển bền vững. Thông tin thiếu minh bạch, thiếu chính xác, thiếu công bằng, không kịp thời… cùng với việc thiếu chế tài quản lý và xử phạt nghiêm là gốc rễ gây nên rủi ro thông tin rất khó kiểm soát. TTCK là thị trường của niềm tin và rất nhạy cảm với thông tin.

Bên cạnh đó, sự phát triển đa dạng và ngày càng phức tạp của nhiều loại hình thị trường với nhiều loại sản phẩm hàng hóa mới ra đời cùng với sự bùng nổ công nghệ thông tin và các trang mạng xã hội một mặt hỗ trợ TTCK phát triển ngày càng hiện đại, nhưng mặt khác cũng dễ tạo ra những rủi ro thông tin với tốc độ lan truyền nhanh chóng và dễ gây ra hệ lụy lớn cho nhà đầu tư, cho công ty đại chúng, cho TTCK cũng như toàn nền kinh tế.

Thực tế hiện nay cho thấy, tình trạng tin giả (fake news), tin đồn thổi, tin không chính danh… rất khó kiểm chứng về nguồn gốc, về tính xác thực của thông tin và về động cơ, mục đích của đối tượng tạo tin giả hoặc tung tin đồn thổi ngày càng nhiều với nhiều biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp và rất khó kiểm soát. Vì vậy, hơn lúc nào hết, QTRR thông tin đang là vấn đề lớn đặt ra không chỉ cho cơ quan quản lý thị trường và doanh nghiệp mà đối với cả bản thân mỗi nhà đầu tư.

Một số đề xuất, kiến nghị để việc QTRR thông tin đạt hiệu quả trên TTCK Việt Nam như sau:

Thứ nhất, nâng cao trình độ của công chúng đầu tư

Các nhà đầu tư thường lo lắng mất cơ hội gia tăng lợi nhuận hoặc giảm thiểu rủi ro nếu không có những phản ứng kịp thời và tức thì trước những thông tin mới (có thể là tin đồn, tin giả) liên quan đến TTCK hoặc đến doanh nghiệp có cổ phiếu mà mình đang nắm giữ.

Tuy nhiên, thực hiện giao dịch theo tin đồn hoặc theo tâm lý đám đông phản ứng trước thông tin mới cũng sẽ rất rủi ro. Vì vậy, nhà đầu tư cần trang bị kỹ năng chọn lọc, phân tích thông tin trước khi đưa ra quyết định đầu tư để giảm thiểu các rủi ro phát sinh, xác định liệu tin đồn là chính xác hay chỉ là thông tin giả mạo, nhằm đầu cơ, thao túng thị trường.

Các nhà đầu tư cần tự trang bị kỹ năng cơ bản khi đọc và phân tích báo cáo tài chính và khi phát hiện ra thông tin có vấn đề thì cần kiểm chứng kịp thời như hỏi CTCK, tham vấn ý kiến của chuyên gia. Khi đã nắm rõ về tình hình doanh nghiệp, mặc dù có tin đồn khuyến nghị bán ra, nhà đầu tư vẫn có thể mua vào để nắm giữ cổ phiếu như là một khoản đầu tư tốt trong dài hạn nếu điều này phù hợp với chiến lược đầu tư của mình.

Thứ hai, xây dựng hệ thống công bố thông tin (CBTT) tự động giúp CBTT kịp thời đến nhà đầu tư

Để đảm bảo công bằng cho mọi nhà đầu tư tham gia trên TTCK, thông tin quan trọng, thiết yếu có ảnh hưởng đến giá giao dịch cần được công bố đầy đủ, kịp thời. Tại Nhật Bản, cơ quan quản lý nước này yêu cầu các DNNY phải CBTT ngay khi sự kiện xảy ra, không phân biệt giờ giao dịch.

Những thông tin này sẽ được phát hành cho giới truyền thông và nhà đầu tư thông qua hệ thống CBTT do SGDCK Tôkyô (Tokyo Stock Exchange- TSE) vận hành (TDnet- Timely Disclosure Network). Ở Hàn Quốc có hệ thống CBTT DART System, Mỹ có hệ thống EDGAR. Những hệ thống này tiếp nhận các thông tin báo cáo/CBTT về giao dịch của người nội bộ, người có liên quan để cho phép thực hiện/chặn giao dịch hoặc thông báo cho người đặt lệnh về giao dịch hợp lệ/không hợp lệ.

Bên cạnh đó, hệ thống tự động thực hiện CBTT trên SGDCK về việc tổ chức/cá nhân trở thành/không còn là cổ đông lớn của tổ chức phát hành. Cơ chế này đảm bảo tính minh bạch thông tin trên TTCK dù cổ đông lớn có chủ động báo cáo hay CBTT hay không, ngăn chặn được việc nhà đầu tư là cổ đông lớn trốn tránh nghĩa vụ báo cáo, CBTT khi giao dịch cổ phiếu.

Thứ ba, cảnh báo nhà đầu tư

Trong trường hợp thị trường có biến động bất thường, cơ quan quản lý hoặc SGDCK có thể đưa ra cảnh báo trước đối với nhà đầu tư và các thành viên thị trường (market alert).

Ví dụ, ở Nhật Bản, SGDCK Tokyo (TSE) sẽ cảnh báo để lưu ý tới nhà đầu tư trong trường hợp có thông tin bị rò rỉ hoặc tin đồn có thể ảnh hưởng tới quyết định đầu tư, hoặc có thông tin mà nhà đầu tư phải chú ý đặc biệt, thông tin không rõ ràng, dễ gây hiểu nhầm cho nhà đầu tư như thông tin liên quan đến sáp nhập, hợp nhất, mua lại, điều chỉnh doanh thu/lợi nhuận, phá sản… Cảnh báo này không phải là hình phạt, mà là cách để SGDCK lưu ý tới nhà đầu tư, trước khi tổ chức phát hành CBTT chính thức có hay không có tin đồn.

Thứ tư, ngừng giao dịch “cổ phiếu tin đồn” để CBTT

Cơ quan quản lý cần nghiên cứu cơ chế ngừng giao dịch cổ phiếu liên quan đến tin đồn, tin giả trong các trường hợp như: ngừng giao dịch để DNNY cung cấp thông tin quan trọng cho thị trường, ngừng giao dịch đối với hành vi đáng ngờ về lừa đảo hoặc thao túng, khi DNNY không đáp ứng duy trì điều kiện niêm yết hoặc để doanh nghiệp đính chính những thông tin về tình hình tài chính của doanh nghiệp, các giao dịch lớn như tái cơ cấu, sáp nhập, thông tin tích cực hoặc tiêu cực liên quan đến sản phẩm của doanh nghiệp, thay đổi vị trí các nhân sự chủ chốt, quy định pháp lý có ảnh hưởng đến khả năng kinh doanh của doanh nghiệp.

Việc ngừng giao dịch trong các trường hợp trên nhằm đảm bảo tính toàn vẹn của thị trường, đảm bảo thị trường vận hành trên cơ sở thông tin đầy đủ, cho phép các thông tin quan trọng lan tỏa tới thị trường. Thời gian ngừng giao dịch ở Nhật Bản là 15 phút, ở Mỹ là 5 phút kể từ khi thông tin quan trọng được công bố, phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tin tức công bố (xem Biểu đồ 3).

Thứ năm, xử phạt nghiêm đối với hành vi tung tin đồn, giao dịch nội gián

Xử phạt nghiêm đối với giao dịch nội gián có thể là phạt tiền (xử lý dân sự) hoặc phạt tù (hình sự) hoặc cả hai. Xử lý hình sự trong trường hợp nghiêm trọng. Tại Mỹ, Luật Chứng khoán và Giao dịch năm 1934, Mục 21A quy định “tiền phạt không vượt quá 1 triệu USD hoặc gấp 3 lần khoản lợi nhuận/khoản thua lỗ tránh được do hành vi vi phạm”.

Đối với nhà đầu tư, một số tiền phạt lớn sẽ làm nhà đầu tư chùn bước khi muốn giao dịch nội gián. Các CTCK, công ty tài chính có thể bị thu hồi giấy phép hoạt động hoặc nếu vi phạm nghiêm trọng, có thể bị cấm hoạt động trong ngành Tài chính/Chứng khoán suốt đời. Từ năm 2013, Trung Quốc đã đưa ra án phạt 3 năm tù đối với bất kỳ ai đã đăng một tin đồn giả mạo mà tin đồn đó được đăng lại 500 lần hoặc có lượt xem (view) 5.000 lần.

Niềm tin của các nhà đầu tư trên TTCK dựa vào chất lượng thông tin, tính minh bạch thông tin trên TTCK. QTRR thông tin trên TTCK một khi được thực hiện tốt thì sẽ có tác động trực tiếp tới tâm lý và hành vi đầu tư, giúp nhà đầu tư yên tâm khi đầu tư vào thị trường. Đồng thời, QTRR thông tin hiệu quả cũng sẽ góp phần vào sự phát triển lành mạnh và bền vững của TTCK.