Làm nông nghiệp 4.0: Hãy bắt đầu từ khả năng tiếp thu công nghệ

Theo Thế Vinh/thoibaokinhdoanh.vn

Đang có nhiều doanh nghiệp (DN), nông dân quan tâm đến lĩnh vực này và lần mò ứng dụng, nhưng Việt Nam hiện nay chưa có một mô hình nông nghiệp 4.0 nào hoàn chỉnh. Điều cần làm bây giờ là hãy để phương án sử dụng và ứng dụng nông nghiệp thông minh bài bản, hiệu quả thực chất chứ không phải trông đợi phép màu như câu thần chú “vừng ơi mở cửa ra”.

Đang rất cần những tiệm “buffet công nghệ” cho nông nghiệp Việt Nam. Nguồn: Internet
Đang rất cần những tiệm “buffet công nghệ” cho nông nghiệp Việt Nam. Nguồn: Internet
Công ty Mía đường Lam Sơn (Lasuco) ở tỉnh Thanh Hóa được xem như một DN nông nghiệp điển hình đang có những bước đầu tư thích hợp cho nông nghiệp theo công nghệ thông minh.
Khoảng 30.000 hộ nông dân trồng mía cung cấp cho DN này trên một diện tích khoảng 32.000ha (75% diện tích là đồi núi), trong đó, gần 60% là người dân tộc thiểu số, nên việc tiếp cận công nghệ mới hay các vấn đề liên quan đến việc áp dụng công nghệ là cả một vấn đề khó khăn.

Giải bài toán thu hoạch

Để giải quyết bài toán thu hoạch, vận chuyển với 1.000 xe thu hoạch mía cho Lasuco, trong buổi chia sẻ với các thành viên Câu lạc bộ DN dẫn đầu (LBC) tại TP. Hồ Chí Minh mới đây do Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức, TS. Nguyễn Ngọc Nhã Nam, Giám đốc công ty TNHH Giải pháp công nghệ Minerva cho biết các xe thu mua này được gắn thiết bị giám sát hành trình và đưa lên hệ thống chung. 

Từ đó, phía Lasuco biết được xe đó thu hoạch ở chỗ nào, di chuyển như thế nào, thực hiện những chuyến thu hoạch nào, có về nhà máy hay không… TS. Nam chia sẻ, nếu như trước kia, mỗi năm Lasuco dành khoảng 40 kế toán thống kê ngồi trong phòng điều hành lập sổ sách, kế hoạch thu hoạch, vận chuyển cho từng đội xe, nhà máy…, thì bây giờ tất cả những vấn đề này do hệ thống trí tuệ nhân tạo tự động điều phối làm. 

Hệ thống này còn dự báo luôn thời điểm có mưa hay không, để tính toán toàn bộ kế hoạch thu hoạch và không còn cảnh 40 kế toán thống kê làm chuyện này nữa. 

Chưa kể, chính việc tận dụng sức mạnh công nghệ thông minh trong trồng mía của Lasuco còn giúp các nông dân tăng năng suất từ 45 tấn/ha lên 70 tấn/ha, cá biệt một số mô hình đạt 120 – 130 tấn/ha; góp phần gia tăng lợi nhuận cho DN, mở rộng ra các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao khác. 

Hoặc như chia sẻ của Nguyễn Khắc Minh Trí, người sáng lập MimosaTEK, công ty chuyên cung cấp giải pháp tưới chính xác, và là đối tác của nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp như Vingroup, Thành Thành Công…, việc ứng dụng “công nghệ tưới chính xác” của MimosaTEK hiện nay đã giúp khách hàng tiết kiệm lượng nước tưới 30 – 50% so với hình thức canh tác truyền thống. Từ đó, giảm tiêu thụ năng lượng với tỷ lệ tương ứng trong việc vận hành hệ thống tưới, giải phóng toàn bộ công lao động vận hành hệ thống tưới thủ công.

Nhiều khách hàng là nông dân, DN đang tìm đến công ty này nhằm tối ưu hóa hệ thống tưới tiêu và tối ưu hóa thời gian một cách thông minh nhất có thể, dựa vào “công nghệ tưới chính xác” trên nền tảng IoTs (Internet of Things) mà MimosaTek đã phát triển từ cách đây 3 năm.

Cần có “buffet công nghệ”
TS. Mai Thành Phụng, Hiệp hội DN – Trang trại Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và nghiên cứu nông nghiệp nhiệt đới, nhận định việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất hiện nay đã và đang đáp ứng được vài khâu trong công nghệ 4.0, giúp giá trị sản phẩm nâng lên rõ rệt. 

Đó là sự tích hợp công nghiệp hóa nông nghiệp (cơ giới hóa) các khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế và chế biến, tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học… 

Có nhìn vào nhu cầu thực tế mới thấy rằng nền nông nghiệp truyền thống của Việt Nam vốn có mức độ sử dụng công nghệ, máy móc còn rất khiêm tốn thì nay đã đến lúc cần phải thay đổi. 

Thực ra, cơ giới hóa trong nền nông nghiệp Việt Nam đã phát triển nhanh trong thập kỷ vừa qua dưới sức ép của các yếu tố như tăng chi phí lao động, nỗ lực giảm tổn thất sau thu hoạch và tăng cường chuyên môn hóa trong chăn nuôi và rau quả. Tuy nhiên, để chuyển đổi, tăng giá trị nền nông nghiệp theo hướng công nghệ thông minh thì còn nhiều việc phải làm.

Theo khuyến nghị từ Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam cũng cần tăng cường hiệu quả tiếp thu công nghệ, không chỉ của nông dân mà của cả các DN kinh doanh nông nghiệp vừa và nhỏ. 

Khả năng tiếp thu công nghệ của nông dân và DN kinh doanh nông nghiệp hiện đang là một khâu yếu trong hệ thống đổi mới sáng tạo nông nghiệp của nhiều nước chuyển đổi, trong đó có Việt Nam.

Giới chuyên gia cho rằng do DN, nông dân còn thiếu năng động trong việc nắm vững các quy trình, công cụ mới nên dẫn đến những khiếm khuyết trong hệ thống đổi mới sáng tạo, theo đó việc phát triển các công nghệ mới hay cách làm mới bị tách rời khỏi hoạt động của DN, hoặc DN chỉ tham gia hạn chế trong các quy trình đổi mới sáng tạo. 

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn (Đại học Fulbright tại Việt Nam) lưu ý, để nông sản Việt gia tăng giá trị nhiều hơn nữa (trong bối cảnh xuất khẩu thô chiếm đến hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu), điều kiện cần là các DN kinh doanh nông nghiệp phải nỗ lực đầu tư đáng kể từ nguồn lợi nhuận của mình cho công nghệ mới, cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).

Thực tế cho thấy quá trình tiếp thu công nghệ mới của DN kinh doanh nông nghiệp, của nông dân còn tách rời khỏi đổi mới sáng tạo, làm cho họ có năng lực thấp trong tiếp thu và phát triển công nghệ. Ngoài ra, DN còn thiếu hỗ trợ trong xây dựng chiến lược đầu tư công nghệ thông minh và đặc biệt là thiếu công cụ và tinh thần dám chấp nhận rủi ro. 

Như lưu ý của bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, điều trăn trở hiện nay là làm sao chỉ ra cho họ các loại công nghệ và các phương án sử dụng. Cần có những tiệm “buffet công nghệ” cho nông nghiệp, mời họ tới và hướng dẫn họ chọn lựa.