Ngành gỗ với CPTPP: Cơ hội nhiều hơn thách thức

Theo Nguyễn Thủy/daibieunhandan.vn

Thuế suất bằng 0% khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là lợi thế cho ngành gỗ trong nước. Tuy nhiên, song song với đó vẫn còn không ít thách thức.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Mục tiêu xuất khẩu đạt 9 tỷ USD 

Theo nhiều chuyên gia, các đối tác trong TPP-12 cũ là những đối tác mà Việt Nam đã gắn bó và cộng tác lâu năm nên có tiềm lực về lâm nghiệp rất mạnh như Mỹ, Úc, Nhật, New Zealand… Số liệu từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho thấy, bình quân mỗi năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang Mỹ đạt khoảng 3 tỷ USD. Với CPTPP sẽ có thêm các thị trường mới như Chile, Canada và Peru. Đây là những quốc gia mạnh về lâm nghiệp nên việc hợp tác xuất nhập khẩu sẽ mang lại cơ hội rất lớn.

Cho rằng CPTPP sẽ mang đến nhiều cơ hội hơn là thách thức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) Nguyễn Tôn Quyền nhận định, ngay khi CPTPP có hiệu lực sẽ mở ra 3 cơ hội lớn với ngành gỗ Việt. 

Thứ nhất, tất cả các dòng thuế có hiệu lực về bằng 0% - lợi thế rất lớn đối với doanh nghiệp. 

Thứ hai, thuế đối với nhập công nghệ và thiết bị giảm sẽ giúp việc mua máy móc, thiết bị và công nghệ từ các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Canada... được thuận lợi hơn, năng suất sẽ được cải thiện, giá trị sẽ tăng cao hơn. 

Thứ ba,được tiếp cận với các đối tác lớn mạnh trên thế giới sẽ giúp doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, từ đó sẽ mang lại hiệu quả hơn. Phó Chủ tịch Vifores Nguyễn Tôn Quyền kỳ vọng, với những lợi thế từ CPTPP và sự chuẩn bị cũng như chủ động của doanh nghiệp hiện nay, xuất khẩu gỗ năm nay sẽ đạt mức 9 tỷ USD.

Các chuyên gia nhận định, so với 10 nước còn lại trong CPTPP, trình độ, năng lực của doanh nghiệp Việt là điều đáng lo ngại. Phó Chủ tịch Vifores Nguyễn Tôn Quyền lấy ví dụ, vấn đề sở hữu trí tuệ trong CPTPP là vấn đề “đau đầu” của ngành gỗ hiện nay.

Nhận thức của các doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý về sở hữu trí tuệ ngành gỗ còn rất hạn chế. Phó Chủ tịch Vifores nhấn mạnh, trong thực thi hiệp định CPTPP sẽ liên quan tới rất nhiều đối tác, không chỉ các doanh nghiệp mà còn tới hộ gia đình trồng rừng, các khâu vận chuyển, chế biến… Tuy nhiên, nhận thức, hiểu biết về sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp chưa cao.

Chẳng hạn như mẫu mã sản phẩm cũng mới chỉ sản xuất theo mẫu thiết kế của nước ngoài đặt hàng. Các doanh nghiệp muốn có thiết kế riêng phải có thương hiệu, mà muốn có thương hiệu phải có sở hữu trí tuệ, muốn có sở hữu trí tuệ lại phải có nguồn nhân lực. “Có lẽ ngành gỗ cần phải bắt đầu triển khai học tập, đào tạo để hiểu thế nào là sở hữu trí tuệ”, ông Quyền nói.

Nội lực hóa theo các cam kết trong CPTPP

Hiện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã triển khai xây dựng kế hoạch và kiến nghị các bộ, ban, ngành mở những lớp đào tạo ngắn ngày nhằm nâng cao trình độ, năng lực cho các cơ quan từ quản lý cho tới doanh nghiệp, doanh nhân.

Theo ông Quyền, để có giải pháp giải quyết triệt để, Chính phủ phải nhanh chóng nội lực hóa các cam kết đã ký trong CPTPP. Doanh nghiệp căn cứ vào đó để bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ và cập nhật thông tin mới nhất. Bên cạnh đó, cần đào tạo công nhân lành nghề, thay thế thiết bị công nghệ lạc hậu bằng những công nghệ tiên tiến, phát huy năng lực của công nhân cũng như gia tăng sản xuất.

Các doanh nghiệp cũng phải tự học hỏi, chủ động vươn lên. Quan trọng là phải hiểu thật sâu CPTPP, từ đó phổ cập và tuyên truyền cho tất cả cán bộ, công nhân viên để biết, hiểu và thực thi. Tiếp đó phải có chiến lược bài bản cho từng đối tượng, từng lĩnh vực cụ thể. Doanh nghiệp cũng phải tiếp cận ngay với những thị trường mới như Chile, Peru, Canada để biết đường lối chính sách thế nào, cung cách làm việc ra sao để có thể hài hòa lợi ích các bên.

Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hào Hưng Thang Văn Thông cho biết, trước Hiệp định này, doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn sàng để đưa ra định hướng tốt nhất. Giám đốc Chợ gỗ Tài Anh (Hải Phòng) Hà Tuấn Anh bày tỏ mong muốn các cơ quan, ban, ngành có chính sách phù hợp, công bằng để ngành gỗ phát triển, bảo đảm được đầu vào của gỗ nguyên liệu và phát triển bền vững.

Ông Tuấn cũng khuyến nghị các doanh nghiệp nên ưu tiên tìm thị trường minh bạch, rõ ràng và có quan hệ lâu năm với Việt Nam, tham gia các hiệp định, thỏa thuận thương mại tập thể hoặc song phương với Việt Nam để được hỗ trợ về mặt pháp lý. Bên cạnh đó, với những thị trường mới và tiềm năng phải tìm hiểu kỹ càng, bởi những thị trường mới thường đem lại lợi nhuận cao.