“Nên bỏ thu hồi đất với lý do phát triển kinh tế”

Theo VnEconomy

Trước khi hiến pháp hóa quy định về thu hồi đất hiện hành, rất cần phải trả lời câu hỏi: quyền sử dụng đất với tư cách là tài sản được Nhà nước bảo hộ, vậy dựa trên căn cứ lý luận nào để chúng ta thu hồi tài sản của tổ chức, cá nhân?

“Nên bỏ thu hồi đất với lý do phát triển kinh tế”
Đại biểu Lê Thị Nga cho rằng thu hồi quyền sử dụng đất với lý do “để phát triển kinh tế” là quy định quá rộng, dễ bị lạm dụng
Quan điểm này được Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, đại biểu Lê Thị Nga nêu ra ngay đầu giờ làm việc thứ hai của hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, sáng 14/3.

Khoản 3 điều 58 dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Ở ngày thảo luận đầu tiên, sau khi bày tỏ quan ngại sâu sắc về quy định này, nhiều vị đại biểu cùng chung đề nghị với các dự án phát triển kinh tế xã hội không áp dụng thu hồi mà nên thỏa thuận việc bồi thường theo giá thị trường. Nhiều hệ lụy phát sinh từ thu hồi đất tùy tiện cũng được nhắc lại, thậm chí có vị đại biểu nhận xét “nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai hoàn toàn sai”.

Trở lại nội dung này, đại biểu Nga phân tích, tuy là quyền phái sinh, tức là quyền của người không phải là chủ sở hữu, nhưng về thực chất quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân hiện nay đã tiệm cận với các quyền năng của chủ sỡ hữu.

Ở cấp độ Hiến pháp, quyền sử dụng đất với tư cách là một tài sản thì điều 23 Hiến pháp hiện hành đã quy định: “Tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân không bị quốc hữu hóa. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo thời giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng do luât định”, bà Nga dẫn giải.

Đến đây, đại biểu Nga tiếp tục đặt vấn đề, Hiến pháp hiện hành không có quy định về thu hồi tài sản nói chung và tài sản là quyền sử dụng đất nói riêng. Phải chăng tư tưởng của Hiến pháp 1992 đã không thừa nhận việc dùng pháp luật hành chính để điều chỉnh vấn đề quyền dân sự thông qua cơ chế thu hồi đất tức chuyển dịch quyền tài sản từ chủ thể này sang chủ thể khác bằng con đường hành chính?

Nhấn mạnh đặc trưng cơ bản của việc này là mệnh lệnh, phục tùng, không thỏa thuận, do nhà nước ấn định, được đảm bảo thực thi bằng cưỡng chế, bà Nga cho rằng đây là một điểm rất đáng lưu ý đề có sự đánh giá sâu cả về lý luận và thực tiễn trước khi hiến pháp hóa quy định về thu hồi đất.

Chung quan điểm với nhiều ý kiến khác, đại biểu Nga cho rằng việc thu hồi với lý do “để phát triển kinh tế” là quy định quá rộng, dễ bị lạm dụng. Theo phát hiện của bà Nga, điều 40 Luật Đất đai quy định “nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế, trong trường hợp đầu tư xây dựng khu công nghệ cao, khu kinh tế và các dự án lớn theo quy định của Chính phủ. Đến nghị định và các văn bản hướng dẫn đã giải thích nội dung các dự án đầu tư lớn thành nhiều loại khác nhau, thuộc nhiều lĩnh vực trong đó có những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều khả năng có thể tùy nghi giải thích lý do cần phải thu hồi. Như, dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh, dịch vụ, du lịch... thuộc nhóm A.

Để tránh lạm dụng, bà Nga đề nghị việc nhà nước đứng ra thu hồi quyền sử dụng đất cũng phải “hết sức có giới hạn”, chỉ nên dừng lại ở lý do “thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng, phi lợi nhuận”, và bỏ quy định “thu hồi vì lợi ích quốc gia, các dự án phát triển kinh tế - xã hội”.

Phân tích và đề nghị của Phó chủ nhiệm Nga nhận được sự đồng tình cao của nhiều vị đại biểu khác.

Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, ngoài phục vụ lợi ích công cộng thì thu hồi đất phải bồi thường theo giá thị trường. Thực tế thời gian việc bồi thường không thỏa đáng diễn ra tràn lan, thu hồi đất của hàng ngàn người giao cho một số người rồi phân lô bán giá cao gấp nhiều lần thì rất khó để người bị thu hồi đất chấp nhận được, ông Cương phát biểu.