5 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW:

Lan tỏa chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Theo Nguyễn Thúy/daibieunhandan.vn

Theo báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, toàn quốc có 13,82 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), tăng 3,25 triệu người so với năm 2012 (tăng 30,8%); số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 11,7 triệu người, tăng 3,5 triệu người so với năm 2012 (tăng 42,4%); số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) là 79,95 triệu người, tăng 20,97 triệu người so với năm 2012 (tăng 35,6%), đạt tỷ lệ bao phủ 85,6% dân số.

Toàn quốc có 13,82 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội. Nguồn: Internet
Toàn quốc có 13,82 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội. Nguồn: Internet
Nhiều thành quả tích cực 

Tại Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020 do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, BHXH và BHYT giữ vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội.

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW hơn 5 năm qua đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực và nhiều thành quả ý nghĩa, góp phần quan trọng tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã được thực hiện kịp thời, đúng quy định, tạo thuận lợi tối đa cho đơn vị, người dân trong giao dịch với cơ quan BHXH.

Trong 5 năm, ngành BHXH đã giải quyết chế độ cho 762.460 người hưởng chế độ hưu trí và trợ cấp hàng tháng; trên 3,78 triệu người hưởng trợ cấp một lần; hơn 38,49 triệu lượt người hưởng trợ cấp ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe và 3,93 triệu lượt người hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp; giải quyết cho 714,44 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT, bình quân mỗi năm 142,9 triệu lượt người, tăng 17% so với năm 2012.

Ngành BHXH cũng phối hợp chặt chẽ với ngành y tế thực hiện tốt chính sách BHYT, kịp thời triển khai các văn bản, quy định hướng dẫn thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, như thông tuyến khám chữa bệnh BHYT; điều chỉnh, thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện đồng hạng trên toàn quốc.

Để hạn chế, ngăn chặn tình trạng trục lợi BHYT, BHXH Việt Nam đã đưa vào vận hành Hệ thống thông tin giám định BHYT, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT, bảo đảm quyền lợi và tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT. Công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ cũng được BHXH Việt Nam triển khai quyết liệt, giúp các đơn vị, doanh nghiệp, người lao động và nhân dân tiết kiệm chi phí đi lại.

“Nhận thức của xã hội ngày càng đầy đủ hơn về vai trò, ý nghĩa của việc tham gia BHXH, BHYT đối với sự phát triển và ổn định chính trị xã hội, về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình khi tham gia BHXH, BHYT. Mức độ hài lòng của nhân dân về chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, về thủ tục đăng ký tham gia và thanh toán các loại hình bảo hiểm từng bước được nâng lên” - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu khẳng định.

Phấn đấu đạt mục tiêu

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu mà Nghị quyết số 21 đặt ra, phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia BHTN và mới đây nhất là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng độ bao phủ BHYT đến năm 2020 phải đạt 90% dân số, thì vẫn còn khoảng cách đầy thách thức đối với ngành BHXH nói riêng và cả hệ thống chính trị nói chung. Trong đó, giải pháp trước mắt là nhanh chóng xóa bỏ những điểm hạn chế, bất cập hiện nay.

Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương Đoàn Ngọc Xuân cho biết, diện bao phủ BHXH còn thấp so với tiềm năng (cả nước mới có khoảng 25,8% lực lượng lao động tham gia BHXH, 22% tham gia BHTN). Một số tỉnh, nhất là vùng Tây Nam Bộ có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp so với mặt bằng chung cả nước.

Mặt khác, hệ thống chính sách pháp luật về BHXH, BHYT còn một số hạn chế, chưa phù hợp với thực tiễn, chưa đồng bộ với các chính sách khác.

Quỹ BHXH chưa được đầu tư đa dạng, chưa tận dụng khả năng sinh lời. Tình trạng nợ, trốn BHXH, BHYT xảy ra ở nhiều địa phương. Số doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm còn nhiều, số nợ đọng cao nhưng chưa có biện pháp thu hồi, xử lý thích đáng.

Việc quán triệt Nghị quyết ở một số nơi chưa sâu rộng, còn hình thức, chủ yếu chỉ đến cán bộ lãnh đạo chủ chốt, đảng viên trong hệ thống chính trị mà chưa đến đối tượng đóng, hưởng chế độ BHXH, BHYT. Công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan liên quan với BHXH chưa đáp ứng yêu cầu.

Để Nghị quyết 21 có sức lan tỏa, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, theo Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách phải được tiến hành thường xuyên, chủ động và kịp thời làm thay đổi nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, người dân khi tham gia BHXH, BHYT.

Ngoài ra, phải phát triển hệ thống BHXH đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia và thụ hưởng chế độ bảo hiểm. Việc đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống BHXH phải theo hướng phục vụ nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi và sự hài lòng của đơn vị, người tham gia.