Phát triển tài chính toàn diện trong bối cảnh hiện nay

ThS. Phạm Thị Ánh Phượng - Ngân hàng Nhà nước

Tài chính toàn diện được coi là trụ cột quan trọng của tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo bền vững. Tài chính toàn diện cũng là chủ đề được ưu tiên thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 và các hội nghị liên quan vừa được tổ chức tại Việt Nam. Thời gian qua, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách và hoạt động trong khuôn khổ tài chính toàn diện như phát triển tài chính vi mô, thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người dân… qua đó thúc đẩy tài chính toàn diện phát triển, đóng góp nhiều hơn cho giảm nghèo, phát triển kinh tế toàn diện và bền vững.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Xu hướng tài chính toàn diện trên thế giới hiện nay

Chưa bao giờ vấn đề nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính hay hiểu một cách đơn giản hơn là tài chính toàn diện lại được đề cập đến nhiều như hiện nay. Tài chính toàn diện là tất cả việc cung cấp các dịch vụ tài chính chính thức (thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm) một cách thuận tiện, phù hợp với nhu cầu và với chi phí hợp lý tới tất cả người dân.

Tài chính toàn diện không chỉ giới hạn trong việc cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng, mà bao gồm cả nâng cao hiểu biết về tài chính cho người dân và bảo vệ người tiêu dùng. Tài chính toàn diện đặc biệt chú trọng đến nhóm cá nhân và tổ chức chưa được tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng, người dân có thu nhập thấp, người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), doanh nghiệp vi mô (DNVM).

Trong bối cảnh ứng dụng công nghệ số đang ngày càng được chú trọng, tài chính toàn diện sẽ có cơ hội phát triển khi mà các tổ chức tín dụng có thể phát triển các kênh cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử, xóa nhòa các rào cản về không gian và thời gian, cho phép cung cấp dịch vụ tài chính với chi phí rẻ hơn, tạo điều kiện cho người nghèo, người ở khu vực vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận dịch vụ ngân hàng mọi lúc, mọi nơi, giúp họ cải thiện đời sống...

Thời gian gần đây, nhận thấy tài chính toàn diện là một trong các yếu tố giúp hỗ trợ giảm nghèo, phát triển kinh tế toàn diện và bền vững, các quốc gia và tổ chức quốc tế lớn đều coi tài chính toàn diện là trọng tâm ưu tiên.

Cụ thể, Liên Hợp Quốc thông qua Quỹ Đầu tư Phát triển Liên hợp quốc đã tập trung triển khai một loạt chương trình và sáng kiến như: Chương trình Xây dựng mô hình chuyển đổi tài chính toàn diện nhằm hỗ trợ các nước trong khu vực ASEAN giải quyết khó khăn trong việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính, đặc biệt hướng tới đối tượng là phụ nữ và doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hay Chương trình Tăng cường tiếp cận tài chính (MAP) nhằm hỗ trợ cá nhân và các DNNVV và DNVM, mở rộng tiếp cận dịch vụ tài chính thông qua các hoạt động đối thoại chính sách, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng lộ trình/kế hoạch hành động về tài chính toàn diện của mỗi quốc gia.

MAP hiện là kênh đối thoại, hợp tác về tài chính toàn diện giữa các cơ quan của Liên hợp quốc. Ngoài ra, còn phải kể đến Chương trình toàn cầu về Thanh toán không dùng tiền mặt nhằm hỗ trợ các quốc gia thúc đẩy thanh toán điện tử trên phạm vi toàn quốc, giúp nhiều thành viên trong xã hội có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính – ngân hàng chính thống an toàn, hiệu quả với chi phí thấp hơn.

Ngân hàng Thế giới hiện đã đưa ra tầm nhìn cho Chương trình tăng cường cơ hội tiếp cận Tài chính toàn cầu tới năm 2020, trong đó tập trung hỗ trợ các quốc gia tăng cường cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính chính thống cho cá nhân thông qua tăng số lượng tài khoản giao dịch để tăng tỷ lệ gửi tiền và giao dịch qua tài khoản ngân hàng.

Chương trình ưu tiên vào 25 quốc gia ưu tiên (trong đó có Việt Nam) với mục tiêu thúc đẩy tài chính toàn diện, trong đó, tập trung vào ba nền tảng chính – cam kết chính trị, môi trường pháp luật - thể chế và hạ tầng thanh toán/công nghệ thông tin và truyền thông.

Tháng 6/2010, các nhà lãnh đạo G20 đã đưa ra 9 nguyên tắc cho tài chính toàn diện và đây cũng là những trọng tâm của kế hoạch hành động Nhóm G20. Tại khu vực ASEAN, các quốc gia thành viên cũng coi tài chính toàn diện là một trong ba trụ cột của Tầm nhìn ASEAN 2025 về hội nhập tài chính và đã thành lập Nhóm công tác về tài chính bao trùm để thúc đẩy lĩnh vực này trong khu vực…

Đặc biệt, kể từ khi được đưa vào là một trong những trụ cột trong hợp tác tài chính APEC (năm 2010), đến nay tài chính toàn diện được nhiều nước chủ nhà APEC quan tâm và ưu tiên.

Tại các hội nghị APEC được tổ chức hàng năm, các nền kinh tế đã chia sẻ kinh nghiệm nhằm mục đích cuối cùng là xây dựng và thực thi có hiệu quả một Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện phù hợp cho riêng mình, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Tại sự kiện Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 vừa qua, tài chính toàn diện là một trong 4 nội dung hợp tác ưu tiên.

Trong đó, chủ đề được tập trung thảo luận là về phát triển thị trường tín dụng và các sản phẩm dịch vụ tài chính nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp và nông thôn, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, tái cơ cấu và phát triển một nền nông nghiệp có chất lượng. Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017, Diễn đàn APEC về tài chính toàn diện lần thứ 7 cũng đã tập trung vào việc định hướng tài chính toàn diện phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.

Nhiều nội dung liên quan đến tài chính toàn diện đã đưa ra thảo luận như: Việc xác định đúng đắn phạm trù tài chính toàn diện; Thực trạng triển khai các ứng dụng kỹ thuật số trong lĩnh vực này; Giáo dục tài chính nhằm nâng cao hiệu quả nhận thức của người dân trong tiết kiệm và đầu tư; Phát triển bảo hiểm vi mô… qua đó thúc đẩy một nền tài chính toàn diện năng động, bền vững trong các nền kinh tế thành viên APEC.

Cơ hội và thách thức đối với tài chính toàn diện ở Việt Nam

Nhận thức được tầm quan trọng của tài chính toàn diện đối với phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách và hoạt động trong khuôn khổ tài chính toàn diện như phát triển tài chính vi mô, thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người dân…

Tài chính toàn diện cũng trở thành một trong những mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam tập trung và đã có nhiều chương trình và hoạt động để thúc đẩy tài chính toàn diện, điển hình như Quyết định 1726/QĐ-TTg phê duyệt đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành vào ngày 5/9/2016. Thủ tướng Chính phủ giao NHNN xây dựng Dự thảo khung chiến lược quốc gia tài chính toàn diện dự kiến trình Thủ tướng thông qua vào năm 2020.

Trong đó, mục tiêu tổng quát của chiến lược này là phấn đấu đảm bảo tất cả người dân và DN, nhất là người dân ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các DNNVV có quyền tiếp cận và sử dụng hiệu quả các sản phẩm, dịch vụ tài chính chính thức, phù hợp với nhu cầu, có chất lượng, tiện lợi, nhanh chóng với mức chi phí hợp lý trên cơ sở phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, hiệu quả và bền vững.

Ngoài ra, NHNN - cơ quan được Chính phủ giao chủ trì điều phối tài chính toàn diện tại Việt Nam và xây dựng Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện cũng đã phối hợp chặt chẽ với các đối tác quốc tế, các nền kinh tế thành viên APEC triển khai các nội dung hợp tác, trong đó có nội dung về giáo dục tài chính và bảo vệ người tiêu dùng.

NHNN tích cực tham gia các chương trình, diễn đàn hợp tác về tài chính toàn diện của Quỹ Đầu tư phát triển Liên hợp quốc; Tiến hành thủ tục tham gia Liên minh tài chính toàn diện; Triển khai các chương trình, dự án về tài chính toàn diện của WB/Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); Tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và kiến thức về tài chính toàn diện, đồng thời tích cực hoàn thiện lộ trình xây dựng Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện...

So với các nước đang phát triển, Việt Nam được đánh giá có một số lợi thế nhất định trong triển khai tài chính toàn diện như nền tảng công nghệ thông tin (đặc biệt là tỷ lệ người dùng internet và thiết bị thông minh tăng nhanh), độ bao phủ trên diện rộng các dịch vụ kỹ thuật số, sự phát triển mạnh mẽ của các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính, sự hỗ trợ tích cực của các đối tác phát triển quốc tế...

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức khi xây dựng và triển khai chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, cụ thể: Nhận thức chung của xã hội về tài chính toàn diện chưa đầy đủ; Chưa có cơ chế đảm bảo sự cam kết theo đuổi và thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện về tài chính toàn diện ở Việt Nam, đảm bảo sự tham gia của tất cả các bên liên quan; Cơ sở dữ liệu về tiếp cận tài chính còn thiếu, chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính toàn diện; Cơ sở hạ tầng tài chính còn thiếu và chưa được kết nối đồng bộ; Nền tảng đảm bảo an ninh mạng...

Bên cạnh đó, còn phải kể đến các rào cản như: Tỷ lệ người nghèo chưa được tiếp cận các nguồn tín dụng và dịch vụ tài chính chính thức còn cao; Sự chênh lệch giàu nghèo và sự khác biệt trong phát triển giữa các vùng miền; Mức độ nhận thức và phổ cập giáo dục tài chính của người dân; Văn hóa và thói quen sử dụng dịch vụ tài chính chính thức…

Giải pháp thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam

Trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện, cần chú trọng một số vấn đề sau:

Thứ nhất, cần phải nâng cấp hạ tầng công nghệ tương thích với nền tảng tài chính số, đồng thời có chính sách đào tạo nâng cao chất lượng nhân sự có khả năng vận hành và làm chủ hệ điều hành, cơ sở dữ liệu ngày càng phức tạp.

Thứ hai, thực tiễn cho thấy, việc ứng dụng công nghệ số để đạt được mục tiêu tài chính toàn diện là một xu hướng tất yếu. Để có thể đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam, trong thời gian tới, NHNN cần tiếp tục rà soát hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử trên nền công nghệ hiện đại như điện toán đám mây, thiết bị di động, phân tích dữ liệu lớn và mạng xã hội…

Tiếp tục thúc đẩy hợp tác, tận dụng khả năng công nghệ của các công ty công nghệ tài chính để phát triển và cung cấp các dịch vụ ngân hàng tiện lợi, nhanh chóng với chi phí thấp đến đại bộ phận người dân.

Thứ ba, chú trọng đến vấn đề an ninh công nghệ thông tin. Xu hướng chung cho thấy, các chủ thể tham gia thúc đẩy tài chính toàn diện không chỉ giới hạn ở những nhà cung cấp dịch vụ tài chính truyền thống là các ngân hàng và tổ chức phi ngân hàng, mà còn có những công ty Fintech.

Điều này đặt ra thách thức về quản lý, giám sát và rủi ro bảo mật thông tin, an toàn hệ thống. Do vậy, với chức năng quản lý nhà nước đối với hệ thống ngân hàng, NHNN cần xây dựng môi trường pháp lý lành mạnh, vững chắc, đảm bảo an toàn đối với dịch vụ tài chính, bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng…

Thứ tư, làm tốt công tác tuyên truyền và giáo dục tài chính để làm thay đổi nhận thức của người dân về tài chính toàn diện. Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng chương trình tài chính toàn diện phổ cập cho học sinh phổ thông từ cấp 1 đến cấp 3 và dự kiến bắt đầu triển khai từ năm 2018.

Ngoài ra, NHNN cũng đã phối hợp cùng Đài Truyền hình Việt Nam triển khai xây dựng và phát sóng chương trình hàng tuần “Những đứa trẻ thông thái” chuyên đề về giáo dục tài chính dành cho trẻ em. Dự kiến, cùng với sự hợp tác của một số đối tác quốc tế, Việt Nam cũng đang từng bước đưa giáo dục tài chính vào chương trình giảng dạy trong nhà trường.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện. Với vai trò đầu mối, NHNN cần tiếp tục tăng cường tham gia vào các chương trình, diễn đàn quốc tế về tài chính toàn diện, đẩy mạnh hợp tác về tài chính toàn diện trong khuôn khổ APEC, ASEAN và với các đối tác phát triển như WB, ADB, UN nhằm huy động và tận dụng nguồn lực kỹ thuật và tài chính để triển khai tài chính toàn diện thành công tại Việt Nam.        

Tài liệu tham khảo

1. Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính (2017), Tài liệu tài chính toàn diện tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017;

2. Hà Thành (2017), Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, Thời báo Ngân hàng;

3. Công Bính (2017), Diễn đàn APEC về tài chính toàn diện lần thứ 7 tổ chức tại Hội An; Báo Dân trí;

4. Minh Khuê (2017), Khi công nghệ số là đòn bẩy cho tài chính toàn diện, Thời báo Ngân hàng.