Nội lực kinh tế phải mạnh lên

Theo daibieunhandan.vn

Nhiều tổ chức và chuyên gia kinh tế dự báo, năm 2017, kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn: Anh rời EU, Mỹ không tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), chủ nghĩa bảo hộ quay trở lại, đồng đô la Mỹ mạnh lên trong khi tiền của các nước khác yếu đi… Thương mại, đầu tư của thế giới vì vậy sẽ suy giảm và tác động đến kinh tế nước ta. Điều này đòi hỏi nội lực của chúng ta phải mạnh lên để có thể ứng phó nhanh nhạy.

Năm 2017 Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng  6,7%, lạm phát 4%.. Nguồn: internet.
Năm 2017 Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, lạm phát 4%.. Nguồn: internet.

Không dễ dàng

Theo nhận định của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), bên cạnh những vấn đề nội tại, cố hữu của nền kinh tế trong nước, tình hình kinh tế thế giới đầy bất trắc sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới Việt Nam.

Thứ nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cơ bản, đồng thời gợi mở khả năng sẽ có 3 đợt tăng lãi suất trong năm 2017. Động thái này không chỉ tác động tới nền kinh tế Mỹ mà còn tới kinh tế toàn cầu, mà thay đổi rõ rệt nhất là sự lên giá của đồng USD.

Đồng Việt Nam (hiện vẫn được neo giữ với USD) sẽ có xu hướng tăng giá thực so với các đồng tiền còn lại. Điều này có thể gây ra những tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu và làm trầm trọng hơn tình trạng thâm hụt cán cân thương mại. 

Thứ hai, Việt Nam có thể phải tăng lãi suất tiền gửi để giúp giữ giá trị đồng Việt và giữ tiền trong hệ thống ngân hàng, khi đồng USD tăng giá. 

Thứ ba, việc các nước xuất khẩu dầu đạt được đồng thuận về việc cắt giảm sản lượng khai thác kể từ tháng 1.2017 có thể đẩy giá dầu tăng trở lại. Mặc dù điều này có lợi cho ngân sách nước ta, nhưng đồng thời tạo sức ép lên lạm phát - vốn đã nhích lên trong thời gian gần đây do giá các nhóm dịch vụ công điều chỉnh giá. 

Cuối cùng, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump phản đối ký kết TPP có thể khiến làn sóng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam suy giảm.

TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng, thế giới chưa bao giờ đứng trước sự bất định như hiện nay. “Năm 2017 không dễ dàng”, ông nói. “Vì vậy, nội lực của chúng ta phải mạnh lên, phải chuẩn bị nhiều phương án và phản ứng nhanh nhạy để hạn chế thiệt hại, nắm bắt cơ hội…”.  

Cải cách tốt hơn

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại nhìn nhận: Thế giới đang trong quá trình chuyển đổi chính sách chưa có tiền lệ. Đây là điều nguy hiểm, tính bất định rất cao. Theo đó, kinh tế Việt Nam vừa có động lực, vừa có lực cản. Động lực là tín hiệu cải thiện môi trường kinh doanh, mặc dù chưa được như mong muốn nhưng bước đầu tạo ra sức bật cho khu vực tư nhân.

Tầng lớp trung lưu phát triển nhanh, dự báo sẽ có 33 triệu người vào năm 2020, kích thích nhu cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất. Việc dịch chuyển sang các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao đang tăng nhanh. Bên cạnh đó là những lực cản. “Nợ xấu làm cho không gian chính sách bị hạn chế.

Đầu tư công hạn chế. Lãi suất có thể tăng do lạm phát cao hơn. Giá dầu tăng kéo theo thu ngân sách tăng nhưng VNĐ mất giá, gây sức ép lên tỷ giá, lãi suất làm cho chi phí vốn của doanh nghiệp tăng cao hơn”, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại phân tích và cho rằng “chúng ta phải luôn cập nhật tình hình, suy nghĩ nhiều chiều, độc lập.…”.

Cũng theo đánh giá của VEPR, doanh nghiệp đang có điều kiện phát triển thuận lợi khi Chính phủ thể hiện rõ quyết tâm cải cách thủ tục hành chính và môi trường kinh doanh. Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ trong năm 2016 được kỳ vọng sẽ giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết cũng như hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cần có thời gian để đạt được sự phối hợp và nhất trí giữa các cơ quan thực thi 2 nghị quyết này. Theo bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, điều hành của Chính phủ trong năm 2016 có chuyển biến tốt, nhưng còn hai điểm chưa ổn.

“Chuyển động chưa đều, mới ở cấp Chính phủ, còn các bộ, các địa phương chưa nhiều. Nếu có chuyển động, ví dụ ở Bộ Công thương mới chỉ là sửa một số văn bản sai, doanh nghiệp kêu quá nhiều, chứ chưa phải là thuận lợi hóa, mang lại cái mới.  Chính phủ cũng mới tập trung rà soát, tháo gỡ trước mắt, chưa có giải pháp căn cơ, lâu dài”.

Năm 2017 Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng  6,7%, lạm phát 4%. Nhiệm vụ khó khăn này đòi hỏi sự cải cách tốt hơn điều kiện kinh doanh và năng lực sản xuất trong nước, nâng cao sức cạnh tranh nhằm duy trì động lực tăng trưởng cho Việt Nam.