“Mua sắm xanh”: Khái niệm và thực tiễn

Theo tapchicongsan.org.vn

(Tài chính) “Mua sắm xanh” (greenpurchasing) hay “mua sắm sinh thái” (ecopurchasing) là thuật ngữ được sử dụng để chỉ việc mua sắm các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường nhằm giảm thiểu nhiều nhất tác động bất lợi tới sức khỏe và môi trường. Tại Việt Nam, thuật ngữ “mua sắm xanh” mới chỉ xuất hiện trong một số văn bản gần đây liên quan đến Chiến lược tăng trưởng xanh và Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược này.

“Mua sắm xanh” là một trong những công cụ chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững. Nguồn: internet
“Mua sắm xanh” là một trong những công cụ chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững. Nguồn: internet
Lợi ích của “mua sắm xanh”

Tại những quốc gia có chi tiêu công chiếm từ 10% - 15% GDP, “mua sắm xanh” là một trong những công cụ chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững. “Mua sắm xanh” đòi hỏi các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và người dân cân nhắc sự cần thiết của việc mua sắm cũng như những tác động môi trường của sản phẩm hay dịch vụ này ở tất cả các giai đoạn vòng đời của chúng trước khi đưa ra quyết định mua sắm.

“Mua sắm xanh” có những lợi ích: Nâng cao độ an toàn và sức khỏe cho người dân và cộng đồng; giảm thiểu sử dụng năng lượng và tài nguyên thiên nhiên; phát triển các sản phẩm mới, thân thiện với môi trường hơn; kích thích hình thành thị trường mới đối với vật liệu tái chế và gia tăng việc làm; nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; tiết kiệm chi phí mua sắm và sử dụng; tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường do mua các sản phẩm/dịch vụ xanh sẽ giảm nguy cơ thải các hóa chất độc hại vào đất, không khí và nước.

Để thực hiện “mua sắm xanh” một cách hiệu quả và thành công, Mạng lưới mua sắm xanh quốc tế (IGPN) đã xác định 4 nguyên tắc cơ bản của “mua sắm xanh” gồm:

Thứ nhất, sự cần thiết mua sản phẩm mới. Bước đầu tiên trước khi mua sắm là cân nhắc kỹ xem sản phẩm hay dịch vụ có cần thiết hay không. Việc sửa chữa hay thay đổi các sản phẩm đang được sử dụng cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, giải pháp thuê hoặc cho thuê cũng nên được xem xét hoặc mua các sản phẩm mới với số lượng vừa đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng.

Thứ hai, xem xét vòng đời của sản phẩm. Khi quyết định mua sản phẩm, cần xem xét các tác động khác nhau tới môi trường trong suốt vòng đời của sản phẩm, từ giai đoạn thu mua nguyên liệu thô cho tới khi thải bỏ sản phẩm, cụ thể là: Giảm thiểu các chất độc hại; sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng; sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên; tăng độ bền; thiết kế để tái sử dụng; thiết kế để tái chế; sản phẩm có chứa vật liệu tái chế; tính thải bỏ (với những sản phẩm không thể sử dụng nhiều lần hoặc tái chế, người tiêu dùng nên chọn sản phẩm cho phép dễ dàng xử lý và thải bỏ nhằm giảm tối đa các tác động xấu đến môi trường).

Thứ ba, nỗ lực của nhà cung ứng trong bảo vệ môi trường. Ngoài việc đánh giá sản phẩm, người tiêu dùng cũng cần đánh giá những hoạt động bảo vệ môi trường của nhà cung ứng, như doanh nghiệp có áp dụng chính sách bảo vệ môi trường không? Có triển khai các biện pháp quản lý môi trường phù hợp hay không? Hoặc, có tích cực tham gia công tác bảo vệ môi trường không?

Thứ tư, thu thập thông tin về môi trường: Trước khi quyết định mua một sản phẩm, người tiêu dùng nên quan tâm một số thông tin môi trường, như nhãn môi trường, thông tin của doanh nghiệp trên sản phẩm hoặc trang mạng. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có thể yêu cầu nhà phân phối cung cấp các thông tin chi tiết hơn về môi trường của sản phẩm đó.
Phát triển “mua sắm xanh” sẽ kích thích tăng số lượng và chất lượng các sản phẩm và dịch vụ thân thiện môi trường. “Mua sắm xanh” thúc đẩy quá trình tái chế các chất thải, từ việc thu gom, phân loại cho tới sản xuất và phát triển thị trường sử dụng các sản phẩm tái chế, vì thế không chỉ làm người tiêu dùng (bao gồm cả tổ chức và cá nhân) tiết kiệm được tiền bạc mà còn góp phần bảo vệ môi trường sạch và an toàn hơn.

Thực tiễn “mua sắm xanh” ở một số nước

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã có chính sách về “mua sắm xanh” nhằm thúc đẩy mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững. Những chính sách này đồng thời cũng góp phần hướng tới nền “kinh tế xanh” với lượng khí thải các-bon thấp.

Tại Mỹ, mua sắm xanh được thiết lập và thực hiện trong một số chương trình mua sắm xanh của liên bang. Trong đó, các cơ quan điều hành cân nhắc những tác động môi trường, giá thành và yếu tố khác của một sản phẩm trước khi đưa ra quyết định mua sắm. Theo quy định mua sắm Liên bang và sắc lệnh 13101 về “xanh hóa chính phủ”, tất cả cơ quan chính phủ phải thực hiện mua sắm các sản phẩm có thành phần tái chế nhằm khuyến khích việc sử dụng vật liệu tái sinh.

Ủy ban châu Âu cũng đã có nhiều nỗ lực và hoạt động nhằm thúc đẩy việc thực hiện chương trình này trong các nước thành viên, bao gồm việc triển khai các nghiên cứu, dự án, ban hành chính sách và xây dựng các tiêu chuẩn. Mặc dù “mua sắm xanh” vẫn là hệ thống tự nguyện, nhưng hiện nay nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu đã và đang xây dựng kế hoạch hành động quốc gia cùng với những hướng dẫn về “mua sắm xanh”.

Nhật Bản là một trong những quốc gia đi đầu trong phong trào bảo vệ môi trường nói chung và “mua sắm xanh” nói riêng. Những quy định liên quan tới chương trình này đã được đưa ra từ những năm 90 của thế kỷ trước. Năm 2001, Chính phủ Nhật Bản thông qua Luật Thúc đẩy “mua sắm xanh” và nước này trở thành quốc gia đầu tiên ban hành chính sách về “mua sắm xanh”. Chính sách “mua sắm xanh” yêu cầu tất cả các bộ và cơ quan chính phủ phải thực hiện. Ngoài ra, Nhật Bản cũng đã ban hành luật hợp đồng xanh vào năm 2007 nhằm thúc đẩy ký kết các hợp đồng giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Hàn Quốc cũng là quốc gia thực hiện và áp dụng các chính sách về “mua sắm xanh” từ rất sớm. Chương trình dán nhãn môi trường bắt đầu được triển khai từ năm 1992 và đây là điểm khởi đầu chính thức của chính sách về sản phẩm xanh tại quốc gia này. Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc đã có những nghiên cứu nhằm liên kết hệ thống dán nhãn môi trường với hệ thống mua sắm công và đã đạt được những kết quả rõ rệt. Không những vậy, Hàn Quốc luôn coi những nhà sản xuất là nhà tiêu dùng lớn. Thông qua những hợp đồng tự nguyện về “mua sắm xanh” gắn kết với việc mua các nguyên liệu tái sinh, góp phần thúc đẩy sản xuất và bán ra sản phẩm thân thiện môi trường.

Chính phủ Trung Quốc thực hiện dự án “Xây dựng xã hội thân thiện môi trường”, trong đó ban hành một loạt chính sách thúc đẩy “mua sắm xanh”. Chính phủ nước này cũng đã ban hành một số chỉ đạo về “Thúc đẩy phát triển nền kinh tế tái sử dụng” vào năm 2005, trong đó mục 5 nêu rõ “về tiêu dùng, cần khuyến khích các phương pháp mới nhằm tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường, tăng cường sử dụng các sản phẩm được dán nhãn tiết kiệm nước, nhãn tiết kiệm và sử dụng năng lượng có hiệu quả, nhãn môi trường, nhãn thực phẩm xanh và thực phẩm hữu cơ xanh, giảm sử dụng các sản phẩm dùng nhiều bao bì và sản phẩm chỉ dùng 1 lần. Tất cả các cơ quan chính phủ đều phải thực hiện mua sắm xanh”. Tháng 02-2006, Chính phủ Trung Quốc ban hành Quyết định về “Áp dụng quan điểm khoa học và phát triển vào việc thúc đẩy bảo vệ môi trường”. Điều 9 của Luật Mua sắm công Trung Quốc có quy định “Mua sắm công cần thiết hỗ trợ nền kinh tế quốc gia và các mục tiêu phát triển xã hội, kể cả bảo vệ môi trường, hỗ trợ các khu vực thiểu số và kém phát triển, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ,…”. Ý nghĩa của “bảo vệ môi trường” trong Điều 9 này được giải thích là “Mua sắm công cần phải hỗ trợ cải thiện môi trường trong quá trình sản xuất và Chính phủ cần phải mua sắm các sản phẩm phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường”.

Các nước ASEAN tuy chưa ban hành luật riêng về “mua sắm xanh”, nhưng chính phủ nhiều nước đã có chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển tiêu dùng bền vững và nền kinh tế tái sử dụng. Bước khởi động của việc phát triển “mua sắm xanh” là thực hiện 3R (tái sử dụng, giảm thiểu, tái chế) và dán nhãn sinh thái.

Ở Ma-lai-xi-a, việc tái chế mới chỉ tập trung vào 4 loại: giấy, thủy tinh, nhôm và nhựa. Việc phân loại rác thải được thực hiện tại nguồn. Ma-lai-xi-a thực hiện dán nhãn sinh thái đối với 4 loại sản phẩm: bao bì bằng chất dẻo không độc và dễ phân hủy; chất tẩy rửa dễ phân hủy; thiết bị điện tử và điện dân dụng không có các chất nguy hại; giấy tái chế.

In-đô-nê-xi-a có nhiều cố gắng trong việc xây dựng nền kinh tế tái sử dụng. Chính phủ In-đô-nê-xi-a thực hiện dán nhãn sinh thái cho 3 loại sản phẩm: giấy in báo, bột giặt, hàng dệt may.

Chính phủ Phi-líp-pin đã ban hành các chính sách liên quan đến tái chế, dán nhãn sinh thái, giảm thiểu chất thải, bảo tồn thiên nhiên.

Tương tự, Thái Lan có chính sách tái chế, giảm thiểu chất thải, hệ thống nhãn xanh và nhãn sinh thái; còn Xin-ga-po đã thực hiện dán nhãn sinh thái cho các thiết bị điện, khuyến khích sử dụng xe ô tô xanh và nhãn xanh Xin-ga-po. Một số sáng kiến được thực hiện ở Xin-ga-po là: kế hoạch xanh (Chính phủ đánh thuế ưu đãi đối với các ngành công nghiệp tham gia hệ thống tái chế), hệ thống nhãn xanh đối với 32 loại sản phẩm; giảm thuế đối với các nhà sản xuất hoặc nhập khẩu xe ô tô thân thiện môi trường.

Chương trình nhãn sinh thái của Phi-líp-pin được thực hiện nhằm giới thiệu các sản phẩm “xanh”. Lô-gô “Green Choise Philippines” định hướng người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm thân thiện môi trường, tăng nhu cầu về các loại sản phẩm này và vì thế khuyến khích các nhà sản xuất sử dụng quá trình sản xuất và cung cấp dịch vụ ít gây tác hại đến môi trường.

Ở Thái Lan hệ thống nhãn xanh được “Hội đồng doanh nhân Thái Lan vì sự phát triển bền vững” khởi xướng từ năm 1993, sau đó được Bộ Công nghiệp và Viện Môi trường phối hợp phát động vào tháng 8-1994. Năm 2005, Chính phủ Thái Lan ban hành chính sách yêu cầu các cơ quan của Chính phủ đi đầu trong việc thực hiện “mua sắm xanh” và chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chịu trách nhiệm ban hành các cơ chế thực hiện chính sách này. Cục Kiểm soát ô nhiễm Thái Lan đã tiến hành các nghiên cứu xây dựng các tiêu chí về sản phẩm xanh, trước mắt đối với 5 loại hình sản phẩm và 2 loại hình dịch vụ.

Mua sắm xanh ở Việt Nam

Nhằm bảo đảm mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng dân số và tiêu dùng của xã hội, nước ta đang đứng trước những thách thức to lớn về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Vì vậy, việc triển khai và áp dụng các chính sách “mua sắm xanh” ở Việt Nam nhằm khuyến khích sản xuất và tiêu dùng bền vững trở thành một nhu cầu bức thiết.

Theo các chuyên gia, để đẩy mạnh triển khai áp dụng “mua sắm xanh” ở Việt Nam, về phía các cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện một số giải pháp sau:

- Xây dựng và ban hành khung chính sách, hướng dẫn toàn diện, hiệu quả về “mua sắm xanh”, trong đó ưu tiên thực hiện “mua sắm xanh” tại khu vực công.

- Nâng cao năng lực và xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách nhằm thúc đẩy “mua sắm xanh” với các mục tiêu, chương trình cụ thể.

- Xây dựng và thực hiện các chiến lược, chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững.

- Nghiên cứu và ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích tạo động lực cho các doanh nghiệp tham gia vào ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường.

- Thúc đẩy và triển khai “mua sắm xanh” song song với các chương trình dán nhãn sinh thái.

- Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân về “mua sắm xanh” để xây dựng thói quen tiêu dùng bền vững và lối sống thân thiện với môi trường.

Sản phẩm thân thiện với môi trường sẽ không có thị trường nếu không được quan tâm đúng mức. Vì vậy, để phát triển ngành công nghiệp môi trường toàn diện, cần thiết phải xây dựng đồng bộ các chính sách về sản xuất và tiêu dùng xanh. Để thúc đẩy “mua sắm xanh” một cách toàn diện và độc lập trên thị trường, hệ thống dán nhãn sinh thái phải được thực hiện. Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy mua sắm sản phẩm thân thiện môi trường hiệu quả và thành công là cần thiết phải xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách về “mua sắm xanh”.