Giải Nobel kinh tế 2013:

Những phát hiện phi thường từ sự kết hợp kỳ lạ

ThS. Nguyễn Thu Hiền

(Tài chính) Ngày 14/10/2013, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã quyết định trao giải thưởng Sveriges Riksbank Prize về kinh tế - giải thưởng vinh danh Nhà khoa học Alfred Nobel cho ba nhà khoa học người Mỹ, với công trình “Phân tích thực nghiệm về giá tài sản”. Nhóm tác giả của công trình này là các ông Eugene F. Fama, Đại học Chicago; ông Lars Peter Hansen, Đại học Chicago và ông Robert J. Shiller, Đại học Yale.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ngày 14/10/2013, các tờ báo lớn trên thế giới đều đồng loạt đưa tin: Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã quyết định trao giải thưởng Sveriges Riksbank Prize về kinh tế - giải thưởng vinh danh Nhà khoa học Alfred Nobel cho ba nhà khoa học Mỹ với công trình “Phân tích thực nghiệm về giá tài sản”. Nhóm tác giả của công trình này là các nhà khoa học của Trường đại học Chicago và Đại học Yale - là các trường Đại học danh tiếng của Mỹ.

Trao đổi với giới truyền thông, ông Peter Englund, giáo sư khoa Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế Stockholm, thành viên hội đồng xét thưởng, cho biết: “Nghiên cứu của họ đã ảnh hưởng sâu sắc tới lý thuyết thị trường tài chính hiện đại”.

Đưa tin về sự kiện này, hãng tin CNN đánh giá: “Nghiên cứu mang tính đột phá, giúp định hình lại cách thức mà các nhà kinh tế và giới đầu tư nhìn nhận về thị trường tài chính, đã giúp ba giáo sư người Mỹ đoạt giải. Nghiên cứu này đã đặt nền móng vững chắc cho tri thức hiện đại về định giá tài sản”.

Tờ Guardian cho rằng: “Đây là một quyết định đúng đắn, thực sự tạo nên một sự cải cách”. Dẫn lời báo New York Times, “công trình đoạt giải lấy cảm hứng từ sự phát triển của các quỹ đầu tư theo chỉ số và những bất cập trong quản lý tài chính thời gian gần đây”. Tờ Tribune, trong một bài xã luận chúc mừng các nhà khoa học đoạt giải đã viết: “Một sự kết hợp kỳ lạ đã tạo nên những phát hiện phi thường”.

Sự kết hợp kỳ lạ!

Eugene Fama, ở tuổi 74, nổi tiếng với Lý thuyết Thị trường Hiệu quả được xây dựng vào những năm 60 - 70 của thế kỷ trước. Theo ông, thị trường luôn chính xác. Thị trường luôn tính đến mọi thông tin sẵn có tại mọi thời điểm. Mọi thông tin mà nhà đầu tư có thể biết được về một loại cổ phiếu hay trái phiếu đều đã được phản ánh trong giá của chứng khoán đó. Trong khi, giá chứng khoán luôn phản ứng kịp thời với những thông tin mới xuất hiện. Do đó, việc dự đoán giá của chứng khoán trong ngắn hạn là thực hiện được.

Trong khi đó, Robert Shiller lại chính là nhà phản biện đối với lý thuyết của Fama. Robert Shiller đã tìm kiếm và thận trọng ghép nối những bằng chứng về sự bất hợp lý, những hành vi không hiệu quả của thị trường, nhờ đó đã dự đoán được sự sụt giảm của giá cổ phiếu vào năm 2000 và sự sụp đổ của thị trường nhà đất bắt đầu vào năm 2006.

Phát hiện lớn của Shiller đối lập với Fama khi ông cho rằng giá của cổ phiếu thường biến động nhanh hơn nhiều so với cổ tức. Công chúng đầu tư có thể không nhận ra khi giá tài sản đã tăng đến một mức tách rời khỏi các yếu tố cơ bản cấu thành nên giá của tài sản. Trong trường hợp cổ phiếu, đó chính là thông tin phản ánh trong giá của cổ phiếu. Khi đó, “bong bóng tài sản” hình thành và “đẩy chúng ta vào cuộc khủng hoảng tài chính trong năm năm qua” -  Shiller phát biểu trong bài phỏng vấn với hãng tin Reuters sau khi biết ông đã đoạt Giải Nobel.

Nhà khoa học đoạt giải thứ ba, Lars Peter Hansen, đã xây dựng một phương pháp thống kê kiểm nghiệm các mô hình kinh tế. Phương pháp thống kê của Hansen đặc biệt thích hợp để kiểm nghiệm giả thuyết về giá tài sản mà Fama và Shiller đã phát triển. Hansen đã giúp chỉ ra rằng các lý thuyết trước đây đều phải biến đổi rất nhiều mới có thể giải thích được giá tài sản.

Sự kết hợp của ba nhà khoa học trong một công trình nghiên cứu mang tính thực nghiệm cao đã hình thành một phương thức nghiên cứu giá tài sản mới. Phương thức nghiên cứu mới này được đánh giá sẽ trở thành công cụ tiêu chuẩn trong nghiên cứu khoa học về giá tài sản và định hướng cho việc phát triển lý thuyết về đầu tư chuyên nghiệp hay hành vi của nhà đầu tư có tổ chức trên thị trường tài chính. Phương thức này đã được nhóm nhà khoa học đoạt giải sử dụng để điều tra cơ sở dữ liệu cụ thể về giá cổ phiếu, trái phiếu và các loại tài sản khác.

Trên cơ sở đó, ba nhà khoa học đoạt giải đã phát hiện ra rằng “không có cách nào để dự đoán được liệu giá của cổ phiếu và trái phiếu sẽ tăng hay giảm trong một khoảng thời gian ngắn, vài ngày hay vài tuần, nhưng hoàn toàn có thể thấy trước được quá trình biến động trên diện rộng của giá các loại tài sản này trong một khoảng thời gian dài hơn, trong 3 hoặc 5 năm tới”. Phát hiện của họ được đánh giá là “vừa gây ngạc nhiên vừa gây mâu thuẫn”.

Việc ba nhà khoa học Fama, Shiller và Hansen đoạt giải Nobel Kinh tế năm nay được giới học giả, truyền thông đánh giá là “một sự pha trộn kỳ lạ”. Tờ Guardian cho rằng “Stockholm đã gửi đi một thông điệp hỗn hợp khi tuyên bố trao giải Nobel cho ba nhà kinh tế học năm nay”. Liệu đây có phải là một sự thỏa hiệp giữa những quan điểm trái chiều về lý thuyết thị trường tài chính? Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, sau giai đoạn đầy sóng gió của nền kinh tế, tài chính thế giới vừa qua, khi một số trụ cột của lý thuyết kinh tế dường như đang bị những cơn bão khủng hoảng tài chính cuốn đi, thì khó có thể tìm được bất kỳ công trình nào xứng đáng “đăng quang” hơn sự kết hợp của các nhà khoa học làm nên công trình được trao giải năm nay.

Khoa học kinh tế cần định hướng giải quyết vấn đề của thời đại

Một vấn đề khác được đặt ra là: Có hay không mối liên hệ giữa những vấn đề nổi trội về kinh tế trong từng giai đoạn với việc trao giải thưởng danh giá này cho các công trình về khoa học kinh tế? Một số nhà phân tích đặt dấu hỏi về việc liệu Giải Nobel về kinh tế năm nay được trao cho công trình về định giá tài sản có liên quan gì đến những mối lo ngại còn hiện hữu về khủng hoảng tài chính toàn cầu?

Thống kê cho thấy, giai đoạn 1969 - 1976, các công trình đoạt giải đều có những cống hiến trong phát triển các học thuyết kinh tế, đặt nền móng cho việc xây dựng phương pháp luận về nghiên cứu khoa học kinh tế. Giai đoạn 1977 - 1985, các công trình đoạt giải tập trung vào lý luận về kinh tế phát triển, chu kỳ kinh tế, các vấn đề trong xây dựng và áp dụng chính sách tài chính, tiền tệ, việc làm.

Giai đoạn 1986 - 1995, các vấn đề về tăng trưởng kinh tế và phát hiện các phương pháp phân tích kinh tế dường như được quan tâm nhiều hơn, thể hiện ở việc nhiều công trình đoạt giải xoay quanh các lý thuyết kinh tế mới như lý thuyết trò chơi, ứng dụng lý thuyết về xác suất, kinh tế lượng trong phân tích kinh tế. Trong giai đoạn này, có một số công trình đoạt giải đề cập đến những vấn đề cụ thể của các thị trường, ví dụ như thị trường tài chính, thị trường lao động... Có thể kể đến công trình đoạt giải năm 1990 của William Forsyth Sharpe (Mỹ) đã đặt nền móng cho lý thuyết kinh tế tài chính về cơ cấu tài sản an toàn. Đây là lần đầu tiên một công trình nghiên cứu về tài chính, cụ thể là về cơ cấu tài sản được trao giải thưởng danh giá này.

Sang giai đoạn 1996 đến nay, các công trình đoạt giải có xu hướng đề cập đến các vấn đề cụ thể của kinh tế vĩ mô, của các thị trường cụ thể. Vấn đề thông tin bất cân xứng (asymmetric information) được các nhà khoa học nghiên cứu và có những phát hiện lớn, thể hiện ở hai công trình đoạt giải năm 1996 và 2001. Nghiên cứu và phát hiện về các vấn đề của chính sách tiền tệ, tài chính, tỷ giá hối đoái, chính sách thương mại và kinh tế vĩ mô tiếp tục được phát triển trong các công trình đoạt giải trong giai đoạn này. Liên quan đến định giá tài sản, công trình đầu tiên được trao giải vào năm 1997 cho phát hiện phương pháp mới trong định giá công cụ phái sinh.

Như vậy, giai đoạn 1969 - 1976, vấn đề nổi trội được quan tâm trong lĩnh vực kinh tế là việc phát triển các học thuyết kinh tế và tìm kiếm các phương pháp luận mới trong nghiên cứu khoa học kinh tế. Giai đoạn 1986 - 1995 là vấn đề tăng trưởng kinh tế, chu kỳ kinh tế và ứng dụng các lý thuyết mới vào khoa học kinh tế. Các công trình đoạt giải đều tập trung giải quyết những vấn đề “thời đại”.

Trong 5 năm qua, cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ toàn cầu đã có tác động không nhỏ đến sự phát triển của nền kinh tế các nước, làm “dấy lên những hoài nghi” trong công chúng đầu tư về những lý thuyết xưa nay vẫn ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của họ.

Fama, người tuyên bố “thị trường là hiệu quả, giá cổ phiếu đã phản ánh đầy đủ thông tin trên thị trường”, và do đó, giá tài sản là dự đoán được. Shiller lại là người phản biện học thuyết này bằng việc sử dụng lý thuyết tài chính hành vi, khẳng định giá chứng khoán không thể dự đoán được trong ngắn hạn. Ông đã viết một cuốn sách được coi là “tiên tri”, xuất bản năm 2000, về “bong bóng” thị trường chứng khoán, và sau đó tiếp tục “tiên đoán” với một ấn bản thứ hai trong năm 2005, với dự báo về “bong bóng” trên thị trường nhà đất.

Trao giải cho Shiller, dường như, Hội đồng giải thường mong muốn tôn vinh kinh tế học thực nghiệm, hy vọng giúp đối phó được với cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay. Fama và Hansen cũng được trao giải, điều này thể hiện sự thống nhất giữa các học thuyết đã được tin tưởng bấy lâu với các phương pháp mới được phát triển của khoa học kinh tế.

Có thể còn nhiều ý kiến tranh cãi, cho rằng lý thuyết thị trường hiệu quả của Fama biện minh cho phương thức tiếp cận thị trường tự do “có thể là nguyên nhân đẩy chúng ta vào cuộc khủng hoảng” (theo một học giả theo phái không ủng hộ giải Nobel). Mặt khác, lý thuyết kinh tế học hành vi của Shiller chưa thể đưa ra được lý thuyết mới và phương thức hiệu quả để giải quyết khủng hoảng hệ thống.

Giải Nobel về kinh tế, bên cạnh giá trị đóng góp to lớn cho sự tiến triển của tư duy kinh tế học, còn góp phần giải quyết những vấn đề nổi cộm của thế giới hiện thực. Công trình có giá trị thực tiễn cao, giúp giải quyết những “bài toán hóc búa cụ thể”, như vấn đề dự báo và đối phó với khủng hoảng tài chính.

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển khi khen ngợi nghiên cứu của các nhà kinh tế đoạt giải, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm ra phương thức nghiên cứu mới về giá tài sản. Viện này cho rằng “việc định giá tài sản sai có thể đẩy nhân loại vào cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu như gần đây, gây tổn hại nghiêm trọng tới nền kinh tế thế giới”.

Không chỉ dừng ở việc định hướng cho sự phát triển về lý thuyết của khoa học kinh tế, rõ ràng, “vấn đề thời đại” đã đặt ra yêu cầu thực tiễn cho các công trình nghiên cứu khoa học kinh tế. Cụ thể đối với công trình đoạt giải năm nay, đó là “định hướng thực hành cho đầu tư chuyên nghiệp”.