Người tham gia BHYT được cấp một số định danh duy nhất

Theo daibieunhandan.vn

Trao đổi về vấn đề cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, BHXH Việt Nam đang triển khai rà soát toàn bộ dữ liệu, đối tượng tham gia BHYT, cũng như gấp rút nghiên cứu sửa đổi quy trình cấp, quản lý, sử dụng thẻ BHYT theo hướng người tham gia BHYT chỉ được cấp một số định danh duy nhất.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Đầu mối lập danh sách cấp thẻ còn chồng chéo

BHYT là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng nhằm xã hội hóa công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, giúp người dân được bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế. Việc triển khai BHYT đã cơ bản đi vào cuộc sống, số người tham gia BHYT tăng, sự tiếp cận dịch vụ y tế của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách xã hội... được cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, tình trạng cấp trùng thẻ BHYT vẫn còn diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương. BHXH Việt Nam nhận định, việc cấp trùng thẻ BHYT chủ yếu xảy ra ở nhóm các đối tượng được ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ tiền đóng BHYT.

Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, việc cấp trùng thẻ BHYT là do có nhiều cơ quan quản lý lập danh sách đối tượng chuyển sang để cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT. Do đó, nếu không trùng khớp dù chỉ 1 thông tin như họ tên, địa chỉ, ngày sinh... vẫn có thể xảy ra trường hợp một người được cấp hơn một thẻ ở các nhóm đối tượng khác nhau.

Đơn cử, một người đã có thẻ BHYT thuộc nhóm người có công với cách mạng, nhưng nếu cá nhân này cũng ở nhóm thân nhân lực lượng vũ trang, hay cựu chiến binh, hoặc người dân tộc thiểu số thì sẽ được hưởng những chế độ ưu đãi, trong đó có cả việc cấp thẻ BHYT. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do chồng chéo đầu mối lập danh sách cấp thẻ BHYT.

UBND huyện lập danh sách trẻ em dưới 6 tuổi, hộ nghèo, trong khi các đối tượng cựu chiến binh, người cao tuổi, thân nhân sĩ quan quân đội lại do các đơn vị, cơ quan khác thống kê trình danh sách. Một nguyên nhân nữa là ý thức của người dân chưa cao, có người được cấp thẻ rồi nhưng báo là chưa được cấp; một số người làm mất thẻ, thẻ bị sai thông tin nhưng lại đề nghị cấp thẻ lần đầu, không nộp lại thẻ cũ, chính quyền cơ sở bỏ qua khâu rà soát dẫn đến cấp trùng thẻ...

Tiến hành rà soát thẻ BHYT

Theo Luật Bảo hiểm y tế, người tham gia BHYT được chia thành 25 nhóm và có tới 34 bộ mã khác nhau nên dẫn đến trường hợp một người thuộc nhiều nhóm và được cấp nhiều thẻ. Hơn nữa, việc cấp thẻ do nhiều cơ quan chuyên môn cùng thực hiện nhưng lại thiếu cơ chế phối hợp nên không thể rà soát được các đối tượng.

Trong khi việc lập danh sách chủ yếu dựa vào cán bộ lao động, thương binh và xã hội ở xã, nhiều khi không thể kiểm tra, rà soát được hết. Tuy nhiên, theo ông Sơn, một người dù có nhiều thẻ bảo hiểm y tế nhưng khi đi khám chữa bệnh cũng chỉ sử dụng một thẻ. Số tiền cấp trùng vẫn nằm trong Quỹ BHYT nên không có sự thất thoát ngân sách nhà nước do cấp trùng thẻ.

Để hạn chế tối đa việc cấp trùng thẻ, theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, BHXH Việt Nam đã bổ sung chức năng rà soát thẻ trùng trong phần mềm quản lý thu, cấp sổ thẻ BHYT. Theo đó, BHXH Việt Nam đang triển khai rà soát toàn bộ dữ liệu, đối tượng tham gia BHYT theo danh sách thống kê hộ gia đình, xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung và cấp số định danh cho người tham gia BHYT.

BHXH Việt Nam cũng đang gấp rút nghiên cứu sửa đổi quy trình cấp, quản lý, sử dụng thẻ BHYT theo hướng người tham gia BHYT chỉ được cấp một số định danh duy nhất. Khi phát hành thẻ BHYT dữ liệu cấp thẻ được rà soát trên cơ sở dữ liệu chung do BHXH Việt Nam quản lý để bảo đảm một người chỉ được cấp một thẻ BHYT.

Đồng thời, theo ông Sơn, cũng cần tiến hành kiểm tra, rà soát thẻ BHYT trùng từ khâu xác minh danh sách thẻ ở các thôn, xã. Đối với những đối tượng đã có tên trong danh sách cấp thẻ BHYT mà vẫn được xã đưa vào danh sách cấp thẻ mới thì đề nghị xem xét lại, nếu mất thẻ phải làm đơn đề nghị cấp lại để tránh tình trạng bị trùng thẻ.