Lao động giá rẻ không phải lợi thế cạnh tranh

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Đã một thời chúng ta ảo tưởng với việc các nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam là điểm đến vì nguồn lao động dồi dào, giá nhân công rẻ. Song, hình như không phải thế nguồn lao động dồi dào với giá rẻ đang dần bộc lộ điểm yếu của nó là thiếu sự bền vững.

Lao động giá rẻ không phải lợi thế cạnh tranh
Lao động giá rẻ không còn là một lợi thế của nước ta. Nguồn: internet
Thời gian qua nhiều lúc chúng ta nhầm tưởng, phần lớn doanh nghiệp nước ngoài chọn Việt Nam là điểm đến ưu tiên đầu tư do có những yếu tố tiết kiệm chi phí cơ bản như lượng lao động lớn, giá rẻ; đất đai và nguyên liệu rẻ... Nhưng lợi thế nhân công nhiều, giá rẻ dường như đang mất dần sức ảnh hưởng khi nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã phản ánh năng suất làm việc của lao động nước ta thấp hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực. Kết quả nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy, có 54% doanh nghiệp FDI từng cân nhắc đến các quốc gia khác trước khi đầu tư vào Việt Nam. Cụ thể, 11,1% doanh nghiệp FDI đã từng cân nhắc đến Trung Quốc, Thái Lan 10,6%, Campuchia 7,7%... Nguyên nhân cũng do chất lượng và năng suất lao động của nước ta thấp hơn so với một số quốc gia.

Hạn chế này một lần nữa được đưa ra tại Báo cáo về đánh giá năng suất lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Theo đó, năng suất lao động của nước ta thuộc nhóm thấp nhất trong các quốc gia của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nguyên nhân được ILO đưa ra là do nước ta chỉ có khoảng gần 20% lao động được đào tạo chuyên môn; đa số không có đủ chất lượng chuyên môn, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thị trường. Và nếu so sánh năng suất lao động và tiền công tại nước ta và một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á sẽ thấy, lao động giá rẻ không còn là một lợi thế của nước ta. Báo cáo của ILO chỉ rõ, nhân công của Việt Nam hiện là 100 USD/tháng; Thái Lan, Philippines, Indonesia là 200 USD/tháng; Malaysia là 250 USD/tháng. Song, năng suất lao động của Việt Nam chỉ là 1, thì của  Thái Lan, Philippines, Indonesia là 2,5 và của Malaysia là 5, thậm chí một lao động Sigapore làm việc bằng 15 lao động Việt Nam. Điều này có nghĩa là mặc dù chi phí nhân công thấp, nhưng năng suất thấp, nên tính tổng cộng thì chi phí lao động Việt Nam cũng không thấp. 

Chuyên gia của ILO khuyến nghị, thời gian tới, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác tuyển chọn, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần nâng cao năng suất lao động. Bởi lao động được đào tạo tốt, ở mọi cấp độ đều ít bị tổn thương hơn và đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường. Và phát triển mô hình phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp dịch vụ và chính quyền địa phương để tuyển chọn được những lao động có nhận thức tốt và thực sự có nhu cầu làm việc.

Với những lợi thế sẵn có so với các nước trong khu vực như thị trường rộng lớn, vị trí trung tâm của khu vực phát triển năng động, hội nhập sâu với thế giới, có nhiều chính sách hỗ trợ nhà đầu tư, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để tiếp tục thu hút đầu tư thì cần nâng cao chất lượng lao động, tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh. Cụ thể, cần tăng cường triển khai cải cách cơ cấu kinh tế; tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư; đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, kỷ cương, kỷ luật; cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm thiểu các chi phí không chính thức, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công...