Mua bán, sáp nhập doanh nghiệp là cơ hội tiếp nhận phương thức quản lý hiệu quả hơn

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Tổng giá trị các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) từ năm 2009 đến đầu năm 2013 ước đạt 14,8 tỷ USD, tăng trưởng bình quân 65%/năm. Xu hướng M&A đang tăng nhanh và ước tính năm 2013 có khoảng 300 thương vụ. Đây là quy mô lớn đối với thị trường nước ta. Lo lắng cũng xuất hiện khi 70% thương vụ do chủ đầu tư nước ngoài thực hiện và số doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn sau mua bán, sáp nhập không nhiều. TS NGUYỄN TRẦN BẠT cho rằng, bản chất của M&A là chuyển các công cụ cơ bản của nền kinh tế đến tay người có năng lực điều hành tốt hơn. Đây là cơ hội để doanh nghiệp trong nước tiếp nhận phương thức quản lý mới, hiệu quả hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
- Hiện nay, một số doanh nghiệp vẫn chưa hiểu rõ về M&A, và cho rằng sẽ dễ bị thâu tóm hoặc là mất quyền lực quản lý. Vậy cần hiểu hoạt động này như thế nào là đúng nhất, thưa Ông?

- Mua bán doanh nghiệp là một trong những sinh hoạt phong phú và hiện đại nhất của hoạt động thương mại. Thay vì mua sản phẩm, người ta mua hẳn công ty sản xuất sản phẩm. Đây là một hoạt động hiện đại, chính thống và từ đó đã xuất hiện rất nhiều tài năng thương mại trên thế giới. Tại một số quốc gia đã gọi các công ty mua bán như thế này là những chàng trai vàng, vì có thể tạo ra lợi nhuận lớn trong một thời gian ngắn.

- Như vậy, hoạt động này sẽ giúp cho doanh nghiệp hoạt động tích cực hơn, kể cả các doanh nghiệp mua cũng như doanh nghiệp bán, thưa Ông?

- Bán doanh nghiệp là nguyện vọng của người có sở hữu. Việc mua là nguyện vọng của người có nhu cầu, nên mua bán tuân theo quy luật của thị trường. Mua bán công ty cũng như mua bán hàng hóa nói chung cũng tuân thủ các nguyên tắc cơ bản. Do đó, không nên xem hoạt động này là tiêu cực, dù có khía cạnh tiêu cực, có diễn biến tiêu cực. Và mỗi hệ thống kinh tế, luật pháp sẽ có một tiêu chuẩn tiêu cực khác nhau, nên không thể áp dụng tiêu chuẩn của quốc gia khác cho nước ta. Tuy nhiên, Việt Nam là một thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) nên có thể áp dụng một số tiêu chuẩn của tổ chức này để phân loại hiện tượng tích cực hoặc tiêu cực.

- Nếu thuận mua vừa bán thì đây là hoạt động mua bán bình thường và có lợi cho cả đôi bên, tuy nhiên cũng có những thông tin cho rằng có thể doanh nghiệp sẽ bị thôn tính hay thâu tóm. Các quy định hiện hành có giúp ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực này không?

- Các quy định về mua bán doanh nghiệp chưa nhiều, dừng ở những quy định khung nên có hạn chế trong ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực này. Thực tế, mua bán công ty tức là mua bán quyền lực trong doanh nghiệp đó. Nếu hoạt động này không được tiến hành minh bạch thì có thể sẽ bị mất doanh nghiệp vào tay người khác. Minh bạch ở đây là rõ ràng, hay còn gọi là thuận mua, vừa bán. Không thuận mua vừa bán tức là không minh bạch. Nhưng rất khó đánh giá yếu tố này nếu như không có cơ sở để đánh giá chất lượng điều hành, quản lý của chủ sở hữu cũ, chủ sở hữu mới. Do đó, làm thế nào để đánh giá được chất lượng của bộ máy quản lý doanh nghiệp rất quan trọng.

Khía cạnh thứ hai quan trọng hơn của mua bán doanh nghiệp là có thể trở thành sở hữu chéo bất minh, gây tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế. Sở hữu chéo có thể tạo ra sự độc quyền trong sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ. Pháp luật hiện hành có nhiều quy định để ngăn chặn hiện tượng này, song đó là ngăn chặn tích tụ độc quyền hợp pháp. Hiện chưa có phương tiện có thể kiểm soát để ngăn chặn hiện tượng độc quyền không công khai. Báo chí từng nói đến câu chuyện một người sở hữu 20% cổ phần ngân hàng thông qua 50 người đại diện mà tổng giám đốc ngân hàng đó không biết thông tin này. Nói cách khác, các chủ sở hữu đôi khi không hiểu được số phận thật của mình như thế nào. Tất cả những chuyện đó là rủi ro của nền kinh tế.

- Thống kê các thương vụ mua bán, sáp nhập trong năm 2012 cho thấy, 70% thương vụ mua bán được thực hiện với các nhà đầu tư nước ngoài. Ông bình luận như thế nào về con số này?

- Tỷ lệ người nước ngoài mua bán các công ty Việt Nam cao không phải là hiện tượng tiêu cực. Bởi lẽ, bản chất của mua bán và sáp nhập là các công cụ cơ bản của nền kinh tế tìm đến tay người có năng lực, để điều hành hiệu quả hơn. Bản chất của hoạt động này là tích cực dù do chủ đầu tư nước ngoài hay trong nước thực hiện. Về nguyên tắc, doanh nghiệp xét trong mối quan hệ với Nhà nước thì phải đóng thuế, còn trong mối quan hệ với xã hội sẽ phải sản xuất. Doanh nghiệp cung ứng sản phẩm chất lượng tốt cho người dân và đóng đủ thuế cho Nhà nước thì không phải là có ý nghĩa tích cực hay sao? Mặt khác, con số này cũng cho thấy, doanh nghiệp, thị trường Việt Nam có sức hấp dẫn đủ để thành hàng hóa và nhận được sự quan tâm của cộng đồng mua bán, sáp nhập trên thế giới. Đây là khía cạnh tích cực. Đã có quan điểm sợ nền kinh tế Việt Nam mất đi vì người nước ngoài mua doanh nghiệp trong nước, nhưng không phải vậy. Sau một thời gian gánh vác doanh nghiệp, họ có thể sẽ chuyển gánh này lại cho một người nào đó, mà có lẽ thuận tiện nhất là người Việt. Vì thế, doanh nghiệp Việt không mất đi mà chỉ tiếp nhận phương thức quản lý tiên tiến, hiệu quả hơn.

- Cũng có thống kê cho thấy chỉ có 20% các vụ mua bán, sáp nhập ở nước ta sau đó hoạt động hiệu quả, còn 80% thương vụ gặp trục trặc, thưa Ông? 

- Tỷ lệ 20% doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn sau quá trình mua bán, sáp nhập không phải là con số tiêu cực. Thực tế, việc mua doanh nghiệp không phải để bán ngay, mà để tái cấu trúc rồi mới bán. Người chủ mới sau khi mua doanh nghiệp thường thực hiện tái cấu trúc đơn vị đó, giúp tăng cường chất lượng điều hành, hiệu quả sản xuất. Những yếu tố này sẽ giúp doanh nghiệp hấp dẫn hơn, người chủ mới có thể bán với giá cao hơn giá mua vào.

- Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp nước ta đang khó khăn, theo Ông, cần tận dụng biện pháp mua bán, sáp nhập như thế nào để nâng cao hiệu quả hoạt động?

- Có nhiều cách giúp công ty hoạt động được tốt hơn. Ví dụ rất nhiều công ty phát hành cổ phiếu bổ sung, hay còn gọi là hy sinh một phần sở hữu để tái cấu trúc. Góp vốn cũng là một cách huy động năng lực. Muốn có vốn thì người ta phải bán, muốn bán phải hy sinh bớt quyền lực của mình ở trong công ty. Nhưng có thể thấy, nỗi lo thâu tóm quyền lực hoặc đẩy chủ cũ ra khỏi công ty là lo lắng thường xuyên của chủ sở hữu doanh nghiệp khi tham gia vào một thương vụ mua bán, sáp nhập. Khi bán đến 25% giá trị doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp phải để ý đến khía cạnh này, vì đã có những bài học kinh nghiệm về việc này trong thực tế. Tất nhiên, con số 25% không cố định và có ý nghĩa phổ quát, mà chỉ được rút ra từ một số thương vụ cụ thể. Tôi nghĩ rằng, chỉ cần bán 5% là đã đạt đến ranh giới rủi ro rồi. Và có người chỉ có 2% cũng đã đến ranh giới  rủi ro rồi. Với những công ty khổng lồ, làm sao mà sở hữu được 2% của nó và cũng còn tùy vào lịch sử cấu trúc. Nếu cá nhân sở hữu đến 50% cổ phiếu của doanh nghiệp, thì bán 2%, 3% hay 25% cũng chưa phải là mức rủi ro cao, có nguy cơ bị thâu tóm quyền lực. Đúng là tùy từng trường hợp, nỗi lo mất quyền lực của chủ sở hữu là chính đáng. Nhưng đây cũng là động lực để chủ sở hữu doanh nghiệp phấn đấu, xem trọng doanh nghiệp hơn.  

- Xin cám ơn Ông!