Phân loại công ty chứng khoán: Có tạo sân chơi chuyên nghiệp?

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa công bố dự thảo Quy chế hướng dẫn xếp loại công ty chứng khoán (CTCK) theo chuẩn CAMEL để lấy ý kiến của các thành viên thị trường, với những tiêu chí như: mức độ đủ vốn (C), chất lượng tài sản (A), chất lượng quản trị (M), khả năng sinh lời (E) và chất lượng thanh khoản (L). Việc soi quá kỹ các vấn đề còn vướng mắc trong thời gian qua khiến nhiều người lo ngại những quy định mới quá chuyên nghiệp khó áp dụng vào cho tất cả các thành viên trên thị trường.

Phân loại công ty chứng khoán: Có tạo sân chơi chuyên nghiệp?
Việc phân loại và đánh giá chất lượng các CTCK là cần thiết. Nguồn: internet

Theo dự thảo này, căn cứ các kỳ báo cáo tài chính soát xét và kiểm toán, CTCK sẽ được phân loại thành 5 nhóm để phục vụ công tác giám sát, quản lý. Các CTCK đang kinh doanh thua lỗ, bị thâm hụt vốn, không ổn định, thuộc diện tái cơ cấu sẽ bị siết chặt.

Siết chặt nhiều tiêu chí

Chiếu theo các tiêu chí trên, các CTCK phải báo cáo định kỳ về các chỉ tiêu an toàn tài chính, báo cáo tình hình quản trị công ty, công tác quản trị rủi ro. Trong đó, chỉ tiêu an toàn tài chính, nguồn vốn, chất lượng tài sản, khả năng sinh lời, tốc độ tăng trưởng doanh thu, khả năng thanh khoản và cả năng lực quản trị... đều phải công bố rộng rãi cho nhà đầu tư biết.

Với cách đánh giá mới này, lãnh đạo các CTCK buộc phải chứng minh năng lực mới có thể tồn tại trong bối cảnh cạnh tranh khắc nghiệt như hiện nay. Theo đó, ban lãnh đạo phải có kinh nghiệm, mức độ ổn định hệ thống công nghệ, quy trình… và hạn chế thay đổi số thành viên chủ chốt.

Đây là yếu tố răn đe rất lớn, chỉ cần phạm lỗi đến mức bị xử phạt thì chất lượng quản trị xem như không đạt hiệu quả. Điều đó buộc các CTCK phải tốt đều thì mới được đánh giá cao. Còn nếu yếu ở khâu nào chắc chắn sẽ bị tụt hạng, thậm chí bị loại ra khỏi cuộc chơi.

Hiện nay, Bộ tiêu chí CAMEL đang được dự thảo gồm 29 chỉ tiêu thành phần và chấm điểm từ 0 - 100. CTCK phải đảm bảo có tài sản tốt, vốn chủ sở hữu tăng so với vốn điều lệ, có mức sinh lời tối thiểu 5% trên doanh thu… Thậm chí, còn phải "so găng" với các đối thủ về thị phần, quy mô vốn… Khả năng tìm kiếm đối tác chiến lược cũng được cân nhắc kỹ.

Trong bối cảnh thị trường tăng giảm thất thường như hiện nay, nhiều CTCK đang bị thua lỗ thì việc tăng doanh thu hay lợi nhuận đã khó, chứ đừng nói đến đạt chuẩn tất cả các tiêu chí trên. Vì vậy, để áp dụng ngay lập tức thì sẽ có rất nhiều CTCK đối mặt với thách thức mới.

Ví dụ như để đạt 100 điểm, CTCK phải có tỷ lệ tăng trưởng doanh thu trung bình trong 3 kỳ báo cáo gần nhất trên 50%. Còn tăng trưởng dưới 30% thì chỉ được 60 điểm, dưới 10% sẽ đạt 30 điểm và không tăng trưởng thì không được điểm.

Thí dụ trong 6 tháng đầu năm 2013, doanh thu của các CTCK sụt giảm tới 30% so với cùng kỳ 2012. Các CTCK trong TOP 10 đều sụt giảm doanh thu mà nguyên nhân chủ yếu là thị trường sụt giảm, lãi suất ngân hàng giảm mạnh. Nếu áp dụng phương thức chấm điểm theo CAMEL thì 100% các CTCK đều đạt 0 điểm. Vì vậy, tiêu chí tăng trưởng cần quan tâm đến thực tế của thị trường.

Tách rời thực tiễn?

Một số tiêu chí về chất lượng quản trị gần như chỉ áp dụng cho những CTCK lớn có đối tác chiến lược hỗ trợ tài chính và/hoặc kỹ thuật. Còn các CTCK nhỏ không có đối tác chiến lược gần như giậm chân tại chỗ. Điều này buộc các CTCK phải thay đổi chính mình nhằm kêu gọi đối tác quốc tế có kinh nghiệm, có tiềm lực tài chính tham gia đầu tư, nếu không thì sẽ tụt hậu so với đối thủ.

Trong nhóm chỉ tiêu C về mức độ đủ vốn của CTCK, bao gồm tỷ lệ vốn chủ sở hữu/tổng tài sản; vốn chủ sở hữu/vốn pháp định và tỷ lệ an toàn tài chính. Để đạt được trên 80 điểm đối với toàn nhóm chỉ tiêu C, CTCK phải có tỷ lệ vốn chủ sở hữu/tổng tài sản từ 51% trở lên, vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng 1,5 lần vốn pháp định và tỷ lệ an toàn tài chính từ 180% trở lên.

Điều này cho thấy CAMEL sẽ siết chặt hơn điều kiện tài chính các CTCK so với quy định pháp lý hiện hành. Hiện số dư tiền mặt các CTCK khá lớn, các CTCK vẫn thận trọng với tự doanh, nên vẫn đảm bảo được chỉ tiêu này. Tuy nhiên, khi thị trường sôi động, hoạt động cung cấp vốn margin cho khách hàng bùng nổ thì đây cũng là yếu tố cần cân nhắc.

Để việc đánh giá chấm điểm các CTCK phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi khi áp dụng vào thị trường, nhiều chuyên gia cho rằng nên tập trung vào khả năng tài chính và chất lượng quản trị của CTCK.

Chỉ cần chứng minh được 2 yếu tố trên, các CTCK sẽ biết mình, biết ta, đồng thời giúp nhà đầu tư tin tưởng vào khả năng phát triển của từng CTCK. Còn nếu quá chú trọng vào đánh giá về kinh nghiệm quản trị, khả năng lãnh đạo có lẽ còn nhiều việc phải bàn.

Việc phân loại và đánh giá chất lượng các CTCK là cần thiết, nhưng vẫn cần phải nghiên cứu kỹ để các tiêu chí này phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao.