Một số vấn đề về phát triển kinh tế thương mại hải đảo ở Việt Nam

Theo ncseif.gov.vn

(Taichinh) - Với hơn 3000 hòn đảo lớn nhỏ phân bố tập trung ở vùng ven bờ và các quần đảo ngoài khơi, nước ta có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế hải đảo. Trong những năm gần đây, với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các địa phương, diện mạo kinh tế, xã hội của các huyện, xã đảo đã có những thay đổi đáng kể.

Phú Quốc sẽ trở thành khu kinh tế - hành chính đặc biệt. Nguồn: internet
Phú Quốc sẽ trở thành khu kinh tế - hành chính đặc biệt. Nguồn: internet

Theo đó, kinh tế đạt mức tăng trưởng khá và duy trì ổn định; kết cấu hạ tầng trên các đảo được tăng lên rõ rệt, hình thành hệ thống giao thông trên đảo, nhiều đảo gần bờ có điện lưới, đảo xa bờ có máy phát điện, điện mặt trời và cơ sở cung cấp nước ngọt, hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc, đời sống dân cư được cải thiện, đặc biệt trên các đảo lớn như Phú Quốc, Cát Bà, Phú Quý, Lý Sơn, Cồn Cỏ….

Không ít đảo có lợi thế địa lý, có thể xây dựng thành trung tâm kinh tế hải đảo với cơ sở hậu cần nghề cá và dịch vụ biển xa hiện đại. Đặc biệt, trong vùng quần đảo san hô Trường Sa có khoảng gần 1.000.000 ha đầm phá nông (độ sâu 1 - 6m) thuộc các rạn san hô vòng (atoll) có môi trường thuận lợi cho nuôi hải đặc sản.

Bên cạnh đó, với quần thể quy tụ 22 hòn đảo lớn, nhỏ, có diện tích 598 km2, với 150 km đường bờ biển trải dài, những bãi biển gần như còn giữ được nét đẹp nguyên sơ của tạo hóa cùng nhiều loại hải sản phong phú, đa dạng, có loại thuộc giống loài quý hiếm, các hệ sinh thái san hô và thảm cỏ biển,…, Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) là một trong những đảo của Việt Nam có vị trí rất thuận lợi cho giao lưu, trao đổi thương mại, du lịch với các nước trong khu vực bằng đường biển và đường hàng không. Đồng thời, chỉ cách vùng phát triển công nghiệp, du lịch phía đông nam Thái Lan 500 km, cách Malaysia 700 km và Singapore khoảng 1000 km… nên Phú Quốc có thể trở thành một trung tâm trung chuyển lớn của đường hàng hải và hàng không quốc tế.

Theo điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì Phú Quốc sẽ phát triển theo mô hình thành phố du lịch sinh thái biển đảo với cấu trúc chuỗi tập trung, đa trung tâm. Trong đó, cấu trúc không gian theo trục chính Bắc – Nam An Thới – Cầu Trắng, trục giao thông vòng quanh đảo Bãi Vòng – Bãi Thơm – Rạch Tràm – Rạch Vẹm… kết nối cảng biển quốc tế An Thới, Bãi Đất Đó, sân bay quốc tế Dương Tơ.

Quy hoạch cũng định hướng xây dựng ba khu đô thị hiện đại gồm: khu đô thị Dương Đông, khu đô thị Cảng An Thới và khu đô thị Cửa Cạn, trong đó khu đô thị Dương Đông sẽ là trung tâm hành chính, dịch vụ công, thương mại, tài chính quốc tế, dịch vụ du lịch và khu dân cư tập trung của đảo Phú Quốc. Khu đô thị An Thới sẽ là khu đô thị cảng quốc tế, đầu mối kỹ thuật cũng như trung tâm tiếp vận, phi thuế quan, thương mại, du lịch…. Khu đô thị Cửa Cạn sẽ là khu đô thị hoạt động nghiên cứu đảo, bảo tồn rừng, biển, nông nghiệp và du lịch đảo. Đặc biệt, với lần điều chỉnh này, đến năm 2030, huyện đảo Phú Quốc sẽ trở thành khu kinh tế - hành chính đặc biệt, trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp và là trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Bên cạnh những thuận lợi nói trên thì trên thực tế, việc phát triển kinh tế thương mại hải đảo trong những năm gần đây vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức. Mặc dù việc đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng thương mại, chợ tại các huyện đảo, xã đảo đã tạo điều kiện giao thương buôn bán được thuận tiện, tăng thu nhập cải thiện đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, song việc đầu tư chợ chỉ mang tính tạm thời, chủ yếu là buôn bán các mặt hàng nông sản thực phẩm tự cung, tự tiêu và một phần là các tiệm tạp hóa phục vụ nhu cầu đời sống của nhân dân trên đảo; một số chợ xã được đầu tư để cho thuê mặt bằng và buôn bán nhưng cũng chỉ ở quy mô nhỏ, không đáp ứng được yêu cầu.

Hạ tầng kết cấu kinh tế -xã hội, hệ thống giao thông, điện, nước, hệ thống thủy lợi tuy được đầu tư nhưng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Du lịch có khởi sắc nhưng phát triển còn chậm so với yêu cầu. Sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, đội ngũ nhân lực làm du lịch còn thiếu tính chuyên nghiệp nên chưa thu hút được nhiều du khách. Trong khai thác hải sản nhân dân chưa có ý thức bảo vệ môi trường, ngư dân còn thiếu vốn và kỹ thuật đánh bắt xa bờ, giá nhiên liệu không ổn định cùng với biến động của thị trường. Số phương tiện khai thác gần bờ và mang tính hủy diệt môi trường sinh thái, làm cạn kiệt nguồn hải sản có chiều hướng gia tăng, bất chấp nhiều nỗ lực từ phía chính quyền và các cơ quan chức năng của các địa phương. Công nghiệp chế biến hải sản và kim ngạch xuất khẩu hàng năm chưa tương xứng với tiềm năng.

Theo thông tin từ các địa phương, khó khăn lớn nhất của các huyện, xã đảo hiện nay là tình trạng thiếu chợ, thiếu nước sạch, thiếu hệ thống xử lý rác thải, thiếu nguồn nhân lực có trình độ…. Đặc biệt là vấn đề thiếu điện, giá điện quá cao cũng đang là trở ngại lớn cho sự phát triển của các đảo, nhất là trong việc phát triển du lịch.

Có thể thấy rằng, trong nhiều năm qua, kinh tế thương mại hải đảo tiến triển một cách tự phát theo nhu cầu mưu sinh của người dân mà thiếu chiến lược rõ ràng của Nhà nước.

Giải pháp phát triển kinh tế thương mại hải đảo

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên, trong đó phải kể đến việc thiếu quy hoạch tổng thể cũng như các quy hoạch phát triển thương mại vùng hải đảo. Do thiếu quy hoạch nên chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương đều chưa có chính sách và biện pháp quản lý hải đảo phù hợp. Chính vì vậy, các nhà hoạch định chính sách cần tham khảo những giải pháp sau nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế nói chung và kinh tế thương mại nói riêng của các hải đảo Việt Nam trong tương lai theo tinh thần Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Cụ thể:

Một là, xây dựng quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết về phát triển kinh tế hải đảo, từ đó đưa ra những chính sách và biện pháp quản lý phù hợp. Cần tiến hành xây dựng chiến lược phát triển kinh tế hải đảo gắn liền với an ninh quốc phòng; nghiên cứu để xây dựng các nhóm đảo dành cho quốc phòng, các nhóm đảo dành cho phát triển dân sự gắn với quốc phòng và nhóm đảo thuần về dân sự. Đồng thời, cần có chính sách riêng cho hệ thống đảo và từng hòn đảo; chính sách phải nhằm đến thu hút đầu tư, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất cho các lĩnh vực kinh tế biển trong đó có việc giải quyết nguồn nước ngọt, sử dụng các nguồn năng lượng từ thiên nhiên (gió, mặt trời…).

Hai là, tập trung đầu tư xây dựng các công trình thương mại. Trong quá trình đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại cần chú trọng đến việc xây dựng kho dự trữ lương thực, hàng hóa thiết yếu nhằm bảo đảm đời sống nhân dân trên đảo trong điều kiện mưa bão kéo dài. Đầu tư phát triển mạnh hệ thống khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản, phát triển ngành du lịch biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của các huyện đảo, xã đảo. Ngoài ra, đầu tư xây dựng các bến tàu quy mô lớn có khả năng tiếp cận tàu vận tải lớn cập cảng; hỗ trợ kinh phí cho công tác xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch, giúp các doanh nghiệp khu vực hải đảo đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ; đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực hải đảo…

Ba là, phát triển mạng lưới dịch vụ thương mại hải đảo với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế; kết hợp phát triển cơ sở hạ tầng thương mại với nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới thương mại trên các đảo, đảm bảo lưu thông hàng hóa.

Bốn là, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở như đường sá, hệ thống bến cảng, sân bay, điện, nước sinh hoạt, trường học, bệnh viện, trạm xá…. Việc xây dựng kết cấu hạ tầng nói trên cần được tính toán một cách hợp lý trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh của từng vùng, từng huyện đảo.

Năm là, ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp ưu tiên thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế, thương mại khu vực hải đảo.

Sáu là, nâng cao nhận thức về vị thế quốc gia biển và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo. Một trong những nhiệm vụ cụ thể là các cơ quan báo chí cần chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, tăng thời lượng phát sóng về chủ đề khẳng định vị thế, bảo vệ chủ quyền quốc gia và các thành tựu hợp tác quốc tế của Việt Nam trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, hải đảo.


Bảy là, thành lập Ban chỉ đạo phát triển kinh tế vùng hải đảo với sự tham gia của các bộ, ngành chức năng liên quan. Đồng thời, tạo cơ hội cho các vùng hải đảo giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về các vấn đề, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý phát triển kinh tế thương mại khu vực hải đảo.