Những vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo

Ths. Nguyễn Hoàng Hưng - Văn phòng Luật sư An Phát Phạm

Mặc dù, pháp luật hiện hành có quy định cho phép tổ chức tín dụng (TCTD) được nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm. Nhưng, trên thực tế việc áp dụng phương thức xử lý tài sản này gặp rất nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn đó là pháp luật chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục nhận và đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm.

Những vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hiện, các TCTD đang xử lý nhiều khoản nợ quá hạn khi khách hàng vay vốn có tài sản bảo đảm của chính khách hàng hoặc của bên thứ ba bảo đảm cho khách hàng vay vốn. Pháp luật cho phép TCTD xử lý tài sản bảo đảm của khách hàng để thu hồi nợ. Thông thường, phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận là TCTD nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế nghĩa vụ của bên bảo đảm…

Theo quy định tại Điều 59 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm thì TCTD có quyền áp dụng một trong các phương thức sau đây để xử lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận: Bán tài sản bảo đảm; Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm; Bên nhận bảo đảm nhận các khoản tiền hoặc tài sản khác từ người thứ ba trong trường hợp thế chấp quyền đòi nợ…

Mặc dù, pháp luật hiện hành có quy định cho phép TCTD được nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm. Nhưng, trên thực tế việc áp dụng phương thức xử lý tài sản này gặp rất nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn đó là pháp luật chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục nhận và đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm.

Trong quá trình xử lý nợ khách hàng, bên bảo đảm đồng ý giao tài sản cho NHTM để ngân hàng nhận chính tài sản bảo đảm thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP và khoản 1 Điều 18 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP.

Tuy nhiên, TCTD vẫn gặp khó khăn, vướng mắc trong việc nhận tài sản bảo đảm đối với trường hợp này vì trình tự, thủ tục nhận tài sản bảo đảm thay thế cho nghĩa vụ của bên bảo đảm, văn bản pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể như: TCTD có phải ký hợp đồng chuyển nhượng tài sản bảo đảm với bên bảo đảm hay không? Có cần chứng nhận của cơ quan công chứng hay chỉ cần văn bản thỏa thuận giữa TCTD và bên bảo đảm có nội dung bên bảo đảm đồng ý giao tài sản bảo đảm theo giá đã được TCTD và bên bảo đảm thỏa thuận để TCTD nhận và trừ khoản nợ của bên bảo đảm.

Ngoài ra, việc đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản bảo đảm mà TCTD đã nhận của khách hàng còn có những vướng mắc cụ thể như: Khách hàng vay vốn hoặc bên bảo đảm đồng ý bàn giao cho TCTD quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (đã thế chấp cho TCTD theo đúng quy định của pháp luật) để TCTD nhận thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm.

Tuy nhiên, tham khảo tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Văn phòng đăng ký đất và nhà) về việc đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản thì cơ quan này yêu cầu TCTD phải có hợp đồng chuyển nhượng tài sản giữa bên bảo đảm với TCTD, có chứng nhận của cơ quan công chứng thì cơ quan này mới đăng ký quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho TCTD.

Trong khi, theo quy định tại khoản 2 Điều 70 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ thì thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm được thực hiện theo quy định của pháp luật về đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản.

Trong trường hợp pháp luật quy định việc chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản phải có sự đồng ý bằng văn bản của chủ sở hữu, hợp đồng mua bán tài sản giữa chủ sở hữu tài sản hoặc người phải thi hành án với người mua tài sản về việc xử lý tài sản bảo đảm thì hợp đồng cầm cố tài sản, hợp đồng thế chấp tài sản được dùng để thay thế cho các loại giấy tờ này.

Bên cạnh, tại khoản 3 Điều 18 (Bổ sung Điều 64b) Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/2/2012 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm cũng quy định bên nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ phải xuất trình văn bản chứng minh quyền được xử lý tài sản bảo đảm và kết quả xử lý tài sản bảo đảm cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm.

Đối chiếu với những quy định pháp luật trên thì TCTD chỉ cần xuất trình Hợp đồng thế chấp tài sản giữa khách hàng, bên bảo đảm với TCTD đã được cơ quan công chứng chứng nhận, văn bản thỏa thuận giữa TCTD với khách hàng về việc TCTD nhận tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm và kết quả xử lý tài sản bảo đảm cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm.

Tuy nhiên, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền lại yêu cầu TCTD phải có hợp đồng chuyển nhượng tài sản bảo đảm thì mới thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm mà TCTD đã nhận của khách hàng... Do những vướng mắc trong việc đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản bảo đảm nên nhiều TCTD còn e ngại khi áp dụng phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo hình thức “Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm”…