Phát triển và phân bố các ngành sản xuất, kinh doanh trong quy hoạch vùng

TS. Kim Quốc Chính

Việc phát triển và phân bố các ngành sản xuất, kinh doanh (SXKD) trong quy hoạch vùng ở nước ta đang gặp phải một số vướng mắc, nhất là trong quá trình triển khai thực hiện. Khắc phục vấn đề này cần được đặt trong tổng thể đổi mới hệ thống quy hoạch và trong quá trình xây dựng Luật Quy hoạch hiện nay.

Phát triển và phân bố các ngành sản xuất, kinh doanh trong quy hoạch vùng
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Một số vấn đề đang đặt ra

Ở hầu hết các nước hiện nay, trừ một số ít ngành SXKD đặc biệt, sử dụng nhiều tài nguyên, ảnh hưởng lớn đến môi trường, an sinh xã hội hoặc do nhà nước trực tiếp đầu tư… còn lại đều phải được phát triển theo cơ chế thị trường và điều chỉnh bằng chính sách, pháp luật. Vì vậy, trong quy hoạch phát triển vùng chủ yếu chỉ đề cập đến quy hoạch không gian hoặc quy hoạch sử dụng đất. Ngoài ra, có thể có thêm nội dung về phát triển các cụm ngành (Industry Clusters).

Ở Việt Nam, việc phát triển và phân bố các ngành SXKD trong quy hoạch vùng đang được thực hiện theo Nghị định 92/2006/NĐ-CP, ngày 07/9/2006 về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Trong thực tế  triển khai đang nổi lên một số vướng mắc, hạn chế:

- Phạm vi nội dung nghiên cứu đối với yêu cầu, nhiệm vụ về phát triển và phân bố các ngành SXKD trong quy hoạch vùng chưa được xác định rõ, gây ra những vướng mắc trong thực hiện, đồng thời làm nảy sinh tình trạng có sự lặp lại giữa quy hoạch vùng và quy hoạch phát triển ngành trên cùng một địa bàn và giữa các quy hoạch vùng ở các cấp hành chính khác nhau (vùng, tỉnh, huyện).

- Nội dung nhiệm vụ về phát triển và phân bố các ngành SXKD trong quy hoạch vùng còn mang tính kế hoạch hóa tập trung. Có những nội dung không cần thiết, gây quá tải cho lập quy hoạch, trong khi đã có các quy hoạch phát triển ngành như yêu cầu luận chứng phương hướng phát triển và phân bố các sản phẩm chủ lực. Có nội dung đặt ra chưa hoàn toàn phù hợp theo cơ chế vận hành và quản lý nền kinh tế thị trường ở nước ta như yêu cầu luận chứng và lựa chọn phương hướng phát triển các ngành SXKD chủ lực của vùng.

- Việc phát triển và phân bố các ngành SXKD trong quy hoạch vùng hiện còn thiếu một số nội dung quan trọng, như: quy hoạch không gian hoạt động SXKD, quy hoạch phát triển cụm ngành theo lãnh thổ. Đây vừa là nhu cầu thực tế đang đặt ra về lập quy hoạch, vừa là yêu cầu nhiệm vụ cần thực hiện để đảm bảo tính thống nhất trong quy hoạch vùng. Hiện tại, Nghị định 92/2006/NĐ-CP không yêu cầu quy hoạch không gian hoạt động SXKD, mà chỉ yêu cầu luận chứng phương hướng phân bố các ngành chủ lực. Như vậy, nhiều ngành SXKD khác chưa được xác định không gian phát triển trong vùng sẽ gặp khó khăn, vướng mắc.

Định hướng nội dung nhiệm vụ

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, cần điều chỉnh bổ sung nội dung nhiệm vụ về phát triển và phân bố các ngành SXKD trong quy hoạch vùng. Việc điều chỉnh cần đặt trong tổng thể đổi mới hệ thống quy hoạch ở Việt Nam, trước hết là trong mối quan hệ với các quy hoạch phát triển ngành. Có 2 hướng điều chỉnh có thể lựa chọn:

Hướng thứ nhất, điều chỉnh nội dung nhiệm vụ phát triển và phân bố các ngành SXKD trong quy hoạch vùng, chủ yếu tập trung vào quy hoạch phát triển không gian hoạt động SXKD. Đối với các nội dung quy hoạch khác về phát triển ngành SXKD chuyển sang cho các quy hoạch phát triển ngành ở cùng cấp độ phạm vi với quy hoạch vùng.

Hướng thứ hai, về cơ bản tiếp tục nhiệm vụ phát triển và phân bố các ngành SXKD trong quy hoạch vùng theo Nghị định 92/2006/NĐ-CP, nhưng điều chỉnh, bổ sung nội dung cho có trọng tâm hơn, và phân tách rõ với yêu cầu nhiệm vụ của các quy hoạch ngành.

Trong điều kiện nước ta hiện nay, lựa chọn hướng thứ hai phù hợp hơn với thực tế nhu cầu lập quy hoạch. Theo hướng này, đối với việc phát triển và phân bố các ngành SXKD trong quy hoạch vùng cần tập trung vào 03 nội dung nhiệm vụ chủ yếu:

Một là, xác định các ngành SXKD khuyến khích, ưu tiên phát triển (ngành đã có và chưa có). Gồm các ngành SXKD có tầm ảnh hưởng quan trọng về giải quyết các vấn đề xã hội, tài nguyên môi trường, quốc phòng - an ninh và các ngành có lợi thế so sánh thu hút đầu tư để trở thành mũi nhọn của vùng. Đối với mỗi ngành cần có dự kiến: các sản phẩm chủ yếu, quy mô SXKD (sản lượng, giá trị sản xuất), các khu vực sử dụng đất ưu tiên dành cho hoạt động SXKD tập trung. Dự kiến hình thành, phát triển các cụm ngành liên quan đến các ngành SXKD có tính chuyên môn hóa hoặc ngành mũi nhọn của vùng.

Tùy theo quy hoạch vùng ở các cấp (vùng, tỉnh, huyện), việc xác định các ngành SXKD khuyến khích, ưu tiên phát triển phải gắn với Danh mục hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam được cấp có thẩm quyền phê duyệt (hiện gồm 05 cấp ngành). Đối với quy hoạch vùng, tùy từng trường hợp cần xác định trong phạm vi giới hạn từ ngành kinh tế cấp 2 đến cấp 3. Quy hoạch tỉnh giới hạn từ ngành kinh tế cấp 3 đến cấp 4, quy hoạch ngành cấp tỉnh giới hạn từ ngành kinh tế cấp 4 đến cấp 5 và chỉ lập quy hoạch trong từng trường hợp thu hút đầu tư phát triển cụ thể. Quy hoạch huyện giới hạn từ ngành kinh tế cấp 4 đến cấp 5, không lập quy hoạch phát triển ngành SXKD cấp huyện, trường hợp cần thiết chỉ lập quy hoạch trong khuôn khổ chương trình, dự án đầu tư phát triển.

Ví dụ, công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành kinh tế cấp 1 nếu xác định ưu tiên phát triển ở một vùng phải xác định đến ngành cấp 2 (công nghiệp sản xuất thiết bị điện...); đối với quy hoạch cấp tỉnh phải xác định đến ngành cấp 3-4 (công nghiệp sản xuất máy phát điện, biến thế điện và thiết bị phân phối điều khiển điện…); đối với quy hoạch cấp huyện phải xác định cụ thể đến ngành cấp 5 (sản xuất thiết bị phân phối và điều khiển điện…).

Hai là, quy hoạch phát triển hệ thống các khu SXKD tập trung ưu tiên phát triển (được xây dựng hạ tầng đồng bộ và cơ chế chính sách quản lý có khác với điều kiện thông thường) để thu hút đầu tư có chọn lọc, như: hệ thống khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu nông nghiệp công nghệ cao, khu sản xuất nông sản thực phẩm sạch, khu du lịch, khu dịch vụ thương mại...

Nội dung nhiệm vụ quy hoạch tập trung vào việc xác định địa điểm, quy mô diện tích, chức năng, sản phẩm chính dự kiến của các khu SXKD tập trung, và được cụ thể hóa theo từng cấp độ phạm vi quy hoạch. Ví dụ, về quy hoạch địa điểm phát triển khu công nghiệp, đối với quy hoạch vùng xác định đến phạm vi cấp huyện, quy hoạch tỉnh xác định đến phạm vi cấp xã, quy hoạch huyện xác định đến phạm vi cấp thôn, tiếp theo là quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp.

Về nguyên tắc có thể xác định, đối với các khu SXKD tập trung thuộc cấp nào quản lý trực tiếp thì cấp đó phải lập quy hoạch phát triển ban đầu, làm cơ sở cho các quy hoạch khác. Ví dụ, đối với cụm công nghiệp thuộc cấp huyện quản lý trực tiếp, khi lập quy hoạch huyện phải có quy hoạch phát triển ban đầu cụm công nghiệp. Đối với một số trường hợp đặc biệt, quy hoạch phát triển ban đầu khu SXKD tập trung cần được lập ở cấp cao hơn cấp quản lý trực tiếp. Ví dụ, đối với khu kinh tế cần phải lập quy hoạch phát triển ban đầu ở cấp quốc gia, khu công nghiệp cần phải lập quy hoạch phát triển ban đầu ở cấp vùng, quy hoạch cấp tỉnh chỉ cụ thể hóa.

Ba là, quy hoạch phát triển không gian các hoạt động SXKD trong phạm vi vùng. Cần chú trọng đối với các hoạt động SXKD có nguy cơ tác động nhiều đến môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên, ảnh hưởng văn hóa xã hội và các hoạt động SXKD tập trung được ưu tiên phát triển. Trong quy hoạch, có thể phân thành các loại không gian, như: không gian công nghiệp (không gian công nghiệp sạch, công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, công nghiệp khác…), không gian ưu tiên nông nghiệp (trồng trọt, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản…), không gian ưu tiên du lịch, dịch vụ thương mại…

Quy hoạch không gian SXKD là một trong những cơ sở để lập quy hoạch phát triển không gian và quy hoạch sử dụng đất của vùng, được thể hiện trong bản đồ quy hoạch phát triển không gian vùng. Việt Nam hiện tại chưa có hệ thống quy hoạch không gian, vì vậy, cần nhanh chóng xây dựng và bổ sung vào hệ thống quy hoạch chung của cả nước. Trên cơ sở đó, việc quy hoạch phát triển không gian, bao gồm cả quy hoạch không gian SXKD, trong quy hoạch vùng ở các cấp mới được thực hiện đồng bộ và có hiệu quả cao.