Nghịch lý vốn FDI và thách thức dài hạn cho Việt Nam

Theo enternews.vn

Với những lý do gây ra sự sụt giảm vốn FDI vào TP. Hồ Chí Minh trong khi tổng vốn FDI vào nền kinh tế tăng mạnh đã và đang dấy lên lo ngại đó có thể là tình trạng chung của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai gần.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Bước lùi của “đầu tàu kinh tế”

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn được xem là “điểm đến” trong thu hút đầu tư nước ngoài. Đây được xem là kết quả của việc Việt Nam đang ngày càng trở nên thu hút hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài do một loạt các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang, sắp ký kết.

Theo số liệu của hệ thống thông tin về Đầu tư nước ngoài, tính chung trong 7 tháng đầu năm 2016, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 12,94 tỷ USD, tăng 46,9% so với cùng kỳ năm 2015.

Tuy nhiên, đang xuất hiện những dấu hiệu của xu hướng dịch chuyển đầu tư quan trọng và rất đáng chú ý, khi dù tổng vốn đầu tư FDI vào nền kinh tế đang tăng mạnh nhưng vốn vào các trung tâm kinh tế lớn như TP. Hồ Chí Minh lại sụt giảm nghiêm trọng.

Điều này dường như đang là chỉ dấu quan trọng, có thể sẽ khiến Việt Nam buộc phải xem xét và điều chỉnh lại chiến lược thu hút FDI trong tương lai của mình.

Cụ thể, tổng vốn đầu tư FDI vào TP. Hồ Chí Minh trong cùng giai đoạn không những không tăng mà còn giảm tới 68%. Trong năm 2015, TP. Hồ Chí Minh đã dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI với tổng số vốn đăng ký lên tới 4,5 tỷ USD, thì ở thời điểm hiện tại trung tâm kinh tế số một của Việt Nam này lại đang là một trong những tỉnh thành có tỷ lệ thu hút vốn FDI sụt giảm cao nhất cả nước. Điều này cho thấy các lợi thế cạnh tranh để thu hút vốn FDI ở đây đang bị bào mòn nhanh chóng.

Những lý do chính khiến vốn đầu tư FDI vào TP. Hồ Chí Minh sụt giảm mạnh trong 7 tháng đầu năm được cho là các ưu thế về thu hút vốn của thành phố đã gần như cạn kiệt. Chẳng hạn như nguồn nhân lực lao động có chất lượng không đồng đều, lao động giá rẻ cũng không còn là lợi thế khi chi phí đang gia tăng khá mạnh.

Đại diện Sở Kế hoạch và đầu tư TP. Hồ Chí Minh thì cho rằng, việc thu hút đầu tư nước ngoài giảm đáng kể còn do lượng đất trống trong các khu công nghiệp tại thành phố không còn nhiều, đặc biệt là tại các khu công nghiệp có vị trí giao thông thuận lợi.

Xem xét lại chiến lược “hút” đầu tư

Câu chuyện về sự nghịch lý trong thu hút vốn FDI của TP. Hồ Chí Minh đang dấy lên lo ngại đó có thể là tình trạng chung của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai gần.Và đây được nhận định là xu thế tất yếu khó có thể cưỡng lại khi mà các lợi thế cạnh tranh để thu hút đầu tư như giá nhân công hay ưu đãi về đất đai và thuế phí cũng sẽ cạn kiệt theo trường hợp của TP. Hồ Chí Minh.

Đã có những dấu hiệu về sự dịch chuyển này, khi các đơn hàng dệt may của các đối tác nước ngoài đang có xu hướng chuyển từ Việt Nam sang các quốc gia có chi phí nhân công rẻ hơn như Campuchia, Myanmar, Bangladesh.

Do đó, mặc dù vốn FDI đổ vào Việt Nam vẫn tăng mạnh nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ kéo dài mãi như vậy. Vấn đề là từ hiện tượng của thu hút vốn TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh thành khác trong cả nước phải xem xét và có chiến lược phù hợp để thu hút vốn FDI một cách bền vững.

Để thu hút lại nguồn vốn FDI, theo bà Lê Thị Huỳnh Mai – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh đề xuất một số giải pháp tập trung áp dụng triệt để về công nghệ thông tin vào các quy trình xử lý thủ tục hành chính trên địa bàn.

Xây dựng nhiều quy trình liên thông giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau để rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ các thủ tục hành chính; tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, tăng cường cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, người dân, cũng như cung cấp thông tin quy định quan trọng trong các hiệp định thương mại.

Đại diện chính quyền Thành phố cũng cam kết với nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục đẩy nhanh, đẩy mạnh cải cách hành chính hơn nữa, cải cách thủ tục thuế, thủ tục hải quan… nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư vào các ngành mà thành phố khuyến khích phát triển, như công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ…