Những kiến nghị sửa đổi, bổ sung tại Luật Thuế Giá trị gia tăng

PV. (Tổng hợp)

Việc đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) của Bộ Tài chính được kỳ vọng giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, bảo đảm chính sách minh bạch, rõ ràng, tạo thuận lợi trong thực hiện, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý thuế của Nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Bổ sung các đối tượng không chịu thuế GTGT

Theo Bộ Tài chính, tại khoản 3a Điều 5 Luật thuế GTGT hiện hành thì “phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ” thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Tuy nhiên, trước nhiều khó khăn của DN, nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi chuyển phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ sang đối tượng chịu thuế GTGT. Để tháo gỡ khó khăn cho DN sản xuất phân bón trong nước, máy móc, thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp và đóng tàu đánh bắt xa bờ, Bộ Tài chính đề nghị 02 phương án.

Cụ thể, với phương án 1, Bộ Tài chính đề xuất chuyển phân bón, tàu đánh bắt xa bờ và một số loại máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, bao gồm: máy cày, máy bừa, máy cấy, máy gieo hạt, máy tuốt lúa, máy gặt, máy gặt đập liên hợp, máy thu hoạch sản phẩm nông nghiệp, máy hoặc bình bơm thuốc trừ sâu sang đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5%; Đối với loại máy móc, thiết bị không chỉ sử dụng trong nông nghiệp mà còn dùng cho nhiều ngành sản xuất khác sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất thông thường 10%. Với phương án này, DN sản xuất phân bón, đóng tàu và những máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Do số thuế GTGT đầu ra tính theo mức thuế suất 5% trong khi máy móc, thiết bị, sắt, thép, nguyên vật liệu khác, điện, nước sản xuất... đầu vào chịu thuế GTGT với mức thuế suất 10% nên những DN này cơ bản được hoàn thuế GTGT.

Trong khi đó, với phương án 2, Bộ Tài chính đề xuất chuyển phân bón, tàu đánh bắt xa bờ và máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất phổ thông 10%. Phương án này khiến giá cả phân bón, tàu đánh bắt xa bờ, máy cày, máy bừa, máy cấy, máy gieo hạt, máy tuốt lúa, máy gặt, máy gặt đập liên hợp, máy thu hoạch sản phẩm nông nghiệp, máy hoặc bình bơm thuốc trừ sâu tăng lên do phải trả thuế GTGT (tăng thêm 5% khi mua sản phẩm, hàng hóa này). Số thu NSNN tăng nhưng DN sản xuất, lắp ráp và người nông dân đều không được hưởng lợi trực tiếp.

Cũng liên quan đến việc bổ sung đối tượng không chịu thuế, tại khoản 6 Điều 5 Luật Thuế GTGT hiện hành quy định “Chuyển quyền sử dụng đất” thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Trong khi đó, tại điểm h khoản 1 Điều 7 Luật Thuế GTGT quy định giá tính thuế GTGT: “Đối với hoạt động kinh doanh bất động sản là giá bán bất động sản chưa có thuế GTGT, trừ giá chuyển quyền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất phải nộp ngân sách nhà nước”. Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong thực hiện, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi bỏ quy định về chuyển quyền sử dụng đất không chịu thuế GTGT để chuyển sang chịu thuế GTGT với mức thuế suất thông thường 10% và sửa đổi bỏ quy định giá tính thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh bất động sản được trừ giá chuyển quyền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất phải nộp ngân sách nhà nước tại điểm h khoản 1 Điều 7 Luật Thuế GTGT.

Thuế suất thuế GTGT

- Về thuế suất 5%

Luật Thuế GTGT hiện hành quy định 14 nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 5%, nhưng trong quá trình thực hiện, có phát sinh một số vướng mắc. Để bảo đảm minh bạch, bảo đảm quyền lợi của DN và bình đẳng trong kinh doanh, Bộ Tài chính đề nghị bỏ điểm a khoản 2 Điều 8 quy định về nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt áp dụng thuế suất 5% để chuyển sang áp dụng mức thuế suất 10%; Sửa đổi, bổ sung điểm e khoản 2 Điều 8 Luật thuế GTGT như sau:Mủ cao su sơ chế; nhựa thông sơ chế”.

Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể những máy móc, thiết bị, dụng cụ chỉ sử dụng được trong y tế, giáo dục được áp dụng mức thuế suất 5% trong Luật, cụ thể: “Máy nội soi, máy siêu âm, máy chụp X-quang, máy chụp cộng hưởng từ, máy chụp cắt lớp; máy móc, thiết bị, dụng cụ dùng để khám, gây mê, mổ, khâu, băng, bó, tiêm, hô hấp; bông, băng vệ sinh y tế; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh; sản phẩm hóa dược, dược liệu là nguyên liệu sản xuất thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”. Các loại thiết bị, dụng cụ không chỉ dùng cho y tế mà còn sử dụng cho nhiều mục đích khác chuyển sang áp dụng mức thuế suất 10%.

Giữ quy định “Giáo cụ dùng để giảng dạy và học tập, bao gồm các loại mô hình, hình vẽ, bảng, phấn, thước kẻ, com-pa;” thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% và chuyển các loại thiết bị, dụng cụ không chỉ dùng cho giảng dạy, nghiên cứu, thí nghiệm khoa học mà còn dùng trong nhiều lĩnh vực khác sang áp dụng mức thuế suất 10%.

Bỏ điểm n khoản 2 Điều 8 quy định về hoạt động văn hoá, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành và chiếu phim được áp dụng thuế suất 5% để chuyển sang áp dụng 10%. Chuyển sách các loại sang áp dụng mức thuế suất thông thường, trừ sách không chịu thuế GTGT quy định tại khoản 15 Điều 5 Luật Thuế GTGT. Đồng thời, đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ còn lại đề nghị tăng lên mức 6% kể từ ngày 01/01/2019 theo nguyên tắc bằng 50% mức thuế suất 12%.

- Về thuế suất 10%

Khoản 3 Điều 8 Luật thuế GTGT hiện hành quy định mức thuế suất thông thường là 10%. Để thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội và Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời phù hợp với thông lệ và xu hướng cải cách thuế GTGT quốc tế, Bộ Tài chính đề xuất nâng mức thuế suất 10% theo một trong hai phương án sau: Tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 01/01/2019 hoặc tăng theo lộ trình lên 12% kể từ ngày 01/01/2019 và 14% từ ngày 01/01/2021.

Điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào

Từ ngày 01/01/2009, theo quy định của Luật thuế GTGT thì một trong những điều kiện để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào là có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ hàng hóa, dịch vụ mua từng lần có giá trị dưới 20 triệu đồng. Để tiếp tục thực hiện Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 và góp phần minh bạch hóa các giao dịch mua bán của DN, Bộ Tài chính đề nghị quy định điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào là có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ hàng hóa, dịch vụ mua từng lần từ mức dưới 20 triệu đồng xuống mức dưới 10 triệu đồng. Đồng thời, đề nghị sửa quy định tương ứng tại Luật Thuế TNDN.

Hoàn thuế GTGT

- Về hoàn thuế đối với trường hợp có số thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết lũy kế 12 tháng hoặc 04 quý liên tục

Thực tế cho thấy vẫn còn một số trường hợp số thuế GTGT đầu vào lớn hơn số thuế GTGT đầu ra và qua nhiều kỳ vẫn chưa được khấu trừ hết như đối với trường hợp sản xuất hàng hóa, cơ sở kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% nhưng đầu vào chủ yếu thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10%. Đối với những trường hợp này, nếu không hoàn thuế GTGT thì số thuế GTGT đầu vào của DN phải tính vào chi phí nên sẽ gây khó khăn cho DN do phải ứng vốn để nộp thuế và không thực sự khuyến khích DN sản xuất, cung ứng hàng hóa dịch vụ chịu thuế suất 5%.

Do vậy, để phù hợp với bản chất của thuế GTGT và tạo thuận lợi cho các DN, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định DN sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 5% nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết sau 12 tháng hoặc 4 quý thì được hoàn thuế GTGT. Việc hoàn thuế này không áp dụng đối với cơ sở kinh doanh khâu thương mại; trường hợp vừa sản xuất, vừa kinh doanh khâu thương mại, cơ sở kinh doanh thực hiện hạch toán riêng để được hoàn thuế cho hàng hóa chịu thuế GTGT 5% cho cơ sở sản xuất.

- Về hoàn thuế đối với sản phẩm xuất khẩu chế biến từ tài nguyên, khoáng sản

Để tháo gỡ khó khăn cho DN, Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định “sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” không chịu thuế GTGT và bỏ quy định “Dự án đầu tư khai thác tài nguyên, khoáng sản được cấp phép từ ngày 01/7/2016 hoặc dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hàng hóa mà tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên theo dự án đầu tư” không được hoàn thuế GTGT.