Lạm phát thấp, có nên can thiệp?

Trang Trần

(Tài chính) Sau khi có các số liệu thống kê về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 11 tháng năm 2014, đã có nhiều luồng ý kiến xoay quanh việc lạm phát đã đến mức đáng lo ngại hay chưa và cần có biện pháp can thiệp vào thời điểm này hay không.

CPI chỉ tăng 2,08% trong 11 tháng năm 2014. Nguồn: internet
CPI chỉ tăng 2,08% trong 11 tháng năm 2014. Nguồn: internet

Những lo ngại

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 11 của cả nước giảm 0,27% so với tháng trước, tính chung 11 tháng năm 2014 thì CPI mới tăng 2,08% - mức tăng thấp nhất trong hơn 10 năm trở lại đây. Theo nhiều chuyên gia, khả năng tăng CPI cả năm chỉ dao động quanh ngưỡng 3%. Nếu dự báo này xảy ra thì đây là năm thứ 3 CPI liên tục chậm lại và thấp nhất trong 13 năm qua (trong đó có 2 năm 2002, 2003 nằm trong thời kỳ 1999- 2003 được coi là giảm phát). Đây là một hiện tượng hiếm thấy, bởi trong nhiều năm qua, cứ vào các tháng cuối năm, chỉ số CPI thường tăng mạnh nhất.

Trước tình hình CPI tăng thấp, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long lo ngại, nếu đúng như dự báo CPI cả năm dừng ở mức 3% - chưa bằng nửa chỉ tiêu Quốc hội đặt ra thì lúc này sức mua sẽ kém, tồn kho cao, cầu đầu tư giảm, tiêu dùng tăng chậm và sẽ tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, việc làm, thu ngân sách và tăng trưởng kinh tế. Lý giải vấn đề này, ông Long cho rằng, bối cảnh giảm CPI đang diễn ra là do tồn kho lớn, nợ xấu cao, tổng cầu giảm nên sản xuất đình trệ, giá cả không thể lên được.

Cùng góc nhìn trên, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, việc giảm lạm phát như hiện nay sẽ mang lại niềm vui cho người tiêu dùng nhưng lại là nỗi lo về cầu tăng thấp đối với các doanh nghiệp. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sản xuất của doanh nghiệp cũng như tăng trưởng kinh tế thời gian tới sẽ còn khó khăn do sức mua hạn chế. Do vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc cần ưu tiên nhất lúc này là kích cầu tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường bằng việc hạ lãi suất cho vay, hướng tín dụng vào sản xuất để nâng cao hiệu quả đầu tư, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Chưa cần can thiệp

Những lo ngại trên là hợp lý, tuy nhiên, dù CPI tháng 11 giảm và dự báo cả năm 2014 tăng thấp, nhưng Việt Nam chưa thể rơi vào giảm phát bởi CPI tính theo năm vẫn cao hơn tốc độ tăng giá “chuẩn” của thế giới (khoảng 2,5%). Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, số lạm phát như trên không đáng lo ngại, mà là tín hiệu đáng mừng bởi lạm phát thấp sẽ thúc đẩy doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đó là minh chứng cho việc Chính phủ đã điều hành kinh tế vĩ mô ổn định, quý sau tăng hơn quý trước và cùng kỳ năm nay cao hơn cùng kỳ năm trước. Thêm vào đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa 11 tháng qua tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước nghĩa là cầu vẫn đang rất tốt và tăng trưởng kinh tế của nước ta có thể vượt mức 5,8% trong năm nay.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng trước đó, lạm phát cao từng được ví là thứ “thuế vô hình” đối với người dân và doanh nghiệp. Do vậy, lạm phát như hiện nay là điều đáng mừng cho nền kinh tế, cho thấy các điều kiện vĩ mô đã ổn định hơn.

Bàn về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh (Đại học Kinh tế Quốc dân) đánh giá đây là một cú sốc có lợi cho nền kinh tế. Ông cho rằng lạm phát ở mức thấp không hẳn do tổng cầu giảm mà chủ yếu do chi phí sản xuất của doanh nghiệp thấp. Do vậy, không cần phải kích thích tổng cầu bởi sẽ làm tăng chi tiêu công, gây lạm phát sau đó, làm tăng nợ công và thâm hụt ngân sách.

Chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh phân tích, tổng cầu nền kinh tế được cấu thành từ nhiều bộ phận khác nhau như: cầu chi tiêu gia đình, cầu đầu tư của doanh nghiệp, cầu hàng hóa xuất khẩu và cầu chi tiêu... Để có cầu đó thì các hộ gia đình phải có thu nhập, doanh nghiệp để tăng đầu tư thì ngoài yêu cầu chi phí đầu vào thấp phải có niềm tin là tiêu thụ được hàng, môi trường kinh doanh thuận lợi... Do vậy, nếu người tiêu dùng không có thu nhập, hay doanh nghiệp thiếu niềm tin vào tương lai thì có kích thích đến mấy họ cũng khó tăng chi tiêu, đầu tư.

“Chính phủ không cần phải làm gì để tác động vào lạm phát mà nên tập trung xây dựng cơ chế, chính sách để hướng nguồn lực vào những lĩnh vực có lợi cho sự phát triển kinh tế và người tiêu dùng, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân.”  – ông Phạm Thế Anh chia sẻ.