Nợ xấu là gánh nặng hay khoản đầu tư?

Theo infonet.vn

(Tài chính) Nợ xấu đã là gánh nặng đối với nền kinh tế Việt Nam. Và nếu biết biến gánh nặng đó thành khoản đầu tư thông qua thị trường mua bán nợ thì sẽ giải quyết được nhiều vấn đề.

Nợ xấu là gánh nặng hay khoản đầu tư?
Nợ xấu đã là gánh nặng đối với nền kinh tế Việt Nam. Nguồn: internet

Nợ xấu không phải là chuyện của riêng Việt Nam, mà các nước trên thế giới đều phải đối mặt, nhưng ở những mức độ khác nhau. Theo bài viết “Mắc kẹt trong bẫy tín dụng”, có một vài lý do giải thích cho việc tăng trưởng và sản lượng sụt giảm, một lý do quan trọng là nợ.

Nợ tạo ra một vòng luẩn quẩn: nợ cao dẫn đến tăng trưởng thấp và sau đó tăng trưởng thấp khiến nợ tiếp tục tăng lên. Vậy khi nợ cao, chắc chắn nợ xấu cũng sẽ không hề nhỏ, nợ tăng lên thì nợ xấu không thể không gia tăng.Nên, muốn tăng trưởng thì phải đánh đổi với nợ, nhưng không vì thế mà không thể kiểm soát được khoản nợ xấu xuất hiện.Đồng thời, ý thức về tầm nguy hại của nợ xấu đối với ổn định tài chính thì cơ quan quản lý sẽ có những đối sách quản trị chủ động cho vấn đề này.

Nhóm tác giả Ralph De Haas và Stephan Knobloch trong bài viết “trỗi dậy của cuộc khủng hoảng – đối phó với nợ “đau khổ” (distressed debt)”, cho rằng có ba nguyên nhân gây ra nợ xấu trong ngân hàng: thứ nhất, tăng trưởng tín dụng nhanh và tài trợ vốn với giá rẻ; thứ hai, hạ chuẩn vay ở nhiều ngân hàng đối với khách hàng; thứ ba, chiếm phần lớn, là sự phụ thuộc quá nhiều vào bất động sản (khi làm tài sản bảo đảm hoặc tài trợ vốn quá nhiều vào lĩnh vực bất động sản) và kỳ vọng giá trị bất động sản sẽ tiếp tục gia tăng nhanh chóng.

Khi đối diện với cả ba nguyên nhân này, nợ xấu thực sự là một gánh nặng của hệ thống tài chính quốc gia.Và rủi thay, cả ba nguyên nhân trên đều thể hiện ở Việt Nam.

Cũng trong bài nghiên cứu, sự giảm giá sâu của thị trường bất động sản tương quan thuận với tỷ lệ nợ xấu gia tăng. Nhiều quốc gia có tỷ lệ gia tăng nợ xấu nhanh chóng và trên hai con số như : Kazakhstan, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 5,1% vào 2008 lên 34,7% 2009, và thị trường bất động sản giảm giá trên 55%; Ukraine (GDP 177 tỷ USD, có quy mô nền kinh tế tương đương Việt Nam), tỷ lệ nợ xấu tăng từ hơn 4% năm 2008 lên 30%; Latvia năm 2009 lên gần 15%...; hay giai đoạn 1998 – 1999 ở Đông Á, nợ xấu của Thái Lan lên đến 48%, Indonesia 36%, Hàn quốc 36%, Nhật 35%, Singapore 8%...thì bất động sản cũng đóng băng.

Còn ở Việt Nam, chưa có nghiên cứu về sự tương quan này giữa nợ xấu và sự giảm giá của bất động sản. Nhưng theo quan sát, nhiều năm liền thị trường bất động sản đóng băng thì cũng chính là lúc bài toán nợ xấu ngày càng nghiêm trọng và khó giải quyết hơn bao giờ hết.

Lúc này đây, thật sự, nợ xấu là vấn đề nghiêm trọng đối với các quốc gia trên nên không thể không xử lý. Vậy, xử lý nợ xấu có bao nhiêu cách?

Tựu chung lại, có ba cách xử lý nợ xấu: phương pháp phi tập trung, phương pháp bán tập trung và phương pháp tập trung.

- Phương pháp phi tập trung. Các ngân hàng có quyền định đoạt số phận từng khách hàng thông qua hợp thức hóa quyền quản lý và sở hữu các tài sản của món nợ. Đồng thời, ngân hàng sẽ có những đối sách cụ thể với từng khách hàng về các quyết định cơ cấu lại khoản vay hoặc hỗ trợ tài chính tiếp tục. Lúc này, chính phủ và cơ quan quản lý tạo môi trường pháp lý thông thoáng để ngân hàng và khách hàng nợ tự thỏa thuận bằng hệ thống tòa án sẵn sàng lẫn hướng dẫn chi tiết về luật phá sản hiện thời.

Hoặc các ngân hàng tập trung các khoản nợ có sự tương đồng và thiết lập những đồng thuận chung mang tính nguyên tắc rồi trao quyền cho một ngân hàng đầu mối. Ngân hàng đầu mối này sẽ thực hiện công tác xử lý các khoản nợ xấu của nhiều khoản nợ tương đồng nhau.

Như vậy, cách thức này cho phép một tỷ lệ tương đối lớn các doanh nghiệp đươc cơ cấu tài chính để tiếp tục hoạt động hoặc tiến đến phá sản đồng bộ có kiểm soát của ngân hàng đầu mối nếu cần thiết. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ khả thi khi số lượng nợ xấu và tài sản xử lý không lớn lắm hoặc sự ổn định tài chính chưa bị đe dọa nhiều bởi nợ xấu. Có thể khẳng định, giai đoạn tiền khủng hoảng thì phương pháp trên rất khả thi.

- Phương pháp bán tập trung. Với cách tiếp cận này, chính phủ và cơ quan quản lý trực tiếp tác động vào hệ thống ngân hàng thông qua bóc tách các khoản nợ xấu thành một “bad bank” với vốn chủ sở hữu của cổ đông hoặc có sự tham gia một phần của chính phủ. Đây là cách mà Thụy Điển đã sử dụng vào đầu năm 1990, hầu hết các ngân hàng lớn của Thụy Điển đều thành lập “bad bank” của riêng mình. Việc thành lập diễn ra nhanh chóng, đồng thời hoạt động chuyển giao nợ xấu được định giá ở mức thấp với sự cân bằng bởi vốn chủ sở hữu của cổ đông hoặc có phần vốn góp của chính phủ Thụy Điển.

Ngân hàng “bad bank” có nhiệm vụ quản lý và xử lý các tài sản xấu trong bảng cân đối kế toán. Điều này cũng đồng nghĩa, cổ đông là người thiệt hại chính do những gì ngân hàng gây ra và chính phủ cũng chỉ hỗ trợ một phần nào. Tuy nhiên, không có nghĩa là các “bad bank” này không tốt lên khi tài sản được xử lý, kinh tế phục hồi, sự tăng giá của bất động sản…Phương pháp trên chỉ tối ưu cho các trường hợp can thiệp sớm để ổn định tài chính và giai đoạn tiền khủng hoảng. Bên cạnh đó, đa phần các khoản nợ xấu này thường gắn liền với bất động sản. Nếu nhiều khoản nợ nhỏ lẻ có thể khó áp dụng cách tiếp cận bán tập trung.

- Phương pháp tập trung. Chính phủ và cơ quan quản lý liên quan sẽ tiến hành xử lý nợ xấu thông qua việc thiết lập công ty quản lý tài sản cấp quốc gia với vốn nhà nước (AMC). Đây là cách được nhiều nước Châu Á lựa chọn khi xử lý nợ xấu của cuộc khủng hoảng 1997-1998. Theo bài nghiên cứu của B.Fund “ Công ty quản lý tài sản ở Đông Á” , mô hình tập trung quản lý nợ xấu bởi loại hình công ty trên khá thành công.

Ở Trung quốc, Indonesia, Hàn quốc, Nhật bản, Malaysia và Thái Lan, công ty AMC quốc gia đã loại bỏ đáng kể nợ xấu ra khỏi hệ thống ngân hàng và sau đó hồi phục đến 50% giá trị các tài sản này. Nhược điểm của phương pháp này sẽ bộc rõ khi công ty AMC quốc gia xử lý nợ xấu của số lượng lớn các doanh nghiệp nhỏ. Đồng thời chất lượng nguồn nhân lực và trình độ chuyên môn của các nhân viên trong công ty quản lý tài sản AMC là một vấn đề lớn.

Đối với cách tiếp cận phương pháp tập trung thì ban đầu chính phủ và cơ quan quản lý liên quan của các quốc gia đều hướng đến xử lý nợ xấu để tránh sự bất ổn tài chính. Và sau đó, tiến hành thiết lập một thị trường mua bán nợ vận hành theo nguyên tắc thị trường. Hàng hóa giao dịch trên thị trường này không chỉ là nợ xấu ngân hàng mà còn nợ ngân hàng (có thể nợ còn trong hạn), các khoản phải thu của doanh nghiệp, thương phiếu, chứng khoán hóa các khoản vay…Lúc này, nợ - đặc biệt là nợ xấu ngân hàng trở thành một khoản đầu tư béo bở của các Quỹ đầu tư.

Nợ xấu và Việt Nam

Không biết con số chính xác của nợ xấu là bao nhiêu nhưng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã rất quyết liệt đối với bài toàn nợ xấu. Họ đã đi đúng hướng khi tiếp cận bằng phương pháp tập trung thông qua thành lập công ty VAMC, nhưng cách thực hiện còn nhiều vướng víu. Cho đến nay, thật sự, nợ xấu đã là gánh nặng đối với nền kinh tế Việt Nam. Và nếu biết biến gánh nặng đó thành khoản đầu tư thông qua thị trường mua bán nợ thì sẽ giải quyết được nhiều vấn đề. Trước hết, gánh nặng vẫn là gánh nặng, NHNN phải cùng hệ thống ngân hàng tiến hành xử lý. Vậy xử lý như thế nào?

Thứ nhất, bóc tách nợ xấu ra khỏi hệ thống ngân hàng. NHNN đã thực hiện thành công thông qua trích lập dự phòng ở mỗi ngân hàng và chuyển nợ xấu đổi trái phiếu đặc biệt qua cho công ty VAMC. Bên cạnh đó, NHNN cũng đã chỉ đạo sát sao về nâng chất lượng tín dụng và phối hợp với các bộ ngành thực hiện “rã đông” thị trường bất động sản. Hiện nay, Moody’s đã đánh giá chất lượng tín dụng Việt Nam đã cải thiện.Nhưng thị trường bất động sản còn chưa khả quan.

Thứ hai, xử lý nợ xấu thông qua VAMC bằng “cách rất riêng của Việt Nam”. Nhóm các doanh nghiệp lớn tương đồng và xếp hạng theo ưu tiên cơ cấu tài chính. Theo cách tiếp cận phi tập trung, ngân hàng đầu mối sẽ tiếp tục cơ cấu tài chính bằng hỗ trợ vốn để doanh nghiệp doanh trì hoạt động với sự kiểm soát cao độ. Vậy liệu VAMC có thể kêu gọi hỗ trợ hoặc tự thực hiện để vực dậy nhóm doanh nghiệp có khả năng phục hồi? Còn những doanh nghiệp còn lại có thể tiến hành thủ tục phá sản hoặc phát mãi tài sản bảo đảm thu hồi nợ. Như vậy, một mặt chính phủ cần rà soát và yêu cầu để hoàn thiện luật phá sản phù hợp bối cảnh hiện tại, mặt khác chuẩn bị chu đáo hệ thống tòa án (theo cách mà nhiều quốc gia đã làm). Đồng thời trao thêm quyền và vốn cho VAMC.

Thứ ba, nguyên tắc “ai làm thì người đó phải chịu”. Với cách làm của Thụy Điển, nợ xấu phải được chịu trách nhiệm chính bởi cổ đông. Chính phủ chỉ hỗ trợ (có hỗ trợ thông qua góp vốn vào vài “bad bank” lớn và biến nợ xấu này thành tài sản sinh lời trong tương lai.

Thứ tư, nợ xấu từ thị trường mà ra, nên cũng phải trao lại cho thị trường. VAMC phải tiến tới là người quản lý, điều hành và nhà tạo lập trên thị trường mua bán nợ. Một sân chơi chung với nguyên tắc thị trường, có người mua lẫn người bán. Bởi chắc chắn, sẽ có nhà đầu tư đánh giá cao khoản nợ xấu đó với nhiều kỳ vọng như thị trường bất động sản sẽ phụ hồi, kinh tế Việt Nam sẽ khởi sắc, chuyển đổi thành chủ sở hữu công ty…Và tất nhiên, hàng hóa là nợ phải được định giá theo nguyên tắc thị trường. Nhiều quốc gia đã hình thành thị trường này với sự giao dịch sôi nổi, chắc chắn Việt Nam cũng sẽ làm được.

Ngoài ra, có nhiều quốc gia có chính sách cắt giảm thuế cho xử lý nợ như một “củ cà rốt” để thuyết phục các ngân hàng đối phó nhanh chóng với các khoản nợ xấu.

Tác giả tin rằng, nếu thị trường mua bán nợ được thành lập và thuyết phục được “nợ xấu là một khoản đầu tư” thì chắc chắn nguồn lực trong nước (chưa kể nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các Quỹ “distressed debt”) mong muốn đầu tư không phải là ít.