Nâng vị thế xuất khẩu Việt Nam trong ASEAN

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Thống kê của Bộ Công thương giai đoạn gần đây cho thấy, các nước khu vực ASEAN liên tục được xếp vào nhóm các thị trường có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường ASEAN của nước ta đang có xu hướng chậm dần.

Nâng vị thế xuất khẩu Việt Nam trong ASEAN
Gạo Việt Nam đang tìm kiếm thêm các bạn hàng mới. Nguồn: Internet
Theo Tổng cục Hải quan năm 2013, về thị trường hàng hóa xuất khẩu, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, chỉ đứng sau Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU), với kim ngạch xuất khẩu đạt 18,47 tỷ USD, tăng 4,4% so với năm 2012. Tương tự, tính đến hết tháng 7.2014, ASEAN tiếp tục đứng thứ 3, với giá trị kim ngạch đạt 10,8 tỷ USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2013. Các nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang ASEAN gồm: gạo; dầu thô; điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính sản phẩm điện tử, linh kiện; sắt thép các loại; xăng dầu các loại; cà phê; máy móc thiết bị dụng cụ, phụ tùng; cao su; thủy tinh và các sản phẩm thủy tinh; sản phẩm từ chất dẻo; hàng dệt may...

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường ASEAN của nước ta đang có xu hướng chậm dần. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu năm 2011 so với năm 2010 tăng 3,22 tỷ USD, năm 2012 tăng 3,73 tỷ USD so với năm 2011; song con số này của năm 2013 so với năm 2012 chỉ là 1,16 tỷ USD. Và 7 tháng năm 2014 chỉ tăng 0,01 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2013 (10,79 tỷ USD).

Chuyên gia của Bộ Công thương nhận định, nguyên nhân là do các ưu thế về xuất khẩu với khối thị trường truyền thống có vị trí địa lý gần như các ưu đãi từ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) - chưa thực sự được tận dụng tối đa, nhất là đối với các nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của nước ta chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn để vận dụng thuế nhập khẩu ưu đãi của các nước khu vực ASEAN. Bên cạnh đó, các mặt hàng xuất khẩu của nước ta sang thị trường ASEAN còn gặp không ít khó khăn, hạn chế bởi việc áp dụng các rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT), hay nhóm các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS) và danh mục nhạy cảm của các nước. Và, nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là do tư duy kinh doanh, tầm nhìn của doanh nghiệp trong nước còn hạn hẹp; chủ yếu sản xuất, kinh doanh theo kiểu mỳ ăn liền, chưa tính đến lợi ích lâu dài, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, quy mô sản xuất, vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế; trang thiết bị, công nghệ lạc hậu… Do vậy, khả năng hội nhập, theo kịp và đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực của doanh nghiệp trong nước không dễ dàng, nhất là trong giai đoạn 2014 - 2015 - giai đoạn chuẩn bị gấp rút cho việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015.

Chuyên gia nghiên cứu của Bộ Công thương cho rằng, sự ra đời của AEC đánh dấu sự hình thành một thị trường thống nhất của 10 quốc gia ASEAN. Để có thể tận dụng tiềm năng và khai thác thị trường ASEAN hiệu quả, trước hết, các doanh nghiệp cần thay đổi tầm nhìn, tư duy kinh doanh và không chỉ thu hẹp phạm vi trong từng địa phương, trong nước; cần phải mở rộng hơn. Khi đó, sản phẩm sẽ phải thỏa mãn được nhu cầu của nhiều người tiêu dùng trong khu vực và trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần linh hoạt, nhạy bén hơn; sớm nhận diện và nắm bắt những lợi ích tiềm năng từ AEC để thúc đẩy khả năng, tăng quy mô của doanh nghiệp - không chỉ đối với khối thị trường ASEAN mà còn với các thị trường khác, nhất là các thị trường ASEAN đã ký Hiệp định Thương mại tự do như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Theo Bộ Công thương, khi AEC hình thành, các doanh nghiệp Việt Nam có thể kinh doanh hàng hóa tại các nước ASEAN gần như bán hàng trong nước. Các thủ tục xuất, nhập khẩu sẽ đơn giản hơn cùng với việc cải cách thủ tục, tiến tới hệ thống hải quan một cửa hay cho phép tự chứng nhận xuất xứ sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thông quan hàng hóa dễ dàng hơn sang các thị trường ASEAN. Ngoài ra, Nhà nước cần ban hành các chính sách khuyến khích hình thành chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, tăng cường việc cộng gộp xuất xứ ASEAN; tích cực phát triển công nghiệp phụ trợ.

Đồng thời, cần đưa ra các kế hoạch, định hướng tổ chức sản xuất trong nước theo hướng: tận dụng nguồn nguyên liệu ASEAN và tăng cường xuất khẩu sang các nước ASEAN để cộng đồng doanh nghiệp Việt không còn bị động, không bị đặt trong tình thế, như một chuyên gia đã từng ví ra biển lớn bằng một đoàn thuyền thúng.