Nhìn nhận yếu kém để vượt qua

PV. (Tổng hợp theo tài liệu của VPCP)

Trong 5 năm qua, hầu hết các lĩnh vực kinh tế đều đạt chỉ tiêu đề ra, tuy nhiên, phải thắng thắn nhìn nhận sự thật, trong điều hành và xử lý chúng ta còn nhiều yếu kém, chậm trễ và thiếu linh hoạt... do nhận định và dự báo còn chưa chính xác, dẫn đến nhiều mặt hoạt động trong kinh tế, xã hội chưa thực sự mang lại kết quả như mong muốn.

Cần nhìn nhận yếu kém để vượt qua thách thức. Ảnh minh họa.
Cần nhìn nhận yếu kém để vượt qua thách thức. Ảnh minh họa.

Từ năm 2011, tình hình khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu làm cho những yếu kém nội tại của nền kinh tế trong nước bộc lộ nặng nề hơn; thiên tai, dịch bệnh gây thiệt hại lớn trong khi yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường quốc phòng an ninh ngày càng cao.

Trong quá trình thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Giá dầu thô giảm sâu, đồng Nhân dân tệ đột ngột giảm giá, một số nền kinh tế lớn suy giảm tăng trưởng, đặc biệt là tình hình căng thẳng gay gắt ở Biển Đông... đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trước những diễn biến đó, chúng ta vừa kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, giữ vững hoà bình, ổn định chính trị vừa nỗ lực phấn đấu để đạt các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 – 2015) đề ra. Hầu hết các lĩnh vực đều đạt chỉ tiêu đề ra, tuy nhiên, phải thắng thắn nhìn nhận sự thật, trong điều hành và xử lý chúng ta còn nhiều yếu kém, chậm trễ và thiếu linh hoạt... do nhận định và dự báo còn chưa chính xác, dẫn đến nhiều mặt hoạt động trong kinh tế, xã hội chưa thực sự mang lại kết quả như mong muốn. Cụ thể:

Một số mặt hạn chế

1. Kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc. Cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, cơ cấu chưa hợp lý, bội chi còn cao. Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn. Chất lượng tín dụng chưa cao, xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém còn nhiều khó khăn. Huy động nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước còn hạn chế.

2. Tăng trưởng kinh tế và một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Sản xuất kinh doanh và xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước, nhất là nông sản còn nhiều khó khăn, liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn hạn chế. Sản xuất nông nghiệp hiệu quả chưa cao. Dịch vụ tăng thấp hơn giai đoạn trước, du lịch chưa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

3. Thực hiện các đột phá chiến lược và tạo nền tảng để đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đáp ứng yêu cầu. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn còn vướng mắc, chưa thực sự trở thành động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội; các loại thị trường phát triển còn chậm, hiệu quả chưa cao. Phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ và kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển.

4. Tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm. Tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới chưa đạt yêu cầu. Hiệu quả đầu tư công chưa cao. Tái cơ cấu DNNN và sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp chưa đạt mục tiêu đề ra. Đổi mới công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành có công nghệ cao, giá trị gia tăng cao còn chậm. Chưa tham gia được nhiều vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

5. Phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ công bằng xã hội nhiều mặt còn hạn chế, khắc phục còn chậm. Giải quyết việc làm, đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn. Khoảng cách giàu nghèo còn lớn; tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân có mặt còn hạn chế. Việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều yếu kém. Tệ nạn xã hội một số nơi còn diễn biến phức tạp. Nhiều biểu hiện xấu về đạo đức, lối sống gây bức xúc trong nhân dân.

6. Quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu còn nhiều yếu kém, hiệu quả chưa cao. Cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường còn chậm. Nguồn lực phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng ngập lụt ở một số thành phố lớn khắc phục còn chậm.

7. Cải cách hành chính trên nhiều lĩnh vực còn chậm, thủ tục còn phiền hà. Cơ cấu tổ chức, bộ máy nhà nước còn cồng kềnh; chức năng, nhiệm vụ vẫn còn chồng chéo, chưa đủ cụ thể. Một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn; vẫn còn tình trạng nợ đọng văn bản. Ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử còn chậm. Năng lực, phẩm chất, đạo đức, tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều hạn chế. Thanh tra, kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội hiệu quả chưa cao. Phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu. Việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo vẫn còn hạn chế.

8. Bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ trên Biển Đông còn nhiều khó khăn, thách thức. An ninh trật tự, an toàn xã hội trên một số địa bàn vẫn còn phức tạp; một số vụ án nghiêm trọng gây bức xúc xã hội; một số tổ chức nhen nhóm hình thành trái pháp luật. Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng còn nhiều bất cập. Tai nạn giao thông vẫn còn nghiêm trọng; ùn tắc giao thông tại đô thị lớn khắc phục chậm.

9. Công tác đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế có mặt chưa thật chủ động, hiệu quả chưa cao. Chưa phát huy hết các lợi thế và chuẩn bị tốt các điều kiện cho chủ động hội nhập. Sự gắn kết giữa hội nhập kinh tế quốc tế với quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội, đối ngoại nhân dân có mặt còn hạn chế.

Những bài học rút ra

Thứ nhất, phải quán triệt cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; sáng tạo trong tư duy phát triển, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân làm mục tiêu cao nhất. Tập trung sức hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tạo động lực mạnh mẽ để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ hai, phải đánh giá đúng tình hình và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm trọng điểm, gắn trước mắt với cơ bản lâu dài và ứng phó kịp thời, phù hợp với diễn biến mới của tình hình. Bám sát thực tiễn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc và nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay. Đề cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu.

Thứ ba, trong điều kiện khó khăn càng phải quan tâm bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo cải thiện đời sống mọi mặt của người dân. Đồng thời, chú trọng phát triển khu vực nông nghiệp nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Thực hiện nhất quán, thiết thực tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước phát triển. Tăng cường quyền làm chủ của người dân, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển.

Thứ tư, cùng với việc phát huy cao nhất các nguồn lực trong nước, phải chủ động hội nhập quốc tế, mở rộng và đa dạng hóa thị trường, thu hút mạnh và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thứ năm, phải tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy dân chủ, đề cao kỷ luật kỷ cương; phối hợp chặt chẽ các tổ chức trong hệ thống chính trị; tập trung làm tốt công tác vận động quần chúng, thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội và sức mạnh tổng hợp trong xây dựng và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Trong số 26 chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, có 17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 9 chỉ tiêu không đạt, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP (chỉ tiêu này năm 2014 và 2015 đã có chuyển biến tích cực, vượt kế hoạch đề ra).