Làn sóng FDI đón đầu TPP

Theo nhandan.com.vn

(Tài chính) Tập đoàn Tata (Ấn Độ) mới đây đã quyết định rút lại hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư của dự án liên hợp thép Tata - VNSteel có vốn đầu tư năm tỷ USD tại Khu Kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh). Việc nhà đầu tư nước ngoài gần đây rút khỏi một số dự án FDI quy mô lớn đã khiến không ít ý kiến băn khoăn liệu có ảnh hưởng tới môi trường đầu tư của Việt Nam hay không? Chung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi ý kiến với TS. Nguyễn Đình Cung, Quyền Viện trưởng Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về vấn đề này.

Phóng viên: Ông nhìn nhận như thế nào về việc Tập đoàn Tata từ bỏ ý định đầu tư dự án thép năm tỷ USD tại Việt Nam?

http://static.tapchitaichinh.vn/w640/images/upload/hongnhung/2014_02_19/chuCung-final.JPG
TS. Nguyễn Đình Cung,
quyền Viện trưởng Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương
TS. Nguyễn Đình Cung: Tôi cho rằng, việc Tập đoàn Tata xin được rút lại hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án FDI quy mô lớn đó không phải do môi trường đầu tư của chúng ta xấu, mà chính là do các bộ, ngành trung ương, chính quyền địa phương và nhà đầu tư không đạt được thỏa thuận thống nhất trong quá trình đàm phán. Đây là điều bình thường, việc một dự án FDI vào hay ra đều có thể xảy ra ở các nước và điều này không hề ảnh hưởng xấu tới môi trường đầu tư của Việt Nam.

Vậy theo ông, triển vọng thu hút FDI trong năm nay và các năm tới sẽ như thế nào, liệu chúng ta có tiếp tục thu hút được lượng vốn FDI lớn như năm trước không?

Năm 2013 vừa qua, thu hút FDI đã vượt cả kế hoạch đề ra. Năm nay, tình hình thu hút FDI vẫn rất khả quan và có thể sang năm sau vẫn rất tốt. Theo tôi, luồng vốn FDI vào Việt Nam vẫn tiếp tục được duy trì, trước hết do các nhà đầu tư nước ngoài đón đầu cơ hội từ Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang được Việt Nam đàm phán ký kết.

Nếu Hiệp định này được ký, Việt Nam trở thành địa điểm đầu tư rất hấp dẫn. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ xem xét bố trí lại địa bàn sản xuất và cách thức tổ chức sản xuất của mình để tận dụng được những lợi thế của Việt Nam từ TPP.Những ngành sản xuất, lắp ráp mà Việt Nam có lợi thế về nhân công và thậm chí có những lợi thế về đàm phán riêng thì nhà đầu tư sẽ tận dụng, đặc biệt liên quan tới những xuất xứ hàng hóa và tính chất nội địa hóa trong phạm vi của khối TPP.Triển vọng thu hút FDI vào Việt Nam vẫn khả quan trước và sau khi Hiệp định TPP được ký kết.

Như vậy, có thể nói một làn sóng FDI đang đổ vào Việt Nam là để đón đầu Hiệp định TPP. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp (DN) trong nước đang lo ngại sẽ mất đi những cơ hội từ TPP trước sự xuất hiện của các DN FDI, thưa ông?

DN trong nước không thể ngồi kêu như vậy được mà phải coi đó là áp lực để DN buộc phải thay đổi, phải đổi mới. DN Việt Nam cứ luôn thủ thế ở tư thế "con cừu" sợ "con sói", tư duy như vậy thì sẽ thua ngay từ đầu, DN trong nước phải tư duy trở thành con sói để mạnh hơn họ. Hội nhập quốc tế sâu rộng vừa là áp lực, vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để DN tiến lên, tranh thủ tận dụng những cơ hội kinh doanh mà hội nhập quốc tế đem lại.

Vấn đề của chúng ta hiện nay là phải cải cách bên trong để cho thể chế áp dụng với DN trong nước và DN FDI cân bằng với nhau. Chẳng hạn DN FDI không gặp khó khăn trong tiếp cận vốn. Vốn họ tiếp cận toàn cầu, cơ hội kinh doanh cũng toàn cầu nên DN FDI tranh thủ được rất nhiều cơ hội, tận dụng được nhiều lợi thế kinh doanh ở Việt Nam như giá nhân công rẻ, điều kiện đất đai dễ dàng, chi phí về môi trường đầu tư ở Việt Nam rẻ hơn so với nhiều nước...

Trong khi đó, DN trong nước bị hạn chế bởi vô vàn yếu tố. Vì vậy, cần tạo thuận lợi cho cả DN trong nước và DN FDI hoạt động, cạnh tranh bình đẳng. Cần thuận lợi hóa một cách đồng bộ để giảm chi phí, rủi ro cho nhà đầu tư, DN.

Về ý kiến cho rằng DN FDI đang lấn át DN trong nước, hiệu ứng lan tỏa của khu vực FDI sang khu vực kinh tế trong nước còn hạn chế, theo tôi trước hết cần phải xem xét lại năng lực của các DN trong nước. DN FDI sẵn sàng chuyển giao công nghệ nếu DN của chúng ta nằm trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu của họ hay có khả năng đáp ứng yêu cầu của tổ chức sản xuất toàn cầu. Chất lượng sản phẩm, độ tin cậy là những yếu tố vô cùng quan trọng với các DN FDI. Vì thế, DN trong nước nếu không nâng cao năng lực, trình độ sản xuất, không dựa trên quan điểm tư duy, cách thức sản xuất của DN FDI để từ đó có sự chuẩn bị thì khó có thể tiếp cận, tận dụng những chuyển giao về công nghệ, quản lý từ DN FDI.

Xin cảm ơn ông!