Những vấn đề đặt ra về phân loại trước đối với hàng hóa XNK tại Thông tư 128/2013/TT-BTC

Phạm Hoàng Hưng - Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích phân loại hàng hóa xuất nhập cảnh TP. Hồ Chí Minh

(Tài chính) Thông tư 128/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính có quy định về xác định trước mã số hàng hóa, trị giá Hải quan và xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu. Trong đó đáng lưu ý là quy định về phân loại trước đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quy định tại Điều 7 của Thông tư 128/2013/TT-BTC.

Việc phân loại trước không phải là một vấn đề mới vì đã được nêu tại Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11 của Thông tư số 49/2010/TT-BTC ngày 12/4/2010. Tuy nhiên, điều cần nói là tính hiệu quả của văn bản liệu có đáp ứng được việc hỗ trợ trong kinh doanh của các doanh nghiệp và đảm bảo được công tác cải tiến thủ tục hành chính – xu thế tất yếu đòi hỏi ở ngành Hải quan trong quá trình đổi mới hay không?

So sánh giữa Thông tư 49/2010/TT-BTC và Thông tư 128/2013/TT-BTC thấy một số vấn đề sau:

 Những vấn đề đặt ra về phân loại trước đối với hàng hóa XNK tại Thông tư 128/2013/TT-BTC - Ảnh 1

Như vậy, việc cơ quan Hải quan phải ban hành các phán quyết mang tính pháp lý (Thông báo kết quả xác định trước mã số) theo yêu cầu của bên có liên quan (doanh nghiệp) sẽ được nằm trong khung “90 ngày” với điều kiện “trước khi ký hợp đồng xuất khẩu hoặc nhập khẩu.

Trong thực tế, việc này không đáp ứng được tiến độ nghiên cứu thị trường và tính toán lợi nhuận của doanh nghiệp vì  khi đã ký hợp đồng là mọi việc đã chắc chắn khi tham gia các giao dịch thương mại.

Qua làm việc với Hải quan Hàn Quốc được biết, phân tích phân loại trước là “dịch vụ hải quan” nhằm đáp ứng theo đề nghị của doanh nghiệp và không cần phải nộp hồ sơ qua các chi cục hải quan (hàng hóa chưa xuất hoặc nhập khẩu về cửa khẩu), chưa phải ký hợp đồng thương mại mà nộp trực tiếp đến Phòng thí nghiệm và dịch vụ phân tích. Khi nhận được Thông báo kết quả phân loại trước thì sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp: Tự khai báo đúng mã số thuế;

Tính toán được lợi nhuận; Cân nhắc có nên nhập khẩu trong môi trường cạnh tranh; Giảm bớt được thời gian làm thủ tục Hải quan.

Có 2 trường hợp đề nghị phân loại trước sẽ có thời hạn ra Thông báo kết quả như sau: Khẩn cấp: 15 ngày; Bình thường 30 ngày.

“Phân loại trước” của cơ quan Hải quan sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và cả lợi ích cho cơ quan Hải quan trong việc xây dựng quan hệ đối tác hợp tác và đồng hành cùng doanh nghiệp dựa trên cơ sở tuân thủ cung cầu hợp lý, tiết kiệm được thời gian và không phải theo đuổi các vụ việc khiếu nại, kiện tụng ra tòa hành chính.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), việc quyết định phân loại chính xác là trách nhiệm của doanh nghiệp, còn Hải quan vẫn có quyền xem xét và đưa ra quyết định phân loại cuối cùng của hàng hóa.

Phân loại trước là một thủ tục của phân loại mà có thể thực hiện hoặc hoàn thành trước khi nhập hoặc xuất khẩu hàng hóa. Việc này Thông tư 128/2013/TT-BTC không đáp ứng được. Việc phân loại trước một mặt hàng mới do cơ quan Hải quan thông báo sẽ là nguồn thông tin cho doanh nghiệp muốn nhập khẩu.

Muốn đạt được như vậy thì rất cần có một đội ngũ chuyên viên được đào tạo chuyên ngành kỹ thuật, có khả năng đọc và hiểu chú giải chi tiết HS để có những bước đi vững vàng trong công tác phân loại. Số lượng chuyên gia có khả năng ra được những thông tin phân loại bắt buộc nên được giới hạn để đảm bảo chất lượng phân loại. Các chuyên gia này sẽ được phát huy năng lực của mình khi được công nhận là “Giám định viên tư pháp về phân loại”.

Mục đích của cơ quan Hải quan là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hiểu và khuyến khích phân loại trước vì: Giúp cho việc kiểm tra hàng hóa được nhanh chóng; Kiềm chế gian lận thương mại thông qua quản lý rủi ro; Giúp cho Hải quan thu đủ, thu đúng các loại thuế (không thất thu thuế); Tạo điều kiện cho giao dịch thương mại.