Kinh tế hội nhập: Lương sẽ tăng theo năng suất và chất lượng lao động

Theo vietnam+

(Tài chính) Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập, nhu cầu về lao động được dự báo sẽ chắc chắn tăng mạnh. Tuy nhiên, việc tiền lương của người lao động có được tăng hay không còn phụ thuộc vào năng suất và chất lượng của người lao động. Đặc biệt, các chính sách cải cách tiền lương về mức lương tối thiểu và thương lượng tiền lương sẽ là cơ sở bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.

Kinh tế hội nhập: Lương sẽ tăng theo năng suất và chất lượng lao động
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cơ hội có nền kinh tế năng suất lao động cao

Theo báo cáo gần đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Ngân hàng Châu Á (ADB), sự thành lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 sẽ tạo nên sự chuyển đổi từ nền kinh tế có tiền lương thấp sang nền kinh tế có năng suất lao động cao cho các nước trong khu vực ASEAN. Đặc biệt, các nước trong khu vực có thể cạnh tranh dựa trên năng suất chứ không phải bằng mức lương thấp.

Để chuẩn bị cho việc hội nhập về kinh tế này, các quốc gia ASEAN đang tái thiết lập sàn tiền lương. Nếu như Việt Nam đã thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia ba bên thì Malaysia giới thiệu lương tối thiểu quốc gia vào năm 2013, Myanmar đang xây dựng lương tối thiểu mới và Singapore đặt ra mức sàn tiền lương là 1.000 SGD cho lao động vệ sinh.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm phát triển quan hệ lao động (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết, Việt Nam đang tham gia một loạt các hiệp định như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU, FTA giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Belarus, Kazakhstan và Nga … Bản chất những hiệp định thương mại này là làm tăng dòng lưu chuyển hàng hóa, vốn đầu tư, kích thích sự phát triển kinh tế của các nước và nhu cầu về việc làm sẽ tăng lên.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Mạnh Cường, khi Việt Nam tham gia Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) vào năm 2015 thì lao động là một trong 5 yếu tố được tự do di chuyển. Khi đó, AEC sẽ tạo nên sự cạnh tranh về lao động trong ASEAN và tác động không những tới tiền lương mà còn là cơ hội việc làm và năng suất lao động. Những lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng lao động cao sẽ là ngành có triển vọng xuất khẩu lớn như: Dệt may, da giày, lắp ráp điện tử, chế biến đồ gỗ…

Báo cáo của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) cũng cho thấy, sự ra đời của AEC năm 2015 sẽ hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng việc làm tại Việt Nam thêm 10,5% và nhu cầu đối với việc làm tay nghề trung bình sẽ tăng nhanh nhất ở mức 28%.

Thách thức trong cải cách tiền lương

Trước những đổi của nền kinh tế, cho đến nay, Việt Nam đã có 4 lần cải cách tiền lương. Trong lần cải cách gần đây nhất từ năm 2004 chính sách tiền lương đã dựa trên nguyên tắc thị trường và hội nhập, tách bạch tiền lương khu vực hành chính sự nghiệp (phụ thuộc ngân sách) và tiền lương đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, đối với khu vực sản xuất kinh doanh, tiền lương là giá cả sức lao động, được hình thành theo quy luật thị trường. Trên cơ sở tôn trọng quyền của các bên trong việc xác định tiền lương và ban hành mức lương tối thiểu, Việt Nam đã thành lập hội đồng tiền lương quốc gia vào năm 2013 dựa trên cơ chế đối thoại 3 bên: Chính phủ, người lao động và doanh nghiệp.

Theo ông Phạm Minh Huân, trong thời gian tới Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục cải cách tiền lương theo cơ chế thị trường, có sự quản lý Nhà nước, tạo động lực tăng năng suất. Cùng với quá trình tái cơ cấu kinh tế, Việt Nam sẽ tiến hành tái cơ cấu nguồn lực lao động, chú trọng lao động có kỹ năng nghề, đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

“Tiền lương tối thiểu vẫn điều chỉnh theo lộ trình đảm bảo tiền lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Đặc biệt, Hội đồng tiền lương quốc gia đang tiếp tục hoàn thiện chính sách tiền lương theo cơ chế thị trường và tăng cường thương lượng tiền lương,” Thứ trưởng Phạm Minh Huân nói.

Theo các chuyên gia, xác lập mức lương tối thiểu và thương lượng tập thể là hai công cụ quan trọng, bổ trợ cho nhau trong hệ thống điều chỉnh tiền lương của một nền kinh tế thị trường. Trong khi mức lương tối thiểu bảo vệ những người lao động nghèo nhất, thì thương lượng tập thể đem lại cơ hội điều chỉnh tiền lương cho những người có thu nhập cao hơn mức lương tối thiểu. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, việc có tăng lương bằng thương lượng được hay không còn phụ thuộc vào năng suất lao động và chất lượng của người lao động.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết , ngành dệt may trong 15 năm qua đều có mức phát triển cao so với các ngành khác (khoảng 15%/năm) và tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động. Đặc biệt, các hiệp định thương mại tự do được ký kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho ngành dệt may phát triển, tăng nhu cầu tuyển dụng lao động.

“Tuy nhiên, việc có tăng lương được hay không còn phụ thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động vì nếu doanh nghiệp tăng lương mà năng suất lao động không được cải thiện thì sản phẩm sản xuất ra sẽ không cạnh tranh được với các nước dẫn tới đóng cửa doanh nghiệp. Khi đó, lao động không những không được tăng lương mà còn mất việc,” ông Lê Tiến Trường nói.

Như vậy, Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ tăng nhu cầu đối với lao động có tay nghề cao và có thể chủ nhóm lao động này mới được tăng lương, việc này sẽ góp phần làm gia tăng bất bình đẳng tiền lương giữ các nhóm lao động.

Ông Malte Luebker, Chuyên gia cao cấp về tiền lương Văn phòng ILO khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nhấn mạnh, các quốc gia ASEAN đang đối mặt 2 thách thức lớn về tiền lương: Không có mối liên hệ giữa tăng tiền lương và tăng năng suất lao động; Cộng đồng kinh tế ASEAN có thể làm gia tăng sự bất bình đẳng.

Để vượt qua những thử thách này, Ông Malte Luebker cho rằng Việt Nam cần xác định tốt sàn tiền lương để bảo vệ người lao động khỏi bị trả lương quá thấp. Đặc biệt, thương lượng tập thể mạnh hơn để mức tăng lương đi cùng với tăng năng suất ở các ngành và doanh nghiệp.