Luật càng thuận càng phải kiểm soát chặt

Theo Hà Lan/daibieunhandan.vn

Nếu như khoảng thời gian từ lúc ban hành đến khi có hiệu lực của các luật khác vẫn dao động trên dưới một năm, thì Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng sẽ có hiệu lực ngay từ 15/1/2018 - tức là chưa đầy 2 tháng kể từ khi các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Điều này cũng có nghĩa, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ có gần 60 ngày chuẩn bị các khâu, công việc cần thiết để đưa những quy định “đã nung nấu suốt 4 năm thực hiện tái cơ cấu các tổ chức tín dụng” - lời của Thống đốc Lê Minh Hưng - vào thực tiễn. Đây quả là quãng thời gian gấp gáp ngay cả khi cơ quan điều hành chính sách tiền tệ có thể đã xác định tâm thế chủ động đối với công việc này.

Khoảng 5 tháng trước, trong lần đầu tiên trình Quốc hội dự án Luật này, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nói rằng, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý tổ chức tín dụng yếu kém dưới hình thức Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng là rất cần thiết. “Đây là yếu tố quan trọng, mang tính quyết định để thực hiện hiệu quả và khả thi việc tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, góp phần phát triển kinh tế đất nước trong giai đoạn mới”.

Quả đúng như vậy, nếu soi từng câu chữ trong bản dự thảo cuối cùng trình Quốc hội biểu quyết sẽ thấy, bằng việc thông qua Luật này, Quốc hội đã trao cho các ngân hàng yếu kém bị kiểm soát đặc biệt cơ hội phục hồi rất lớn với những biện pháp hỗ trợ chưa từng được áp dụng trước đây.

Suy cho cùng, khó khăn tài chính của ngân hàng yếu kém nằm ở khoản nợ xấu “kếch xù” và tình trạng lỗ lũy kế nghiêm trọng. Để “khỏe mạnh” trở lại, ngân hàng yếu kém phải xử lý tốt cả hai điểm yếu trên cùng một lúc, nhưng nhiệm vụ này có thể coi như bất khả thi. Bởi lẽ nợ xấu càng nhiều thì ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro càng lớn (làm giảm, thậm chí âm vốn chủ sở hữu). Trích lập dự phòng rủi ro càng lớn thì lượng tiền cho hoạt động kinh doanh càng teo tóp.

Đã vậy, khi bị xếp hạng yếu kém hay bị kiểm soát đặc biệt, uy tín của ngân hàng giảm, sự bất ổn tâm lý của nhân viên lại tăng. Như vậy khó mà phát triển công việc kinh doanh. Kinh doanh không đi lên thì tất nhiên không có lợi nhuận. Cùng lúc đó, ngân hàng lại tiếp tục phải chi trả lãi huy động (thực tế đã có ngân hàng phải chi “lãi trong, lãi ngoài”) để có nguồn vốn cân đối với các tài sản không sinh lời. Đó là vòng luẩn quẩn khép kín mà ngân hàng yếu kém rất khó tự mình thoát được. 

Nhưng kể từ ngày 15/1/2018, ngân hàng yếu kém sẽ đứng trước cơ hội “đổi đời” khi những biện pháp hỗ trợ chưa từng có đã lần đầu tiên được định rõ trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Đáng chú ý là ngân hàng yếu kém có thể được vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% từ NHNN và tổ chức tín dụng hỗ trợ, tức là được miễn phí đầu vào.

Ví dụ Ngân hàng Xây dựng đang được Vietcombank hỗ trợ thì có thể được vay tiền của Vietcombank với lãi suất đến 0%/năm. Không dừng lại ở đó, ngân hàng yếu kém còn được mua nợ, trái phiếu doanh nghiệp do tổ chức tín dụng hỗ trợ nắm giữ (đang được phân loại nhóm nợ đủ tiêu chuẩn). Nghĩa là sau khi cung cấp nguồn vốn đầu vào, tổ chức tín dụng hỗ trợ cũng “tài trợ” luôn đầu ra cho ngân hàng yếu kém.

Những ưu đãi rất lớn kể trên sẽ giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi của ngân hàng yếu kém nhưng phải đi kèm với điều kiện là phương án phê duyệt được tuân thủ triệt để và NHNN phải làm tốt chức năng kiểm soát của mình. Ai cũng biết các ngân hàng yếu kém rất khát vốn và tăng trưởng tín dụng nhanh thường kéo theo rủi ro nợ xấu phát sinh.

Đó là chưa kể đến những hành vi trục lợi có thể xảy ra. Trên nghị trường, các đại biểu Quốc hội cũng đã lo đến điều này. Nỗi lo ấy là có cơ sở khi mà những vụ đại án ngân hàng thời gian qua là bài học rõ ràng nhất, đắt giá nhất về tái cơ cấu ngân hàng với ngay cả cơ quan quản lý, thanh tra, giám sát ngành.

Trên đường cao tốc người ta có thể đi nhanh nhưng tai nạn ở đường cao tốc thường để lại hậu quả nghiêm trọng hơn tai nạn ở đường làng. Vì thế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng càng trao cho các ngân hàng yếu kém cơ hội phục hồi lớn bao nhiêu, thì sự kiểm soát, giám sát của NNHN càng phải chặt chẽ và hiệu quả bấy nhiêu.